1.1. Giới thiệu chung về chi Paramignya
1.1.2. Một số thành phần hóa học và hoạtt tính sinh học chi Paramignya
Hiện nay, có 4 loài được nghiên cứu về thành phần hóa học ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 01 loài ở Sri Lanka (P. monophylla), 01 loài ở Thái Lan (P.
griffithii) và 02 loài ở Việt Nam (P. trimera, P. scandens). Các nhóm hoạt chất chính thuộc chi này gồm chủ yếu là các coumarin, triterpene, alkaloid và các dẫn xuất glycoside. Cho đến nay có khoảng 85 hợp chất tự nhiên đã được phân lập ra từ chi Paramignya, bao gồm 18 coumarin, 15 loại tirucallan và saponin tirucallan, 9 loại alkaloid, 11 loại flavanon và một số hợp chất khác. Các nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá các tác dụng sinh học của các nhóm chất như sau [8].
Coumarin: Các coumarin từ chi Paramignya được tìm thấy nhiều nhất trong hai loài P. monophylla và P. trimera. Các coumarin của chi Paramignya thường ở dạng tự do. Cấu trúc hóa học chung của các coumarin này là vòng coumarin hai lần thế ở vị trí 6, 7 (hình 1.1). Về mặt tác dụng sinh học, các coumarin này có phổ hoạt tính khá rộng bao gồm hoạt tính gây độc tế bào, kháng viêm, kháng tiểu đường và chống trầm cảm. Đặc biệt, hợp chất coumarin, ostruthin được phân lập từ loài P.
trimera có nhiều tác dụng sinh học quý như chống ung thư, kháng viêm, giảm tiểu đường và chống trầm cảm [9-15] .
Tirucallane và saponin tirucallane: Các nghiên cứu hóa sinh thực vật về chi P.monophylla cho thấy sự xuất hiện của các hợp chất điển hình với cấu trúc tirucallane và saponin tirucallane, bao gồm 7 tirucallanes được phân lập từ quả, lá và thân loài P. monophylla [16], tirucallane được phân lập từ thân cây loài P. grithii và 7 loại saponin tirucallanes từ thân và lá của loài P. scandens. Trong đó, các
saponin tirucallane là lớp chất đặc trưng về mặt hóa học chỉ tìm thấy được ở loài P.
scandens mà chưa tìm thấy ở các loài khác thuộc chi Paramignya. Về mặt tác dụng sinh học, các hợp chất saponin tirucallan này có tác dụng gây độc tế bào và kháng viêm [2].
Hình 1.1. Cấu trúc các hợp chất coumarin từ chi Paramignya
Alkaloid: Đã phát hiện 9 hợp chất alkacoid, tất cả đều được tìm thấy trong loài P. trimera. Các hợp chất đều thể hiện tác dụng ức chế enzym α-glucosidase [2].
Flavonoid: Chi Paramignya hiện có 11 hợp chất flavonoid đã được phân lập.
Các hợp chất flavonoid này được tìm thấy chủ yếu ở thân loài P. grithii và lá cây loài P. scandens và 5 hợp chất flavonoid được tìm thấy trong thân loài Xáo tam phân P. trimera [17, 18].
Các hợp chất khác: Các hợp chất khác được tìm thấy trong chi Paramignya bao gồm các phenol, các chromen và các hợp chất glycosid. Đặc biệt, các hợp chất phenol được tìm thấy nhiều nhất trong thân rễ loài P. trimera.
Về mặt tác dụng sinh học, các hợp chất được chứng minh khả năng ức chế enzym α-glucosidase [17, 18].
1.1.2.2. Nghiên cứu về hoạt tính sinh học của một số hợp chất có trong chi Paramignya
Hầu hết dược tính của chi Paramignya được biết đến thông qua các nghiên cứu trên loài P. monophylla, loài này vốn được biết là loài cây thuốc được sử dụng trong dân gian ở nhiều nước châu Á [19].
Nghiên cứu của Kumar và cs. (1998) cho thấy trong vỏ rễ của loài này có chứa các chất 5-methoxy-8,8-dimethyl-10-(7-hydroxy-3,7-dimethylocta-1,5-dien-3- yl) pyranocoumarin và 5-hydroxy-8,8-dimethyl-10-(7-hydroxy-3,7-dimethyl octa- 1,5-dien-3-yl) pyranocoumarin. Các hợp chất này thuộc nhóm coumarin (những dẫn chất α- pyron có cấu trúc C6-C3) và nhóm hợp chất này có những hoạt tính sinh học, có tác dụng kháng viêm và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Niyaz (1995) khi nghiên cứu các hợp chất hóa học của P. monophylla đã phân lập được một số hợp chất coumarin như poncitrin, nordentatin, 5-hydroxy- và 5-methoxy-8,8-
dimethyl-10-(3',7'- dimethylocta-1',6'-dien-3'-yl)-2H,8H-benzo[1,2-b: 5,4- b']dipyran-2-one [20]. Ngoài ra, quả của P. monophylla chứa flindissone, deoxyfiindissone và 4 hợp chất tirucalladiene như 3-oxotirucalla-7,24-dien-23-ol, 3- oxotirucalla-7,24-diene-21,23- diol cũng như dẫn xuất 3β-hydroxyl có trong loài này [21].
Wattanapiromsakul và cs. (2000) khi nghiên cứu vỏ thân cây P. griffithii ở Thái Lan đã phân lập được 5 hợp chất là: amoradicin, 3’,4’-Dihydroxy-7-methoxy- 8-(3- methylbut-2-enyl)-furano (4”,5”:6,5)-flavanone, 3’,4’-Dihydroxy-7-methoxy- 8-(3- methylbut-2-enyl)-2’”-(1-hydroxy-1-methylethyl)-furano-(4”, 5”: 6, 5)- flavanone, 3-Oxo-tirucalla-7,24-diene-21-al, 6-(2-Hydroxyethyl)-2,2-dimethyl-2H- 1-benzo- pyran [18]. Ngoài ra, Wiart (2006) đề cập P. scandens có khả năng sinh tổng hợp các prenylated flavanone như amoradicin. Cho đến nay, tính chất dược lý của nó vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, flavonoid có khả năng kháng khuẩn hoặc gây độc tế bào (cytotoxic). Ở Malaysia, rễ của loài này sắc uống có tác dụng làm giảm đau bụng dưới, còn toàn bộ cây sắc uống để trị bệnh giang mai [22].
Theo Phạm Hoàng Hộ (2003) [5], các loài thuộc chi Paramignya ở Việt Nam được dùng trong y học cổ truyền như sau:
Paramignya armata Oliv. var. andamanica King - Cựa gà, Quýt gai. Lá và quả đun sôi uống chữa viêm phế quản, ho [4].
P. monophylla Wight - Xáo một hoa, chống siêu khuẩn R.D in vitro, trị bạch
đái hạ [3].