Chương 2. TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở QUẬN 9 (TP.HCM)
2.2. Tiềm năng phát triển du lịch Quận 9
2.2.3. Các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội
Quận 9 nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên quận có nhiều lợi thế và cơ hội phát triển KT-XH. Theo Phê duyệt của Thủ Tướng chính phủ tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 - Quận 9 là 1
trong 3 quận ở phía Đông cùng với Quận 2 và Thủ Đức được UBND TP quy hoạch là 1 trong 2 hướng chính để phát triển đến năm 2025 dọc theo hành lang tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội.
Đồng thời phát triển TP.HCM thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á, trong đó du lịch là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển.
Theo quy hoạch này thì định hướng đến năm 2020, Quận 9 nói riêng và TP.HCM nói chung cần tập trung phát triển du lịch gắn liền với việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, KDL sinh thái. Chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, kết nối với các tour du lịch trong và ngoài tỉnh. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình du lịch, gắn liền với xây dựng hệ thống an ninh và an toàn du lịch để thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Dưới sự chỉ đạo của UBND TP và Sở VHTTDL TP.HCM, trong những năm gần đây, UBND Quận 9 và các ngành hữu quan, cùng các cơ quan thông tin đã có những quan tâm sâu sát nhằm phát triển du lịch trên địa bàn quận. Cụ thể như phân công các cán bộ lãnh đạo về định hướng, chỉ đạo cho quận trong việc phát triển du lịch, lấy ý kiến đóng góp xây dựng đề án “Phát triển 100 ha du lịch sinh thái Long Phước”, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển du lịch trên cơ sở phát triển KT-XH gắn với bảo tồn thiên nhiên văn hoá lịch sử, tiến hành tôn tạo, trùng tu các di tích văn hóa lịch sử để gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, hiện nay Sở VHTTDL TP.HCM đang triển khai thực hiện
“Chiến lược phát triển du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020”, trong đó Quận 9 với lợi thế từ sông Đồng Nai, sông Tắc và hệ thống kênh rạch cũng nằm trong trọng điểm phát triển của TP, nhờ đó hoạt động du lịch trên địa bàn quận đang được quan tâm phát triển nhằm đạt được mục tiêu là xây dựng Quận 9 thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch của TP, đặc biệt là du lịch đường thủy.
2.2.3.2. Nguồn nhân lực du lịch
Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch của Quận 9 tăng khá nhanh, từ 8.720 người (chiếm 11,86%) năm 2005 lên 18.823 người năm 2013, chiếm 18,6% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quận. Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay số lượng lao động hoạt động trong ngành dịch vụ - du lịch còn ít và trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Lao động chủ yếu là lao động thời vụ, hầu hết đều chưa qua đào tạo.
Đối các cấp quản lí thì cũng chưa có lao động có trình độ chuyên môn về du lịch, gây khó khăn cho việc tham mưu đề ra định hướng và giải pháp phát triển du lịch một cách hợp lí.
Trên địa bàn Quận 9 cũng chưa thành lập các đơn vị kinh doanh lữ hành và không có trung tâm điều hành du lịch nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc hướng dẫn, tư vấn cho du khách đến tham quan.
2.2.3.3. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Vốn là một quận thuần nông và trải qua chặng đường 17 năm hình thành và phát triển nhưng diện mạo Quận 9 đã có những thay đổi rõ nét. Kinh tế tăng trưởng bình quân 23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ rệt từ nông nghiệp sang kinh tế thương mại – dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp đô thị. Thu nhập người dân tăng, đời sống văn hóa được đảm bảo, anh ninh trật tự được giữ vững.
Cùng với đó là những chính sách mở cửa thu hút, khuyến khích đầu tư vào các công trình du lịch, khai thác thế mạnh vốn có về du lịch là những nền tảng quan trọng để du khách an tâm đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn.
