0
Tải bản đầy đủ (.doc) (72 trang)

Ứng dụng 1-MCP trong bảo quản rau, quả

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN RAU CẢI CHÍP SAU THU HOẠCH (Trang 28 -30 )

Hiệu quả của 1-MCP trong việc xử lý etylen trong rau, quả nhằm kéo dài thời gian sử dụng sau thu hoạch đã được nghiên cứu khá rộng rãi, tính đến năm 2007, kết quả nghiên cứu xử lý 1-MCP cho khoảng trên 50 loại rau, quả, hoa cây cảnh đã được công bố:

Năm 2001, Watkins đã nghiên cứu ảnh hưởng của 1-MCP ở các nồng độ 0,5; 1 và 2ml/l trên 4 giống táo có tên McIntosh, Empire, Delicious và Law Rome ở điều kiện bảo quản thường và bảo quản kiểm soát khí quyển. Kết quả cho thấy 1-MCP đã có tác dụng kéo dài thời gian lưu trữ của quả sau thu hái. Tuy nhiên, các giống khác nhau yêu cầu các nồng độ xử lý -MCP là khác nhau. Đặc biệt, sau khi xử lý 1-MCP, quả táo được đưa đi bảo quản trong điều kiện khí kiểm soát đã làm giảm các rối loạn sinh lý của quả trong bảo quản và làm chậm quá trình mềm hóa của quả ở quá trình chín. Kết quả này cũng đã được khẳng định bởi Bai và cộng sự năm 2005 khi nghiên cứu trên 4 giống táo Gala, Delicious, Granny Smith và Fuji [4].

Fan và cộng sự (2004) đã nghiên cứu tác dụng của 1-MCP trên quả mơ và cho biết 1-MCP có thể làm chậm sự mềm hóa của quả ngay cả khi xử lý quả ở trạng thái bắt đầu chín. Cũng theo tác giả, sự tổng hợp các hợp chất bay hơi của quả mơ xử lý 1-MCP cũng bị ức chế. Theo Dong và cộng sự (2002), quả mơ được xử lý 1-MCP nếu đưa vào bảo quản lạnh có thể cho chất lượng thấp hơn so với quả không xử lý, nhưng những triệu chứng của rối loạn sinh lý lại giảm [4].

Trên xoài, Penchaiya đã xử lý 1-MCP ở các nồng độ 250, 500 và 1000ppm trong 24h ở 250C, sau đó được bảo quản ở 200C. Kết quả cho thấy tại nồng độ 250 ppm đã có hiệu quả cao nhất trong việc duy trì độ cứng của quả trong suốt thời gian bảo quản. Khi xử lý 1-MCP ở nồng độ cao hơn sẽ

dẫn đến giảm cường độ hô hấp và cường độ sinh ethylene, làm chậm sự biến đổi màu sắc của vỏ quả. Quả Xoài được xử lý bằng 1-MCP có thể kéo dài thời gian bảo quản đến 15 ngày ở 200C [6].

Đối với cà chua, xử lý 1-MCP sau thu hoạch cho thấy là một phương pháp hiệu quả trong việc làm chậm sự mềm hóa và sự hoàn thiện màu sắc mà không ảnh hưởng đến hàm lượng acid, hàm lượng chất khô hòa tan tổng số của quả (Celso và cộng sự, 2002). Tuy nhiên theo Hurr và cộng sự (2005) khi xử lý 1-MCP cho cà chua xanh thì quá trình chín sau bảo quản diễn ra không đồng loạt. Việc xử lý 1-MCP trên cà chua nên tiến hành khi quả ở trạng thái bắt đầu chuyển màu sẽ cho chất lượng chín sau bảo quản tốt hơn [1].

Trên quả hồng, 1-MCP làm chậm sự mềm hóa và quá trình hoàn thiện màu sắc của quả. Tác dụng này của 1-MCP được thể hiện trên cả quả đã khử chát và quả chưa khử chát. Điều thú vị là việc xử lý 1-MCP sẽ giúp cho việc khử chát sau đó được dễ dàng hơn [1].

Theo kết quả nghiên cứu của Able và cộng sự (1999, 2000), xử lý 1MCP trên rau cải chíp tại nồng độ 12ppm đã có tác dụng kéo dài thời gian bảo quản, giảm tỉ lệ vàng hỏng so với mẫu đối chứng từ 10-20% [4].

Trên rau diếp, Wills (2002) nhận thấy xử lý 1-MCP với nồng độ 0,1 µl/l trong 1giờ có thể kéo dài gấp đôi thời gian lưu trữ so với mẫu không xử lý mà vẫn đảm bảo chất lượng [4].

Nhìn chung, xử lý 1-MCP đem lại hiệu quả cao trong việc duy trì màu sắc, trạng thái cấu trúc của các loại rau, quả. Việc nghiên cứu kết hợp xử lý 1- MCP với các phương pháp bảo quản để mang lại hiệu quả cao trong việc duy trì chất lượng nông sản đang là một xu hướng mới trong công nghệ sau thu hoạch.

Hiện nay, tại Việt Nam 1-MCP bước đầu đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm trên một số rau, hoa quả tươi như xúp lơ, cải chíp, vải thiều, bơ,… cho kết quả khả thi.

Theo Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, xử lý 1-MCP ở nồng độ 300ppm trong 9 giờ giúp kéo dài thời gian bảo quản súp lơ xanh. Ngoài ra trên bơ, xử lý 1-MCP ở nồng độ 500ppm trong thời gian 13 giờ 30 phút, bơ có chất lượng tốt nhất và tỉ lệ tổn thất thấp nhất (4,7%) sau 12 ngày bảo quản ở nhiệt độ thường (Nguyễn Minh Nam, Phạm Anh Tuấn, Phạm Thị Thanh Tĩnh, 2012).

Trên vải thiều, Nguyễn Phan Thiết, Nguyễn Thị Bích Thủy (2012) đã nghiên cứu và kết luận 1-MCP đã có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng quả vải bảo quản. Công thức cho kết quả tốt nhất là xử lý 1-MCP với nồng độ 600ppm trong 12 giờ. Việc xử lý với nồng độ này đã có ảnh hưởng tích cực trong việc hạn chế hao hụt khối lượng tự nhiên của quả, làm chậm quá trình biến đổi màu sắc và tốc độ nâu hóa trên vỏ, hạn chế sự tổn thất hàm lượng chất khô hòa tan, hàm lượng đường và vitamin C trong quả, khiến cho chất lượng quả vải được duy trì tốt nhất sau một tháng bảo quản.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN RAU CẢI CHÍP SAU THU HOẠCH (Trang 28 -30 )

×