1.2. XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ VÀO THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
1.2.2. Chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ
Nằm trong tổng thể chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, chính sách nhập khẩu Hoa Kỳ nhằm phục vụ cho lợi ích của quốc gia, cụ thể là phục vụ người tiêu dùng và phát triển các ngành kỹ thuật cao, từ đó tối ưu hoá cơ cấu nền kinh tế.
Xét về tổng thể, chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ có 5 mục đích nổi bật như sau:
- Hàng hoá nhập khẩu nhằm mục đích đa dạng hoá nền kinh tế và tăng tính năng động cho mỗi ngành sản xuất cũng như đối với từng doanh nghiệp Hoa Kỳ.
- Tăng cường cơ hội và phạm vi để tối ưu hoá sự lựa chọn về hành vi tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ.
- Tăng cường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy không ngừng cải thiện công nghệ quản lý, công nghệ kỹ thuật và cuối cùng là giảm giá bán cho người tiêu dùng.
- Tạo đối trọng nhằm gây sức ép để các nước đối tác mở cửa thị trường cho sản phẩm của Hoa Kỳ.
- Kết hợp chặt chẽ giữa các chính sách quân sự và ngoại giao tạo thành công cụ gây sức ép trong quan hệ đối ngoại, giành cho mình những nguồn lợi to lớn về kinh tế cũng như chính trị. Điển hình là các công cụ trừng phạt hoặc trợ giúp kinh tế đã được Hoa Kỳ áp dụng cho nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ và những mục đích của nó hoàn toàn phù hợp với chiến lược khuyếch trương tự do hóa thương mại, toàn cầu hoá kinh tế mà Hoa Kỳ đã và đang tiến hành. Tuy nhiên, xem xét trên góc độ một quốc gia có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ có thể thấy hai mặt trong chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ. Một mặt, tính mở đối với việc tiếp cận thị trường – do Hoa Kỳ muốn các nước khác mở cửa thị trường cho hàng hoá của mình, thì trước hết Hoa Kỳ phải mở cửa thị trường của chính mình. Mặt khác xét đến tính đóng đối với một số khu vực và một số quốc gia, do Hoa Kỳ lợi dụng triệt để các công cụ tiếp cận thị trường nhằm đạt được các mục đích kinh tế và phi kinh tế.
Chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ hiếm khi được trình bày cụ thể, riêng rẽ mà phần lớn được biểu hiện trực tiếp trong các đạo luật, đặc biệt là từ cơ quan Đại
diện thương mại Hoa Kỳ (USTR). Tuy vậy, có thể nhận thấy những điểm nổi bật trong chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ, như sau:
Thứ nhất, các điều luật, quy tắc nhập khẩu áp dụng, phổ biến nhất là hệ thống luật và quy tắc của WTO mà Hoa Kỳ và một số nước phát triển đã dày công xây dựng. Trong đó, các biện pháp thuế quan được sử dụng chủ yếu, ngoài ra một số ít biện pháp phi thuế quan được WTO cho phép được sử dụng.
- Thuế quan là một công cụ mà Hoa Kỳ áp dụng phổ biến đối với những quốc gia nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ. Hệ thống thuế quan của Hoa Kỳ là Biểu thuế quan hài hoà được thống nhất giữa các bang và chính thức áp dụng từ ngày 01/01/1998. Hệ thống này dựa trên cơ sở của Hệ thống hài hoà (Harmonized System viết tắt là HS) được tất cả các nước buôn bán lớn trên thế giới áp dụng, miêu tả mã số hàng hoá thống nhất do Tổ chức Hải quan thế giới – một tổ chức liên chính phủ đặt tại Brussels.
- Hầu hết thuế quan của Hoa Kỳ là thuế theo trị giá - thuế được tính trên cơ sở phần trăm của trị giá hàng nhập khẩu (Advalorem Duty Rate). Loại thuế này bao gồm từ mức dưới 1% tới gần 90%, mặt hàng dệt may và giày dép nhập khẩu thường phải chịu mức thuế suất cao. Thông thường, thuế theo trị giá nằm ở mức 2% - 7%, với mức thuế MFN trung bình toàn biểu là 4% [11, 64].
