Tản văn về cảnh sắc vùng miền

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 84 - 95)

Chương 2 TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI

3.1 Tản văn về cảnh sắc vùng miền

Cảnh sắc thiên nhiên trên mọi miền tổ quốc là dòng cảm hứng chủ đạo của tản văn thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XXI, đề tài này tiếp tục được tản văn khai thác nhưng có những mới mẻ nổi bật so với trước đó. Nếu như ở thế kỷ XX, những trang tản văn dừng lại ở việc miêu tả vẻ đẹp tự nhiên của cảnh sắc thì đầu thế kỷ XXI, cảnh quan được miêu tả với đầy đủ sự phức tạp của trạng thái cảnh quan. Khái niệm quê hương, đất nước trong mỗi con người gắn liền với không gian sinh sống nên nhiều tập tản văn đầu thế kỷ XXI mở rộng góc quan sát, nhìn nhận không gian tự

nhiên với tư cách môi trường sống hiện thực của con người, có những điều tốt đẹp bên cạnh những hạn chế, gợi những trăn trở.

3.1.1 Cảnh sắc chốn làng quê

“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê” (Hoài Thanh) bởi ẩn ức làng quê hiện hữu tự nhiên trong mỗi người, nó gắn với cảm giác thanh sơ, bình yên.

Trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều, người đọc được sống trong không gian xanh của một vùng quê điển hình cho những làng quê Bắc Bộ. Những cánh đồng hoa cải trắng, không khí sớm mai trong vắt, màu xanh ngợp mắt của vườn tược đồng áng. Nhất là khoảnh khắc “làng quê yên tĩnh trong đêm. Chỉ có tiếng gió xào xạc thổi qua những vòm lá trong vườn và tiếng chó sủa rấm rứt (…) tiếng một con dế kêu âm ỉ trong một bụi cỏ đâu đấy” (Có một kẻ rời bỏ thành phố ) Trong nhiều tản văn, cánh đồng, thảm cỏ trở thành biểu tượng cho tiếng nói riêng của đồng ruộng màu mỡ, chất phác; là sự biểu đạt không gian đất trời phóng khoáng; là sự

bình yên và thơ mộng; là trong trẻo không vướng bụi bặm chốn đô thị. Sau bấy nhiêu cảm giác bị đọa đày nơi phố phường, nhân vật tôi trong Có một kẻ rời bỏ thành phố (Nguyễn Quang Thiều) để men theo “một con đường chạy thẳng ra cánh

đồng… một cánh đồng liền với chân trời”. Con người khác biệt đó “ra đi như một kẻ cô độc tìm đến một chia sẻ, một vị tha và một đức tin”, rời bỏ thành phố về làng quê hòng tìm kiếm Mùi của ký ức. Những điều tốt đẹp đó nằm ở phía cuối con đường, một ngôi làng nhỏ đứng trên “đất đai nâu thẫm” và được bao quanh bởi cánh đồng “ngũ cốc vàng ấm”, quanh năm có “ngọn gió chứa trong nó mọi hương thơm”

của cỏ cây hoa lá đất đai, ngôi làng bồng bềnh giữa “một bản thánh ca của thiên nhiên kỳ vĩ”, phía trên cao là “ những đám mây tinh khiết của mùa thu trôi lộng lẫy và vĩnh hằng”, dưới đôi chân trần là những vạt cỏ xanh “dịu dàng thẳm sâu”…

Cũng sinh ra ở một vùng quê trung du Bắc Bộ, tập tản văn Ngọn khói quê nghèo của tác giả Đức Dũng cho người đọc cảm giác êm đềm mặc dù cuộc sống người dân quê thật nghèo. Tiếng chim tu hú, đom đóm như muôn vàn ngôi sao nhấp nháy khắp sân vườn, hoa gạo rắc đỏ nương đồi, mùa hoa phượng, mùa lá rụng, làng quê trung du với những rừng cọ, đồi chè lúp xúp, những nương ngô, bãi sắn, với cả những “sóng lúa mênh mông cuộn đổ về”. Trên nền cảnh buồn và đẹp ấy là những mảnh đời leo lét như ngọn Đèn quê, họ nhỏ bé đổ bóng trên Đường quê những ngày đông hay trên những Mảnh sân quê ngày nắng, họ lặng lẽ như ngọn khói vương những nếp nhà vào lúc chiều buông …

Tập tản văn Sương khói quê nhà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại xây dựng cảnh sắc vùng đất Quảng Nam trong nỗi nhớ của người con ngóng vọng về quê nhà từ mảnh đất Sài Gòn sôi động như sự tìm kiếm tĩnh lặng trong những thước phim đen trắng của hồi ức. Quảng Nam trong tim Nguyễn Nhật Ánh là một vùng quê với không khí trong lành, mát mẻ, mùi thơm trái thị, những cơn mưa bất chợt và cả những con thuyền giấy trôi lững lờ theo dòng nước. Ở đó còn có những người bạn cũ: bạn học, bạn chơi, bạn văn, bạn thơ... đang vui đùa cùng nhau.

