Các nghiên cứu trước đây về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI KHẢ NĂNG VỠ NỢ CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (Trang 35 - 43)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG VỠ NỢ CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.5 Các nghiên cứu trước đây về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân

Một số các nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng đển khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân đã được các tác giả nghiên cứu trước đây trên thế giới và tại Việt Nam như sau:

1.5.1 Các nghiên cứu trên thế giới

Chapman (1940) cho thấy 07 nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ khách hàng cá nhân như tuổi tác, giới tính, tình trạng gia đình, vị trí nghề nghiệp, thời gian vay vốn, thu nhập và sự sẵn lòng trả nợ của khách hàng.

Hawley và cộng sự (1991) phân tích dữ liệu khảo sát tài chính tiêu dùng các tổ chức tín dụng của 3.665 hộ gia đình ở Hoa Kỳ năm 1983 bằng mô hình hồi quy Probit cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng vỡ nợ vay tiêu dùng gồm: chủng tộc, tuổi, giới tính và tình trạng hôn nhân của chủ hộ, thu nhập và chi tiêu của hộ.

Lea và cộng sự (1993) cho rằng nợ bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố kinh tế bất lợi và các yếu tố xã hội, tâm lý. Các nghiên cứu này đều cho thấy rằng các yếu tố tâm lý và kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng vỡ nợ của khách hàng.

Zelizer (1994) trong nghiên cứu của mình với dữ liệu từ năm 1870 đến năm 1930 đã cho thấy sự khác biệt giữa nam và nữ trong quan điểm về giá trị của tiền bạc và việc tiếp nhận, sử dụng nó. Trong nghiên cứu của Lea và cộng sự (1995) , nữ được cho là có khả năng vỡ nợ nhiều hơn nam.

Theo nghiên cứu của Jonathan Crook (1995) về giải pháp nhằm giảm khả năng vỡ nợ của khách hàng với 10 biến độc lập gồm Độ tuổi, sở hữu nhà riêng, thu nhập, thu nhập ròng, giới tính, trình độ học vấn, nhu cầu vay, dư nợ, ngành kinh doanh, lãi suất. Kết quả cho thấy khả năng vỡ nợ chịu ảnh hưởng cùng chiều với các yếu tố độ tuổi của chủ hộ, yếu tố thu nhập, thu nhập ròng và việc sở hữu nhà riêng.

Theo nghiên cứu của Black và Morgan (1998), với dữ liệu được thu thập từ khảo sát tài chính người tiêu dùng của Cục dự trữ liên bang từ năm 1989 đến năm 1995, trong 5,274 quan sát, Black và Morgan cho rằng 2 yếu tố thu nhập và nghề nghiệp ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng, ông nói rằng những người có thu nhập thấp có khả năng nợ tín dụng nhiều hơn và tỷ lệ nợ quá hạn cũng cao hơn ở những ngành nghề lao động chân tay, không có tay nghề.

Trong một nghiên cứu khác, Crook (2001) đã sử dụng dữ liệu trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1995 để chạy mô hình probit để kiểm định mô hình, từ đó cho thấy độ tuổi, thu nhập, tình trạng sở hữu nhà, nghề nghiệp, số người trong một hộ gia đình ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ: Một hộ gia đình ít nợ hơn khi người đứng đầu của hộ gia đình ở độ tuổi trên 55 và không muốn mạo hiểm. Một hộ gia đình nhu cầu nợ nhiều hơn khi thu nhập cao hơn, sở hữu nhà riêng của mình, quy mô gia đình lớn và người đứng đầu đang làm việc.

Chien và cộng sự (2001) với dữ liệu khảo sát 4.305 hộ gia đình về tài chính tiêu dùng trong năm 1998 ở Hoa Kỳ, bằng phương pháp phân tích hồi quy Tobit cho thấy, nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lượng tín dụng tiêu dùng của hộ ở tổ chức tín dụng. Chủ hộ có trình độ học vấn cao hơn, có gia đình và có chuyên môn, có thái độ rõ ràng đối với nghĩa vụ trả nợ sẽ có lượng tín dụng cao hơn. Hộ gia đình có nhiều nhân khẩu và có thu nhập thấp cũng có khả năng vay được nhiều hơn.

