CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH PHẦN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ ĐẾN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY
2.1. Cơ sở lý thuyết
2.1.3. Tác động của các thành phần cán cân thanh toán quốc tế đến cân đối ngân sách nhà nước
Luận văn phân tích tác động của các thành phần cán cân thanh toán quốc tế đến cân đối ngân sách nhà nước, bao gồm: cán cân tài khoản vãng lai và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2.1.3.1. Tác động của cán cân tài khoản vãng lai đến cân đối ngân sách nhà nước
Hệ thống tài khoản quốc gia định nghĩa về mối quan hệ giữa cân đối ngân sách nhà nước và cán cân tài khoản vãng lai rõ ràng nhất (Fidrmuc, 2003) và (Bagnai, 2006).
Theo Mankiw (2002), thu nhập của nền kinh tế là Y, tổng tiêu dùng tư nhân là C, chi tiêu của chính phủ G, đầu tư tư nhân I, và xuất khẩu ròng X – M, S là tiết kiệm của nền kinh tế, Sg là tiết kiệm của khu vực công, Sp là tiết kiệm tư nhân, Yd là thu nhập hiệu dụng, T là thuế, chi chuyển nhượng R, cán cân ngân sách B, phương trình hàm tổng cầu trong nền kinh tế mở có dạng:
Y = C + G+ I + X - M (2.2)
Sắp xếp lại các biến số, phương trình (2.2) được viết lại:
X – M = Y – C – G – I (2.3)
với CA là cán cân tài khoản vãng lai được định nghĩa là chênh lệch giữa xuất nhập khẩu của một quốc gia (Merza và các cộng sự, 2012), phương trình 2.3 được biến đổi: CA = X – M = Y – C – G – I = S – I (2.4)
Suy ra: S = I + CA (2.5) Phân tích S thành tiết kiệm khu vực công Sg và tiết kiệm tư nhân Sp:
S = Sg + Sp (2.6)
Tiết kiệm tư nhân là một phần của thuế thu nhập cá nhân (Merza và các cộng sự, 2012). Vì vậy, tiết kiệm tư nhân có thể viết lại như sau:
Sp = Yd – C = (Y – T) – C (2.7)
Ngược lại, tiết kiệm khu vực công là sự khác biệt giữa số thu thuế và chi tiêu ngân sách (Mankiw, 2002). Phương trình tiết kiệm khu vực công có dạng:
Sg = T – (G + R) = T – G – R ` (2.8)
Do đó, phương trình 2.8 có thể viết lại:
S = Sp + Sg = (Y – T – C) + (T – G – R) = I + CA (2.9) Vì vậy, phương trình cán cân tài khoảng vãng lai được viết lại:
CA = Sp – I – (G + R–T) (2.10)
Mà ngân sách nhà nước B = T – G –R (2.11)
Nên CA = Sp – I + B hay B = CA – Sp + I (2.12)
Phương trình 2.12 cho thấy, nếu sự khác biệt giữa tiết kiệm tư nhân và đầu tư không đổi, thì những thay đổi trong cán cân tài khoảng vãng lai sẽ ảnh hưởng đến những thay đổi trong cân đối ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nếu không có mối quan hệ liên tục giữa tiết kiệm và đầu tư thì những thay đổi trong quy mô tiết kiệm sẽ làm thay đổi cân đối ngân sách nhà nước. Việc tăng dự phòng ngân sách nhà nước dẫn tới việc tăng tiết kiệm quốc gia do dự kiến sẽ tăng thuế trong tương lai, do đó chi tiêu của người tiêu dùng không tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai, trong khi thâm hụt ngân sách nhà nước giảm. Trong trường hợp này, không xuất hiện hiện tượng thâm hụt kép (Mukhtar, Zakaria, & Ahmed, 2007).
Theo giả thuyết cân bằng Ricardo, thâm hụt ngân sách nhà nước không thay đổi lãi suất và tỷ giá hối đoái và không ảnh hưởng đến việc tiết kiệm và tiêu dùng và do đó không ảnh hưởng đến sự cân bằng của tài khoản vãng lai. Như vậy, theo giả thuyết
cân bằng Ricardo, sự cân đối của ngân sách nhà nước và sự cân bằng của tài khoản vãng lai tương đối độc lập hoặc có liên quan ngược chiều (Makin, 2002).
