Sản lượng nuôi và tình hình xuất khẩu cá Tra ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu công nghệ làm sạch tạp chất phi collagen trong qui trình sản xuất collagen từ da cá trasử dụng kiềm NaOH và nước ấm (Trang 27 - 29)

Nghề nuôi cá Tra, basa ngày càng phát triển mạnh mẽ ở đồng bằng Sông Cửu Long. Tính đến tháng 10 năm 2008, diện tích ao nuôi đã lên đến 5.102 ha, tăng 11% so với năm 2007. Sản lượng cá thu được hơn 1 triệu tấn, trong đó hơn 535.000 tấn cá được xuất khẩu qua gần 117 quốc gia trên thế giới, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,250 tỷ USD. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu từ mặt hàng cá Tra của Việt Nam trong năm 2008 đạt 1,453 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thị trường xuất khẩu cá Tra cũng tăng lên từ hơn 100 nước (năm 2007) lên gần 130 nước (năm 2009). Mặt khác, chỉ với diện tích đất khoảng 6.000 ha, chưa tính tiêu thụ trong nước, riêng xuất khẩu đã đạt 1,453 tỷ USD, nghĩa là 1 hecta tạo ra giá

trị xuất khẩu là 242.166 USD. Đây là con số khá ấn tượng nếu đem so với hiệu quả sản xuất các mặt hàng nông nghiệp khác như: nuôi tôm, trồng lúa, trồng màu...Do đó, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long xác định phát triển ngành kinh tế thủy sản, đặc biệt là nuôi cá Tra thâm canh là ngành kinh tế mũi nhọn. [34]

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Nga (năm 2008) tỷ trọng cá Tra của Việt Nam xuất khẩu sang Nga chiếm 94,4% về khối lượng và 86,5% về giá trị trong tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đến thị trường này, đạt 118.155 tấn, trị giá 188,45 triệu USD. [26]

Trong 6 tháng đầu năm 2009, diện tích nuôi cá Tra ở ĐBSCL là 5.001 ha, đạt 73% diện tích so với kế hoạch năm 2009, diện tích thu hoạch 1.133 ha, bằng 22,6% diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch là 312.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chính của cá Tra, basa Việt Nam vẫn là EU với kim ngạch đạt 206 triệu USD. Riêng thị trường Mỹ, bất chấp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu sang nước này đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 45,97 triệu USD, tăng 59,98% so với cùng kỳ năm 2008. [25]

Mặc dù chịu ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế, nhưng các thị trường nhập khẩu cá Tra, cá basa (năm 2009) chủ lực của Việt Nam mạnh nhất là: EU, Mỹ, ASEAN, Ucraina, Mexico, Ai Cập đều có mức tăng trưởng khá, cả về mặt khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Do trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá Tra, cá basa của Việt Nam vẫn chưa được phép xuất khẩu sang thị trường Nga, nên số cá dư ra đã được họ đẩy mạnh sang tiêu thụ tại các thị trường này.

Hiện tại, EU vẫn là khối thị trường lớn nhất nhập khẩu cá Tra, cá basa của Việt Nam, với 26/27 quốc gia đã nhập khẩu cá của Việt Nam. Trong đó, 3 nước đứng đầu là Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan, có khối lượng nhập khẩu chiếm 60% tổng lượng nhập khẩu cá Tra, basa của toàn EU. Tây Ban Nha và Đức đồng thời là hai nhà nhập khẩu cá Tra, basa lớn nhất của Việt Nam trong số 110 quốc gia nhập khẩu hai mặt hàng này. Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu vào 3 quốc gia EU khác như: Rumani, Bungari và Hungari. Sở dĩ cho tới nay, thị

trường EU vẫn thích tiêu thụ cá Tra, basa của Việt Nam là vì có mức giá phù hợp, đáp ứng tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. [24]

Nửa đầu năm 2009, gần 100/190 doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã xuất khẩu cá Tra, cá basa sang thị trường EU. Giá xuất khẩu trung bình cá Tra của Việt Nam tới các nước EU tính theo giá FOB kể từ đầu năm đến nay đạt 2,445 USD/kg. [1]

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2010, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xuất khẩu 600.000 tấn cá tra, trị giá 1,5 tỉ USD, tăng gần 160 triệu USD so với năm trước. Để hoàn thành chỉ tiêu này, ĐBSCL đưa 8.600 ha mặt nước nuôi cá Tra, tăng 2.440 ha so năm 2008, tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre và Thành phố Cần Thơ. [23]

Trong 3 tháng đầu năm 2010, tình hình xuất khẩu cá Tra của nước ta sang các nước đạt giá trị như sau: EU (39%), ASEAN (6%), Mỹ (9%), Ucraina (4%), Arap Xe-út (4%) và các nước khác là 32%. Cũng trong sáu tháng đầu năm 2010, ĐBSCL đã xuất khẩu trên 300.000 tấn cá tra với kim ngạch hơn 640 triệu đô la Mỹ, tăng 19,4% về lượng và 11,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2009. [26]

Nhìn chung với thế mạnh và hiệu quả của nghề nuôi cá Tra trong 10 năm qua, từ một loài cá bản địa, cá Tra đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia, sản lượng nuôi tăng gấp 65 lần, đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước; chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng thuỷ sản xuất khẩu cả nước. Thị trường tiêu thụ cá Tra đã được mở rộng và có uy tín ở 130 nước và vùng lãnh thổ. Một số nước, khu vực nhập khẩu lớn là Ucraina, Nga, EU, Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ. Nhóm sản phẩm cá Tra càng quan trọng bởi chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ bé để nuôi (khoảng 6.000 ha mặt nước, bằng 1% diện tích nuôi tôm), có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục vạn công nhân, nông ngư dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở vùng nông thôn ĐBSCL.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu công nghệ làm sạch tạp chất phi collagen trong qui trình sản xuất collagen từ da cá trasử dụng kiềm NaOH và nước ấm (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(65 trang)