CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT VỀ NGÔN NGỮ THƠ VÀ THỂ THƠ
3.2. Những đặc điểm nổi bật về thể thơ
3.2.4. Thơ văn xuôi với những tìm tòi góp phần hiện đại hóa thơ Việt Nam
Xuất hiện từ trước cách mạng tháng Tám và phải trải qua một thời gian “thử thách”
khá dài, đến nay, thơ văn xuôi đã có được một chỗ đứng bên cạnh các thể thơ khác trong thơ Việt Nam hiện đại. Người đọc dần dần đến với thể thơ văn xuôi và cảm nhận được những điều bất ngờ, thú vị mà thể thơ này mang lại. Cùng với nhiều nhà thơ khác như Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu, Phan Khôi, Huy Thông, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật... , Chế Lan Viên đã góp phần không nhỏ trong việc tìm tòi, khai phá, mở mang thể thơ văn xuôi để ngày càng đem lại cho nó một vẻ đẹp riêng. Có thể xem bài Chào mừng được Chế Lan Viên viết ở thời kì kháng chiến chống Pháp là sự thể nghiệm đầu tiên của ông về thơ văn xuôi. Nhưng phải đến tập thơ Ánh sáng và phù sa với các bài thơ Cành phong lan bể, Tàu đến, Tàu đi, Chế Lan Viên mới gặt hái được những thành công đặc sắc ở thể thơ này. Tìm hiểu thơ văn xuôi của Chế Lan Viên, bước đầu chúng tôi nhận thấy có những đặc điểm nghệ thuật nổi bật sau :
3.2.4.1. Mở rộng dung lượng phản ánh
Trước hiện thực đời sống cách mạng sôi động và hào hùng của dân tộc, Chế Lan Viên sử dụng thể thơ văn xuôi nhằm tăng sức chứa, sức phản ảnh về sự phong phú của hiện thực đời sống đó. Với thể thơ văn xuôi, ông có thể bộc lộ được một cách thoải mái và sâu sắc hơn những ý tưởng tình cảm của mình mà không bị gò bó bởi khuôn khổ câu chữ. Qua các bài thơ văn xuôi của Chế Lan Viên, chúng tôi nhận thấy, nhà thơ phóng túng thể hiện nhiều vấn đề của đời sống, mạch thơ được mở rộng theo dòng chính luận và suy tưởng. Trước
153
dòng chảy mãnh liệt của cảm xúc, Chế Lan Viên muốn diễn tả thấu đáo, muốn bày tỏ trọn vẹn những ý tình của mình trước cuộc sống. Cũng vì thế, sự thâm nhập của chất văn xuôi vào thơ theo đó được gia tăng mà câu thơ vẫn nằm bên phía ranh giới của thơ. Thực tế, không ít những câu thơ, bài thơ văn xuôi Chế Lan Viên có sức lắng đọng sâu xa, gợi lên trong tâm hồn người đọc niềm tin yêu trước những đổi thay nhiều ý nghĩa của cuộc đời mới:
Sơn xong bộ lông xanh, đỏ, trắng, hồng, biêng biếc ... còn phải đi bao nhiêu trời, bao nhiêu bể
Hấp lại hơi đất hơi than, hơi người cho bao thủy thủ Hái thêm bao nhiêu hoa sim núi cho các buồng tàu Mơ thêm một giấc mơ trước hải cảng sao vàng cờ đỏ Nhớ thêm một đôi mắt đen xứ này cũng đảo lộn lòng người
như sóng tóc hung nâu.
( Tàu đi)
Có thể nói, sử dụng thể thơ văn xuôi, Chế Lan Viên rút ngắn khoảng cách ranh giới giữa thơ và văn xuôi, làm cho nó xích lại gần nhau hơn, mở rộng thêm dung lượng phản ảnh mà các thể thơ khác không cho phép.
3.2.4.2. Khuynh hướng giấu nhạc tính
Đây là đặc điểm khá nổi bật ở thơ văn xuôi Chế Lan Viên. Ông không phụ thuộc vào việc câu thơ có vần hay không vần, mà quan tâm đến chất thơ nội tại, ý tưởng để tạo nên sức bay bỗng riêng cho câu thơ. Cảm xúc thơ càng dào dạt, ý thơ càng phong phú thì sức ngân vang của câu thơ càng thêm thiết tha, mạnh mẽ. Mặt khác, ông luôn có được sự chủ động trong việc điều tiết nhịp điệu, tiết tấu một cách hợp lí và tinh tế lắng nghe chất nhạc từ trong câu thơ. Cũng chính vì thế, trong thơ văn xuôi Chế Lan Viên, người đọc cảm nhận được rõ hơn những giai điệu sinh động, tươi tắn, ấm nồng và rất phong phú của hiện thực cuộc sống. Điều đó được biểu hiện rõ ở đoạn thơ sau:
Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để
154
tâm hồn nằm đọng lại Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể
và thôi không trở lại làm trời Nếu núi là con trai, thì phần yểu điệu nhất của quê hương đã
biến thành con gái Mỗi đêm hè da thịt sóng sinh sôi.
( Cành phong lan bể)
Nhạc tính trong đoạn thơ trên không lệ thuộc vào bề mặt vần điệu mà ẩn giấu ở những ý tưởng và trong dòng cảm xúc dào dạt của nhà thơ. Nó ngân vang trong tâm hồn người đọc với một giai điệu thật đằm thắm, thiết tha.
