Một số hàm ý chính sách

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CHÈ XANH BẢN VEN, HUYỆN YÊN THẾ, TỈNH BẮC GIANG (Trang 70 - 75)

Khả năng tiếp cận thị trường góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống. Do đó, để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và phát triển thị trường chè xanh bản Ven, nghiên cứu đưa ra một số hàm ý chính sách như sau:

3.2.1. Tăng cường liên kết trong khâu tiêu thụ chè

Hiện nay, quy mô sản xuất chè xanh bản Ven chủ yếu nhỏ lẻ và hầu hết chè được bán cho các lái buôn. Đồng thời, cả huyện hiện nay chỉ có hai cơ sở nhỏ chế biến chứ chưa có doanh nghiệp chế biến lớn. Do đó, để cải thiện khả năng tiếp cận và phát triển thị trường, các nông hộ trồng chè cần tham gia vào liên kết với HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Qua đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chế biến chè, liên kết mở rộng thị trường và tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng,... Trong mối liên kết, chính quyền địa phương là chủ thể có nhiệm vụ đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên tham gia vào tiêu thụ sản phẩm, cũng như làm cho mối liên kết giữa các chủ thể là bền vững. Để tăng tính chặt chẽ trong liên kết giữa các chủ thể, nhà nước cần có một số chính sách hỗ trợ và khuyến khích như sau:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Là huyện miền núi nghèo nên Yên Thế khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè. Vì vậy, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp, chính sách ưu đãi sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất

chè tập trung và tạo môi trường pháp lý ổn định để thu hút đầu tư phát triển của các doanh nghiệp chế biến chè.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ HTX

Những chính sách của nhà nước cũng nên tập trung vào nhóm đối tượng HTX. Hiện nay, các HTX chè ở huyện còn đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, do đó, HTX không có khả năng thu mua tất cả sản lượng chè của nông hộ, dẫn đến thiếu sự liên kết giữa nông hộ và HTX. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách giúp các HTX chè tăng cường tiếp cận nguồn tín dụng. Đồng thời, cần giảm thiểu, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cho vay đối với HTX chè. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng của chè và có thể phát triển những sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để có thể HTX có thể chủ động hơn trong khâu tiêu thụ chè xanh bản Ven nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh sản xuất, cần khuyến khích các HTX huy động vốn từ các thành viên của HTX.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ nông hộ

Nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương trong mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vì họ là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến động thị trường và điều kiện thời tiết. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, tăng cường sự liên kết giữa nông hộ với HTX, doanh nghiệp và giữa các nông hộ với nhau để đảm bảo ổn định giá cả. Đồng thời, nhà nước nên ban hành các chính sách hỗ trợ vốn thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới để người dân yên tâm sản xuất, đảm bảo cung ứng đầu ra cho HTX và doanh nghiệp.

3.2.2. Chính sách hỗ trợ, tăng cường tiếp cận thông tin thị trường đầu ra

Với đặc điểm phần lớn dân cư là người DTTS, do đó, nông hộ gặp không ít khó khăn về tiếp cận thông tin thị trường đầu ra. Nguồn thông tin mà nông hộ trồng chè xanh bản Ven tiếp cận chủ yếu qua thương lái, vì vậy không thể tránh khỏi những rủi ro về mặt thông tin bất đối xứng. Để đảm bảo người dân có thể nắm bắt thông tin thị trường một cách dễ dàng, đảm bảo thông tin họ tiếp cận được là chính xác, đầy đủ, kịp thời, công khai và minh bạch, chính quyền địa phương nên thường xuyên tuyên truyền về giá cả, xu hướng tiêu dùng chè xanh của khách hàng,... qua loa huyện, loa xã.

