3.3. Điều hành hoạt động của bộ phận buồng
3.3.1. Tổ chức quy trình phục vụ tại bộ phận buồng
3.3.1.3. Điều hành hoạt động của khu vực giặt là
Giặt là là hoạt động cần thiết không thể thiếu trong sự vận hành của một khách sạn. Hằng ngày, nhu cầu về sử dụng đồ vải của khách sạn là rất lớn, vì vậy nhu cầu giặt là đồ vải cũng lớn. Tuỳ thuộc vào quy mô và điều kiện của từng khách sạn mà các khách sạn lựa chọn công tác điều hành hoạt động của khu vực giặt là sao cho phù hợp.
Thông thường, có hai hình thức hoạt động giặt là:
* Thứ nhất là khách sạn tự tổ chức giặt là tại chỗ:
- Ưu điểm:
+ Tạo ra lợi nhuận cho khách sạn do việc cung cấp dịch vụ giặt là quần áo cho khách lưu trú tại khách sạn. Điều đó vừa làm tăng mức cung cấp dịch vụ cho khách sạn, tăng mức độ thoả mãn nhu cầu của khách hàng vừa đem lại lợi ích kinh tế cho khách sạn. Ngoài phục vụ khách trong khách sạn, khách sạn còn có thể ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ giặt là cho các tổ chức hoặc khách sạn khác để thu lợi nhuận và tận dụng tối đa công suất sử dụng máy móc, trang thiết bị giặt là.
+ Thời gian quay vòng của đồ giặt là ngắn từ việc thu nhận đồ vải bản, giặt là đến đưa vào sử dụng, như vậy số lượng đồ vải nằm chờ sẽ giảm vì thế khách sạn có thể giảm bớt số lượng mua vào các loại đồ vải, tiết kiệm chi phí cho khách sạn.
- Hạn chế:
+ Đòi hỏi số lượng vốn đầu tư ban đầu lớn cho việc mua sắm trang thiết bị;
+ Đòi hỏi diện tích lớn để bố trí khu vực giặt là;
+ Tăng chi phí lao động, chi phí nguyên vật liệu và các chi phí khác.
* Thứ hai là khách sạn ký hợp đồng với một cơ sở giặt là bên ngoài:
-Ưu điểm:
+ Tiết kiệm diện tích xây dựng, có thể dành nhiều diện tích hơn cho việc xây dựng buồng nghỉ hoặc các công trình khác;
+ Tiết kiệm chi phí cho việc mua sắm trang thiết bị, thuê nhân công và các chi phí khác.
- Hạn chế:
+ Không kiểm tra, giám sát được chất lượng giặt là;
+ Thiếu tính chủ động và linh hoạt trong quá trình hoạt động vì khách sạn phải phụ thuộc vào lịch trình phân phát đồ giặt là của cơ sở cung ứng. Bắt cứ sự thay đổi đột xuất nào về như nhu cầu giặt là cũng khó được giải quyết.