Tiếp đến là nghiên cứu của Roslan & Karim (2009), mục tiêu nghiên cứu là các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các đối tượng tín dụng vi mô trong trường hợp của Agribank. Nhóm tác giả đã sử dụng 2630 dữ liệu khách hàng từ 86 chi nhánh của Agribank và sử dụng mô hình Probit và Logit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Kết quả cho thấy: giới tính có ý

nghĩa thống kê, tỷ lệ nợ quá hạn đối với người vay là nam cao hơn nữ, quy mô khoản vay càng lớn thì tỷ lệ nợ quá hạn càng cao, những người vay hoạt động lĩnh vực dịch vụ ít rủi ro hơn những người hoạt động lĩnh vực sản xuất; thời gian cho vay có tác động ngược chiều và cũng có ý nghĩa thống kê, thời gian cho vay dài thì tỷ lệ nợ quá hạn càng cao.

Kohansal và Mansoori (2009) nghiên cứu về khả năng vỡ nợ của các nông dân tại tỉnh Khorasan – Razavi tại Iran cho thấy các nông dân có kinh nghiệm lâu năm hơn là những người có khả năng trả nợ cao hơn. Addo và Acquah (2011) nghiên cứu dựa trên số năm kinh nghiệm của các ngư dân tại Ghana nhưng lại không tìm thấy ý nghĩa thống kế của biến số này ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng.

Theo nghiên cứu của Weber và Musshoff (2012) chỉ ra rằng nữ giới có khả năng ít tạo rủi ro tín dụng hơn là nam giới do họ có các đặc điểm như cá tính thận trọng, ít phạm tội và ít gây ra các rủi ro về mặt đạo đức.

1.5.2 Các nghiên cứu tại Việt Nam

Trong nghiên cứu của Kleimeier và Thanh (2006), tác giả đã đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng chịu tác động của các nhân tố: Thời gian giao dịch với ngân hàng, giới tính, số lần vay nợ tín dụng, thời gian vay nợ, thời gian cư trú tại địa chỉ hiện tại, tình trạng hôn nhân, điện thoại bàn, mục đích vay. Tác giả sử dụng mô hình Logit và 56.037 mẫu dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của các Ngân hàng Thương mại Việt Nam trong cùng một ngày nhất định của năm 2005.

Trong nghiên cứu của Vương Quân Hoàng và cộng sự (2006), bằng cách sử dụng mô hình hồi quy Logit trên 1.727 khách hàng đã tìm ra 14 yếu tố tác động đến khả năng trả nợ vay của khách hàng. Trong đó yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay của khách hàng là: tuổi tác, trình độ học vấn, loại hình công việc, tình trạng hôn nhân, nơi cư trú, thời gian cư trú, số người phụ thuộc, phương tiện đi lại, giá trị các khoản nợ, quan hệ với Techcombank được cho là có tác động ngược chiều và mức thu nhập hàng tháng, chệnh lệch thu nhập, chi tiêu và giá trị tài sản khách hàng có tác động cùng chiều.

Dinh & Kleimeier (2007) sử dụng bộ dữ liệu gồm 56.037 quan sát với hồi quy logistic và phương pháp stepwise để chọn ra 16 yếu tố ảnh hưởng. Một số yếu tố được nhấn mạnh là thâm niên giao dịch với ngân hàng, giới tính, số khoản vay và thời hạn vay.

Nguyễn Quốc Oánh, Phạm Thị Mỹ Dung (2010) phân tích khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nông dân ở ngoại thành Hà Nội bằng mô hình Heckman 2 bước, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tới việc họ tiếp cận tín dụng chính thức. Nghiên cứu cho thấy, các yếu tố như độ tuổi, địa vị xã hội của chủ hộ, tín dụng không chính thức của hộ và thủ tục vay vốn chính thức cùng tác động thuận tới khả năng hộ tiếp cận tín dụng chính thức. Trình độ học vấn của chủ hộ, diện tích đất, thu nhập bình quân, tài sản thế chấp và mục đích vay tác động thuận đến lượng vốn vay chính thức của hộ.

Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy (2010) nghiên cứu khả năng hộ nông dân tiếp cận tín dụng chính thức ở tỉnh Kiên Giang và sử dụng mô hình Probit để xác định nhân tố ảnh hưởng. Kết quả là khả năng nông hộ tiếp cận tín dụng tương quan thuận với tuổi, trình độ học vấn của chủ hộ, số thành viên và tổng tài sản của hộ và tương quan nghịch với diện tích đất và thu nhập của hộ.

