CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT VỀ NGÔN NGỮ THƠ VÀ THỂ THƠ
3.1. Những đặc điểm nối bật về ngôn ngữ thơ
3.1.1. Nhặt những chữ của đời mà góp nên trang
Trong những bài nghiên cứu, phê bình và ở một số bài thơ của mình, Chế Lan Viên không ít lần khẳng định ý nghĩa của ngôn ngữ thơ. Ông cho rằng “rẽ vần điệu ngôn từ , sự sống nấp đằng sau đó”, nên cần phải “căng thẳng dây tâm hồn anh lên” để vượt qua “vực ngôn từ” và “căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn qua vực tâm hồn sâu thẳm”... Tất cả những điều đó đòi hỏi nhà thơ không thể “chùng dây” và biết “thận trọng” cân nhắc, lựa chọn từ ngữ một cách kĩ càng. Ông viết:
Bao giờ thuộc hết tiếng của đời ta xin hát lại
103 Khúc hát hay đâu có lắm lời?
( S ổ tay thơ)
Cuộc sống ngày một phát triển và các lớp từ ngữ được người đời sử dụng để biểu hiện nó ngày càng thêm đa dạng hơn. Nhà ngôn ngữ học Nga L.G Barlax đã cho rằng: “Bí mật của lối hành văn là ở chỗ biết bày tỏ những ý nghĩ một cách rõ ràng, rành mạch đến nỗi mà những ý nghĩ đó dường như là được vẽ ra, tạc ra từ đá cẩm thạch”[239, tr. 121]. Hơn ai hết, Chế Lan Viên nắm bắt được quy luật của ngôn ngữ để thông qua đó gửi gắm được những ý tưởng và tình cảm của mình. Từ cách nhìn thấu suốt và sự hiểu biết nhiều phương diện của đời sống, Chế Lan Viên đã tích lũy được một kho từ vựng phong phú cho riêng mình.
Ngay ở tập thơ Điêu tàn, không ai có thể ngờ được, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi mà Chế Lan Viên lại có cách sử dụng từ với nhiều sắc thái khác nhau để thể hiện sinh động thế giới “kinh dị” của “vạn cô hồn” trong cõi hư vô. Số lượng từ ngữ chỉ nỗi đau thương tràn ngập trong từng bài thơ và cả tập thơ. Có những từ ngữ được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong suốt tập thơ tạo nên một sự ám ảnh mãi không thôi với người đọc về cảnh hồn ma, bóng quỷ, tiếng “xương người rên rỉ khô”, dòng “máu Chàm cuộn tháng ngày niềm uất hận”
và cõi hư vô ... Chẳng hạn, cảnh đêm tối được Chế Lan Viên thể hiện : “đêm mờ rùng rợn”,
“đêm u tối”, “đêm sâu”, “đêm mờ”, “đêm lan”, “đêm tàn”, “đêm đà vụt biến”, “đêm mơ”,
“đêm u ám”, “đêm kinh khủng”..v.v... Nhằm tạo cho người đọc cảm nhận được cảnh chết chóc, đau thương của Chiêm Quốc khi bị hủy diệt, Chế Lan Viên sử dụng từ “xương” rất nhiều lần với những sắc thái khác nhau như : “xương khô”, “xương mỏng mảnh”, “xương tàn”, “xương rên”, “xương máu”, “xương trắng”, “xương vỡ rạn”, hay là : “khớp xương”,
“làn xương”, “nền xương”, “đống xương” “khối xương”, “tiếng xương”..v.v... Ngay cả những từ chỉ nỗi buồn, nỗi sầu cũng được nhà thơ sử dụng rất chính xác để thể hiện những cung bậc khác nhau trong tâm trạng mình như: “buồn lo”, “buồn thương”, “buồn man mác”,
“buồn ủ rũ”, “u buồn”, “sầu khổ”, “sầu bi”, “sầu vô hạn”, “sầu muộn”, “sầu rơi”, “sầu tư”,
“sầu não”, “u sầu”..v.v... Bên cạnh đó, cái thế giới xa xăm, hư vô trong cảnh Điêu tàn mà Chế Lan Viên thường nói tới cũng được thể hiện qua những cách diễn đạt khác nhau như :
“tinh cầu giá lạnh”, “trời xa”, “chân trời vòi vọi”, “xứ trăng mây”, “chốn hư không”, “thế giới vạn cô hồn”, “âm giới”, “cõi trời mơ”, “cõi hư vô”, “cõi âm”, “cõi thế”, “cõi chết”..v.v...
