Tiếp cận thị trường

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CHÈ XANH BẢN VEN, HUYỆN YÊN THẾ, TỈNH BẮC GIANG (Trang 36 - 41)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG

1.2. Tiếp cận thị trường

1.2.1. Khái niệm, vai trò của tiếp cận thị trường 1.2.1.1. Khái niệm tiếp cận thị trường

Theo Nutilus Consultants (1987) (Trích dẫn trong Nguyễn Tiến Hùng, 2009, tr.5), tiếp cận thị trường được định nghĩa là một chuỗi các hoạt động thương mại mà người sản xuất đem hàng hóa của mình tới tay người tiêu dùng.

Một khái niệm khác cho rằng tiếp cận thị trường là việc xác định nhu cầu, mong muốn của khách hàng và sau đó cung cấp cho họ thứ đó nhưng vẫn đảm bảo phải có lãi (FAO, 1989, trích dẫn trong Nguyễn Tiến Hùng, 2009, tr.5). Tương tự như quan điểm này, Robert W. Bly (2006) và Lưu Thanh Đức Hải (2007) cho rằng tiếp cận thị trường là tìm hiểu thị trường đầu ra sản phẩm để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tiếp cận thị trường nhằm mục đích xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp để đáp ứng yêu cầu, mong muốn của khách hàng một cách tốt nhất.

Trong “Nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của hộ trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”, Nguyễn Tiến Hùng (2009) cho

rằng, tiếp cận thị trường bao gồm cả tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra. Với cách tiếp cận này, tác giả đã đưa ra khải niệm tiếp cận thị trường là một loạt các hoạt động bao gồm:

+ Tìm hiểu thị trường để xác định mong muốn của người tiêu dùng + Phát triển ý tưởng sản phẩm

+ Sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào

+ Xác định các đối thủ cạnh tranh trên thị trường

+ Lên ý tưởng thiết kế bao bì sản phẩm và các hình thức phân phối + Quyết định và đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm

+ Xác định giá cả thị trường

+ Bán sản phẩm trên thị trường tiêu thụ

Với những quan điểm trên thì tiếp cận thị trường là một nội dung khá rộng.

Hơn nữa, với các quan điểm của Nutilus Consultants, Nguyễn Tiến Hùng, Robert W. Bly, Lưu Thanh Đức Hải và FAO thì tiếp cận thị trường ở đây là hoạt động của người sản xuất trực tiếp hàng hóa, dịch vụ. Với nghiên cứu này, tiếp cận thị trường không chỉ là công việc của những người trực tiếp tham gia sản xuất mà còn bao gồm cả những người không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nhưng lại có vai trò lớn trong tìm kiếm đầu ra cho thị trường sản phẩm như HTX và chính quyền địa phương. Ngoài ra, hướng tiếp cận của nghiên cứu này là thị trường đầu ra. Do đó, từ những quan điểm trên, có thể khái quát rằng: Tiếp cận thị trường là một quy trình gồm các bước của nhà cung ứng từ xác định thị trường đến đem sản phẩm của mình bán trên thị trường.

1.2.1.2. Vai trò của tiếp cận thị trường

Đối với nhiều địa phương không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, phát triển nông nghiệp đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giúp đời sống của bà con nông dân được cải thiện.

Tuy nhiên, đặc điểm sản xuất nông nghiệp của các địa phương ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ (quy mô hộ gia đình). Đồng thời, các mối liên kết giữa nông hộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng còn yếu. Do vậy, người dân thường xuyên bị thương lái ép giá do không nắm bắt được thông tin về giá cả và thị trường đầu ra sản phẩm. Mặt khác, nông sản chịu tác động lớn của điều kiện tự nhiên và thị trường nông sản thường xuyên biến đổi, không ổn định.

Bên cạnh đó, người dân còn lúng túng trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đó là các biểu hiện của việc tiếp cận thị trường kém. Theo Đào Thế Anh (trích dẫn trong La Nguyễn Thùy Dung và Mai Văn Nam, 2015, tr.25), động cơ sản xuất sẽ biến mất nếu như chúng ta không có khả năng tiếp cận thị trường. Như vậy, tiếp cận thị trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả địa phương và nông hộ, cụ thể như sau:

a) Đối với nông hộ

Việc tiếp cận thị trường tốt sẽ giúp nông dân có thể chủ động hơn trong quá trình sản xuất và chủ động về giá cả. Cụ thể, họ sẽ xác định được nhu cầu sử dụng sản phẩm của mình trên thị trường mới và thị trường hiện tại để có kế hoạch sản xuất phù hợp về số lượng sản phẩm, hay phát triển những sản phẩm ở khâu có giá trị cao hơn. Đồng thời, khi có đầy đủ thông tin về thị trường, nông dân sẽ hạn chế việc bị tư thương ép giá. Từ đó, thu nhập của người dân được cải thiện.

Ngoài ra, tiếp cận thị trường sẽ tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình sản xuất và thường xuyên cải tiến sản phẩm của mình để phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.

b) Đối với HTX

Xuất phát từ mục tiêu của HTX là hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên để góp phần nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn, cải thiện đời sống của họ, tiếp cận thị trường có vai trò đảm bảo thị trường đầu ra, giá cả ổn định cho các thành viên trong HTX.

c) Đối với địa phương

Tiếp cận thị trường tốt sẽ tạo động lực cho quá trình sản xuất, tạo công ăn việc làm, giúp nâng cao thu nhập, và nâng cao trình độ hiểu biết cho người dân.

