Hoàn thiện nội dung quản lý rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG SÀI GÒN HÀ NỘI- SHB CHI NHÁNH QUẢNG NINH (Trang 100 - 105)

CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN CỦA NGÂN HÀNG SÀI GÒN HÀ NỘI- SHB CHI NHÁNH QUẢNG NINH

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QLRR TÍN DỤNG CHO VAY KHCN TẠI SHB QUẢNG

3.2. Giải pháp hoàn thiện công tác QLRRTD KHCN SHB Quảng Ninh

3.2.3 Hoàn thiện nội dung quản lý rủi ro tín dụng

3.2.3.1 Hoàn thiện công tác nhận diện rủi ro tín dụng

Nhận diện rủi ro là một quá trình liên tục và thường xuyên vì nguy cơ rủi ro luôn thay đổi. Nên kết hợp nhiều phương pháp để nhận dạng mọi rủi ro tiềm năng.

(1) Thành lập bộ phận nghiên cứu, phân tích và dự báo rủi ro

Xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm liên quan đến các dấu hiệu của khách hàng và thị trường, dự báo diễn biến kinh tế từng ngành lĩnh vực tác động đến ngân hàng, khách hàng vay vốn trên địa bàn. Từ định hướng, có chính sách cho từng ngành, lĩnh vực, cấp hạn mức cụ thể để chủ động phòng tránh rủi ro, tránh phản ứng quá chậm gây lúng túng trong công tác quản trị rủi ro của ngân hàng.

Bộ phận này sẽ có nhiệm vụ tổng kết những rủi ro ngành, chiến lược KH và chiến lược đầu tư. Một mặt để giảm áp lực cho nhân viên tín dụng, giúp họ tập trung hơn vào chuyên mô, mặt khác giúp SHB Quảng Ninh có cái nhìn tổng quan hơn về danh mục cho vay, tập trung trong quản trị RRTD khi có những biến động về tình hình kinh tế vĩ mô.

(2) Giao tiếp với các tổ chức chuyên nghiệp

- Sử dụng báo cáo của các tổ chức chuyên nghiệp đánh giá tín dụng và rủi ro tín dụng (các tổ chức định giá tín nhiệm doanh nghiệp)

- Điểm thuận lợi khi sử dụng báo cáo của các tổ chức tín nhiệm doanh nghiệp là các công ty này sẽ sử dụng các nguồn thông tin để đối chiếu, sử dụng các phương pháp phân tích để nhận diện ra các doanh nghiệp tốt hoặc có vấn đề, từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể về hạn mức tín nhiệm, giúp cho ngân hàng đưa ra quyết định chính xác hơn trong việc cấp tín dụng.

3.2.3.2 Hoàn thiện công tác đo lường rủi ro tín dụng

SHB Quảng Ninh cần chủ động trong việc xây dựng một hệ thống xếp hạng tín dụng cho từng nhóm đối tượng khách hàng. Cụ thể:

(1) Nâng cao chất lượng đánh giá, đo lường rủi ro hoạt động cấp tín dụng, trong đó tập trung hơn vào các nhân tố sau:

- Các nhân tố vỡ nợ tài chính bao gồm: khả năng sinh lời, khả năng thanh khoản, hiệu quả hoạt động, đòn bẩy tài chính, cấu trúc tài sản và nguồn vốn, khả năng thanh toán và các chỉ tiêu tăng trưởng.

- Các nhân tố vỡ nợ phi tài chính bao gồm: trình độ và chất lượng nhân sự cấp quản lý (chất lượng, kinh nghiệm, trình độ,…); môi trường nội bộ (nhân sự nội bộ, quy chế hoạt động, kế hoạch kinh doanh,…); đặc điểm hoạt động kinh doanh (nguồn cung cấp đầu vào, thị trường đầu ra,…); mối quan hệ với các tổ chức tín dụng (hành vi trả nợ trong quá khứ, mức độ hợp tác trong việc cung cấp thông tin);

khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, các nhân tố ngành (chu kỳ ngành, hỗ trợ từ Chính phủ,…); mức độ nhạy cảm với biến động của thị trường (mức độ ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập và dòng tiền của doanh nghiệp trước những biến

động của giá nguyên liệu đầu vào, đầu ra và tỷ giá); thông tin tín dụng (CIC).

