Chương 2. TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở QUẬN 9 (TP.HCM)
2.1. Tổng quan về Quận 9
Địa bàn Quận 9 xưa kia vốn là vùng đất hoang chủ yếu là rừng rậm và sình lầy. Từ thế kỷ XV, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà hậu Trần thất bại, một số bỏ chạy sang Lào, một số qua Chiêm Thành, số còn lại xuống phía Nam tiến hành khai phá rừng rậm, cuốc xới sình lầy, gieo trồng lúa nước và sống chung hoà hợp với dân bản địa, tạo thành một cộng đồng dân cư ngày càng đông đảo.
Trong suốt thế kỉ XV – XVII, các cuộc di dân khai hoang, lập ấp được tiến hành. Đến năm 1698 thì số dân toàn vùng đã lên đến hơn 40 vạn hộ, vì vậy chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào đây kinh lí, lấy đất Đồng Nai lập ra phủ Gia Định, lấy đất Đông Phố lập Quận Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, đất Sài Gòn lập Quận Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt quan chức cai trị hành chánh, quân lính trông coi về quốc phòng.
Quận Phước Long lúc đầu có bốn tổng là Tân Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An. Phần đất Quận 9 ngày nay thuộc về địa phận tổng Long Thành. Trải qua nhiều lần chia tách dưới thời nhà Nguyễn và trong thời gian Pháp thuộc đến đầu năm 1967 dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Quận 9 được thành lập trên cơ sở tách 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm thuộc Quận 1. Sự phân chia hành chính này giữ ổn định cho đến ngày 29/4 /1975.
Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong TP. Một số xã quá rộng được chia ra làm các xã mới, Quận 9 bị giải thể. Hai phường An Khánh và Thủ Thiêm được trả về cho Quận Thủ Đức.
Ngày 6 tháng 1 năm 1997, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 03- CP về việc thành lập các Quận, phường mới thuộc TP.HCM. Quận 9 được thành
lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số các xã Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Phước Long, Hiệp Phú với 11.362 ha diện tích tự nhiên và dân số 126.220 người được chia làm 13 phường.
2.1.2. Khái quát về tự nhiên
Quận 9 nằm về phía đông TP.HCM, cách trung tâm TP khoảng 7km theo đường xa lộ Hà Nội, phía đông giáp huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai lấy sông Đồng Nai làm ranh giới tự nhiên, phía tây giáp quận Thủ Đức, phía nam giáp quận 2, phía bắc giáp TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai.
Diện tích tự nhiên toàn quận là 11.389,63 ha bao gồm 13 phường: Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Trường, Trường Thạnh, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, Phú Hữu.
Quận 9 nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nhiệt độ cao đều trong năm và hai mùa mưa – khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình 270C, cao nhất 400C, thấp nhất 13,80C.
Quận 9 chịu ảnh hưởng bởi sông Đồng Nai và sông Tắc, vừa cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, vừa tạo cảnh quan sông nước hữu tình xen kẽ các vườn cây ăn trái, lại có khí hậu mát mẻ,…. nên thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng, tham quan du lịch.
Hình 2.1 Bản đồ hành chính Quận 9
2.1.3. Khái quát về kinh tế - xã hội 2.1.3.1. Kinh tế
Công nghiệp là ngành kinh tế then chốt của quận. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng năm 2013 (giá cố định 1994) là 4.786 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2012.
Khu công nghiệp công nghệ cao quy mô 800 ha tại phường Tăng Nhơn Phú A nằm trên trục đường xa lộ Hà Nội và sát đường vành đai ngoài thuận lợi cho giao thông vận tải đường bộ và đường sắt. Đây là hạt nhân của ngành công nghiệp Quận 9, tập trung các cơ sở sản xuất sạch, tinh chế cao cấp, hàm lượng chất xám cao.
Dịch vụ là khu vực kinh tế quan trong thứ 2 trong nền kinh tế của Quận 9.
Cùng với đà phát triển kinh tế, ngành thương mại dịch vụ đã từng bước mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và giải trí của người dân. Cơ sở kinh doanh phát triển nhanh. Đến năm 2013, toàn quận có 6.213 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu 21.000 tỉ đồng.
Trong nông nghiệp đã và đang có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch với các loại cây con mang lại giá trị kinh tế cao như hoa lan, rau mầm, cây ăn trái, dế, nhím, cá kiếng,… đồng thời phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn.
Trên địa bàn quận có 1.312,62 ha vườn cây ăn trái, 58,32 ha cây kiểng và 2,28 ha nuôi cá cảnh. Mô hình vườn kết hợp với du lịch sinh thái ở Lân Ngoài - phường Long Phước được triển khai; đã thực hiện vườn điểm với diện tích 11,6 ha.
Về chăn nuôi, toàn quận có 21.657 con lợn, 1.465 con bò. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 88,94 ha nuôi trồng thủy sản.
2.1.3.2. Dân cư - văn hóa - xã hội
Năm 2013 dân số Quận 9 là 276.432 người, đạt mật độ 2.425 người/km2. Thành phần dân tộc chủ yếu là người Kinh, bên cạnh đó là cộng đồng đa dạng các dân tộc người Khơme, Hoa, Chăm,…
Dân số Quận 9 gia tăng nhanh với tốc độ gia tăng dân số là 1,25% do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và làn sóng di cư của người lao động vào làm công nhân tại các khu công nghiệp tập trung.
Trong hơn 15 năm hình thành và phát triển, quận đã xây dựng và nâng cấp 68 trường học, trong đó có 14 trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia và quận đã hoàn thành phổ cập bậc phổ thông trung học. Trung tâm cộng đồng cũng đã được thành lập tại 13/13 phường của quận.
Công tác y tế được quan tâm với 1 bệnh viện, 13 phường đều có trạm y tế, trong đó có 08 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh, hiện có 192 phòng khám, nhà thuốc hoạt động trên địa bàn, đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.