CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH PHẦN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ ĐẾN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY
2.1. Cơ sở lý thuyết
2.2.3 Tác động của các thành phần cán cân thanh toán quốc tế đến cân đối ngân sách nhà nước
2.2.3.1. Cán cân tài khoản vãng lai tác động đến cân đối ngân sách nhà nước
Summers (1988) khi nghiên cứu chính sách thuế và khả năng cạnh tranh của Mỹ, đã lập luận rằng chính phủ cắt giảm thuế đối với các khoản đầu tư kinh doanh sẽ tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ. Với giả định, vốn quốc tế tự do di chuyển, giảm thuế để kích thích đầu tư sẽ dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh quốc tế. Các biện pháp thúc đẩy đầu tư thu hút nguồn vốn từ nước ngoài dẫn đến sự đánh giá cao về tỷ giá thực và giảm khả năng cạnh tranh của các ngành trong nước. Tài khoản vãng lai là sự khác biệt giữa tiết kiệm quốc gia và đầu tư quốc gia, sự gia tăng đầu tư gây ra sự sụt giảm trong cán cân thương mại. Ngược lại, các chính sách thuế thúc đẩy tiết kiệm nhưng không có tác động trực tiếp đến đầu tư sẽ cải thiện cán cân thương mại.
Nghĩa là, chính phủ muốn xoá bỏ sự mất cân bằng cán cân tài khoản vãng lai thì sẽ sử dụng ngân sách nhà nước như là một công cụ để thực hiện. Điều này dẫn đến mối quan hệ nhân quả thâm hụt tài khoản vãng lai kéo theo thâm hụt ngân sách nhà nước. Một nghiên cứu khác, Feldstein & Horioka (1980) đã tìm thấy sự tác động cùng chiều của thâm hụt tài khoản vãng lai đến thâm hụt ngân sách nhà nước, với giả định nếu trong thực tế, tiết kiệm và đầu tư không có mối tương quan với nhau, vốn tự do di chuyển.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa thâm hụt cân đối ngân sách nhà nước và cán cân tài khoản vãng lai. Các nghiên cứu trước đây đã sử dụng những cách tiếp cận, phương pháp, các mẫu khác nhau để điều tra nghiên cứu tác động của thâm hụt tài khoản vãng lai đến thâm hụt ngân sách nhà nước. Trước tiên, Hatemi & Shukur (2002) đã sử dụng thử nghiệm F-test, Bootstrap đa biến và mô hình VAR để khảo sát hướng quan hệ nhân quả giữa thâm hụt ngân sách nhà nước và thâm hụt tài khoản vãng lai trong nền kinh tế Mỹ, giai đoạn quý 1 năm 1975 đến quý 2 năm 1998. Các kết quả từ nghiên cứu chỉ ra rằng hai biến này
không có quan hệ nhân quả với nhau. Tuy nhiên, khi phân chia mẫu thành hai giai đoạn phụ, kết quả cho thấy chỉ có thâm hụt ngân sách nhà nước gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai trong giai đoạn 1975-1989, và thâm hụt tài khoản vãng lai gây ra thâm hụt ngân sách nhà nước trong giai đoạn phụ thứ hai từ 1990-1998. Ý nghĩa của kết quả này là việc giảm thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ dẫn đến giảm thâm hụt ngân sách nhà nước trong nền kinh tế Mỹ. Giảm thâm hụt thương mại có thể đạt được bằng cách giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu hoặc kết hợp cả hai biện pháp này. Một nghiên cứu khác, Corsetti & Müller (2006) sử dụng mô hình hồi quy vectơ VAR để tìm hiểu mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách nhà nước và thâm hụt tài khoản vãng lai ở các nước Úc, Canada, Anh và Mỹ. Corsetti và Muller đã tìm thấy bằng chứng ủng hộ cho mối quan hệ ngược chiều giữa cân bằng tài khoản vãng lai và cân đối ngân sách nhà nước của các nước này. Trong năm này, Kim & Kim (2006) sử dụng kiểm định Wald test để nghiên cứu mức thâm hụt ngân sách nhà nước cao có dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai của Hàn Quốc cao hơn hay không? Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng chỉ có quan hệ nhân quả một chiều xảy ra, đó là thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước trầm trọng hơn.