(2) Thành lập các bộ phận chuyên trách thực hiện kiểm soát kết quả và đánh giá xếp hạng tín dụng. Ít nhất mỗi năm một lần, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải được ban lãnh đạo xem xét, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở số liệu, thông tin khách hàng thu thập được trong năm.

3.2.3.3 Hoàn thiện công tác kiểm soát rủi ro tín dụng

Kiểm soát nội bộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả các hoạt động của NH, không chỉ riêng về mảng tín dụng. Hiện tại, SHB Quảng Ninh có phòng kiểm toán nội bộ tại Hội sở chính, phòng kiểm tra giám sát tuân thủ tại Hội sở chính và các chi nhánh. Để các bộ phận này hoạt động thực sự có hiệu quả, hết chức năng, cần thiết phải có một số điều chỉnh sau: Cần trú trọng công tác “hậu kiểm” của kiểm tra nội bộ để tăng cường khả năng kiểm soát tính tuân thủ trong hoạt động cấp tín dụng, giảm thiểu những rủi ro tín dụng. Trong công tác kiểm tra nội bộ, ngoài thực hiện kiểm tra theo định kỳ, cần tập trung và tăng tần suất kiểm tra các khách hàng có nợ xấu, đánh giá việc thực thi các biện pháp quản lý nợ có vấn đề và khả năng thu hồi nợ. Công tác kiểm tra nội bộ cần thực hiện có trọng điểm, theo các ngành nghề, lĩnh vực đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro để kịp thời chấn chỉnh và đề xuất các giải pháp để tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro tín dụng.

3.2.3.4. Hoàn thiện công tác tài trợ rủi ro tín dụng (1) Sử dụng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng

- Khi các biện pháp thu hồi nợ khác không có hiệu quả, ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn từ quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu đã được xếp loại theo tiêu chuẩn để bù đắp thiệt hại của khoản nợ xấu.

- Mục tiêu của SHB Quảng Ninh là tăng trưởng ổn định. Do vậy, SHB Quảng Ninh cần phải sử dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thích hợp để đối phó với rủi ro do không thu được nợ bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau nhằm khai thác tối đa nguồn thu từ các khoản nợ gặp rủi ro.

(2) Sử dụng các công cụ bảo hiểm và bảo đảm tiền vay

- Rủi ro tín dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân rất đa dạng mà đôi khi những rủi ro đó ngân hàng không thể lường trước được. Vì vậy sử dụng các công cụ bảo hiểm và áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra là cực kỳ quan trọng. Một số giải pháp cần thực hiện:

- Ngân hàng cần xây dựng một chính sách rõ ràng về tài sản đảm bảo, các tiêu chuẩn của tài sản đảm bảo, cách định giá…yêu cầu đối với tài sản đảm bảo có thể căn cứ dựa vào xếp hạng tín dụng và lịch sử giao dịch của khách hàng.

- Chỉ nhận cầm cố thế chấp những tài sản có tính thanh khoản cao, dễ xử lý khi có rủi ro xảy ra. Đối với những tài sản mà khách hàng chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về sở hữu tài sản thì yêu cầu khách hàng hoàn thành việc đăng ký sở hữu tài sản, nhất là đối với nhà xưởng, công trình trên đất rồi mới nhận cầm cố, thế chấp.

Đối với cho vay mà tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, yêu cầu khách hàng hoàn thiện về thủ tục đăng ký sở hữu tài sản khi dự án hoàn thành là điều kiện bắt buộc, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý và thực trạng của tài sản đảm bảo. Việc giải ngân các dự án phải ưu tiên thực hiện bằng phương pháp chuyển khoản trực tiếp đến người bán. Nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ đầy đủ và đúng hạn, yêu cầu các khoản thu từ dự án phải thực hiện qua tài khoản của đơn vị tại SHB Quảng Ninh.

- Tài sản đảm bảo không phải là căn cứ để quyết định cấp tín dụng, đây chỉ là cơ sở để xác định hạn mức cho vay. Chứng minh được nguồn trả nợ mới là yếu tố quyết định khách hàng có được cấp tín dụng hay không.