Ngoài ra, tận dụng sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin, chính quyền địa phương nên xây dựng một website về chè xanh bản Ven. Một mặt, trang web giúp quảng bá sản phẩm và xúc tiến bán hàng. Mặt khác, trang web là một nguồn cung cấp thông tin rất tốt cho các đối tượng tiếp cận thị trường vì nó kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng mà không phải qua bên trung gian là thương lái. Tuy nhiên, để mọi đối tượng đều truy cập website nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường đầu ra của chè xanh bản Ven, trước hết các cán bộ khuyến nông cần phải tăng cường hướng dẫn những người có các thiết bị điện tử thông minh2 nhưng chưa biết sử dụng để họ biết tự truy cập website. Ngược lại, đối với những đối tượng không có thiết bị điện tử thông minh thì các cán bộ khuyến nông cần giao tiếp với họ nhiều hơn để có thể thông tin cho họ về thị trường đầu ra.

3.2.3. Chính sách tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Nhằm mục đích dễ dàng vận chuyển hàng hóa đến các trung tâm công nghiệp của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,... nhà nước nên có các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, huy động các nguồn vốn đầu tư bên ngoài vào các công trình đường giao thông của huyện. Tăng cường đầu tư các dự án xây dựng đường liên tỉnh, liên huyện. Ngoài ra, nhà nước có hỗ trợ kinh phí trong việc nâng cấp kết cấu mặt đường giao thông ở huyện nói chung và các bản nói riêng.

Đồng thời, tăng cường chính sách hỗ trợ, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển dịch vụ vận tải từ các bản trồng chè ra đường quốc lộ, đến các trung tâm thành phố khác, kết hợp với việc tăng cường mở rộng các dịch vụ vận tải công cộng như xe bus trên địa bàn huyện.

3.2.4. Tăng cường chính sách đào tạo và khuyến nông

Mục đích của chính sách đào tạo và khuyến nông là một mặt giúp cho các cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ HTX nâng cao năng lực quản lý, cũng như có thể được bồi dưỡng kiến thức liên quan đến thị trường đầu ra sản phẩm, kiến thức marketing, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chè để có thể đáp ứng tốt những yêu cầu của thị trường,... Mặt khác, đào tạo và dịch vụ khuyến nông nhằm giúp các nông hộ nắm vững các quy trình chăm sóc và trồng chè

2 Thiết bị điện tử thông minh là các thiết bị có thể kết nối internet như điện thoại cảm ứng, TV thông minh, laptop,...

để đáp ứng những tiêu chuẩn như Vietgap và tìm đầu ra cho nông hộ để đảm bảo sản lượng mà họ sản xuất được thu mua toàn bộ với giá cả tốt.

Như vậy, để thực hiện được mục đích đề ra, trước hết cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho các cán bộ huyện, cán bộ HTX cũng như phổ biến những chính sách, cơ chế về thị trường.

Ngoài ra, nhà nước cần có những chính sách nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích và khuyến khích đội ngũ cán bộ khuyến nông tham gia vào quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ chè bản Ven. Qua đó, sẽ có những hỗ trợ kịp thời cho nông hộ, đặc biệt là tìm kiếm thị trường, mở rộng và kết nối thị trường mới.

Bên cạnh đó, nhằm vận dụng hiệu quả các kiến thức đã được tập huấn vào thực tiễn trong quá trình sản xuất, cán bộ khuyến nông cần phải kiểm tra sát sao việc áp dụng máy móc kỹ thuật và tiến bộ khoa học vào các quy trình trồng, chăm sóc và chế biến chè của nông hộ. Mặt khác, việc thường xuyên quan tâm đến quá trình vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến để đảm bảo nông hộ đã nắm chắc và áp dụng đúng quy trình, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các cán bộ khuyến nông cần phải được phân công trách nhiệm một cách rõ ràng và cụ thể, tránh ỷ lại và thiếu trách nhiệm trong công việc. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao, cần tăng cường giao tiếp và tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nông hộ và cán bộ khuyến nông, tạo cơ hội cho nông hộ có thể nắm bắt chính xác, đầy đủ và kịp thời các thông tin về thị trường đầu ra và giá cả.