Xuất phát từ những ưu nhược điểm trên phần lớn các khách sạn đều chọn hình thức giặt là tại khách sạn. Do vậy, công tác điều hành khu vực giặt là cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
-Bố trí khu vực giặt là gần khu vực lưu trú, thường ở tầng trệt;
-Thiết kế khu vực giặt là nên có sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia giặt là để đảm bảo tính hiệu quả và sự thuận tiện trong quá trình khai thác sử dụng. Ví dụ: Phải xem xét và cân nhắc kỹ các biến số về tiếng ồn, độ nóng khi vận hành, khả năng cung cấp điện nước, …;
-Quy mô và công suất của các loại máy móc thiết bị cũng cần tính toán kỹ trên cơ sở tính toán khối lượng đồ giặt là hằng ngày của khách sạn, của khách lưu trú tại khách sạn và khách ngoài khách sạn nhằm tránh lãng phí và hư hại trang thiết bị giặt là;
-Xây dựng nội quy, quy định tại khu vực giặt là để quản lý nhân viên trong quá trình thực hiện sao cho hiệu quả;
-Xây dựng tiêu chuân về quy trình giặt là cho từng đối tượng từ khâu tiếp nhận đồ, phân loại đồ, giặt đồ, sấy khô, là và trả đồ hoặc cất giữ bảo quản nhằm đảm bảo thực hiện một cách khoa học, tận dụng tối đa các nguồn lực về con người, máy móc thiết bị, ...;
Đối với việc làm sạch đồ vải Giám đốc bộ phận buồng/Giám sát viên khu vực giặt là phải trực tiếp điều hành theo quy trình như sau:
Thu gom các đồ dùng bằng vải (đã sử dụng)
Phân loại đồ vải đã sử dụng Giặt đồ vải đã sử dụng
Vắt Sấy/phơi khô
Kiểm tra, là và gấp đồ vải sạch Bảo quản và trả đồ vải sạch
Sơ đồ 3.4. Quy trình giặt là đồ vải
a) Thu gom các đồ dùng bằng vải (đã sử dụng)
Giám sát viên khu vực giặt là trên cơ sở nhiệm vụ cụ thể của từng người trong bộ phận giặt là tiến hành phân công công việc cho nhân viên đến nhận đồ vải bẩn đã sử dụng từ các buồng khách hoặc các bộ phận trong khách sạn.
Giám sát viên khu vực giặt là yêu cầu nhân viên giặt là khi tiếp nhận các đồ vài đã sử dụng phải cẩn thận, theo đúng các quy định về thời gian, cách thức giao nhận thông qua việc nhận biết số lượng, chủng loại, đặc điểm riêng của từng loại đồ vải.
Giám sát viên khu vực giặt là trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình nhận và chuyển đồ vải đã sử dụng đến khu vực giặt để đảm bảo vệ sinh và chất lượng của đồ vải, tránh gây thất thoát.
b) Phân loại đồ vải đã sử dụng
Mục đích của việc phân loại đồ vải đã sử dụng là để lựa chọn đúng phương pháp (nhiệt độ, thời gian giặt) thích hợp. Chính vì vậy, Giám sát viên khu vực giặt là trực tiếp kiểm tra nhân viên phân loại đồ vải theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của khách.
Kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh như: số lượng đồ vải thực tế không khớp với số lượng khách đã kê trong hóa đơn giặt là, các yêu cầu của khách về cách thức giặt đồ vải không hợp lý (giặt khô, giặt ướt, ...) chất lượng đồ vải của khách có nhiều vết dầu mỡ khó có thể làm sạch, đồ vải của khách bị rách, ... Cụ thể:
- Đồ vải đã sử dựng có thể được phân loại theo mức độ bẩn (bẩn ít, bẩn vừa, bẩn nhiều). Vì những đồ vải bẩn vừa sẽ tốn ít công hơn và quá trình giặt ngắn hơn những đồ vải bẩn nhiều sẽ giặt tốn công hơn và thời gian sẽ lâu hơn.
- Phân loại theo chất liệu vải: cần chú ý một số loại len, tơ lụa sẽ có cách giặt, chất tẩy và nhiệt độ, phương pháp giặt thích hợp để tránh làm hỏng vải. Ví dụ: đồ len cần được khuấy nhẹ hơn.
- Phân loại theo màu vải sẽ có cách giặt, chất tẩy và nhiệt độ thích hợp (không dùng chất tẩy clourua với vải màu, vải màu mới nên giặt riêng trong các lần đầu để tránh lan sang các thứ vải khác).
- Phân loại theo hình dáng một số đồ đặc biệt: đồ lót nên giặt riêng trong túi nilon.