Hành trình vui vẻ đó chỉ còn trong ký ức. Tập sách đem lại cảm giác thân quen ngay cả với những bạn đọc xứ Bắc hay Nam, bởi không cứ gì ở Quảng Nam, ở làng quê nào trên đất nước này chẳng có những cánh đồng lúa xanh, thảm có xanh, những thân dừa thân cau vươn mình quần quật trước gió chiều và từ xa, chỉ cần nhìn thấy khói bay lên từ mỗi vuông nhà đã thấy lòng thắt lại vì yêu và thương, nhớ quê nhà vô cùng.

Trong tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, toàn cảnh miền đất phía Tây Nam Bộ được lưu lại vẹn nguyên. Chỉ cần đọc tản văn của chị, gấp sách lại rồi hình dung là

độc giả đã rời phố tấp nập để về vùng sông nước chằng chịt, rừng rậm hoang sơ, đẹp và nghèo. Những cánh đồng tít tắp, dòng kênh xanh chảy chậm, lục bình trôi cũng chậm, hoa ô môi bông đỏ, tiếng bìm bịp “hui hút” trong những bụi dừa nước ven sông … Dáng dấp đất Cà Mau nằm ở những con đường luôn có sông hoặc con kinh “rượt đuổi, trông theo mình”. Với Nguyễn Ngọc Tư, Cà Mau là “một vùng đất mới khai phá, không có cái nền văn hóa dày và sâu, nằm xa những trung tâm văn hóa, kinh tế lớn” nhưng có lẽ vì thế mà vùng đất đó còn lưu lại dấu vết nguyên bản thời nồng nàn hoang dại. Nên cảnh trí trong tản văn của chị vừa bình dị lại vừa nên thơ bởi sự nguyên sơ như thuở thoát thai, chỉ là “một cái xóm nhỏ ngó ra con kinh nghiêng chắt nước lên đồng. Không gian sống động đến nỗi có thể ngửi được mùi hương của bông súng nở trong đìa, tiếng con chim tu hú bọi bầy tao tác, cá quẫy dưới váng bèo. Trên bờ vườn, dưới ao, mấy bầy gà, bầy vịt ta thong dong bới tìm mồi trong rào sậy” (Yêu người ngóng núi). Chằng chịt kênh rạch, bông súng bông lau cá linh vào mùa nước lớn; bầy tu hú, gà, vịt; những rơm rạ xôn xao ngày mùa;

những lau sậy “vươn cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu, chảy thành dòng sông rập rờn trong gió” (Bánh trái mùa xưa). Quê cũng không thiếu “những ngôi nhà in sẫm buổi sớm mai” mà chỉ cần nhìn ra phía trước sân nhà

thấy hoa mồng gà, hoa cúc vạn thọ cũng đủ thấy lòng bình yên.

Làng quê ở bất cứ vùng miền nào cũng giống nhau ở không gian thiên nhiên có sự sống trong lành, con người chất phác, đời sống giản dị. Làng quê không chỉ đóng vai trò quan trọng như đất đai gốc gác máu mủ, đẹp như mơ và trong veo như sương sớm mai treo đầu ngọn cỏ, mà hơn hết, làng là cõi đi về để mỗi người đều tìm thấy sự ấm nồng của thân thiện, gắn bó. Người trong một làng gắn bó với nhau tới mức “sự thật là mỗi khi có một người làng bỏ quê đi lâu quá trở về thì cả làng mừng như người đó chết rồi nay đột ngột sống lại”. Con người làng quê còn đẹp, vẻ đẹp lấm láp và ám khói rơm rạ, vì họ sống chung với vất vả mưu sinh trên đồng ruộng nên với tác giả Đức Dũng, thật khó để quên hình ảnh “trên mảnh sân quê này… Giữa trưa hè nắng chói chang, bàn chân thô ráp của người nông dân luồn sâu

vào từng lớp lúa hột, từ ấm nóng đến bỏng rát. Sân quê vì thế còn phơi cả nỗi nhọc nhằn, thấm đẫm những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ cha ta, anh chị ta, của cả chính ta thời ấu thơ, đèn sách và bao bóng hình thế hệ sau nối tiếp” (Mảnh sân quê).