Trong những năm tới, Quận 9 được TP định hướng là địa bàn chiến lược phát triển kinh tế ở vị trí Đông, là trung tâm phát triển các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ kĩ thuật cao của khu vực các tỉnh phía Nam; cùng với việc định hướng phát triển mở rộng không gian đô thị; các tuyến đường giao thông trọng yếu đi qua địa bàn quận được hoàn thành và đưa
vào khai thác sử dụng, các dự án Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Khu 100 ha cây ăn trái phường Long Phước,… sẽ tạo điều kiện để quận định hướng mũi nhọn trong phát triển du lịch.
2.2.3.4. Đầu tư du lịch
Hiện nay quận đang mời gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân xây dựng một số dự án đầu tư về du lịch như: khu Bảo tàng lịch sử tự nhiên, công viên Điện Ảnh, cù lao Bà Sang, làng văn hóa các dân tộc thuộc Công viên lịch sử văn hóa dân tộc và một số điểm du lịch sinh thái dọc ven sông Đồng Nai,…
Tuy nhiên nhìn chung nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch còn ít, trong đó những nguồn vốn này chủ yếu là vốn đầu tư về CSHT, CSVC - KT.
Một số dự án phát triển CSHT, CSVC - KT nói chung trên địa bàn quận có tác động đến sự phát triển ngành dịch vụ - du lịch gồm:
- Dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp (từ Xa lộ Hà Nội đến cầu rạch Chiếc) với tổng chiều dài thi công 3.079,3m đồng thời thảm nhựa thêm 19,2m đường đã có cống hiện hữu và đoạn từ cầu rạch Chiếc đến Nguyễn Duy Trinh dài 2.275m có tổng vốn đầu tư 378 tỉ đồng.
- Dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại ví trí cổng chính Đại học Quốc gia TP.HCM dài hơn 1.800m từ cổng KDL Văn hóa Suối Tiên đến gần cầu Đồng Nai. Các hạng mục xây dựng gồm tám làn xe chính; hai cầu vượt dành cho xe máy và ô tô; hai cầu vượt dành cho người đi bộ. Ngoài ra, còn có hai đường song hành hai bên tuyến gồm ba làn xe.
- Dự án nâng cấp mở rộng đường Lê Văn Việt (đoạn từ đường Lã Xuân Oai đến Ngã ba Mỹ Thành) có tổng chiều dài là 2.793m với quy mô xây dựng 6 làn xe (2 làn xe thô sơ và 4 làn xe cơ giới tốc độ thiết kế 60km/giờ); bề rộng mặt cắt ngang đường 30m. Tổng kinh phí đầu tư là 308 tỉ 869 triệu đồng.
- Dự án nạo vét thông tuyến rạch Chiếc - rạch Trau Trảu - sông Tắc và cải tạo, xây dựng 8 bến tàu để phát triển 06 điểm tham quan du lịch đường thủy tại quận 9.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn quận có một số dự án du lịch đã và đang được triển khai và dự kiến tiến hành trong giai đoạn sắp tới:
1. Khu 100ha cây ăn trái phường Long Phước với quy mô 100 ha tại phường Long Phước. Với tính chất là KDL sinh thái vườn gắn với nông nghiệp đô thị nằm trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 KDL sinh thái vườn (Khu 2) phường Long Phước đang lập.
2. KDL sinh thái 57ha phía Nam đường cao tốc phường Long Phước với quy mô 57 ha tại phường Long Phước.
3. KDL sinh thái 153ha phía Nam đường cao tốc phường Long Phước quy mô 153 ha.
4. KDL sinh thái 6,5ha phía Nam đường cao tốc phường Long Trường quy mô 6,5 ha tại phường Long Trường nằm trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị tại phường Long Trường – Trường Thạnh đang lập.
5. KDL Văn hóa Suối Tiên thuộc phường Tân Phú có quy mô 68ha. Hiện đang khai thác kinh doanh 22ha và dự kiến mở rộng 46ha đã được văn phòng kiến trúc sư trưởng phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 10150/KTST.QH ngày 02/10/2000. Tính chất là khu vui chơi giải trí đa năng kết hợp du lịch dã ngoại.