CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG VỠ NỢ CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.3 Thực trạng công tác đánh giá khả năng vỡ nợ khách hàng cá nhân tại Ngân hàng
2.4.2 Hạn chế và nguyên nhân
2.4.2.1 Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được đã đề cập ở trên, công tác đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng tại BIDV vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
- Hệ thống công văn, chính sách tín dụng của Ngân hàng BIDV thường xuyên được ban hành, cập nhật nhưng mang tính chất chắp vá, chưa có xây dựng một cách có hệ thống và khoa học, nhiều công văn chính sách còn có các nội dung chồng chéo, khó hiểu.
- Kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ chưa lượng hóa xác suất vỡ nợ của khách hàng cá nhân và thực sự hỗ trợ BIDV trong việc ra quyết định tín dụng. Hiện nay các quyết định tín dụng phần lớn dựa vào kết quả chấm điểm xuất ra từ hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, tuy nhiên cơ cấu điểm số của các chỉ tiêu đưa vào chưa được xây dựng một cách hợp lý, ví dụ tiêu chí tài sản tích lũy ròng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng tài chính của khách hàng nhưng lại không ảnh hưởng đến điểm số xếp hạng tín dụng dù đã được tích hợp vào mô hình, hay thu nhập của khách hàng cũng là một trong những chỉ tiêu ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng vỡ nợ của khách hàng nhưng ảnh hưởng của chỉ tiêu này đến điểm số xếp hạng tín dụng lại không đáng kể, thay vào đó những yếu tố như số người phụ thuộc, thời gian cư trú tại địa phương lại có ảnh hưởng đáng kể.
2.4.2.2 Nguyên nhân của hạn chế
- Việc sửa đổi, ban hành các văn bản mới cần dựa trên thực tế triển khai để nghiên cứu, đề xuất nội dung chỉnh sửa hợp lý và cần có sự tham gia ý kiến của nhiều các đơn vị liên quan nên cần có thời gian để hoàn thành, do đó trong nhiều thời điểm chưa được chỉnh sửa kịp thời.
- Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của BIDV được xây dựng theo phương pháp chuyên gia. Việc lựa chọn, quyết định toàn bộ các yếu tố cơ bản của hệ thống xếp hạng tín dụng phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của các chuyên gia thay vì trên dữ liệu thống kê lịch sử và phân tích mô hình kinh tế lượng có tính chính xác cao hơn.
Bên cạnh đó mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ còn chưa tích hợp một số yếu tố có ảnh hưởng đến vỡ nợ của khách hàng như lãi suất, kỳ hạn của khoản vay…,
mặc dù đây là những tiêu chí liên quan đến đặc điểm khoản vay và thường được mặc định bởi các xếp hạng tín dụng tuy nhiên những yếu tố này lại ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí trả nợ của khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ của khách hàng và cần được lưu ý xem xét trước khi ra quyết định tín dụng.
- Việc thu thập các thông tin cho việc xếp hạng tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các thông tin phi tài chính của khách hàng, vì vậy kết quả xếp hạng tín dụng, đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng còn dựa nhiều trên đánh giá chủ quan của chuyên viên xếp hạng.
Kết luận Chương 2
Tại phần đầu của Chương 2, luận văn đã đưa ra các thông tin giới thiệu cơ bản về hoạt động của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; thông tin về hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng (chính sách tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng cá nhân, các sản phẩm tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, kết quả hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng trong giai đoạn 2016-2019).
Tiếp đến, luận văn cũng đề cập đến thực trạng công tác đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng (hiện nay Ngân hàng chủ yếu đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân thông qua phương pháp định tính – mô hình 5C; phương pháp đánh giá dựa trên định hướng các chỉ đạo tín dụng, sản phẩm tín dụng và các chính sách tín dụng từng thời kỳ; phương pháp đánh giá dựa trên Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ khách hàng cá nhân). Tác giả cũng đưa ra đánh giá về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân còn tồn tại của công tác đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng BIDV hiện nay.
Việc phân tích thực trạng công tác đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng là cơ sở để đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ khách hàng cá nhân tại Ngân hàng trong Chương 3.