Đặt không gian đời sống làng quê bên cạnh không gian thành thị mới hiểu vì

sao nhiều người có xu hướng vượt thoát khỏi thành phố giống nhân vật tôi trong một kẻ rời bỏ thành phố (Nguyễn Quang Thiều). Nhà văn viết về làng, nhưng thực chất nhà văn đang viết về những giấc mơ của đời người. Con người khi đủ trưởng thành để nhận biết, để nhìn thấy sự thoảng qua của cái đẹp, sự hữu hạn của đời sống, họ càng muốn tìm lại những giấc mơ đã mất. Làng chính là nơi một người có thể tìm lại những giấc mơ của mình. Họ thấy mình cả trong quá khứ và cả trong tương lai. Điều đáng tiếc là không gian làng quê cũng không hẳn giữ được vẹn nguyên sự bình yên và trong lành. Có sự xâm lăng của đô thị khiến làng quê bị mai một các giá trị văn hóa cổ truyền. Sự mai một diễn ra lặng lẽ nhưng bền bỉ và mạnh.

Bắt đầu từ sự khai tử đầm sen ở làng, không còn những đêm người làng ngồi trên sân để đón những ngọn gió từ đầm sen ướp đầy hương thơm thổi về và nói những câu chuyện xúc động về làng mình, về người làng mình. Và “nông thôn giờ khó kiếm được góc máy nào không bị vướng dây điện với nhà mái bằng”. Tình trạng phổ biến ở các làng thời công nghiệp hóa là đàn ông, thanh niên rời làng lên phố đi làm thuê; làng còn lại toàn người già và trẻ con trông nhau; nhà nào cũng ‘trống toang”; đàn bà làm mọi việc từ cấy hái cho tới lo toan nội – ngoại giao. Đất quê chỉ

“cho đủ ăn, chứ không thỏa mãn được những giấc mơ ngày càng phức tạp, cao vợi”

thế nên nhiều người ở làng quê ôm giấc mộng đổi đời, rời khỏi làng về phố thị, có người đổi đời thành công thâm nhập vào đô thị nhưng phần lớn họ lại lầm lũi trở về quê với nhàu nhĩ tuyệt vọng. Tản văn hôm nay viết về giấc mơ hồi hương không có nghĩa là vec- tơ tinh thần chỉ có một chiều: rời phố thị - về làng quê; có điều, tản văn viết về giấc mơ lên phố không nhiều. Phải chăng mơ về vùng quê bình yên là

dược pháp của con người hiện đại?

Tản văn hiện đại không chỉ nói về cảnh sắc những ngôi làng nhỏ đồng bằng, mà còn có một mảng tản văn gợi lên cảnh sắc của những bản, làng vùng cao. Các tập tản văn của nhà thơ Y Phương, nhà văn Đỗ Bích Thúy đều có những dòng văn

thật buồn ngay cả khi miêu tả vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao phía Đông Bắc Bộ.

Trùng Khánh, Cao Bằng trong tản văn Y Phương là vẻ đẹp núi rừng xanh mướt trong những mùa khác nhau; vẻ đẹp kiên cường, rắn rỏi của núi đá; màu xám lạnh bình thản trước mọi biến động của đời sống; màu xanh nước chàm nhuộm vải trong những giếng cổ của người Tày; thứ hương lạ lùng của hoa lá cỏ cây bao bọc căn nhà

cũ mỗi sớm mai; ánh nắng chiếu xuyên một ô thủng nhỏ trên căn gác gỗ; tiếng bầy chim ráo rốt quanh nhà; những vạt cỏ đẫm sương đêm… Trùng Khánh lấp lánh đá

thô, đẹp tựa tranh thủy mặc với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn, những đồng lúa như con sóng đuổi dập dờn dưới chân núi cao ngất. Tất cả làm thành một bản hợp ca trong vắt của rừng núi khiến người viết thân ở phố thị mà hồn đã lưu lại ở Trùng Khánh, mỗi ngày đi qua là mỗi ngày bồi đắp thêm khát khao về ở căn nhà của ông bà cha mẹ… Ba tập tản văn của Đỗ Bích Thúy là những bước chân kiên nhẫn qua những phố cổ Đồng Văn, cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, huyện nhỏ Hoàng Su Phì, những phiên chợ tình nổi tiếng của người vùng đá như chợ tình Khau Vai. Qua lăng kính nhỏ của cô bé người vùng xuôi ngắm nhìn rừng núi từ căn gác áp mái, “cả một triền núi cao, dài dặc ven sông được nhuộm kín một màu vàng ươm, dường như ngửi thấy cả mùi lúa nương rất đặc trưng, và sau đó nữa là mùi cơm gạo mới ngọt lịm, đặc quánh. Triền núi ấy của người Dao Thúng Khiếng” (Trên căn gác áp mái). Vẻ đẹp thiên nhiên ở xóm Há Tủa Sò – xóm toàn người Mông “có những cây mận đang trổ hoa trắng muốt. Trời càng lạnh, sương mù càng dày thì cánh hoa càng trắng, trắng xanh, vài nhánh lá đang le lói đâm ra. Mùa hè, mận chín rụng đầy đường (…) hoa mận ở đây dường như đã trắng đến tột bậc, cánh hoa dày và khỏe khoắn, bọc kín các đầu cành mảnh mai” (Hoa vàng mấy độ).