Nhận thức của cộng đồng được nâng cao sẽ giúp dễ dàng thực hiện được định hướng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp cận thị trường cũng giúp xóa đói giảm nghèo và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia vào thị trường tiêu thụ, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như nông hộ. Như vậy, tiếp cận thị trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Mặt khác, tiếp cận thị trường sẽ tạo điều kiện phát huy lợi thế của địa phương và các tác nhân tham gia vào thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, số lượng hợp lý để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một địa phương có khả năng tiếp cận thị trường tốt khi nó xác định được thị trường đầu ra, kết nối với các thị trường mới, mở rộng thị trường thông qua các hình thức quảng bá, truyền

thông. Đồng thời, đưa ra những hỗ trợ kịp thời giúp bà con có thể ổn định giá cả hay kiểm soát giá cả trong trường hợp thị trường nông sản biến động. Khi khả năng tiếp cận thị trường của địa phương tốt, nhiều người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu sản phẩm địa phương, từ đó hình ảnh và vị thế của địa phương được nâng cao.

Với những địa phương có tiềm năng phát triển về du lịch, tiếp cận thị trường đóng vai trò cầu nối, là hoạt động trung gian gắn kết khách du lịch với địa phương.

1.2.2. Đo lường tiếp cận thị trường

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, nhiều nghiên cứu đã đưa ra các cách khác nhau để đo lường mức độ tiếp cận thị trường đầu ra. Hầu hết các nghiên cứu sử dụng biến giả để đo lường mức độ tiếp cận thị trường, trong đó 0 biểu hiện cho mức độ tiếp cận thị trường kém hoặc không có khả năng tiếp cận thị trường đầu ra và ngược lại (La Nguyễn Thùy Dung và Mai Văn Nam, 2015; Ahmed và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, nếu chỉ có hai mức độ 0 hoặc 1 thì chưa thể phản ánh đầy đủ và chính xác khả năng tiếp cận thị trường vì mức độ tiếp cận của mỗi người là khác nhau. Có người tiếp cận thị trường kém, người thì tiếp cận thị trường tốt, nhưng cũng có những người có khả năng tiếp cận thị trường rất tốt.

Để khắc phục được những nhược điểm trên, một vài tác giả khác như Mwangi và cộng sự (2015), Kassa và cộng sự (2017) đã sử dụng chỉ số HCI (chỉ số thương mại hóa) để đo lường mức độ tiếp cận thị trường tiêu thụ.

HCI=Tổng sảnlượng đã bán trên thị trường Tổng sản lượng sản xuất ra

HCI sẽ nhận giá trị trong khoảng từ 0 đến 1, trong đó, giá trị HCI càng gần với 1 thì mức độ tiếp cận thị trường càng lớn và càng gần 0 thì mức độ tiếp cận thị trường càng nhỏ, khả năng tiếp cận thị trường càng kém.

Mặc dù chỉ số này đã hạn chế được khoảng trống trong nghiên cứu của La Nguyễn Thùy Dung và Mai Văn Na (2015) hay Ahmed và cộng sự (2016), nhưng sử dụng HCI là không phù hợp trong nghiên cứu này. Vì Mwangi và cộng sự (2015) và Kassa và cộng sự (2017) nghiên cứu về khả năng tiếp cận thị trường của nông hộ. Trong nghiên cứu này thì xem xét cả tiếp cận thị trường của HTX và chính quyền địa phương, như vậy, tổng sản lượng bán hay sản xuất của các thành viên trong HTX được tính vào HTX, như vậy sẽ không tránh khỏi sự trùng lặp.

Còn theo Nguyễn Tiến Hùng (2009), mức độ tiếp cận thị trường đầu ra được đo lường bằng giá cả sản phẩm thông qua khoảng cách và thời gian vận chuyển hàng hóa thì nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Khi khoảng cách đến thị trường càng ngắn thì sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển, từ đó giá sản phẩm

sẽ cao, phản ánh khả năng tiếp cận thị trường tốt. Giá càng cao thì có nghĩa là khả năng tiếp cận thị trường càng tốt và ngược lại, cụ thể được biểu hiện qua hình dưới đây:

Giá bán (P)

P1 P2

MA1 MA2 Tiếp cận thị trường (km, thời gian) Hình 1.1: Mối quan hệ giữa giá bán và tiếp cận thị trường

Nguồn: Nguyễn Tiến Hùng (2009) Hình 1.1 cho thấy tại mức độ tiếp cận thị trường MA1 (khả năng tiếp cận thị trường tốt), giá bán sản phẩm trên thị trường là P1 và tại MA2 (khả năng tiếp cận thị trường kém) thì giá bán sẽ là P2, thấp hơn P1. Như vậy, giá bán và khả năng tiếp cận thị trường có mối quan hệ thuận chiều, giá bán càng cao thì phản ánh khả năng tiếp cận thị trường càng lớn.

Tuy nhiên, theo Barret (2008), Omiti và cộng sự (2009), Mwangi và cộng sự (2015), giá cả là yếu tố cần nhưng chưa đủ để phản ánh tiếp cận thị trường. Dựa vào khái niệm tiếp cận thị trường, có thể sử dụng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; mức độ nhận diện sản phẩm của người tiêu dùng; mức độ mở rộng, kết nối thị trường; quy mô của thị trường tiêu thụ sản phẩm; sản lượng nông sản còn tồn dư. Như vậy, từ nghiên cứu của Nguyễn Tiến Hùng và khái niệm tiếp cận thị trường, nghiên cứu này sẽ sử dụng giá cả sản phẩm, mức độ mở rộng/kết nối thị trường, sản lượng nông sản còn tồn dư, quy mô của thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mức độ nhận diện sản phẩm của người tiêu dùng để đo lường khả năng tiếp cận thị trường đầu ra.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CHÈ XANH BẢN VEN, HUYỆN YÊN THẾ, TỈNH BẮC GIANG (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(83 trang)
w