3.2.4.3. Cách phân dòng theo hệ thống lôgic nghệ thuật nên có được sự cộng hưởng cao về cảm xúc và trí tuệ.
Thơ văn xuôi Chế Lan Viên hầu hết được sáng tác theo dạng phân dòng. Qua khảo sát các bài thơ văn xuôi tiêu biểu ở dạng này của Chế Lan Viên như : Cành phong lan bể, Tàu đi, Thơ bổ sung, Nghĩ suy 68, Tuyên bố của mỗi lòng người, khẩu súng nhành hoa ..., chúng tôi nhận thấy, các bài thơ trên có độ dài từ 80 câu trở lên và mỗi bài thường có ít nhất là 3 đoạn. Nếu so với thơ văn xuôi của các nhà thơ khác thì bài thơ văn xuôi của Chế Lan Viên quả là dài. Thế nhưng, điều cần nhận thấy, cách phân dòng theo hệ thống lôgic nghệ thuật đã tạo nên sự kết dính chặt chẽ trong cấu trúc, hài hòa về tiết tấu và các câu thơ, đoạn thơ vẫn không vượt khỏi ranh giới của thơ. Có những câu thơ có số lượng trên 20 chữ mà vẫn giữ được sự nhịp nhàng, cân đối, cũng như đặc trưng cơ bản của thơ. Cũng vì thế, hiệu quả nghệ thuật câu thơ không bị giảm sút. Mặt khác, Chế Lan Viên còn sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như : so sánh, trùng điệp, tương phản, hay đồng tâm,... Đồng thời, ông còn sử dụng phối hợp kiểu tư duy hình tượng với tư duy diễn dịch và tư duy quy nạp để làm nổi bật vẻ đẹp của tứ thơ. Đoạn thơ sau biểu hiện cho sự thành công của Chế Lan Viên trong cách phân dòng :
Cái chiến thắng làm ra bởi ba mươi mốt triệu dân ta không sót
155
trái tim nào Thường đổ máu cho ta là những người không biết, không quen
thậm chí có khi gặp nhau ta không chào họ nữa.
Ôi, tôi biết ơn những người cùng một thời đánh Mĩ với tôi hơn người tất cả mọi thời trong lịch sử
Hơn cô Kiều đã qua chuyện cũ, hơn vệ tinh chưa đến, chuyện về sau.
(Nghĩ suy 68)
Có thể nói, trước hiện thực phong phú của đời sống, với thể thơ văn xuôi, Chế Lan Viên phóng bút ghi nhiều, ghi nhanh những gì đang xảy ra để diễn tả, bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của mình về hiện thực đời sống đó. Những thành công ở thơ văn xuôi Chế Lan Viên cũng được xuất phát từ tầm cao trí tuệ tuyệt vời, sự dạt dào về cảm xúc và bản lĩnh nghệ thuật tài hoa của ông.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nói trên, trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm ở thể thơ văn xuôi, Chế Lan Viên vẫn còn có sự sơ suất vì vội vàng trong việc lựa chọn từ ngữ nên dẫn đến việc lặp ý, lặp từ ... Điều này biểu hiện rõ ở các bài Ngày vĩ đại, Thơ bổ sung, Phác thảo cho một trận đánh, một bài thơ diệt Mĩ...
Tìm hiểu thơ Chế Lan Viên, ngoài những thể thơ nói trên, chúng tôi còn nhận thấy, vào những năm cuối đời Chế Lan Viên còn thể nghiệm kiểu xuống dòng theo lối thơ bậc thang của Maiakốpxki. Điều này biểu hiện rõ ở một số bài thơ trong Di cảo thơ, tiêu biểu là đoạn thơ sau trong bài Lò thiêu:
Ta đạp lên siêu hình
và bớt nghĩ về Ta.
Thế là yên chuyện.
Anh viết cho đời và anh yêu em
156 Trong khi chờ nhát cuốc - à, không,
chờ ngọn lửa của lò
để đến vùng quên.
Vào những năm cuối đời thơ Chế Lan Viên còn có sự gặp gỡ với thơ Haiku (một thể thơ ở Nhật Bản). Cái nhỏ bé và lớn lao, cái giản dị và diệu kì, cái mất còn ở âm hưởng thiền tông Haiku được Chế Lan Viên khai thác, tiếp nhận. Đến với bài thơ Từ thế chi ca chúng ta sẽ cảm nhận được âm hưởng đó :
Anh không ở lại yêu hoa mãi được
Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó.
Anh thành một nhúm xương gio trong bình Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc.
Những thể nghiệm trên trong thơ Chế Lan Viên chưa nhiều, nhưng cho thấy những cố gắng tìm tòi không biết mệt mỏi và khả năng kế thừa tinh hoa thơ ca nhân loại của nhà thơ trong suốt quá trình sáng tạo.
Tóm lại, từ phương diện thể thơ, chúng tôi nhận thấy, Chế Lan Viên đã tìm đến nhiều thể thơ khác nhau và ở thể thơ nào ông cũng đạt được sự thành công. Đặc biệt, với bản lĩnh nghệ thuật và sự say sưa tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tạo, Chế Lan Viên đã tạo được những đặc điểm nghệ thuật riêng ở những thể thơ mà ông sử dụng. Chính điều đó đã góp phần làm nên vẻ đẹp độc đáo và sức sống lâu bền cho thơ ông, đồng thời, những tìm tòi, sáng tạo của ông cũng góp phần hiện đại hóa thơ Việt Nam.
157