Khái quát đầu tư công ở Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Hiệu quả đầu tư công ở một số nước đông á và bài học cho việt nam (Trang 78 - 81)

Chương 3. THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM ĐẦU TƯ CÔNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG Á

3.1. Tổng quan đầu tư công Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản

3.1.2. Khái quát đầu tư công ở Hàn Quốc

Hàn Quốc là trường hợp thành công của sự phát triển. Một quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, bị tàn phá bởi Chiến tranh Triều Tiên trong ba năm, vươn lên từ đống tro tàn của cuộc chiến với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la vào năm 1962 đến hơn 10.000 đô la vào năm 1995 với mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 10% [125]. Hiện tại, Hàn Quốc là nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn thứ 13 và là nước xuất khẩu lớn thứ 8

thế giới với thu nhập bình quân đầu người hơn 31.362,80 USD và tích cực tham gia hợp tác phát triển toàn cầu với tư cách là thành viên của OECD và Ủy ban hỗ trợ phát triển. Trong những năm 1960, có khoảng 60 quốc gia đang phát triển, bao gồm Hàn Quốc, có thu nhập bình quân đầu người dưới 300 đô la. Trong số các quốc gia này, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đạt thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 đô la vào năm 1995, 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014. Theo tính toán WB cho biết GDP danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2018 là 1.619,4 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 12 trên tổng số 205 nước trên thế giới, nối tiếp năm 2017 [144]. Theo báo cáo phân tích và dự báo của Goldman Sachs, Hàn Quốc có thể trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD. [61]

Mặc dù, những nỗ lực trong việc tư nhân hóa bắt đầu diễn ra từ cuối những năm 1960. Tuy nhiên, quá trình tư nhân hóa chỉ được tiến hành mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Quá trình này mang lại doanh thu tăng thêm 15 tỷ USD và nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, qua đó giúp Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng. Tình hình tài chính của DNNN cũng được cải thiện đáng kể sau khi cổ phần hóa. Chẳng hạn như trường hợp của POSCO, Tổng công ty Sách quốc gia, Công ty Công nghệ Tài chính Hàn Quốc, Công ty Đường ống dẫn dầu Hàn Quốc và Tổng công ty Công nghiệp nặng Hàn Quốc.

Cuộc khủng hoảng tài chính tác động mạnh đến nền kinh tế Hàn Quốc cuối năm 1997, thúc đẩy các dự án PPP rơi vào đình trệ. Để khuyến kích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và khắc phục tình trạng thiếu vốn ngân sách, Chính phủ sửa đổi và ban hành Đạo luật về sự tham gia khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng vào tháng 12 năm 1998; trong đó kêu gọi tiếp thêm sức mạnh cho PPP thông qua các chính sách của Chính phủ, bao gồm cả việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Chính phủ Hàn Quốc sửa đổi luật này một lần nữa trong năm 2005, mở rộng phạm vi cho khu vực tư nhân tham gia vào

cơ sở hạ tầng kinh tế, như phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, cảng biển, môi trường đến cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, nhà quân sự, nhà ở và các công trình phúc lợi, nhà văn hóa… Trong đó, phương thức xây dựng - chuyển giao - cho thuê (Buil - Transfer - Lease gọi tắt là BTL) được giới thiệu bên cạnh các hình thức PPP và đa dạng hóa cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, mô hình bảo lãnh doanh thu tối thiểu với sự đảm bảo lên đến 90% doanh thu dự kiến trở thành vấn đề lớn. Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 85 triệu USD mỗi năm để bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Đến tháng 10 năm 2009, bảo lãnh doanh thu tối thiểu bị bãi bỏ và được thay thế bằng biện pháp hỗ trợ của chính phủ nhằm bù đắp một phần chi phí cho nhà đầu tư, theo đó chính phủ chia sẻ rủi ro đầu tư ở một số dự án nhất định.

Sự hợp tác công tư trong giai đoạn này chủ yếu tập trung ở hai hình thức BTO và BTL, tùy thuộc vào cơ cấu dự án PPP. Các phương thức khác như BOT và BOO cũng được áp dụng. Trong các dự án BTO, quyền sở hữu của cơ sở hạ tầng được chuyển giao cho Chính phủ sau khi hoàn thành xây dựng, và nhà đầu tư được cấp quyền khai thác chúng để đạt được lợi tức đầu tư. Người được nhượng quyền sẽ thu hồi chi phí đầu tư trực tiếp từ phí sử dụng, do vậy khả năng thu hồi vốn đầu tư là yếu tố quan trọng trong thực hiện dự án BTO. Hầu hết các dự án BTO là dự án đường giao thông, đường sắt và cảng biển. Trong các dự án BTL, quyền sở hữu của cơ sở hạ tầng được chuyển giao cho Chính phủ sau khi hoàn thành xây dựng, và nhà đầu tư được cấp quyền để vận hành chúng và được nhận thanh toán từ chính phủ (chi phí cho thuê và chi phí hoạt động) dựa trên hiệu suất hoạt động trong một giai đoạn nhất định. Phương thức BTL được sử dụng cho các dự án khó có khả năng thu hồi chi phí đầu tư thông qua việc thu phí sử dụng. Các dự án BTL chủ yếu là kết cấu hạ tầng xã hội như trường học, công trình phúc lợi, các công trình nâng cao chất lượng môi trường, nơi đồn trú quân sự…

Khi các dự án PPP lần đầu tiên được giới thiệu tại Hàn Quốc vào năm 1995, 400 triệu won được đầu tư trong các dự án PPP (chủ yếu là dự án BTO), chỉ chiếm 0,5% tổng vốn đầu tư xã hội vào kết cấu hạ tầng. Đến năm 2008, 3,7 nghìn tỷ won (khoảng 3,3, tỷ USD) đã được đầu tư vào các dự án PPP (chủ yếu là hình thức BTO), chiếm 18,5% tổng đầu tư xã hội vào kết cấu hạ tầng.

Một phần của tài liệu Hiệu quả đầu tư công ở một số nước đông á và bài học cho việt nam (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(219 trang)
w