- Mỗi loại vải có thể gắn phương pháp giặt bằng những ký hiệu vào đồ giặt.
c) Giặt đồ vải đã sử dụng
Nhìn chung, khi giặt đồ vải bằng tay hay bằng máy Giám sát viên khu vực giặt là phải thường xuyên trực tiếp kiểm tra lượng bột giặt, chất tẩy, lượng nước, chế độ
giặt, ... để tránh lãng phí, hư hại đồ của khách đặc biệt đảm bảo an toàn cho nhân viên khi tiếp xúc với hoá chất để giặt đồ bằng tay. Ngoài ra, có thể hướng dẫn nhân viên xử lý các vết bẩn hay sử dụng máy móc trong quá trình giặt đồ để đảm bảo chất lượng các loại đồ.
* Giặt đồ vải đã sử dụng bằng máy
Đồ vải được giặt bằng nước cùng chất tẩy sạch nhờ tác dụng của những cánh khuấy trong máy giặt.
Quy trình giặt đồ vải được thực hiện theo các bước sau:
- Sau khi đồ vải bản được phân loại người giặt sẽ đưa vào máy giặt (cần cân vải trước khi đưa chúng vào máy để đảm bảo máy không bị quá tải).
- Chọn bột giặt thích hợp.
- Pha chất tẩy vải bẩn vào nước để làm giảm lượng chất bẩn cho những bước tiếp theo. Thường thực hiện ở mức độ trung bình và lượng nước lớn (1,5 đến 3 phút).
- Quá trình phá vỡ từ 4 - 10 phút thực hiện bằng cách thêm những chất có độ kiềm cao. Thường thực hiện ở nhiệt độ trung bình và lượng nước ít.
- Quá trình giặt bằng xà phòng từ 5 - 8 phút được thực hiện bằng cách thêm xà phòng vào, đồ giặt được trà sát, trộn bằng nước nóng với xà phòng với lượng nước ít.
- Quá trình xả 2 - 5 phút loại bỏ chất tẩy bẩn và chất kiềm giúp cho chất tẩy bẩn hoạt động có hiệu quả hơn.
- Chất tẩy trắng từ 5 - 8 phút được đưa vào để diệt vi khuẩn làm trắng vải và loại bỏ các chất tẩy bẩn, thực hiện trong điều kiện nước nóng, ít nước.
- Quá trình xả nước từ 1,5 - 3 phút được thực hiện ở nhiệt độ trung bình, lượng nước nhiều nhằm đưa xà phòng và chất bẩn ra khỏi vải.
- Vắt khô từ 1,5 - 2 phút nhằm đưa chất bẩn, xà phòng ra khỏi vải. Quá trình này không được thực hiện sau quá trình giặt xà phòng vì nó có thể đưa chất bẩn trở lại vải.
- Thêm chất làm mềm vải cứng như vải cotton hoặc vải polyeste nếu phải giặt hai loại vải trên. Quá trình này được thực hiện ở điều kiện nước ít, nhiệt độ vừa phải từ 3 - 5 phút.
- Quá trình vắt từ 2 - 12 phút: sự đánh xoáy với tốc độ cao ở quá trình này sẽ đưa hầu hết nước ẩm ra khỏi vải, thời gian phụ thuộc vào loại vải và tốc độ vắt.
* Giặt đồ vải đã sử dụng bằng tay
- Kiểm tra xem trong túi quần áo có còn để sót vật gì không.
- Phân loại các đồ vải cần giặt theo mức độ, màu sắc và chất liệu.
- Ngâm đồ vải trong nước khoảng 5 phút sau đó vắt hết nước.
- Chọn bột giặt thích hợp, tùy theo lượng quần áo và lấy bột giặt hòa tan với nước.
- Cho quần áo vào bột giặt đã pha và giặt từng cái một, chú ý dùng bàn chải chà kỹ các vết bẩn, phần tay áo, cổ áo, gấu quần... nếu cần thiết. Đối với các loại quần áo dày, nhiều vết bẩn thì có thể ngâm trong vòng 15 - 20 phút hoặc sử dụng chất tẩy javel theo đúng cách để tẩy sạch các vết bẩn.
