Dựa vào kết quả nghiên cứu này, các nhà làm chính sách có thể phân tích, xác định mối quan hệ giữa các thành phần cán cân thanh toán quốc tế đến cân đối ngân sách để định hướng chính sách phù hợp nhằm cải thiện tình hình thâm hụt ngân sách gia tăng hiện nay tại các quốc gia đang phát triển. Kết hợp kết quả nghiên cứu thực nghiệm cùng với nền tảng lý thuyết, luận văn đưa ra một số đề xuất nhằm đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
5.2.1. Chính sách tác động cán cân tài khoản vãng lai
Cần xây dựng chính sách xuất nhập khẩu hợp lý để khuyến khích hoạt động xuất khẩu, tập trung phát triển các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của quốc gia. Để tăng xuất khẩu, các chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước bằng cách giảm thuế cho đầu tư vốn và các hoạt động nghiên cứu, phát triển. Các chính phủ cũng có thể hỗ trợ, thành lập các cơ sở đạo tạo để cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, đặc biệt chú trọng, đầu tư tiền vào giáo dục nói chung. Để hạn chế nhập khẩu, cần tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành sản xuất trong nước để thu hút người dân tiêu dùng hàng nội địa, giảm bớt lượng hàng hóa nhập khẩu. Các chính phủ có thể đánh thuế nhập khẩu cao hơn. Nhập khẩu giảm, xuất khẩu tăng, từ đây có thể tăng thu ngoại tệ, giảm chi ngoại tệ, cải thiện được cán cân tài khoản vãng lai. Do đó, việc cân đối ngân sách nhà nước cũng được cải thiện.
Về chính sách tỷ giá hối đoái. Các chính phủ có thể sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ, dùng nội tệ để mua ngoại tệ, tác động làm tăng tỷ giá hối đoái, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu, cán cân tài khoản vãng lai được cải thiện. Kết quả, ảnh hưởng đến việc cải thiện ngân sách nhà nước.
5.2.2. Chính sách tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài
Để cải thiện cán cân ngân sách nhà nước cần phải tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng cách cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô. Các chính phủ cần tập trung vào tăng trưởng kinh tế, giữ tỷ giá hối đoái ổn định, kiểm soát tốt lạm phát. Bên cạnh đó, môi trường chính trị ổn định cũng cần thiết để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Về cải cách kinh tế vi mô, cần đơn giản hóa mô hình kinh doanh, tăng cường quyền sở hữu, cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động, khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo cơ sở đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hệ thống pháp luật và chính sách thuế cũng cần điều chỉnh để thu hút được FDI.
Mở cửa thị trường, cho phép dòng vốn FDI, giảm hạn chế về FDI, cung cấp các điều kiện mở, minh bạch, đáng tin cậy cho tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính phủ có thể thành lập các tổ chức, cơ quan nhà nước để hỗ trợ những nhà đầu tư tiếp cận, thông qua các quy định, quy trình của nước sở tại theo đúng pháp luật. Ngoài ra, cần có những chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt đối với những nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư. Về chính sách thuế, các chính phủ có thể giảm mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp để thu hút FDI.
Các chính phủ cần phải cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục cấp phép đầu tư không cần thiết, công bố thông tin minh bạch để các nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời. Đặc biệt, phòng chống tham nhũng cần phải thực hiện tốt.
Để thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, các nước có thể tham gia vào các thỏa thuận quản lý quốc tế để tăng tính hấp dẫn.
Sau khi thu hút được nguồn vốn FDI, các quốc gia sở tại phải biết tận dụng được thế mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài, sử dụng và phân bổ nguồn vốn FDI hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế để tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, cản thiện cân đối ngân sách nhà nước.
5.2.3. Chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để thúc đẩy kinh tế phát triển, các chính phủ có thể thông qua sự cải tiến, bằng cách phát triển, tạo điều kiện cho các mô hình khởi nghiệp, tạo nguồn thu cho thế hệ mai sau. Các chính phủ cũng nên loại bỏ những luật không cần thiết, không rõ ràng, cải thiện hệ thống luật để người dân có thể tiếp cận luật dễ dàng, sản xuất kinh doanh tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn. Ngoài ra, để khuyến khích người dân tích cực lao động, các chính phủ có thể rút ngắn thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp và yêu cầu người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp tình nguyện tham gia các tổ chức phi lợi nhuận. Nhờ các hoạt động xã hội, người thất nghiệp có thể học hỏi được các kỹ năng, tích lũy thêm kinh nghiệm có lợi cho công việc tiếp theo của mình. Từ đây, năng suất lao động có thể tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể giảm, góp phần tăng tổng sản phẩm quốc nội.
Ngoài ra, các chính phủ có thể hạ lãi suất để kích thích đầu tư. Cần nâng cao, giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước, để người dân tiêu dùng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các chính phủ có thể kết hợp với những chính sách tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu để cải thiện được tổng sản phẩm quốc nội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, ngân sách nhà nước cũng được cải thiện.