Cá Tra phân bố ở một số nước Ðông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Indonexia và Việt Nam. Ðây là một trong những loài cá nuôi quan trọng có giá trị kinh tế cao. Cá Tra được nuôi phổ biến hầu hết ở các nước Ðông Nam Á, là một trong 6 loài cá nuôi quan trọng nhất của khu vực này. Bốn nước trong hạ lưu sông Mê kông đã có nghề nuôi cá Tra truyền thống là Thái lan, Campuchia, Lào và Việt nam do có nguồn cá Tra tự nhiên phong phú. Ở Campuchia, tỷ lệ cá Tra thả nuôi chiếm 98% trong 3 loài thuộc họ cá Tra, chỉ có 2% là cá ba sa và cá vồ đém, sản lượng cá Tra nuôi chiếm một nửa tổng sản lượng các loài cá nuôi. Một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã nuôi cá Tra có hiệu quả từ những thập niên 70-80. [22]
Từ nửa đầu thế kỷ 20, nuôi cá trong ao mới bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng Nam bộ và đối tượng nuôi chính là cá Tra. Tài liệu thống kê của tỉnh An Giang cho thấy năm 1985 có hơn 90% diện tích ao nuôi cá ở nông thôn của tỉnh lúc bấy giờ là nuôi cá Tra. Tài liệu của Ủy Hội sông Mê kông cũng đề cập về hiện trạng nuôi cá Tra ở miền Nam Việt nam những thập niên 50-70. Từ trước những năm 1970, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, thì nghề nuôi cá còn mang tính chất đơn điệu với đối tượng nuôi chủ yếu là cá Tra, các đối tượng khác rất ít. [22]
Hiện nay nuôi cá Tra đã phát triển ở nhiều địa phương, không chỉ ở Nam bộ mà một số nơi ở miền Trung và miền Bắc cũng bắt đầu quan tâm nuôi các đối tượng này. Nuôi cá Tra thương phẩm thâm canh cho năng suất rất cao, cá Tra nuôi trong ao đạt tới 200-300 tấn/ha, cá Tra nuôi trong bè có thể đạt tới 100-300kg/m3 bè.
Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh Nam bộ mỗi năm cho sản lượng cá Tra nuôi hàng trăm ngàn tấn. ÐBSCL có hơn 50% số tỉnh nuôi cá bè, nhưng tập trung nhất là hai tỉnh An Giang và Ðồng Tháp, với hơn 60% số bè nuôi và có năm đã chiếm tới 76% sản lượng nuôi cá bè của toàn vùng. [22]
Nguồn giống cá Tra trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào vớt trong tự nhiên. Hàng năm vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch, khi nước mưa từ thượng nguồn sông Cửu Long (MêKông) bắt đầu đổ về thì ngư dân vùng Tân châu (An giang) và Hồng ngự (Ðồng Tháp) dùng một loại lưới hình phễu để vớt cá bột. Cá Tra bột được chuyển về ao để ương nuôi thành cá giống cỡ 7-10 cm và được vận chuyển đi bán cho người nuôi trong ao và bè khắp vùng Nam bộ. Khu vực ương nuôi cá giống tập trung chủ yếu ở các địa phương như Tân châu, Châu đốc, Hồng ngự, các cù lao trên sông Tiền giang như Long Khánh, Phú Thuận. Sản lượng vớt cá bột ngày càng giảm do biến động của điều kiện môi trường và sự khai thác quá mức của con người. Ðầu thập niên 90, sản lượng cá bột vớt hàng năm chỉ đạt 150-200 triệu con (Vương Học Vinh, 1994). [22]
Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Tra được bắt đầu từ năm 1978. Từ năm 1996, trường Ðại học Cần thơ, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, công ty Agifish An Giang đã nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ và cho đẻ nhân tạo cá basa, cá Tra thành công, chủ động giải quyết con giống cho nghề nuôi cá này. [22]