CHƯƠNG 1: QUAN NIỆM VỀ THƠ VÀ TƯ DUY THƠ CHẾ LAN VIÊN
1.2. Tư duy thơ của Chế Lan Viên
1.2.5. Tranh luận, đối thoại
Một trong những điều dễ nhận ra khi tìm hiểu tư duy thơ Chế Lan Viên đó là tranh luận, đối thoại. Kiểu tư duy đó xuyên suốt trong tiến trình thơ Chế Lan Viên. Ông tranh luận, đối thoại một cách nhạy bén, thông minh và lí lẽ rất sắc sảo, hùng hồn. Nguyễn Đăng Mạnh nhận thấy, Chế Lan Viên “thường không mấy khi để cho đầu óc của mình được nghỉ ngơi. Lúc nào cũng nghĩ và nghĩ. Trong trí tưởng tuợng luôn luôn có những đối thủ để tranh luận, đối thoại”[131, tr.21]. Còn Bùi Mạnh Nhị cho rằng: “Chế Lan Viên bàng hoàng, thảng thốt, dằn vặt đối thoại với Hư vô, với Thiền, (...) với Prômêtê, Đông Kisốt, với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, với thời đại và dân tộc [149, tr.80]. Có thể nói, ông tranh luận, đối thoại với nhiều đối tượng, trước nhiều vấn đề của đời sống, mà nhất là tranh luận, đối thoại với cả chính mình.
Trước cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên đối thoại với quá khứ Điêu tàn, với chính mình, với Cõi ta, “Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư vô?”, “Ai bảo dùm: Ta có có Ta không?”, đối thoại với “Cõi Chết xa xôi”, với “hồn tôi say mộng ảo”, với một thế giới đầy những hồn ma bóng quỷ, với Những nấm mồ, Xương khô, và sọ người:
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi trông mong ao ước những điều chi?
( Cái sọ người)
Từ sau cách mạng tháng Tám, đi vào đời sống của nhân dân, Chế Lan Viên hiểu thêm mình và hiểu thêm cuộc đời. Trên cơ sở đó, lối tư duy tranh luận, đối thoại của Chế Lan Viên càng rộng mở và sâu sắc hơn. Trước đây, ông trăn trở về cái Ta, “Ta là ai”, thì giờ đây, ông “hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy / chửa vì người bằng một bữa cơm ăn” và xác định rõ “Ta vì ai?”. Có thể nói, từ tập thơ Ánh sáng và phù sa trở về sau, nhất là Di cảo thơ, người đọc dễ dàng nhận thấy có nhiều bài thơ, đoạn thơ bộc lộ rõ tư duy tranh luận, đối thoại với mình, với đời của Chế Lan Viên.
Trước hết, Chế Lan Viên đối thoại với cuộc đời rực rỡ phù sa có những đổi thay nhiều ý nghĩa. Sự đối thoại đó đã giúp ông vượt khỏi nỗi đau riêng để đến với niềm vui chung, để ông hiểu hơn về Tổ quốc, thấm thía hơn nghĩa tình của nhân dân, công ơn của Đảng và Bác.
59
Điều này được thể hiện nổi bật qua các bài thơ như : Tiếng hát con tàu, Chim lượn trăm vòng, Kết nạp Đảng trên quê mẹ, Người đi tìm hình của nước... Trong kháng chiến chống Mĩ, những vần thơ của Chế Lan Viên không chỉ là “tiếng sáo thổi lòng thời đại, thành giao liên dắt dẫn qua đường”, mà còn là vũ khí sắc bén khi đối thoại với kẻ thù bán nước và cướp nước để từ đó chỉ rõ sự cao đẹp về tâm hồn, tính cách của dân tộc và cái bạo tàn, xảo quyệt của kẻ thù. Giọng đối thoại trong các bài thơ: Sao chiến thắng, Những bài thơ đánh giặc, Thời sự hè 72, bình luận, Tùy bút một mùa xuân đánh giặc, Thơ bổ sung..., thật dõng dạc, hùng hồn và đanh thép. Chính điều đó đã góp phần làm nổi bật hơn hào khí của dân tộc ta trong những ngày đánh Mĩ. Chế Lan Viên còn đối thoại với quá khứ, đối thoại với tương lai để nhận rõ hơn sự cao đẹp của cuộc sông hiện tại. Ông quan niệm đó là cuộc sống với
“những ngày đẹp hơn tất cả”, Ngày vĩ đại, khi “mỗi tấc núi sông thành thơ và hóa sử”, để càng gắn bó và tự hào hơn về Tổ quốc. Sự đối thoại đó được thể hiện nổi bật ở các bài thơ:
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?, Cành phong lan bể, Đường sáng tuyệt vời...