- Một số mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu là nông sản và những mặt hàng chưa qua chế biến thì bị đánh thuế theo lượng (Weight Duty Rate) là thuế đánh theo lượng hay dung tích hàng hoá, một số lượng quy định trên trọng lượng đơn vị hoặc các số đo khác về số lượng. Một số mặt hàng phải chịu thuế gộp (Compound Rate), tức là thuế suất gồm hai phần thuế theo trị giá và thuế đặc định. Cũng có một số mặt hàng khác chẳng hạn như đường lại chịu “hạn ngạch
thuế suất” là mức thuế quan cao hơn áp dụng đối với số hàng nhập khẩu vượt quá số lượng quy định vào Hoa Kỳ trong năm.
Thứ hai, các quy định áp dụng mang tính phân biệt đối xử. Các quy định này gần như hạn chế hoàn toàn khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ đối với các quốc gia thuộc nhóm 3 như: Cu Ba, Irắc,…
Thứ ba, các quy định được hưởng những quyền lợi đặc biệt từ Hoa Kỳ Thể hiện rõ nhất qua các Hiệp định thương mại đa biên hoặc song biên như: Hiệp định tự do thương mại Hoa Kỳ – Israel, Hoa Kỳ – Canada, …
Thứ tƣ, ngoài ra, Hoa Kỳ thực thi chính sách nhập khẩu nghiêm ngặt xét về khía cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và vệ sinh. Đối với những nước chưa có hệ thống kiểm soát chất lượng và kiểm dịch an toàn, hoàn thiện thì đây là một yếu tố trở ngại rất lớn.
Thứ năm, đối với những nhóm nước khác nhau, Hoa Kỳ có chính sách nhập khẩu khác nhau, chẳng hạn:
- Đối với những nước đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Luật thực hiện những thoả thuận của vòng đàm phán thương mại đa biên Uruguay – vòng đàm phán thiết lập nên WTO là Đạo luật cơ bản điều tiết quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO.
Theo Luật này hầu hết tất cả các bạn hàng của Hoa Kỳ đều được hưởng quy chế thương mại Tối huệ quốc (Most Favored Nations – MFN) mà nay là Quy chế thương mại bình thường (Normal Trade Relations – NTR). Hàng hoá từ tất cả các nước được hưởng MFN của Hoa Kỳ đều chịu cùng một mức thuế khi nhập khẩu hàng hoá vào thị trường này. Trên thực tế, mức thuế này khá thấp trung bình chỉ nằm vào khoảng 0% – 3%. Khi Hoa Kỳ giảm, loại bỏ hay thay đổi một loại thuế quan nào đó thì sự thay đổi này sẽ được áp dụng công bằng cho tất cả các nước
được hưởng MFN. Hàng nhập khẩu từ những quốc gia không được hưởng MFN thì phải chịu một mức thuế cao hơn từ 3% – 40%.
Hoa Kỳ chấp nhận sử dụng Hiệp định GATT/ WTO làm cơ sở cho Luật định giá Hải quan của Hoa Kỳ, quy định quá trình xác định trị giá của sản phẩm nhập khẩu để đánh thuế theo trị giá.
- Với những nước chưa trở thành thành viên của WTO nhưng đã ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ; những quốc gia có Hiệp định hoặc thoả thuận song phương tiếp cận thị trường lẫn nhau và một số quốc gia hàng năm phải được Tổng thống Hoa Kỳ miễn trừ điều khoản Jackson – Vanik để được hưởng Quy chế tối huệ quốc MFN. Ngày 7/3 hàng năm, Tổng thống Hoa Kỳ phải gia hạn miễn trừ điều khoản tự do di cư Jackson – Vanik cho Trung Quốc, sự miễn trừ này có hiệu lực từ năm 1980. Hàng năm, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra điều luật không tán thành sự miễn trừ của Tổng thống nhằm tạo sức ép với Trung Quốc nếu muốn gia hạn MFN phải đáp ứng những điều kiện về nhân quyền, ngoài vấn đề tự do di cư. Tuy nhiên trên thực tế những chính sách như vậy đều không thực hiện được kể từ năm 1996.
- Đối với những nước có quyền lợi đối nghịch với Hoa Kỳ và bị hạn chế gần như hoàn toàn trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Các quốc gia không được hưởng MFN của Hoa Kỳ tính đến hết năm 2000 bao gồm Afganistan, Cuba, Lào, Bắc Triều Tiên, Việt Nam1. Các nước muốn đựoc hưởng Quy chế MFN phải thực hiện hai điều kiện cơ bản: Một là, tuân thủ theo điều khoản Jackson – Vanik của đạo luật thương mại năm 1974, yêu cầu một nước không được từ chối hoặc hạn chế quyền, cơ hội di cư của công dân nước họ; Hai là, ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.