Lê Khương Ninh và Văn Hùng (2011) nghiên cứu các yếu tố quyết định vốn vay tín dụng chính thức của nông hộ ở Hậu Giang qua mô hình Tobit, kết luận là lượng vốn vay tín dụng chính thức của các nông hộ chịu ảnh hưởng bởi trình độ học vấn, nghề nghiệp của chủ hộ, thu nhập của hộ, khoảng cách đến chợ huyện hay thị tứ, số tổ chức tín dụng, tài sản thế chấp, số lần vay.... Các yếu tố này là rào cản đối với hộ nghèo, ít học, ít đất, ít có quan hệ rộng và có thu nhập thấp, sống ở vùng sâu, vùng xa.

Theo nghiên cứu của PGS, TS Trương Đông Lộc và Ths. Nguyễn Thanh Bình (2011), bằng cách sử dụng mô hình probit đã tìm ra 05 yếu tố, các yếu tố được xem là ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ ở tỉnh Tiền Giang cụ thể là: thu nhập sau khi cho vay, số thành viên trong gia đình có thu nhập, ngành nghề chính tạo ra thu nhập của nông hộ, trình độ học vấn của chủ hộ có mối tương

quan thuận với khả năng trả nợ vay của khách hàng, ngược lại lãi suất có mối tương quan tỷ lệ nghịch. Tác giả đã sử dụng phương pháp khảo sát những hộ có vay vốn trong năm 2009 đến thời điểm 31/12/2009 vẫn còn số dư, với tổng số hộ được chọn điều tra là 436 hộ ở tỉnh Hậu Giang. Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng trình độ học vấn càng cao thì khả năng trả nợ vay đúng hạn càng cao.

Nghiên cứu So sánh các phương pháp phân tích và kiểm định yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ trong tín dụng khách hàng cá nhân: Trường hợp của Ngân hàng Hợp tác (Co-Opbank) của Nhóm tác giả Ngô Tiến Quý, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Thiện Toàn đăng trên Tạp chí Kinh tế đối ngoại ngày 18/11/2019.

Nghiên cứu đã so sánh ba phương pháp phân tích chính là phương tích phân biệt (MDA), phân tích hồi quy Probit và phương pháp hồi quy Logit. Trong đó, kết quả rút ra: (1) Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay KHCN tại Co-Opbank gồm có Chất lượng tổ chức sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, tuổi nghề trung bình, sử hữu địa điểm kinh doanh, sử dụng dịch vụ của tổ chức tín dụng khá và ghi chép kế toán là các yếu tố mà cả 3 phương pháp đều cho kết quả phù hợp với hầu hết các nghiên cứu trước đây là có tác động ngược chiều đến khả năng vỡ nợ; trong khi đó, 3 phương pháp có kết quả mâu thuẫn với nhau về các yếu tố: tuổi, ngành nghề kinh doanh, nghiên cứu thị trường, trình độ học vấn; các yếu tố liên quan đến khả năng sinh lời, cơ cấu vốn, hợp đồng tín dụng và các yếu tố khác liên quan đến hoạt động kinh doanh (thời gian trung bình lao động tại cơ sở kinh doanh, quan hệ nhà cung cấp, giá sản phẩm so với thị trường, rủi ro chi phí đầu vào) có chiều ảnh hưởng với xu hướng ngược với giả thiết; các yếu tố còn lại không có ý nghĩa thống kê. (2) Về nhận định so sánh 03 phương pháp đưa ra: Kết quả nghiên cứu cho thấy hồi quy Logit phù hợp nhất trong phân tích và kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Hợp tác. Phương pháp MDA đem lại kết quả chấp nhận được.

Trong khi đó, hồi quy Probit có hiệu quả thấp hơn khá rõ rệt so với 2 phương pháp trên.

