Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẬN 9 ĐẾN NĂM 2020 VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
3.1. Định hướng phát triển du lịch
3.1.1.1. Định hướng phát triển của du lịch TP.HCM đến năm 2020.
Cùng với quan điểm phát triển chung của du lịch cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả KT-XH cao theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Một số quan điểm cụ thể như sau:
- Phát triển du lịch TP ngang tầm với các nước trong khu vực; phát triển TP thành trung tâm du lịch và trung chuyển khách du lịch, phát triển các loại hình du lịch mua sắm, du lịch hội nghị, du lịch khám chữa bệnh, du lịch ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.
- Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – lịch sử đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.
- Khách du lịch quốc tế đến năm 2015 đạt khoảng 5 triệu lượt người, đến năm 2020 đạt khoảng 8 triệu lượt người và đến năm 2025 đạt khoảng 13,5 triệu lượt người.
- Phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với phát triển văn hoá và bảo vệ môi trường. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, hiện đại hóa CSHT, CSVC - KT phục vụ du lịch.
3.1.1.2. Kết quả đánh giá tiềm năng và hiện trạng du lịch Quận 9 giai đoạn 2005-2013.
Qua đánh giá tiềm năng và hiện trạng du lịch Quận 9 giai đoạn 2005 - 2013 cho thấy, Quận 9 là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên
thực trạng phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được nhiều tiềm năng vốn có của địa phương. Nhiều điểm tài nguyên có giá trị vẫn còn ở dạng tiềm năng, một số điểm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện về CSHT cũng như CSVC - KT phục vụ du lịch nên hiệu quả kinh doanh du lịch trên địa bàn quận còn hạn chế, đóng góp của ngành du lịch trong tổng GDP của địa phương còn thấp.
3.1.2. Định hướng phát triển du lịch Quận 9 đến năm 2020 3.1.2.1. Định hướng tổ chức không gian du lịch
Địa bàn phát triển du lịch :
Với thế mạnh của Quận 9 là có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, đặc sắc, lại phân bố khá tập trung, gần các tuyến đường giao thông quan trọng cả về đường bộ và đường thủy, nên góp phần tạo ra những tuyến du lịch hấp dẫn. Vì vậy định hướng phát triển không gian du lịch quận được xem xét và phân tích trong mối quan hệ liên kết với các vùng lân cận. Định hướng tổ chức không gian du lịch trên địa Quận 9 cụ thể như sau:
- Khu vực phát triển du lịch thứ nhất, bao gồm khu 100ha du lịch sinh thái Long Phước sau dự kiến mở rộng thêm 30ha ven sông Đồng Nai đưa tổng diện tích lên 130ha. Khu vực này nằm phía đông phường Long Phước, dọc theo sông Đồng Nai, gồm các nhà vườn sinh thái tập trung khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái vườn, sông nước và các dịch vụ ăn uống.
Với không gian du lịch này du khách có thể đến bằng 2 tuyến đường bộ và đường thủy ở cả 4 hướng. Đường bộ theo đường số 4 ở phía bắc, đường Cầu Đình ở phía nam. Đường thủy từ sông Đồng Nai ở phía đông và từ rạch Ván ở phía tây. Hiện nay, trong 20ha của khu vực này có 17 nhà vườn đã cơ bản hoàn thiện và đi vào hoạt động dịch vụ du lịch. Tuy nhiên các điểm du lịch hiện có cần được đầu tư để phát triển đặc biệt là về cơ sở lưu trú cũng như các cơ sở ăn uống, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tiếp tục mở rộng quy mô và
không gian du lịch miệt vườn với các loại cây ăn trái. Ngoài ra khu vực còn có thể kết nối các nhà vườn lân cận để tạo phong phú cho điểm đến như nhà vườn Long Thuận, nhà vườn Thùy Liên,…
- Khu vực phát triển du lịch thứ hai là các chùa, khu tưởng niệm, bảo tàng, rừng tự nhiên trong khuôn viên Công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Đây sẽ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội và du lịch về nguồn của TP.HCM với các loại hình du lịch tham quan học tập, nghiên cứu, du lịch hành hương, dã ngoại, cắm trại, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng. Các địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu gồm các điểm du lịch đã được khai thác như: Đền tưởng niệm các vua Hùng, chùa Bửu Long, chùa Phước Long. Trong giai đoạn sắp tới, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc sẽ kêu gọi đầu tư vào các dự án khu văn hóa – du lịch với các công trình Bảo tàng lịch sử tự nhiên 23,96ha, Khu làng hoa – tắm bùn khoáng 17,88ha, Khu vui chơi giải trí dọc sông Đồng Nai 9,62ha, Khu tái hiện Rừng Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh 20,19ha, Làng văn hóa các dân tộc 48,17ha, Khu công viên điện ảnh 23,28ha, KDL sinh thái cù lao Bà Sang 39,74ha.
