1.5. Những công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có liên quan đến Luận án
1.5.2. Những nghiên cứu ngoài nước có liên quan
(1) Tung Tsan Chen, Wei Ling Hsu và Wen Kuang Chen (2020), đề tài An Assessment of Water Resources in the Taiwan Strait Island Using the Water Poverty Index (Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước theo chỉ số nghèo nước (WPI): Trường hợp nghiên cứu tại đảo eo biển của Đài Loan. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng tài nguyên nước tại đảo Kinmen ven biển của Đài Loan sử dụng chỉ số nghèo nước (WPI). Các số liệu phân tích dựa trên việc thu thập năm thành phần chính cấu thành WPI được tính toán và đánh giá dựa trên những chuẩn phổ biến. Chỉ số nghèo nước WPI và năm thành phần chính của nó được thể hiện trên bản đồ và phân tích. Qua bản đồ cho thấy sự phân bố không đồng đều nước, những “điểm nóng” cũng như những yếu tố chính gây nên tình trạng nghèo nước, từ đó đề ra giải pháp khắc phục phù hơp.[84] Tuy nhiên, đề tài mới chỉ tập trung nghiên cứu về một khía cạnh khác của công tác quản lý nguồn nước.
(2) Jyrki Laitinen, Johanna Kallio, Tapio S. Katko. Jarmo J. Hukka, và Petri Juuti (2020) đề tài Resilient Urban Water Services for the 21th Century Society – Stakeholder Survey in Finland (Các dịch vụ nước đô thị bền vững cho xã hội thế kỷ 21 – Khảo sát các bên liên quan ở Phần Lan). Khả năng phục hồi đã trở thành một chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận liên quan đến dịch vụ nước đô thị. Khả năng phục hồi do những bất lợi thiên tai gây nên, cơ sở hạ tầng không đồng bộ hoặc quản lý không phù hợp. Để phát huy được tất cả những khả năng tự phục hồi này đòi hỏi tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quản lý kỹ thuật cần rõ ràng và đồng bộ. Đề tài chưa đề xuất giải pháp kỹ thuật, công nghệ để QL vận hành hệ thống thích ứng với BĐKH; đồng thời chưa đề cập đến vai trò của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đô thị, vai trò bảo vệ và quản lý NN cung cấp cho các ĐT. [74]
(3) UNESCO World Water Assessment Programme (WWAP), Michela, Miletto, Richart Connor, nhóm chương trình WWDR (2020), “The United Nations World Water Development Report 2020/Water and Climate Change” (Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc/ Chủ đề Nước và Biến đổi khí hậu). Báo cáo được công bố với chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” và mối liên hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố này. Báo cáo tập trung đưa ra các thông điệp quan trọng nhằm thích nghi với tác động của nước do BĐKH. Ngoài ra, báo cáo nêu nếu sử dụng nước hiệu quả hơn, chúng ta sẽ đảm bảo cung cấp đủ cho các khu công nghiệp và đô thị, giảm khí nhà kính… Tuy nhiên, hạn chế của báo cáo này chỉ tập trung đưa ra những khuyến cáo cho việc quản lý nước sinh hoạt và tận dụng nước thải chứ chưa nêu đến vai trò của quản lý nước cho khu công nghiệp và đô thị của các nước đang phát triển đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. [86]
(4) Anna V.M.Machado, Joao A.N. dos.Santos, Lucas M.C. Alves, và Norbertho da S.Quindeler (2019) đề tài Contributions of Organizational Levels in Community Management Models of Water Supply in Rural Communities: Cases from Brazil and Ecuador (Đóng góp của các cấp tổ chức trong các mô hình quản lý cộng đồng về cấp nước: Trường hợp của Brazil và Ecuador). Trong nghiên cứu này các tác giả nêu mô hình quản lý cộng đồng của hệ thống cung cấp nước đã được áp dụng tại một loạt các cộng đồng các tỉnh nông thôn của các nước đang phát triển. Ở đây vai trò của các tổ
chức cộng đồng ở các địa phương trong mô hình quản lý nước được đề xuất triển khai.
Như vậy việc phân chia thành các cấp quản lý làm cho tăng hiệu quả của công tác quản lý nguồn nước. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ thực hiện cho trường hợp các nước châu Mỹ La tinh về mặt địa lý khác với các nước châu Á nên mức độ áp dụng cũng cần được thay đổi sao cho phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng quốc gia, từng tỉnh/thành phố khác nhau. [70]
(5) Anna Hurnimann and Elizabeth Wilson (2018) đề tài “Sustainable Urban Water Management under a Changing Climate: The Role of Spatial Planning” (Quản lý Nước đô thị bền vững theo BĐKH: Vai trò của quy hoạch không gian). Việc cung cấp nguồn nước bền vững là một nhiệm vụ ngày càng khó đạt được đối với nhiều đô thị. Nhiều học giả ủng hộ quản lý nước đô thị bền vững (SUWM) như một cách tiếp cận có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những thách thức này. Tuy nhiên, việc thực hiện SUWM và thích ứng với BĐKH trong ngành nước đô thị vẫn còn hạn chế.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng một khung logic để xem xét một loạt các can thiệp quy hoạch không gian có thể tạo điều kiện thích ứng với BĐKH và SUWM. Bài viết cung cấp thông tin và công cụ để hỗ trợ các nhà quy hoạch nước đạt được SUWM đồng thời ngành nước và môi trường đô thị có khả năng thích nghi tốt, theo cách tích hợp, toàn diện, để đáp ứng nhu cầu cấp nước trong tương lai. Hạn chế của đề tài là chưa đưa ra các giải pháp cho cung cấp nước cho các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh/thành phố và vai trò của các cấp quản lý địa phương như thế nào. [71]
(6) International Bank for Reconstruction and Development/The World Bank (Ngân hàng Thế giới) (2018), đề tài báo cáo Climate Change, Water and the Economy (BĐKH, Nước và Nền Kinh tế). Tài liệu khẳng định tác động của BĐKH đối với đời sống con người là hậu quả của việc quản lý nước không đồng bộ và những hậu quả có thể rất lớn và không đồng đều giữa các nước và các khu vực khác nhau. Những nguy cơ rủi ro mang lại từ vấn đề quản lý nước và BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến lương thực, năng lượng, đô thị, và hệ thống môi trường. Quản lý tốt nguồn nước là góp phần xóa đói giảm nghèo. Đó là lý do tại sao quản lý nước đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), giảm nghèo và phát triển thịnh vượng. Song đề tài này mới chỉ phân tích sâu về tác hại và hậu quả của quản lý nước với BĐKH và phát triển kinh tế, dự đoán xu hướng chung và giải pháp định hướng cho từng lĩnh vực ảnh hưởng mà chưa đưa ra các cách giải quyết cho các chính quyền đô thị quy mô nhỏ như một tỉnh/thành phố. [72]
Trên đây là những công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có liên quan đến luận án bao gồm: 06 đề tài và 05 luận án tiến sĩ trong nước; 06 đề tài nghiên cứu của nước ngoài. Các công trình nghiên cứu trên đều là những kinh nghiệm và các tài liệu bổ ích để tham khảo cho luận án. Đồng thời thấy rõ nội dung mà các công trình này đã tập trung nghiên cứu giải quyết. Trên cơ sở đó khẳng định nội dung nghiên cứu của luận án có tính chuyên biệt và giải quyết một vấn đề khác so với các công trình đã nghiên cứu ở trên.