Cân đối ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế tác động đến cân đối ngân sách nhà nước (Trang 24 - 27)

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH PHẦN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ ĐẾN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY

2.1. Cơ sở lý thuyết

2.2.1 Cân đối ngân sách nhà nước

Cân đối ngân sách nhà nước là mục tiêu quản lý của hầu hết các quốc gia. Vì vậy, có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm tìm hiểu hậu quả, nguyên nhân của sự mất cân đối ngân sách nhà nước. Beetsma và các cộng sự (2008) nghiên cứu thực nghiệm hậu quả của việc tăng chi tiêu công đối với cán cân thương mại và thâm hụt ngân sách nhà nước ở Liên minh Châu Âu, sử dụng cách tiếp cận tự hồi quy vectơ VAR.

Trong khi các nghiên cứu khác có xu hướng coi tỷ số cân bằng thương mại/GDP là một biến, nhóm tác giả đã tách xuất khẩu và nhập khẩu thành các biến riêng biệt để

theo dõi chi tiết hơn các nguồn của sự cân bằng thương mại. Hơn nữa, Beetsma và các cộng sự sử dụng số liệu hàng năm, điều này tạo thuận lợi cho việc giải thích các cú sốc về chính sách tài khóa. Theo ước tính cơ bản của nhóm tác giả, tăng 1%

GDP trong chi tiêu công làm nhập khẩu tăng và lượng hàng xuất khẩu giảm, dẫn đến sự sụt giảm cán cân thương mại khoảng 0,5%. Thêm vào đó, gia tăng 1% chi tiêu tạo ra 0,7 % sự thâm hụt ngân sách nhà nước, do đó chỉ ra sự liên quan tiềm ẩn của giả thuyết về thâm hụt kép đối với Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, cân đối ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác.

Roubini & Sachs (1989) tiếp cận theo hướng các yếu tố kinh tế và chính trị quyết định thâm hụt ngân sách nhà nước ở các nền dân chủ công nghiệp thu được kết quả trái với Beetsma. Roubini & Sachs (1989) kết luận tại nhiều quốc gia, tỷ lệ thuế không đồng nhất và thâm hụt ngân sách nhà nước quá lớn đến nỗi không thể giải thích bằng sự gia tăng đột ngột chi tiêu chính phủ. Trong giai đoạn 1960-1973, hầu hết các nền kinh tế OECD đều có tỷ lệ nợ/GDP tăng hoặc giảm nhẹ. Với sự suy giảm tăng trưởng và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ trên GDP tăng, đã gây ra thâm hụt ngân sách nhà nước đáng kể và tỷ lệ nợ trên GDP tăng mạnh ở một số quốc gia. Quá trình này càng trầm trọng thêm bởi lãi suất thực sau năm 1979 tăng mạnh. Nouriel cũng khẳng định thâm hụt ngân sách nhà nước gia tăng ở các nền dân chủ công nghiệp bởi vì những khó khăn trong quản lý chính trị trong chính phủ liên minh.

Cân đối ngân sách nhà nước đã xấu đi nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia trong những năm gần đây, đặt ra câu hỏi: những yếu tố nào giải thích những thay đổi lớn như vậy? Để trả lời câu hỏi này, Tujula, Mika; Guido (2004) đã nghiên cứu các quốc gia châu Âu trong giai đoạn năm 1970 đến 2002. Phân tích của tác giả cho thấy tăng trưởng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước thông qua quá trình ổn định tự động. Lãi suất cao hơn ảnh hưởng xấu đến ngân sách. Năm bầu cử rõ ràng gây ra thâm hụt ngân sách nhà nước lớn hơn. Đối với các nước EU, việc tiếp cận ngày quyết định tham gia EMU sớm thúc đẩy việc củng cố tài chính, nhưng các ảnh hưởng đã giảm sút kể từ thời điểm này. Có một số bằng chứng cho

thấy giá thị trường tài sản (giá nhà và thị trường chứng khoán) cũng ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước mặc dù hiệu quả của chúng thường bị giới hạn và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa thống kê. Tiếp cận theo hướng khác, Combes &