+ Dự án Bảo tàng Lịch sử tự nhiên được xây dựng tại khu IV của Công viên lịch sử văn hóa dân tộc để sưu tập, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu các giá trị thiên nhiên khu vực. Dự án này bao gồm các khu nhà Bảo tàng, bộ sưu tập mẫu vật về thiên nhiên khu vực phía Nam, vườn thực vật, vườn động vật, khu trưng bày ngoài trời.
+ Khu làng hoa – Suối khoáng giáp rạch Đồng Tròn và sông Đồng Nai.
Khu làng hoa là khu vực nuôi trồng và sản xuất, trưng bày, kinh doanh các loại cây hoa cá cảnh truyền thống và hiện đại. KDL suối khoáng với một nguồn nước khoáng nóng được khai thác nhằm phục vụ các dịch vụ tắm bùn, suối khoáng nóng, an dưỡng, vật lý trị liệu,… Khi hình thành, KDL suối khoáng là khu đầu tiên khai thác các loại hình dịch vụ này trong khu vực TP.HCM.
+ Khu vui chơi giải trí dọc sông Đồng Nai nằm bên bờ nam rạch Đồng Tròn và giáp sông Đồng Nai với các trò chơi mang cảm giác mạnh. Đặc biệt
trong khu này quy hoạch xây dựng quảng trường Hòa Bình là khu vực tập trung vui chơi của người dân trong khu vực, tổ chức ngoài trời những lễ hội bắn pháo hoa, thả diều, sinh hoạt văn hóa văn nghệ,… đồng thời là nơi đón du khách đến Công viên lịch sử văn hóa dân tộc bằng đường thủy trên sông Đồng Nai tạo không gian mở về hướng sông Đồng Nai.
+ Khu tái hiện rừng Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh được quy hoạch ở vùng đồi phía nam công viên với diện tích khoảng 20ha, là nơi tái tạo rừng Trường Sơn và các địa danh, di tích nổi tiếng trên đường mòn Hồ Chí Minh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Khu tái hiện rừng Trường Sơn được bố trí liên kết với khu làng văn hóa các dân tộc nhằm làm phong phú và sinh động trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực.
+ Khu Làng văn hóa các dân tộc là một trong những khu quan trọng trong khu IV thuộc công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Mục đích là tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa của 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhằm giới thiệu với nhân dân cả nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và ẩm thực có nét đặc trưng của các dân tộc.
+ Công viên điện ảnh dự kiến hình thành tại vị trí phía tây nam công viên, gồm các công trình Bảo tàng điện ảnh, các rạp chiếu phim hiện đại, trung tâm nghiên cứu và dịch vụ điện ảnh, khu phim trường nội cảnh, ngoại cảnh, liên kết và mở rộng các ao hồ nhỏ trong khu vực tạo thành một hồ lớn, vừa là nơi vui chơi giải trí cho du khách vừa làm ngoại cảnh sông nước cho các đoàn làm phim.
+ KDL sinh thái Cù lao Bà Sang: du khách có thể tham quan bằng phương tiện thuyền và cáp treo. Được quy hoạch xây dựng các khu vui chơi giải trí kết hợp dã ngoại và hội nghị, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu bảo tồn chùa Phước Long, khu du thuyền, khu vườn thú, khu thể thao ngoài trời, khu làng nghề truyền thống,…
Ngoài ra, muốn phát triển không gian du lịch của Quận 9 thì các khu vui chơi giải trí hiện có như KDL Văn hóa Suối Tiên, KDL The BCR cũng cần được mở rộng diện tích, đa dạng các loại hình giải trí.
