CHƯƠNG 4: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.1. Một số nhận xét
4.1.3.1. Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra sớm và quyết liệt ngay từ đầu
So với các địa phương khác ở miền Nam thì phong trào chống, phá ACL ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nổ ra sớm và mang tính quyết liệt ngày từ những ngày đầu. Quảng Ngãi là một trong hai nơi (cùng với Vĩnh Long ở miền Tây Nam Bộ) mà Mỹ và chính quyền VNCH chọn làm thí điểm để lập ACL, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn miền Nam.
Nam Trung Bộ lại là một địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trên bàn cờ chiến lược của Mỹ trong quá trình áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Phần lớn diện tích địa bàn này vốn là vùng tự do trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Người dân nơi đây vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và được xem là dân "cứng đầu, cứng cổ" trong những năm chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách "tố Cộng". Đây cũng là quê hương của của cuộc khởi nghĩa Bác Ái (Ninh Thuận), Vĩnh Thạnh (Bình Định), Trà Bồng (Quảng Ngãi) trong phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960). Chính vì vậy mà chính quyền VNCH đã tập trung tại đây gần 2/3 binh lực của quân đội VNCH, thiết lập
125
nhiều căn cứ quân sự lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh ...; tập trung ưu tiên phát triển hệ thống kìm kẹp và kiểm soát của bộ máy chính quyền và quân đội VNCH; liên tiếp mở các chiến dịch quân sự nhằm vào các vùng giải phóng, các khu căn cứ, một mặt, để khủng bố lung lạc lòng dân; mặt khác, triệt phá các cơ sở cách mạng, các căn cứ hậu cần tại chỗ.
Giữa năm 1961, sau khi đã thiết lập xong một số ACL điểm ở Quảng Ngãi, quân đội VNCH đã nhanh chóng triển khai ồ ạt trên địa bàn Nam Trung Bộ. Trên địa bàn này, đến cuối năm 1962, chính quyền VNCH đã cơ bản lập xong ACL trong các vùng chúng kiểm soát ở đồng bằng. Để góp phần hoàn thành mục tiêu lập thêm 7.500 ACL với 8 triệu dân, quân đội VNCH liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh sâu vào các khu căn cứ Đỗ Xá (Quảng Nam), Khánh Sơn (Khánh Hòa), Bác Ái (Ninh Thuận), Lê Hồng Phong (Bình Thuận),…nhằm buộc lực lượng cách mạng phải bị động đối phó để chúng gom dân lập ACL ở các nơi khác.
Trước một đối thủ có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nên phong trào chống, phá ACL các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ ngay từ buổi đầu đã gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Tuy trong điều kiện lực lượng cách mạng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ còn thiếu thốn về vũ khí, trang bị, chưa có kinh nghiệm đối phó với những thủ đoạn chiến thuật mới của địch, nhất là đối phó với cái gọi ACL, song phong trào chống, phá ACL ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vẫn diễn ra sớm hơn so với các địa phương khác trên toàn miền Nam và thể hiện tính quyết liệt ngay từ những ngày đầu.
Tháng 02 – 1961, khi Mỹ bắt đầu xây dựng ACL thí điểm ở Quảng Ngãi thì Hội nghị Liên khu ủy V16 đề ra nhiệm vụ cho quân và dân trên địa bàn, đó là làm chủ vùng rừng núi, củng cố và xây dựng căn cứ địa cách mạng, giành lại khu vực đồng bằng, tiêu diệt sinh lực địch, sẵn sàng đánh bại chương trình ACL ngay trên địa bàn Khu V. Về phương châm chống, phá ACL, Khu ủy xác định “vùng căn cứ
16 Tháng 5 – 1961, Trung ương Đảng quyết định chia chiến trường Trung và Nam Trung Bộ thành 2 Khu V, VI và lập các Quân khu. Khu V gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum; Khu VI gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tuyên Đức, Lâm Đồng.
126
rừng núi lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu, vùng đồng bằng lấy đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang có thể ngang nhau, vùng đô thị đấu tranh chính trị là chủ yếu”, kiên quyết làm thất bại âm mưu lập ACL trên địa bàn Nam Trung Bộ của địch.