- Sau khi giặt quần áo bằng bột giặt, tiếp theo giặt và xả quần áo bằng nước sạch nhiều lần cho đến khi nước trong là được.
d) Vắt
Vặt với mục đích để lấy hầu hết nước ra khỏi vải, cách làm có thể vắt bằng tay hoặc bằng máy quay ly tâm. Đối với một số loại quần áo chất liệu vải là tơ lụa thì công việc vắt là không cần thiết mà người giặt chỉ cần giũ nhẹ và phơi ngay ngắn trên mắc áo. Do vậy, Giám sát viên khu vực giặt là luôn phải kiểm tra chế độ vắt sao cho phù hợp với từng loại đồ vải, tránh làm hỏng đồ của khách.
e) Sấy/phơi khô
Sấy bằng cách dùng máy quay ly tâm kết hợp cho không khí nóng thổi qua vải.
Trong quá trình sấy đồ vải Giám sát viên khu vực giặt là cần chú ý kiểm tra nhiệt độ cho phù hợp để tránh co do hạ nhiệt nhanh, tránh phá huỷ vải,...
f) Kiểm tra, là và gấp đồ vải sạch
- Tất cả các đồ vải sạch phải được kiểm tra để sửa chữa. Giám sát viên khu vực giặt là cần hướng dẫn cụ thể cho nhân viên may vá sửa chữa các loại quần áo sao cho đúng kỹ thuật, tránh làm hỏng hoặc biến dạng đồ vải của khách. Bên cạnh đó, Giám sát viên khu vực giặt là cần kịp thời đưa ra hướng giải quyết phù hợp với từng loại đồ. Các hình thức sửa chữa thường là:
+ Sửa khóa kéo;
+ May/khâu lại các đường may bị tuột;
+ Sửa chữa gấu quần, viền áo;
+ Đơm lại cúc, khuy;
+ May/khâu lại các vết rách, lỗ thủng.
- Đồ vải sạch được là bằng máy là cán, máy là ép, máy là hơi hoặc bàn là tay.
- Gấp vải sao cho không có nếp nhăn, không làm bẩn vải. Cần kiểm tra chất lượng khi gấp bố trí nơi gấp xa nơi để đồ bẩn. Có thể gấp tay hay bằng máy (hỗ trợ) để gấp phù hợp với cách sử dụng.
- Đối với một số loại quần áo đặc biệt là áo sơ mi, áo Vest thì việc gấp sẽ không đảm bảo mà phải tiến hành treo.
g) Bảo quản và trả đồ vải sạch
- Đối với các đồ vải của khách sạn sau khi giặt xong cần bảo quản và cất trữ theo đúng cách:
+ Không để lẫn đồ vải mới và đồ vải có vết mốc, không đề lẫn đồ vải ẩm với đồ vải khô. Đối với đồ vải mới chưa sử dụng đến thì phải giặt và phơi khô, tránh côn trùng gặm nhấm.
+ Có biện pháp phòng chống côn trùng (gián nhấm chất bột hồ ở vải, mọt gặm nhấm len và nấm khuẩn).
+ Có biện pháp đảm bảo sự an toàn và tránh tiếp xúc có hại như không ăn uống, không hút thuốc, không ngồi lên đồ vải, không để vải bẩn, không để đồ vải sát tường hay trên giá gỉ sét.
- Đối với các đồ vải của khách sau khi giặt xong phải được gấp gọn gàng hoặc treo ngay ngắn trên mắc hoặc cất giữ trong tủ quần áo.
Căn cứ trên các thông tin, yêu cầu của khách về cách gấp, treo quần áo, thời gian trả đồ, Giám sát viên khu vực giặt là chỉ đạo nhân viên trả đồ cho khách sao cho đúng buồng, đúng khách và nghiêm túc thực hiện các thủ tục về thanh toán cho khách theo quy định của khách sạn.
Tóm lại, muốn điều hành hoạt động khu vực giặt là hiệu quả Giám đốc bộ phận buồng/Giám sát viên khu vực giặt là cần phải điều hành tốt từ khâu phân công công việc, thực hiện công việc và kết thúc bàn giao ca sao cho hiệu quả.