Các tuyến du lịch chủ yếu
Định hướng phát triển không gian du lịch Quận 9 được cụ thể hóa trong việc tổ chức một số tuyến du lịch chủ yếu trên địa bàn vừa tiếp tục đẩy mạnh hoạt động các tuyến du lịch hiện có và mở rộng thêm các tuyến du lịch mới đặc biệt liên kết với các địa phương lân cận để đa dạng và làm sinh động hoạt động du lịch của vùng:
- Tuyến chùa Hội Sơn – chùa Phước Long – KDL Vườn Cò
- Tuyến Công viên lịch sử văn hóa dân tộc – căn cứ Bưng 6 xã – Bót Dây Thép - KDL The BCR
- Tuyến 100ha cây ăn trái phường Long Phước – KDL nhà vườn Long Thuận - chùa Bửu Long
- Tuyến DL đường thủy trên sông Đồng Nai: kết hợp nghỉ dưỡng tại các KDL sinh thái ven sông (KDL nhà vườn Long Phước, KDL nhà vườn Long Thuận, KDL Vườn Cò, KDL vườn Thiên Thanh), tham quan vui chơi giải trí (KDL The BCR) với DL văn hóa (chùa Hội Sơn, chùa Bửu Long, chùa Phước Long, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc). Đồng thời mở rộng địa bàn tuyến du lịch đường thủy tới các địa phương lân cận dọc theo tuyến sông như TP. Biên Hòa (Cù lao Hiệp Hòa, Cù lao Phố, Cù lao Tân Vạn), Long Thành (5 xã ven sông Đồng Nai), Nhơn Trạch (KDL Ông Kèo, KDL đảo Dừa Lửa).
- Tuyến Quận 9 – TP Biên Hòa – Trảng Bom: Hình thành và phát triển tuyến du lịch liên tỉnh theo hướng quốc lộ 1 từ các điểm du lịch tại Quận 9 đi KDL Bửu Long, KDL Vườn Xoài, Văn miếu Trấn Biên, chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (TP Biên Hòa), KDL Thác Giang Điền, KDL Thác Đá Hàn (Trảng Bom).
3.1.2.2. Định hướng về cơ sở hạ tầng và vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch - Đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ du lịch:
Hiện nay hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Quận 9 còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là đối tượng khách có khả năng chi trả và đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao. Vì vậy hướng đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cần được chú trọng chất lượng nhưng vẫn đảm bảo các đặc trưng sinh thái gắn liền với thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của du khách. Có thể đầu tư xây dựng một số resort đồng quê thật đặc trưng của vùng sông nước để du khách có thể lưu trú qua đêm tại đây.
Ngoài ra cũng cần chú trọng phát triển các nhà nghỉ “bình dân” dành cho khách du lịch là học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu tham quan du lịch nhưng điều kiện tài chính còn hạn chế.
Bên cạnh đó, cần đầu tư các nhà hàng đạt chuẩn (đặc sản, chất lượng, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,…) phục vụ khách ăn trưa và ăn tối.
Đặc biệt với việc phát triển du lịch đường thủy cần tăng cường đầu tư hệ thống bến tàu, ghe thuyền phục vụ du khách du lịch trên sông rạch một cách chuyên nghiệp, đặc biệt cần lưu ý trang thiết bị đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
- Đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí:
Một trong những nguyên nhân khiến cho số ngày lưu trú bình quân tại các điểm du lịch ngắn là do các dịch vụ vui chơi giải trí còn quá nghèo nàn, chưa hấp dẫn du khách. Hơn nữa, thực tế hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực vui chơi giải trí cho thấy đây là một ngành kinh doanh thực sự hấp dẫn bởi khả năng thu hồi vốn nhanh (bình quân từ 5 - 7 năm), nguồn thu lớn và tạo cảm giác sảng khoái, khỏe mạnh cho du khách. Do đó, cấp bách phải đề ra định hướng và giải
pháp cụ thể để phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí tại các điểm du lịch trên địa bàn quận.
