Điều kiện tự nhiên - xã hội

Một phần của tài liệu Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (1961 – 1965) (Trang 39 - 42)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

2.1.1. Điều kiện tự nhiên - xã hội

Theo phân vùng địa lý tự nhiên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm các tỉnh, thành phố sau: thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1965, địa giới hành chính theo phân chia của chính quyền cách mạng thì vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm các tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm các tỉnh: Quảng Nam – Đà Nẵng (từ năm 1962 là Quảng Nam, Quảng Tín), Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ năm 1961, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thuộc Vùng I và Vùng II chiến thuật, được chính quyền VNCH chia thành 3 Khu chiến thuật bao gồm: Khu chiến thuật 12 (sở chỉ huy đặt tại Tam Kỳ) gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín và đặc khu Quảng Nam - Đà Nẵng do Sư đoàn 2 phụ trách gọi là Bắc Trung Phần; Khu chiến thuật 22 (sở chỉ huy đặt tại Quy Nhơn) gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn do Sư đoàn 22 phụ trách và Khu chiến thuật 23 (sở chỉ huy đặt tại Buôn Ma Thuột) gồm các tỉnh Đắk Lắc, Tuyên Đức, Quảng Đức, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận do Sư đoàn 23 phụ trách gọi là Cao nguyên và duyên hải Nam Trung phần2.

Về phía chính quyền cách mạng, từ năm 1961 đến năm 1965, theo chỉ thị của

2 Ngày 13 – 04 – 1961, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 98/QP thiết lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa thành 3 vùng chiến thuật gồm: Vùng I chiến thuật từ vĩ tuyến 17 đến hết tỉnh Quảng Ngãi; Vùng II chiến thuật gồm các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; Vùng III chiến thuật gồm các tỉnh còn lại. Từ ngày 27 – 11 – 1964, chính quyền VNCH lập Vùng IV chiến thuật gồm Khu chiến thuật Định Tường, Khu chiến thuật 41 và Khu chiến thuật 42.

31

BCT, BCH TW Đảng, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ về tổ chức hành chính quân sự, trực thuộc Quân Khu V (mật danh T5) và Quân Khu VI (mật danh T6).

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích tự nhiên gần 44,4 nghìn km2, chiếm 13,4% diện tích cả nước, là dải đất hẹp ngang hình cong, chạy dọc từ Bắc đến Nam, kẹp giữa một bên là biển Đông ở phía Đông và một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây, trải dài gần 6 vĩ độ từ 10033‟B đến 160B (kéo dài từ Bình Thuận ra đến Đà Nẵng), phía Tây giáp Tây Nguyên, Lào; phía Đông là vùng biển rộng với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; phía Bắc giáp Bắc Trung Bộ; phía Nam giáp Đông Nam Bộ. Địa hình có sự phân hóa từ Tây sang Đông: Gò đồi ở phía Tây, hướng địa hình cong ra biển, núi dốc đứng về phía Đông có những dải núi chạy sát ra biển chia cắt dải đồng bằng ven biển. Bờ biển dốc khúc khuỷu tạo nên nhiều vũng vịnh nước sâu, nhiều bán đảo, quần đảo và đảo ven bờ. Vì vậy, nơi đây rất thuận lợi cho việc phát triển mạnh ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, thương nghiệp, dịch vụ... Với vị trí địa lý và kinh tế như trên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ có ý nghĩa chiến lược trong giao lưu kinh tế và an ninh quốc phòng. Địa bàn này được coi là cửa ngõ của Tây Nguyên, là cầu nối của Nam Bộ với các tỉnh phía Bắc, quan trọng hơn cả Nam Trung Bộ được xem là cơ sở hậu cần để khai thác kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển Đông. Chính vì vậy mà ngay từ khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ ra sức bình định nông thôn các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nhằm kiểm soát vùng đất quan trọng này.

Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đất nông nghiệp thích hợp để trồng lúa, ngô, sắn, khoai, rau quả và một số cây công nghiệp có giá trị như: bông vải, mía đường; vùng đất rừng chân núi có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc lớn; diện tích rừng liền một khối với rừng Tây Nguyên với hơn 1,77 triệu ha; có hệ thống sông ngòi rất phong phú, chủ yếu bắt nguồn từ dãy Trương Sơn và đổ ra biển Đông như sông Hàn, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Côn, sông Lại Giang, sông Đà Rằng, sông Cái,… Đây là những tuyến đường sông giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí, nhân lực lên chiến trường Tây Nguyên; đồng bào vùng tạm chiếm nhờ những dòng sông này để tiếp tế thuốc men, quần áo, súng đạn, lương thực cho các khu căn cứ cách mạng. Đây lại là một địa bàn chiến lược quan

32

trọng và là khu vực có thể kết hợp với các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để trực tiếp bao vây, uy hiếp Sài Gòn; đây cũng là chiến trường mà ta và địch giành giật quyết liệt trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm.

Địa hình vùng duyên hải Nam Trung Bộ hình thành 3 vùng rõ rệt: rừng núi, đồng bằng, đô thị. Như vậy, với các yếu tố thuận lợi về địa lý tự nhiên là đồng bằng ven biển, trung du, rừng núi liên hoàn, hiểm trở đã trở thành chỗ dựa vững chắc, bảo đảm nguồn hậu cần cho cách mạng, tạo điều kiện cho quân và dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ kết hợp tiến công bằng ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có mạng lưới giao thông phát triển rất thuận lợi: Quốc lộ 1 chạy dọc theo chiều dài của các tỉnh; có hệ thống các sân bay (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh…); các cảng biển quan trọng như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang; các tuyến đường ngang (Quốc lộ 19, 21, 25, 27, …), kết nối các cảng biển, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các cửa sông, vịnh nơi đây đã trở thành những bến bãi lý tưởng đón những con tàu không số đến các bến Hòn Hèo (Khánh Hòa), Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Diêu (Bình Định), Sa Huỳnh, Quy Thiện (Quảng Ngãi) cung cấp nhiều vũ khí cho quân và dân Khu V, Khu VI.

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau như: Kinh, Cơ-tu, Ra-glai, Ba-na, Ê-đê, Chăm, Mơ-nông, Mạ, Chu-ru, H‟rê,…, trong đó đa số là người Kinh (chiếm khoảng 90% dân số của khu vực). Tính đến tháng 03 – 1963, dân số các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ là 3.241.034 người, trong đó tỉnh Bình Thuận có 234.264 người; tỉnh Ninh Thuận có 134.375 người; tỉnh Khánh Hòa có 221.718 người; tỉnh Phú Yên có 331.092 người; tỉnh Bình Định có 784.766 người; tỉnh Quảng Ngãi có 648.353 người; tỉnh Quảng Tín có 348.724 người; tỉnh Quảng Nam có 573.742 người [16]. Bên cạnh dân tộc Kinh, có dân tộc Chăm sống rải rác ở miền núi các tỉnh Bình Định, Phú Yên (khoảng 25.281 người), nhiều nhất ở xung quanh thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và phía Bắc tỉnh Bình Thuận (khoảng 101.964 người). Những dân tộc thiểu số khác sống ở phần đồi núi phía Tây của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng bào Chăm đa số

33

làm nông nghiệp trồng lúa nước, đồ gốm và dệt vải sợi bông, sống tập trung trong Palei Cam (làng Chăm). Mỗi Palei là một đơn vị hành chính của làng, gồm: Hội đồng phong tục và Po Palei (Trưởng làng), trong đó Po Palei là người đóng vai trò rất quan trọng trong Palei. Khi quân đội VNCH dùng vũ lực đàn áp dã man, đốt phá hết nhà cửa nhằm dồn đồng bào Chăm về các khu ấp chiến lược, họ không thể chấp nhận được. Vì vậy, trong phong trào chống, phá ACL ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (1961 – 1965) có sự đóng góp rất lớn của đồng bào Chăm tạo nên nguồn cỗ vũ lớn cho phong trào đấu tranh của nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ những năm sau đó.

Là một bộ phận của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh, con người cư ngụ nơi đây có lòng tự hào và tự tôn dân tộc, có ý chí tự lực tự cường và tinh thần yêu quê hương đất nước, không sợ gian khổ, đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, do đó khi Mỹ và chính quyền VNCH đàn áp, đốt phá nhà cửa của nhân dân nhằm thực hiện “quốc sách” ACL đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ và quyết liệt của người dân nơi đây. Khi Đảng bộ các cấp ra lời kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên chống, phá ACL thì họ đã lập tức tham gia đấu tranh rất quyết liệt.

Một phần của tài liệu Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (1961 – 1965) (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(204 trang)