1 Việt Nam đã được hưởng MFN của Hoa Kỳ từ ngày 10/12/2001, ngày Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ
Trong khi Libia, Iran và Irắc được hưởng MFN nhưng quan hệ thương mại với ba quốc gia này vẫn bị Hoa Kỳ cấm vận bằng những đạo luật thương mại riêng biệt khác.
- Đối với những nước được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt của Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại. Thông qua các chương trình đơn phương đặc biệt, một số đạo luật của Hoa Kỳ dành sự đối xử ưu đãi về thuế quan đối với một số sản phẩm của các quốc gia đang phát triển có tiềm năng. Những chương trình đó bao gồm:
Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferential – GSP): nội dung chính của GSP là miễn thuế hoàn toàn cho những mặt hàng nhập khẩu của những nước đang phát triển được hưởng Quy chế GSP không có điều kiện đi lại, đồng thời những mặt hàng đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ đề ra. Tuy nhiên, việc miễn thuế cũng bị hạn chế đối với một số mặt hàng nhất định và lợi ích được hưởng GSP cũng bị hạn chế. Nếu một quốc gia duy trì hàng rào gây trở ngại đối với hàng hoá xuất khẩu từ Hoa Kỳ, không thực hiện việc bảo vệ bản quyền hoặc không tuân thủ những quyền lao động được quốc tế công nhận.
Sáng kiến Vịnh Caribbean (CBI) áp dụng việc miễn thuế hoặc giảm thuế quan cho hầu hết các sản phẩm từ 24 nước tham gia vào khu vực chung Hoa Kỳ và Caribbean. Ưu đãi thương mại CBI được xem xét lại hàng năm, trong một số trường hợp cụ thể các nước có thể bị mất quyền lợi được hưởng CBI.
Đạo luật ưu đãi thương mại Andean (ATPA), áp dụng ưu đãi thuế quan cho một số sản phẩm nhất định nhập khẩu từ các nước Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru.
Các quốc gia mà Hoa Kỳ đã ký Hiệp định thương mại giảm thuế quan và các trở ngại thương mại khác như: NAFTA và Hiệp định khu vực thương mại tự do Hoa Kỳ – Israel.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn dành ưu đãi thuế quan đặc biệt cho những hàng hoá có các bộ phận cấu thành, được sản xuất ở Hoa Kỳ. Theo đó, thuế chỉ được đánh vào trị giá nước ngoài của sản phẩm mà không đánh vào những bộ phận được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Điều kiện để các quốc gia được hưởng ưu đãi đặc biệt nêu trên, Luật Hải quan Hoa Kỳ yêu cầu xuất xứ của sản phẩm phải được giải thích rõ ràng và trung thực. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ theo các chương trình miễn thuế đơn phương như GSP, CBI, ATPA. Đối với những sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế theo 3 chương trình này, ít nhất 35% chi phí trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đó phải được thực hiện tại quốc gia được hưởng chế độ ưu đãi nói trên.
* Trường hợp Việt Nam
Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 10/12/2001. Theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam là một nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp với nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi. Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và đang tích cực thực hiện tiến trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Theo những điều khoản quy định tại Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, thì ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực Việt Nam sẽ được hưởng ngay lập tức Chế độ thương mại bình thường (NTR) tương đương với các nước đã là thành viên của WTO về mặt thương mại. Chỉ có điểm khác đó là Chế độ thương mại
bình thường có thể phải xem xét lại hàng năm theo kết quả xét miễn áp dụng Điều khoản Jackson - Vanik.
Hệ thống pháp luật thương mại của Hoa Kỳ thể hiện một cách rõ ràng nhất chính sách nhập khẩu của Hoa Kỳ. Hệ thống này bao gồm nhiều đạo luật phức tạp với nhiều đối tượng khác nhau. Một số Đạo luật đã được sửa đổi nhiều lần do nhu cầu nội tại bên trong, một số đạo luật mới thực hiện các cam kết đa biên mà Hoa Kỳ có nghĩa vụ thực hiện. Các quy định này tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng lại có tác động mang tính quyết định tới yếu tố cạnh tranh và thị phần, đặc biệt là cạnh tranh về giá do thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với một số mặt hàng đặc thù.
Vì thế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ cần nắm vững, hiểu biết thấu đáo chính sách nhập khẩu chung cũng như những quy định có tính chất đặc thù, riêng có của Hoa Kỳ đối với từng quốc gia. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ các chính sách, quy định về thuế quan, các loại hàng rào phi thuế quan của Nhà nước Hoa Kỳ trước và trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.