Trong khi đó, Summers (1988) lập luận rằng chính phủ của một quốc gia sử dụng chính sách tài khoá để điều chỉnh vị thế bên ngoài của mình. Nghĩa là, chính phủ muốn xoá bỏ sự mất cân bằng tài khoản vãng lai thì sẽ sử dụng ngân sách nhà nước như là một công cụ để thực hiện. Điều này dẫn đến mối quan hệ nhân quả giữa thâm hụt tài khoản vãng lai kéo theo thâm hụt ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả theo chiều này không thống nhất.
2.1.3.2. Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến cân đối ngân sách nhà nước
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động gián tiếp đến cân đối ngân sách nhà nước thông qua tài khoản vãng lai. Gia tăng dòng vốn vào, đồng nội tệ bị đánh giá cao làm tăng lượng hàng nhập khẩu và giảm xuất khẩu (Kim & Kim, 2006). Nhiều tác giả đã liên kết các dòng vốn FDI và FPI với thâm hụt tài khoản vãng lai của một quốc gia thông qua các kênh tỷ giá hối đoái (Hobza & Zeugner, 2014) và (Cecen &
Xiao, 2014). Họ lập luận rằng việc gia tăng dòng vốn đổ vào làm cho đồng nội tệ tăng giá, dẫn đến hàng nhập khẩu rẻ hơn và hàng hóa xuất khẩu đắt hơn. Do đó, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ tăng và xuất khẩu giảm. Kết quả làm xấu đi cán cân tài khoản vãng lai của các nền kinh tế liên quan. Ngoài ra, theo phương trình 2.5, tăng đầu tư trong khi tiết kiệm không đổi, làm giảm thặng dư tài khoản vãng lai. Vì vậy, sự gia tăng dòng FDI thu hút đầu tư cho nền kinh tế trong nước và làm xấu đi tài khoản vãng lai.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối ngân sách nhà nước như thế nào? Đầu tư trực tiếp nước ngoài được coi là nguồn thay thế để lấp khoảng trống giữa tiết kiệm và đầu tư cần thiết ở các nước đang phát triển. Các công ty nước ngoài mang lại không chỉ vốn tài chính mà còn cả kỹ thuật quản lý cũng như kỹ năng kinh doanh và công nghệ đang thiếu ở các nước đang phát triển. Thâm hụt ngân sách nhà nước cũng có thể được bù đắp bằng thuế lợi nhuận thu được từ các công ty xuyên quốc gia (Kipyegon, 2016). Ngoài ra, FDI thúc đẩy tạo ra việc làm;
tăng hiệu quả sản xuất; chuyển giao công nghệ; và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, FDI cũng có thể có những tác động tiêu cực đối với các nước tiếp nhận, hiệu ứng chèn lấn đầu tư đối với các công ty trong nước; đưa vốn, lợi nhuận về nước; và tạo sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. FDI cũng có thể hạn chế khả năng phát triển nội địa vì sự thống trị của các công ty đa quốc gia đối với các doanh nghiệp địa phương (Todaro & Smith, 2003). Tuy nhiên, nhiều quốc gia sử dụng ưu đãi thuế đầu tư để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước (Cleeve, 2008). Markusen (1984) cho rằng hiệu quả thuế của FDI là không chắc chắn. Đầu tư nước ngoài tăng số thu thuế thông qua đánh thuế lợi nhuận và giảm số thu thuế vì các doanh nghiệp trong nước chia sẽ lợi nhuận với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo Bond & Samuelson (1986), các nước tiếp nhận có thể bị mất một số khoản thu thuế trong ngắn hạn nếu các ưu đãi thuế được đưa ra để thu hút FDI trong giai đoạn đầu. Số thu thuế có thể tăng trong dài hạn bởi vì đầu tư nước ngoài sẽ không rút khỏi trong khoảng thời gian được hưởng ưu đãi này. Bond
& Samuelson, (1986) tuyên bố rằng các nước tiếp nhận có thể thu hút FDI bằng cách áp đặt thuế nhập khẩu và giảm thuế cho sản xuất trong nước. FDI có thể tăng phúc lợi quốc gia bằng cách giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất thông qua chuyển giao công nghệ và tăng thu ngân sách của chính phủ thông qua thuế. Vì vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động đến cân đối ngân sách nhà nước là không đồng nhất.