Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN
1.2. Một số vấn đề lý luận về phát triển du lịch
1.2.2. C ác hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch
Cùng với sự phát triển của xã hội, các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch đã dần dần xuất hiện, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: hệ thống lãnh thổ du lịch, cụm tương hỗ phát triển du lịch và vùng du lịch.
1.2.2.1. Hệ thống lãnh thổ du lịch
Về phương diện cấu trúc, hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống gồm nhiều thành phần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Có thể coi các điều kiện và nhân tố du lịch trong sự thống nhất của chúng là một hệ thống mở phức tạp gồm có cấu trúc bên trong và cấu trúc bên ngoài. Cấu trúc bên trong gồm các nhân tố hoạt động với sự tác động qua lại lẫn nhau, còn cấu trúc bên ngoài gồm các mối liên hệ với điều kiện phát sinh và với hệ thống khác (tự nhiên, KT-XH). Đây là một dạng đặc biệt của địa hệ mang tính chất hỗn hợp, nghĩa là có đầy đủ các thành phần: tự nhiên, KT-XH và chịu sự chi phối của nhiều loại quy luật cơ bản.
Xét trên quan điểm hệ thống thì hệ thống lãnh thổ du lịch được cấu thành bởi nhiều phân hệ khác nhau về bản chất nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đó là các phân hệ: khách du lịch, tổng thể tự nhiên, lịch sử - văn hóa, công trình kỹ thuật, cán bộ phục vụ và bộ phận điều khiển.
- Phân hệ khách du lịch là phân hệ trung tâm, quyết định những yêu cầu đối với các thành phần khác của hệ thống.
- Phân hệ tổng thể tự nhiên, lịch sử - văn hóa tham gia hệ thống với tư cách là tài nguyên, là điều kiện để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi – du lịch và là cơ sở lãnh thổ cho việc hình thành hệ thống.
- Phân hệ công trình kỹ thuật đảm bảo cho cuộc sống bình thường của khách du lịch, nhân viên phục vụ (ăn, ở, đi lại) và những nhu cầu giải trí đặc biệt (chữa bệnh, tham quan, du lịch...). Toàn bộ công trình kỹ thuật tạo nên CSHT của du lịch.
- Phân hệ cán bộ nhân viên phục vụ hoàn thành chức năng dịch vụ cho khách và đảm bảo cho các xí nghiệp hoạt động bình thường.
- Bộ phận điều khiển có nhiệm vụ giữ cho cả hệ thống nói chung và từng phân hệ nói riêng hoạt động tối ưu.
1.2.2.2. Cụm tương hỗ phát triển du lịch
Cụm tương hỗ phát triển du lịch (Tourism cluster) là tập hợp theo khu vực các doanh nghiệp, nhà cung cấp và dịch vụ du lịch có mối liên kết với nhau. Tại một khu vực địa lí nhất định có nhiều doanh nghiệp du lịch liên hệ với nhau, hỗ trợ nhau, kết hợp với nhau nhờ đó làm tăng hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch, CSVC - KT, giảm bớt chi phí đầu vào.
Điều kiện hình thành cụm tương hỗ phát triển du lịch bao gồm:
- Không gian địa lí cần thiết để chứa được một số cơ sở du lịch có quy mô tương đối lớn hoặc rất lớn.
- Có một hoặc một số doanh nghiệp du lịch có năng lực làm hạt nhân để liên kết các doanh nghiệp trong không gian địa lí nói trên.
- Các doanh nghiệp tự nguyện liên kết với nhau để cùng có được lợi ích kinh tế và cùng có được sự cạnh tranh.
- Chính quyền địa phương khuyến khích chủ trương liên kết thành cụm và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua cơ chế, chính sách, đầu tư CSHT,…
1.2.2.3. Vùng du lịch
Theo quan niệm của I.I Pirojnik (1985), vùng du lịch là hệ thống lãnh thổ KT-XH, một tập hợp của các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc mọi cấp có liên hệ với nhau và các xí nghiệp thuộc cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho hoạt động của hệ thống lãnh thổ du lịch với việc có chung chuyên môn hóa và các điều kiện KT-XH để phát triển du lịch.
Theo cách hiểu này, hệ thống lãnh thổ du lịch không phải là toàn bộ lãnh thổ của vùng, mà chỉ là nơi tập trung nguồn tài nguyên du lịch và các công trình kĩ thuật,... Vùng du lịch có không gian rộng lớn hơn, trong đó bao gồm cả các khu vực sản xuất hàng hóa, vật liệu, năng lượng, có đội ngũ cán bộ, thông tin, kho tàng, các công trình công cộng,...
Vùng du lịch là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị. Đó là một kết hợp lãnh thổ của các á vùng (nếu có), tiểu vùng, trung tâm và điểm du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng. Vùng du lịch là một thể thống nhất của các đối tượng và hiện tượng tự nhiên, nhân văn, xã hội,... bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường KT-XH xung quanh với chuyên môn hóa nhất định trong lĩnh vực du lịch.
Các mối liên hệ nội, ngoại vùng đa dạng, dựa trên nguồn tài nguyên, CSHT và CSVC - KT sẵn có của vùng.
Về phương diện lãnh thổ, vùng du lịch có diện tích rất lớn, bao gồm nhiều tỉnh. Ngoài ra, với hoạt động du lịch mạnh mẽ, nó còn bao chiếm cả các khu vực không du lịch (điểm dân cư, các khu vực không có tài nguyên và cơ sở du lịch), nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với kinh tế du lịch.
Vùng du lịch là một thực thể khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của con người. Con người, thông qua công tác phân vùng du lịch, có thể thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các vùng du lịch nếu như việc nghiên cứu của họ tôn trọng các quy luật và thực tế khách quan.
Trong hệ thống phân vị trong phân vùng du lịch Việt Nam, các cấp phân vị dưới vùng du lịch gồm: điểm du lịch, trung tâm du lịch, tiểu vùng du lịch và á vùng du lịch.