Với các công trình vui chơi giải trí đã có ở KDL Văn hóa Suối Tiên, KDL The BCR,... cần tiếp tục hoàn thiện và đa dạng hóa các hoạt động vui chơi. Đối với các điểm du lịch sinh thái ngoài các dịch vụ truyền thống như câu cá giải trí, chèo thuyền trên sông có thể xây dựng câu lạc bộ bắn súng sơn, tổ chức đánh trận giả (khai thác lợi thế về địa hình và cảnh quan rừng tự nhiên), xây dựng máng trượt nước, đu dây trên sông, dịch vụ đua thuyền, cano,…
- Đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử - văn phóa phục vụ du lịch:
Các di tích lịch sử văn hóa nói riêng và tài nguyên nhân văn nói chung có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Tuy nhiên, đặc điểm của tài nguyên nhân văn là rất dễ bị tổn hại trước tác động của con người và thiên nhiên, khó khôi phục lại các giá trị ban đầu, vì vậy phải có sự kết hợp hài hòa và đầu tư tôn tạo nhằm giữ gìn được những bản sắc truyền thống dân tộc thông qua những sản phẩm du lịch đặc thù. Kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với việc khai thác giá trị văn hóa bản địa.
3.1.2.3. Định hướng về thị trường du lịch
Hiện tại du lịch Quận 9 chưa phát triển mạnh, thị trường khách chưa ổn định, chủ yếu là khách từ các quận ở TP.HCM đến với mục đích vui chơi giải trí, dã ngoại cuối tuần. Do đó, cần mở rộng thị trường khách du lịch để tập trung khai thác trong giai đoạn tới.
Tập trung khai thác thị trường khách nội thành TP.HCM và các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu,... đến tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng vì đây là thị trường khách có mức thu nhập cao, do đó khả năng chi tiêu cao và thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy.
Bên cạnh đó, chú trọng khai thác thị trường khách du lịch là học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Đây là thị trường khách du lịch tiềm năng không chỉ với loại hình du lịch văn hóa mà còn có nhu cầu cao trong vui chơi, giải trí…
Ngoài ra nhu cầu của đối tượng khách du lịch hành hương vào các dịp lễ tết cũng như các ngày rằm cũng cần được quan tâm nhất là khi trên địa bàn Quận 9 có số lượng đình chùa tương đối nhiều, có cả 2 hệ phái Bắc tông và Nam tông, mỗi ngôi chùa lại mang giá trị đặc sắc khác nhau.
3.1.2.4. Định hướng về sản phẩm du lịch
Với tiềm năng du lịch hiện có cùng với việc xác định một số thị trường khách du lịch chính Quận 9 đã đưa ra những định hướng phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đến năm 2020 như sau:
Du lịch sinh thái: tham quan nghỉ dưỡng tại các KDL sinh thái nhà vườn với cảnh quan sông nước, không gian thoáng đãng, tận hưởng cảm giác thư thái với bầu không khí trong lành, đi du thuyền, cano, câu cá giải trí,… và thưởng thức các đặc sản của miền Nam Bộ.
Du lịch vui chơi, giải trí: tại các KDL với hệ thống trò chơi mới lạ đặc biệt tại KDL Văn hóa Suối Tiên - một trong những công viên giải trí hàng đầu của TP.HCM cũng như cả nước.
Du lịch tham quan, nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu các giá trị văn hóa lịch sử địa phương, tham gia các hoạt động tâm linh và các lễ hội tiêu biểu.
Du lịch MICE: du lịch kết hợp với hội thảo, tổ chức sự kiện tại các KDL sinh thái nhà vườn nơi có không gian thoáng đãng, yên tĩnh và cảnh quan xanh, sạch.
3.1.2.5. Định hướng về phát triển nguồn nhân lực du lịch
Nhân lực là lực lượng quan trọng trong bất kì hoạt động KT-XH nào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của Quận 9 còn rất thiếu và yếu, do vậy đây là một trong những hướng cần được ưu tiên đầu tư.
- Đội ngũ những người làm công tác du lịch tại địa phương: cần nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn, cụ thể trong công tác nghiên cứu, thiết kế và giới