Cũng có kết quả tương tự khi Marinheiro (2008) nghiên cứu trường hợp của Hy Lạp. Marinheiro đã tìm thấy mối quan hệ dài hạn, nhân quả một chiều của thâm hụt tài khoản vãng lai đến thâm hụt ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Sobrino (2013) đã xem xét mối quan hệ giữa tài khoản vãng lai và thặng dư tài chính và chi tiêu ngân sách cho một nền kinh tế hàng hóa của Peru. Sử dụng dữ liệu hàng quý cho nền kinh tế mở, bài nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho quan hệ nhân quả đảo ngược chiều, nghĩa là tài khoản vãng lai gây ra thâm hụt tài chính. Tuy nhiên, không giống như các bằng chứng thực nghiệm trước đây về chủ đề này, mối quan hệ nhân quả ngược lại cho thấy một tác động ngược chiều vì sự tiêu dùng tài chính không phản ứng đồng nhất khi xảy ra những cú sốc thường xuyên với tài khoản vãng lai. Trong ngắn hạn, chính sách tài khóa không có ảnh hưởng đến tài khoản vãng lai, nhưng những cải thiện trong tài khoản vãng lai làm tăng mức thâm hụt ngân sách nhà nước. Bằng chứng này phù hợp với một nền kinh tế nhỏ dựa trên
hàng hóa mở và rất nhạy cảm với cú sốc giá bên ngoài. Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Misztal (2012), Alkswani (2000) cũng tìm thấy tác động của thâm hụt tài khoản vãng lai đến thâm hụt ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Nickel & Vansteenkiste (2008) khi nghiên cứu thực nghiệm tại 22 nước công nghiệp về mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách nhà nước và thâm hụt tài khoản vãng lai đã thu được kết quả gần với quan điểm Ricardo. Kết quả thực nghiệm cho thấy, ở những quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP cao, mối quan hệ giữa bộ đôi thâm hụt là ngược chiều hoặc không tồn tại, có nghĩa là, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ không gây ra thâm hụt ngân sách nhà nước. Algieri (2013) cũng thu được kết quả tương tự khi nghiên cứu thực nghiệm tại các nước sử dụng đồng euro: Hy Lạp, Ireland, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Kết quả của những nghiên cứu trước đây về tác động cán cân tài khoản vãng lai đến cân đối ngân sách nhà nước sẽ được tóm tắt trong bảng 2.1:
Bảng 2.1 Kết quả của những nghiên cứu trước đây về tác động cân tài khoản vãng lai đến cân đối ngân sách nhà nước
TÁC GIẢ MẪU PHƯƠNG PHÁP TÁC
ĐỘNG Hatemi và
Shukur (2002)
Dữ liệu theo quý từ năm 1975-1988 tại Mỹ
Kiểm định nhân quả
Granger +
Kim và Kim (2006)
Dữ liệu hàng năm 1970- 2003 tại Hàn Quốc
Kiểm định Toda and
Yamamoto (1995) +
Marinheiro (2008)
Dữ liệu hàng năm 1974- 2003 tại Ai Cập
Kiểm định đồng liên kết Johnasen và kiểm định nhân quả Granger
+
Nickel và Vansteenkiste (2008)
Dữ liệu hàng năm 1981- 2005 tại 22 quốc gia công nghiệp
Mô hình hồi quy FEM
/
Kalou và Paleologou (2012)
Dữ liệu hàng quý từ 1960-2007 tại Hy Lạp
Kiểm định đồng liên kết Johnasen và kiểm định nhân quả Granger
+
Trachanas và Katrakilidis (2013)
Dữ liệu hàng năm 1971- 2009 tại Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha
Kiểm định đồng liên kết Gregory và Hansen (1996),
Schorderet (2003)
+
Corsetti và Müller (2006)
Úc, Canada, Anh và Mỹ Hồi quy vectơ VAR
- Sobrino (2013) Dữ liệu hàng quý từ
1990-2012 tại Peru
Kiểm định quan hệ nhân
quả Granger -