Từ tháng 07 – 1961, khi chính quyền VNCH bắt đầu thực hiện đại trà kế hoạch dồn dân, lập ACL, liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá, đốc thúc nhân dân rào làng, lập ACL thì phong trào chống, phá ACL của nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ càng phát triển lan rộng và trở nên quyết liệt. Nhân dịp kỉ niệm 7 năm ngày kí Hiệp định Genève (21/07/1954 – 21/07/1961), Đảng bộ các cấp ở Khu V phát động một đợt đấu tranh rộng khắp chống Mỹ - Diệm lập ACL. Tại Quảng Ngãi, nhân dân 28 làng dọc Đường số 5 từ Ba Tơ (Quảng Ngãi) đi Kon Tum đã nổi dậy phá kìm kẹp. Tại Bình Định, nhân dân phá lỏng thế kìm kẹp của địch ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp, Hoài Thanh, Bồng Sơn. Bộ đội Khu V phối hợp bộ đội tỉnh diệt cứ điểm Làng Rô (Tây Quảng Nam), diệt và bứt rút nhiều đồn bốt ở Vĩnh Thạnh (Tây Bình Định), Ba Tơ, Sơn Hà (Tây Quảng Ngãi). Nhân dân nổi dậy giải phóng một vùng rộng lớn từ Phước Tân đến Kỳ Lộ (Quảng Ngãi). Tháng 10 – 1961, các tiểu đoàn chủ lực Khu V đã tiến về đến đồng bằng. Các Tiểu đoàn 60, 70 kết hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Nam liên tiếp tổ chức đánh địch, xóa sổ một số ACL và giải phóng hoàn toàn 2 xã Phước Ngọc, Phước Lãnh (Tiên Phước) và 2 xã Kỳ Yên, Kỳ Thạnh (Tam Kỳ). Đồng thời các Tiểu đoàn 50, 90 cùng với lực lượng địa phương của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chủ động tấn công địch, giải phóng hoàn toàn các xã Bình Khương, Bình Phiên, Hành Tín và hàng chục thôn ở các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ (Quảng Ngãi), 9 thôn ở phía Tây sông An Lão thuộc 2 xã Ân Hảo, Ân Hòa (Hoài Ân, Bình Định), lập chính quyền tự quản. Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên cũng lần lượt xóa bỏ các ACL trên địa bàn, giải phóng các xã An Xuân, An Lĩnh (Tuy An).
Cùng với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị để chống, phá ACL cũng diễn ra mạnh mẽ. Chỉ trong 4 tháng (từ tháng 07 đến tháng 10 năm 1963) có hơn 1,5 triệu lượt người ở Quảng Ngãi, Bình Định đã nổi dậy tiến hành 1.524 cuộc đấu tranh, phá đi phá lại 1.876 ACL, có ấp phá đến 4 - 5 lần, phá banh gần 400 ACL trong tổng số 900 ACL địch đã lập được tại đây [128, tr.117].
127
Ở Khu VI, phong trào đấu tranh chống, phá ACL cũng phát triển mạnh từ giữa năm 1961. Thực hiện chủ trương mở rộng và củng cố khu căn cứ rừng núi của Khu ủy VI, nhân dân các dân tộc miền núi Khánh Hòa liên tục nổi dậy phá vỡ từng mảng hệ thống kìm kẹp của địch. Tại đây, ngay khi chính quyền VNCH bắt đầu triển khai rào ACL thì cũng là lúc dân bắt đầu chống, phá với khẩu hiệu “dân làm dân phá, địch bắt làm lại dân lại phá”, phá bằng nhiều cách hết sức khôn khéo và sáng tạo, tìm mọi lý lẽ hợp pháp như đau ốm, mùa vụ, cố ý làm sai… để dây dưa kéo dài, có khi đủ cây thì thiếu dây, có dây thì cây sắp mục, địch bắt dân vào rừng chặt cây về rào ACL thì dân đem rựa nộp cho cán bộ cách mạng và về báo với chính quyền VNCH ở cơ sở là Việt Cộng thu hết rựa.
Đầu năm 1962, vùng làm chủ của cách mạng ở phía Tây của ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã được mở rộng đáng kể với 28.000 dân. Tại Cực Nam Trung Bộ, lực lượng cách mạng làm chủ 223 thôn thuộc 79 xã trong tổng số 135 xã vùng nông thôn đồng bằng ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.