Nghiên cứu của Nguyễn Phúc Mẫn (2015) với mục tiêu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại ngân hàng TMCP Ngoại

Thương chi nhánh Vũng Tàu. Trong đó, khả năng trả nợ được biểu hiện bởi 2 biểu số là quy mô trả nợ và thời hạn trả nợ (trả nợ đúng hạn hoặc trễ hạn). Với mẫu dữ liệu là thông tin nợ cá nhân của 503 khách hàng cá nhân trong khoản thời gian từ 01/2011 đến 12/2014 tại ngân hàng, kết quả nghiên cứu cho thấy về mặt quy mô trả nợ, biến số này (i) phụ thuộc cùng chiều với các biến số: Đại học, sau đại học, lãnh đạo/quản lý, kích cỡ khoản vay, thời hạn vay và hình thức vay. Và (ii) phụ thuộc ngược chiếu với: Giới tính, công nhân viên, lãi suất khoản vay, vay tiêu dùng, vay mua bất động sản. Xét về thời hạn trả nợ, biến số này chịu ảnh hưởng cùng chiều với các yếu tố: Sau đại học, lãnh đạo/quản lý, chuyên viên, kích cỡ khoản vay, hình thức vay. Trong khi đó các biến số: giới tính, lãi suất vay, vay mua bất động sản tác động ngược chiều đến khả năng trả nợ đúng hạn.

Nghiên cứu của Đặng Thị Cẩm Nhung với mục tiêu phân tích các yếu tố tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Long An. Với mẫu dữ liệu là 200 mẫu dữ liệu được chọn ngẫu nhiên tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Long An, nghiên cứu sử dụng mô hình Logit với phương pháp thống kê mô tả, phân tích hồi quy, nhằm tìm hiểu các yếu tố tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Long An. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng trả nợ chịu tác động bởi các yếu tố: giới tính, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, thời hạn vay, thu nhập bình quân của hộ và chi tiêu bình quân của hộ. Nghề nghiệp chính càng ổn định thì khả năng trả nợ vay càng tốt, các chủ hộ đã lập gia đình thì khả năng trả nợ cao hơn chủ hộ chưa lập gia đình và tình trạng sở hữu nhà ở cũng làm tăng khả năng trả nợ vay. Tài sản thế chấp là động sản thì khả năng trả nợ vay tốt hơn các tài sản thế chấp khác. Thời hạn vay càng dài thì khả năng trả nợ vay tốt hơn những hộ vay thời gian ngắn. Thu nhập bình quân của hộ càng cao thì càng đảm bảo khả năng trả nợ tốt hơn. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nghiên cứu đề xuất những khuyến nghị trong việc nhận diện khả năng trả nợ vay của khách hàng cá nhân tại Agribank Long An (Đặng Thị Cẩm Nhung, 2015).

Hồ Hoàng Triệu (2019) nghiên cứu khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Thủ Thừa, tỉnh Long An với 14 biến về đặc điểm khách hàng (độ tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng sở hữu nhà, người phụ thuộc, thời gian cư trú); tài chính của khách hàng (lịch sử tín dụng, kinh nghiệm trong lĩnh vực hiện tại, thời gian làm công việc hiện tại, thu nhập), liên quan đến khoản vay (lãi suất, kỳ hạn vay, quy mô khoản vay, mục đích khoản vay). Kết quả nghiên cứu cho thấy 07 nhân tố tác động gồm giới tính, thời gian cư trú; lịch sử tín dụng, thời gian làm công việc hiện tại, thu nhập; lãi suất, quy mô khoản vay.

Nhìn chung trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng cũng đã có các nghiên cứu về khả năng trả nợ vay đối với khách hàng cá nhân, tuy nhiên các công trình trước đây chưa có nghiên cứu nào về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Do đó, đây là khoảng trống để tác giả lựa chọn nghiên cứu.

Kết luận Chương 1

Việc đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định cho vay của ngân hàng. Việc làm này góp phần hạn chế tình trạng nợ xấu hiện nay của các ngân hàng, do đó hầu hết các ngân hàng đều quan tâm và không ngừng tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng.

Từ việc tìm hiểu, tổng hợp các tài liệu đã học, những nghiên cứu trước đây trong chương 1, một số vấn đề đã được giải quyết như: Tổng hợp những kiến thức, lý thuyết cơ bản về hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại nói chung cũng như hoạt động cho vay cá nhân nói riêng. Giới thiệu các nghiên cứu và mô hình nghiên cứu trước đây về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân. Xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân.

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI KHẢ NĂNG VỠ NỢ CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (Trang 35 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)