3.2. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam về chống, phá ấp tân sinh
3.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam
Đứng trước những thay đổi to lớn của tình hình miền Nam, xuất phát từ đặc trưng của từng địa bàn chiến lược và để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức chỉ huy, đảm bảo chi viện tiếp tế trên các chiến trường một cách nhanh chóng, phù hợp với tình hình mới, tháng 11 – 1963, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “trong 2, 3 năm tới phải phá cho được về căn bản ấp chiến lược của địch và phải làm chủ thật sự các xã, thôn giải phóng” [53, tr.196-197]. Cuối năm 1963, TW Đảng quyết định điều chỉnh địa giới một số chiến trường: Khu V được bổ sung thêm hai tỉnh của Khu VI là Đắk Lắk và Khánh Hòa. Khu VI bổ sung thêm tỉnh Phước Long của Khu VII.
Tháng 12 – 1963, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 9 đã tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh những năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam trong những năm tiếp theo. Hội nghị đánh giá kế hoạch Staley - Taylor của địch nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng đã bị thất bại; một nội dung quan trọng của kế hoạch đó là dồn dân lập ACL ở miền Nam không thực hiện
93
được như chúng dự định, không những địch không gom được 2/3 dân vào ACL mà những ACL của chúng bị cách mạng phá từng mảng, nhiều ACL đã biến thành làng chiến đấu của cách mạng.
Hội nghị nhấn mạnh hai mục tiêu chủ yếu mà cách mạng miền Nam cần phải đạt cho bằng được: (1) Tiêu diệt từng bộ phận quân đội địch, tạo điều kiện làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân sự, chỗ dựa chính của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam. (2) Làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch, phá phần lớn ấp chiến lược, giành nhân lực, vật lực cho cách mạng, làm chủ rừng núi và phần lớn đồng bằng” [57, tr.804]. Hai nhiệm vụ trên phải có liên hệ chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau nhằm đạt mục tiêu đi đến thắng lợi cuối cùng. Có tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân đội địch mới phá được các ACL một cách nhanh chóng và có phá được phần lớn các ACL mới tạo điều kiện để tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Về nhiệm vụ chống phá ACL, Nghị quyết xác định chính quyền VNCH đã dùng những chính sách kìm kẹp với những thủ đoạn xảo quyệt về kinh tế, chính trị, nhất là về quân sự để tiến hành dồn dân lập ACL. Tuy nhiên, do bị thất bại nặng nề nên quân đội VNCH buộc phải phân tán phần lớn lực lượng để giữ các ACL ở những vùng rộng lớn. Trên cơ sở đó, ACL chính là chỗ yếu của chính quyền VNCH để lực lượng cách mạng có thể đẩy mạnh tiến công. Vì vậy, Nghị quyết nêu rõ:
“Việc phá ấp chiến lược phải được phát triển song song với chiến tranh du kích, làm tan rã các tổ chức dân vệ và thanh niên chiến đấu, làm tê liệt quân bảo an và hạn chế quân chủ lực của địch. Phải biết dùng hết khả năng của lực lượng quân sự kết hợp với đẩy mạnh tột bực phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận. Thực tế đã chứng minh rằng phong trào phá ấp chiến lược càng mạnh thì lực lượng thanh niên chiến đấu và dân vệ của địch càng mau tan rã, quân bảo an của địch càng mất chỗ đứng và bị tê liệt, đồng thời quân chủ lực của chúng cũng bị cầm chân và phân tán trong việc hành quân đánh phá, càng quét. Ngược lại, các lực lượng dân vệ bị tan rã, quân địa phương bị tê liệt, quân chủ lực địch bị cầm chân lại thì phong trào phá ấp chiến lược càng được mở rộng” [60, tr.844].
94
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW Đảng lần thứ 9, tháng 03 – 1964, TW Cục miền Nam họp Hội nghị lần thứ 2. Hội nghị xác định nhiệm vụ trong năm 1964 là phải tranh thủ thời cơ, chủ động liên tiếp tổ chức tấn công nhằm đánh bại kế hoạch tập trung quân để dồn dân lập ACL của chính quyền VNCH. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng, xây dựng thực lực chính trị và vũ trang, nhất là lực lượng vũ trang để tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.
Về việc chống phá ACL, Hội nghị đề ra yêu cầu trong năm 1964 là lực lượng cách mạng phải ra sức đánh bại những cuộc tiến công lấn chiếm, dồn dân lập ACL của quân đội VNCH vào vùng giải phóng, san bằng đại bộ phận khu, ấp chiến lược trong vùng đang tranh chấp và chuyển thành xã chiến đấu, phá lỏng hầu hết các ACL trong vùng chính quyền VNCH còn kiểm soát, làm thất bại kế hoạch củng cố hệ thống ACL của chính quyền VNCH có trọng điểm, rồi loang dần ra.
Hội nghị nhấn mạnh hai mục tiêu cần phải đạt được là:
1. Làm thất bại mưu đồ gom dân lập ấp chiến lược của địch, phá phần lớn các ấp chiến lược địch đã làm được, đảm bảo giành nhân tài vật lực cho cách mạng, làm chủ phần lớn nông thôn và rừng núi.
2. Tiêu diệt sinh lực địch và làm tan rã từng bộ phận quân đội địch, tạo điều kiện làm tan rã lực lượng quân sự, chỗ dựa của chế độ Mỹ và tay sai.
Hai mục tiêu này quan hệ chặt chẽ với nhau, đảm bảo thắng lợi của nhau. Có tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân đội địch mới đảm bảo nhanh chóng phá ấp chiến lược và có phá được nhiều ấp chiến lược mới tạo điều kiện để tiêu hao, tiêu diệt địch [61, tr.718].
Để thực hiện chủ trương trên, TW Cục miền Nam ra chỉ thị cho các Khu ủy phải cụ thể hóa theo từng địa phương và phải xem nhiệm vụ chống, phá ACL là công tác trọng tâm hàng đầu. Ngay trong lúc quân đội VNCH đang đặt kế hoạch, đang điều quân và làm thí điểm thì ta phải tập trung lực lượng thọc sâu vào các khu, ấp chiến lược, đánh phá mạnh mẽ, phá đều khắp, phá thường xuyên, phá đợt, phá mảng, phá cả nội dung lẫn hình thức làm cho chúng không kịp đối phó. Hiện nay, sau hai lần đảo chính và trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của lực lượng vũ trang và chính trị của ta, địch trong các khu, ấp chiến lược đang hoang mang, dao động,
95
nhiều nơi tê liệt, ta lại có sẵn nhiều kinh nghiệm. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh công tác này. Ấp chiến lược phá đến đâu cần xây dựng ngay thành xã chiến đấu chuyển thành thế đấu tranh chính trị, không để cho chúng khôi phục trở lại thế kìm kẹp. Đồng thời, để hỗ trợ cho công tác chống, phá ấp chiến lược, TW Cục miền Nam đã đề ra các kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác binh vận, nhất là công tác phát động phong trào nổi dậy của nông dân.