- Ngân hàng liên kết với một số công ty bảo hiểm có uy tín, tư vấn, hỗ trợ khách hàng khi có yêu cầu và đưa ra sản phẩm bảo an tín dụng. Theo đó, thời hạn của hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian tính từ ngày bắt đầu bảo hiểm đến ngày chấm dứt hiệu lực hợp đồng tín dụng. Để tránh phiền toái cho khách hàng khi phải tính cùng lúc phí bảo hiểm và lãi suất vay vốn, mức phí bảo hiểm được tính cộng vào lãi suất cho vay. Vì vậy, những trường hợp này, mức lãi suất cho vay được áp dụng sẽ cao hơn các mức lãi suất thông thường khác. Đây là biện pháp hữu hiệu, đặc biệt đối với khách hàng cá nhân nhằm hạn chế những thiệt hại khi rủi ro tín dụng xảy ra.

(3) Đối với các khoản vay có vấn đề

SHB Quảng Ninh cần tổ chức các chuyến thăm khách hàng thường xuyên để phát hiện nhanh những khoản vay có vấn đề thông qua quan sát thái độ của khách hàng và phân tích các báo cáo kế toán, quan sát tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngay khi phát hiện khoản vay có vấn đề, cán bộ tín dụng phải kiểm tra hồ sơ khoản vay, kiểm tra hồ sơ đảm bảo để đảm bảo rằng tất cả hồ sơ ngân hàng lưu giữ đều hợp pháp, hợp lệ, tìm kiếm cơ hội để bổ sung tài sản đảm bảo. Sau đó, Ngân hàng nên gặp gỡ khách hàng để tìm kiếm giải pháp và tư vấn cho khách hàng tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất, ngăn chặn tình trạng có thể dẫn đến phá sản. Kết quả cuối cùng của chuyến viếng thăm là phải loại bỏ được những khó khăn từ phía khách hàng để giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Đối với các khoản nợ khó đòi, SHB Quảng Ninh cần tích cực xử lý theo hướng sau:

- Xử lý các tài sản đảm bảo tiền vay: Khi khách hàng không có khả năng trả nợ như dự kiến, Ngân hàng cần tiến hành bán tài sản đảm bảo nợ vay hoặc nhận chính tài sản đảm bảo nợ vay để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm. Trong trường hợp bên thứ ba có nghĩa vụ trả tiền hoặc bán tài sản để trả nợ cho khách hàng vay, Ngân hàng cần nhận trực tiếp các khoản tiền hoặc tài sản từ bên thứ ba.

- Bán nợ: Ngân hàng nên cố gắng tìm kiếm khách hàng để bán lại các khoản nợ có vấn đề với một tỉ lệ thích hợp. Có thể bán cho Công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính hoặc bán cho bất kỳ tổ chức nào có chức năng mua nợ khác.

- Khởi kiện: Ngân hàng nên chủ động tiến hành các thủ tục khởi kiện ra toà đối với các khoản vay khó đòi, các khoản nợ tồn đọng sau khi đã áp dụng các biện pháp tổ chức khai thác, xử lý tài sản thế chấp nhưng không thu hồi được nợ, nhất là đối với các trường hợp khách hàng có dấu hiệu lừa đảo, cố ý chây ỳ trong việc trả nợ ngân hàng.

- Xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng: Đây là biện pháp cuối cùng

trong quá trình xử lý nợ của ngân hàng. Trong trường hợp cần thiết, SHB Quảng Ninh phải chủ động dùng nguồn của chính mình để bù đắp rủi ro trong hoạt động kinh doanh, sao cho quá trình kinh doanh mới được diễn ra trên mặt bằng có lợi.

Việc xử lý rủi ro nên được thực hiện mỗi quí một lần. Việc xem xét đối tượng và hồ sơ xử lý rủi ro cần được thực hiện nghiêm chỉnh theo qui định của NHNN.

Phát mãi tài sản bảo đảm: Theo quy định của SHB Quảng Ninh, nếu khách hàng có khoản nợ quá hạn 06 tháng liên tiếp thì xem xét phát mãi tài sản. Tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều trường hợp như vậy, nhưng rất khó áp dụng biện pháp này.

SHB Quảng Ninh cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước trong việc phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ khách hàng, giảm thiểu tổn thất.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG SÀI GÒN HÀ NỘI- SHB CHI NHÁNH QUẢNG NINH (Trang 100 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)