Những cung đường quanh co lưng chừng trời, bản làng bốn mùa chìm trong mây, núi non nối nhau trùng điệp, kỳ vĩ. Hà Giang nổi tiếng với những triền đá tai mèo trùng điệp, với những con đường hiểm trở; khí hậu của Hà Giang tương đối khắc nghiệt nhưng Hà Giang có rừng thông Yên Minh xanh mướt, những cây thông cao vút, rì rào trong gió núi; những ngôi nhà trình tường cổ kính của người Mông nằm yên bình giữa những thửa ruộng ngập tràn hoa tam giác mạch. Thung lũng Sủng Là trong Chuyện của Pao là “bông hoa giữa cao nguyên đá”, Sủng Là còn lưu giữ rất

nhiều phong tục, văn hóa, nếp sống truyền thống của nhiều dân tộc như Lô Lô, Mông, Dao... Những người sống nơi thành thị khi không còn thiết tha với phố thị hay đồng bằng, Hoàng Việt Hằng theo chân họ ngược lên núi, “chạm vào những miền văn hóa ẩm trong sương mù, bờ lau, hoa cúc quỳ, và đá xám. Hồn tôi không bị dây dợ, khói xe máy và những biệt thự cao tầng khóa tới kín vài lần cửa, chạm mặt vào đâu cũng thấy khóa. Lên Tây Bắc để đến các bản vùng cao Sìn Hồ, Tả Fình, Phong Thổ, để mắt chạm vào thiên nhiên, không vướng bận một barie nào” (Bóng đổ nơi chân sóng). Xa nơi đô thị phồn hoa để được rơi vào một không gian sống của con người vùng cao mà căn nhà họ ở bình yên, thong thả quá, “căn bếp của nhà Lý Minh Sẻo còn phơi một dây phơi đậu khô, một bồ thóc nếp để gần cối đá giã gạo, phía trái gian bếp là những chai mật ong phấn hoa, một vò rượu ngô lắc lên sủi tăm mời khách. Cây đào ở ngõ ra hoa sớm đỏ rực, thi màu đỏ của đào bích với màu đỏ của mào gà. Kia, một đàn gà trống hoa đang gáy le te ở cuối vườn bắp cải” (Bóng đổ nơi chân sóng). Rồi bị mê hoặc vì những chiếc váy thêu, những vòng bạc sáng rỡ tôn vinh nụ cười thuần phác của người phụ nữ vùng cao, đẹp nhất là “mùa xuân, trai gái H’Mông hay mua quần áo khăn thêu, những vuông vải lanh dùng làm cạp váy, những chiếc khăn choàng không giống ai”. Bỏ những building để đến nơi tưởng như “giơ tay có thể đụng tới mặt trời, vớt hoàng hôn lên (…) nhiều bản làng vẫn còn nguyên sơ, những ngôi nhà đất thó đặc quánh, bếp nhà nào cũng luôn đỏ lửa”

rồi lặng thinh xúc động chỉ vì “tràn vào trái tim lữ khách lên vùng Pù Luông là thiên nhiên hùng vĩ, là những bản người Thái người H’mông chênh vênh bên núi, bên đồi nương. Bên những bếp lửa mà bếp là nhà sàn ngăn nắp, bếp còn là đất tường trình, mùa đông thì ấm áp mà mùa hè thì mát” (Bóng đổ nơi chân sóng). Cho nên một người yêu rừng như Đỗ Bích Thúy luôn có cảm giác “tôi rất sợ những buổi chiều ở thành phố. Nó gợi lên nỗi nhớ nhà quay quắt. Nơi đây không có cơn gió lành lạnh phả từ trong khe núi ra, mang theo hương say nồng của sa nhân mới nảy mầm;

không có thứ ánh sáng lam tím của mặt trời phản xạ từ những đụn mây bao phủ trên chóp núi; và không có tiếng của dòng sông trôi dịu dàng…” (Tôi đã trở về trên núi cao). Cô cảm thấy mình là một nhà văn hạnh phúc và may mắn khi có một mảng đề

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 84 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)