Bên cạnh đó, trong tâm tưởng Chế Lan Viên xuất hiện các cuộc đối thoại giữa ông với nhà thơ Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử ... Từ các cuộc đối thoại đó, người đọc thấy toát lên không chỉ là những vấn đề thuộc lĩnh vực thơ ca, mà còn là sự suy ngẫm về thế sự, về thân phận con người với bao nỗi buồn vui giữa cuộc đời.
Nổi bật lên trong tư duy đối thoại của Chế Lan Viên đó là sự đối thoại với chính mình.
Điều này được biểu hiện rất rõ nét ở nhiều bài thơ, mà tiêu biểu là các bài thơ: Hai câu hỏi, Ngoảnh lại mười lăm năm, Nhật kí một người chữa bệnh, Người thay đổi đời tôi- Người thay đổi thơ tôi, Đừng quên, Ví với dòng sông, Hỏi?Đáp, Ai? Tôi!, Cứu mình, Tôi viết cho người, Đừng ngăn cản, Giọt buồn ...
Qua những cuộc đối thoại với chính mình, Chế Lan Viên bộc lộ những dằn vặt, trăn trở, lo lắng, cũng như những suy ngẫm đầy tâm huyết về sự tồn tại, về ý nghĩa của đời người trong cuộc sống. Những điều Chế Lan Viên đối thoại với mình dù diễn ra trong những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, có khi trái ngược nhau..., nhưng điều phải nhận thấy, toát lên từ các cuộc đối thoại đó chính là thái độ nghiêm túc, là ý thức trách nhiệm, biết sống hết mình vì Tổ quốc và dân tộc của ông. Mặt khác, qua những điều tự đối thoại với mình, Chế Lan Viên luôn tự dặn lòng “mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình”, hãy giữ lấy cái tâm trong sáng, hãy sống chân thành để đừng bao giờ “đánh mất mình”, Đừng buồn!, Đừng tuyệt vọng giữa
60
cuộc đời. Có thể xem đây cũng là kiểu “tu tâm”, tự răn mình và sự tự vượt mình của Chế Lan Viên khi cuộc sống vẫn còn những “buồn tủi chua cay”, những điều nghịch lí.
Nhìn chung trong quá trình cảm nhận cuộc sống, Chế Lan Viên luôn nhận thấy đối tượng mà ông cần phải tranh luận, đối thoại. Chính đặc điểm tư duy thơ đó đã góp phần tạo cho thơ Chế Lan Viên luôn có được không khí náo động khi giãi bày nỗi niềm, tâm trạng, cũng như khi thể hiện các vấn đề trong đời sống. Mặt khác, qua những cuộc tranh luận, đối thoại trên, người đọc có điều kiện hiểu thêm sự chân thành, dũng cảm của Chế Lan Viên trong cách nhìn cuộc sống và cách soi xét bản thân mình.
Những đặc điểm nôi bật của tư duy thơ Chế Lan Viên mà chúng tôi trình bày trên chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công và hạn chế ở thơ ông. Trong thực tiễn sáng tác, những đặc điểm đó thường kết hợp chặt chẽ với nhau để đem lại bản sắc, sức sống, sức hấp dẫn và sức tác động mãnh liệt, lâu bền của thơ Chế Lan Viên đối với người đọc.
Tóm lại, tìm hiểu quan niệm về thơ và tư duy thơ Chế Lan Viên, chúng tôi nhận thức thấu đáo hơn về những cơ sở quan trọng cho sự thành công của ông trong quá trình sáng tạo thi ca. Mặt khác, cũng từ cơ sở đó, chúng tôi có được điều kiện thuận lợi trong việc khám phá, lí giải và khẳng định đặc trưng nghệ thuật của thơ Chế Lan Viên.
61