3.2.5. Gắn sản phẩm chè với phát triển văn hóa- du lịch địa phương

Chè xanh bản Ven là một sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của người Cao Lan, được thể hiện trong bí truyền ủ hương và thưởng thức chè. Hơn nữa, chè xanh bản Ven còn là sản phẩm gắn với dấu mốc lịch sử dân tộc, với quê hương của cuộc khởi khởi nghĩa nhân dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp. Ngoài ra, Yên Thế cũng có nhiều Lễ hội truyền thống như Lễ Hội yên Thế (di tích văn hóa phi vật thể quốc gia), Lễ hội chặn đường trong đám cưới của người Cao Lan,... và các di tích có kiến trúc nghệ thuật như đình Hương Vĩ, đền Thượng, đền Thề,.... tạo tiềm năng phát triển văn hóa- du lịch tâm linh.

Bên cạnh đó, là một huyện miền núi nên cuộc sống ở đây rất bình dị. Đồng thời, địa phương cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan kì vỹ như Đập Đá Ong, đập Cầu Rễ, đập Suối Cấy, Hồ Ngạc Hai, Thác Ngà,... Đặc biệt, khu vực trồng chè ở bản Ven còn có cây di sản Việt Nam- cây lim nghìn tuổi. Ngoài ra, còn có nhà sàn là địa điểm sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Cao Lan. Như vậy, địa

phương bên cạnh tiềm năng phát triển văn hóa- du lịch tâm linh còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng.

Thật vậy, để có thể phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển văn hóa- du lịch gắn với tiêu thụ chè xanh bản Ven, nhà nước cần có các chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội và tăng cường thu hút đầu tư phát triển văn hóa- du lịch địa phương. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi về vốn (ưu đãi về lãi suất cho vay) và đất đai cho tư nhân để khuyến khích họ đầu tư xây dựng và phát triển du lịch. Đặc biệt, nhà nước cần quy hoạch tổng thể khu du lịch, có chính sách hỗ trợ quảng bá du lịch địa phương, bảo tồn và phát huy tài nguyên văn hóa-du lịch.

Ngoài ra, địa phương cần có những hỗ trợ về thiết kế bao bì sản phẩm chè gắn với những hình ảnh mang đậm văn hóa địa phương. Ở các địa điểm du lịch sẽ giới thiệu câu chuyện về sản phẩm chè xanh bản Ven gắn liền với các di tích, văn hóa của địa phương để du khách có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm. Tăng cường trải nghiệm cho du khách khâu trong sản xuất, thu hái, sơ chế, chế biến, đóng gói những bí truyền lưu giữ hương thơm chè của người Cao Lan trong ống bương đến thưởng thức chè, giúp dễ dàng khắc sâu hình ảnh sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng.

3.2.6. Hỗ trợ đưa sản phẩm chè vào các siêu thị, đại lý trên toàn quốc

Siêu thị, đại lý là kênh phân phối bán hàng lớn giúp sản phẩm có một thị trường ổn định. Tuy nhiên, để có thể đi vào các siêu thị, đại lý thì sản phẩm chè phải an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo chất lượng để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, đưa sản phẩm chè xanh bản Ven vào các siêu thị và đại lý trên toàn quốc tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ địa phương, HTX và nông hộ tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Như vậy, nhà nước cần có xây dựng và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm chè đạt chuẩn sạch và chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát từng khâu, quy trình của sản xuất và chế biến. Đồng thời, hỗ trợ người sản xuất xây dựng kế hoạch kinh doanh sản xuất phù hợp. Đặc biệt, cần có chính sách thu hút đầu tư vào các hoạt động thương mại, hoạt động marketing quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà nước có các chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội chợ, sự kiện nhằm kết nối người sản xuất chè xanh bản Ven, HTX, chính quyền địa phương với người tiêu dùng, các đơn vị đại lý, siêu thị.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CHÈ XANH BẢN VEN, HUYỆN YÊN THẾ, TỈNH BẮC GIANG (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(83 trang)
w