Saadi-Sedik (2006), phân tích những ảnh hưởng của độ mở thương mại đối với cân đối ngân sách nhà nước bằng cách phân biệt tác động của tự do hoá so với các chính sách thương mại. Combes và Saadi-Sedik sử dụng công cụ ước lượng hệ thống GMM, phân tích kinh tế lượng tập trung vào 66 nước đang phát triển trong giai đoạn 1974-1998. Kết quả cho thấy độ mở thương mại làm tăng sự tiếp xúc của một quốc gia với các cú sốc từ bên ngoài. Điều này dẫn đến tác động ngược chiều đối với cân đối ngân sách nhà nước với điều kiện thương mại không ổn định. Ngoài ra, độ mở thương mại ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước thông qua một số kênh khác như tham nhũng, bất bình đẳng về thu nhập ... Sau đó, tự do hoá và chính sách thương mại có những tác động ngược lại: đầu tiên sẽ làm ngân sách nhà nước xấu đi nhưng về sau sẽ được cải thiện. Ngoài ra, khi Murwirapachena và các cộng sự (2013) tiến hành nghiên cứu các yếu tố kinh tế quyết định thâm hụt ngân sách nhà nước của Nam Phi bằng mô hình VECM, Murwirapachena và các cộng sự nhận thấy rằng tất cả các yếu tố kinh tế đều có tác động tiêu cực đến thâm hụt ngân sách nhà nước ngoại trừ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối giải thích sự thay đổi thành phần lớn nhất của thâm hụt ngân sách nhà nước, tiếp theo là nợ nước ngoài, thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế và đầu tư của chính phủ.

Cân đối ngân sách nhà nước làm giảm lãi suất, gia tăng tiết kiệm và đầu tư, giảm thâm hụt thương mại, giúp nền kinh tế phát triển trong dài hạn (Steven & Ramsay, 1997). Theo quan điểm của Kynes, thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ tạo ra kích thích tài chính trong thời kỳ suy thoái, trong khi sẽ hạn chế tài chính trong thời kỳ bùng nổ. Tuy nhiên, Kynes không ủng hộ kích thích tài chính khi nợ công quá lớn. Bên cạnh đó Vickrey (1996) lập luận rằng thâm hụt lớn hơn được dùng để tái đầu tư tư nhân là một nhu cầu kinh tế. Laubach (2009) ước tính tác động của nợ chính phủ và thâm hụt lên lãi suất Kho bạc. Thu thập dữ liệu 30 năm, các tác động ước tính của thâm hụt và nợ của chính phủ đối với lãi suất đều có ý nghĩa thống kê. Kết quả thực

nghiệm thu được, tỷ lệ thâm hụt và nợ công sẽ làm tăng lãi suất dài hạn, khoảng 0,25% trên 1% trong tỷ lệ thâm hụt/ GDP, và 0,3-0,4% cho tỷ lệ nợ/GDP. Ngoài ra, theo mô hình số nhân của phương trình ngân sách, việc thay đổi cân đối ngân sách nhà nước sẽ thay đổi tổng cầu bằng một khoản tiền tương đương với sự thay đổi trong chi tiêu.

Để cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, trong một nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam, Nguyễn Quỳnh Thơ (2013) đã đề xuất đa dạng hóa nguồn thu, khai thác nguồn thu trong nước và hạn chế các nguồn thu phụ thuộc từ bên ngoài, trong khi phân bổ chi tiêu nên tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, để có thể tăng được số thu cho ngân sách nhà nước, Bùi Thị Mai Hoài, Sử Đình Thành, & Bùi Duy Tùng (2015) cũng đưa ra đề xuất đa dạng hoá và mở rộng cơ sở thuế đối với Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế tác động đến cân đối ngân sách nhà nước (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)