104
Qua khảo sát các từ ngữ được Chế Lan Viên sử dụng trong Điêu tàn, chúng tôi còn nhận thấy ít có những từ ngữ mới. Nhà thơ thiên về sử dụng vốn từ ngữ sẵn có trong thơ ca dân gian, thơ ca cổ điển. Thế nhưng, điều đáng chú ý ở đây chính là cách sử dụng, cách kết hợp từ đa dạng của nhà thơ để tạo nên một “ma lực” cho từ ngữ khiến người đọc phải ngạc nhiên, khâm phục. Khi nghiên cứu về Thơ Mới, chúng tôi thống nhất với nhận định: “Thơ Mới đã góp phần căn bản cải tạo thơ tiếng Việt từ thơ trữ tình của vũ trụ sang thơ của con người, chuyển tâm thế sáng tạo từ ý, hình sang lời, giọng, điệu”[171, tr.237]. Là một tác phẩm nảy sinh trong phong trào Thơ Mới, lẽ đương nhiên tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên không nằm ngoài những thay đổi theo xu thế đó. Qua khảo sát tập thơ Điêu tàn, chúng tôi nhận thấy nhà thơ thường sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Hầu hết các bài thơ trong Điêu tàn đều có sự xuất hiện của đại từ nhân xưng “ta”, “tôi”(trừ các bài: Tiếng trống, Sông Linh, Đêm xuân sầu). Đặc biệt, có những bài được sử dụng nhiều nhất như : Ngủ trong sao (13 lần), Những sợi tơ lòng (8 lần), Tắm trâng (10 lần), Xương khô (10 lần), Xương vỡ máu trào (9 lần), Cõi ta (9 lần). Sự xuất hiện nhiều và đều đặn của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong Điêu tàn mang ý nghĩa khẳng định cái hay ở tập thơ không chỉ là ý, hình mà còn ở giọng điệu, khi bộc lộ trực tiếp cái tôi đang mang nặng nỗi đau đời. Những từ ngữ trong thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tuy không mới mẻ nhưng với cách sử dụng giàu sức biến hóa của nhà thơ đã thực sự góp phần đem lại hiệu quả nghệ thuật cao cho bài thơ.
Sau cách mạng tháng Tám, tâm hồn thơ Chế Lan Viên trải qua những trăn trở , vật vã trong quá trình nhận đường để rồi đến được với “lúa vàng, đất mật” và cuộc sống cách mạng của dân tộc. Trước biến động lớn lao, kì diệu của thời đại mới, những câu chữ trong thơ Chế Lan Viên không thể không đổi thay để đáp ứng kịp thời nhu cầu thẩm mĩ mới của thời đại. Trần Đình Sử đã khẳng định: “Sự vận động và phát triển của thơ suy cho cùng bao giờ cũng là sự vận động phát triển của quan hệ thơ và đời sống, của quan niệm về thơ, tư duy thơ. Sự đổi mới quan niệm về thơ gắn liền với đổi mới các phương thức, phương tiện thể hiện thơ [171, tr.233]. Vốn ngôn ngữ đời sống của Chế Lan Viên ngày một trở nên giàu có hơn sau những chuyến đi thực tế vào đời sống cách mạng của dân tộc. Ông thu nhận được vốn ngôn ngữ phong phú từ lời ăn tiếng nói của quần chúng, đồng thời biết vận dụng phù hợp trong sáng tác để tạo nên khả năng thể hiện đời sống dân tộc và tâm trạng của mình trước hiện thực đó. Chế Lan Viên sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật với sự định hướng mới.
Cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác, Chế Lan Viên cố gắng tìm tòi vẻ đẹp chân chất, mộc mạc
105
trong lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhà thơ tự nhận thấy sự cần thiết không thể thiếu hơi thở mới của thời đại trong thơ, vì thế từ ngữ mới xuất hiện ngày càng nhiều trong thơ ông.
Cuộc đời mới với bao niềm vui trước những đổi thay mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chế Lan Viên góp nhặt được nhiều hơn những chữ của đời để góp nên trang. Hơn bao giờ hết, Chế Lan Viên ý thức đầy đủ ý nghĩa của thơ với cuộc sống của nhân dân. Ông Đi thực tế, Đi ra ngoại ô, Đi trong hương chùa Hương, Qua Hạ Long ..., ở đâu nhà thơ cũng gom góp thêm cho mình vốn sống, vốn ngôn ngữ . Nhà thơ học được cách nói, cách nghĩ của nhân dân trước những sự vật và hiện tượng trong cuộc sống. Chính sự thông minh và tài hoa của Chế Lan Viên đã giúp ông nhạy bén trong việc tiếp thu các tri thức ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và sử đụng thành công các từ ngữ thể hiện các phương diện đó trong sáng tạo nghệ thuật. Cái không khí hào hùng sôi động và ngọt ngào, hạnh phúc của cuộc đời mới được nhà thơ thể hiện thông qua vốn từ ngữ mới thu nhận được như : “tiếng máy đợi vành trăng”, “mái ngói đỏ trăm ga”, “hải cảng lắm tàu”, “ống khói dài”, “nhịp búa trăm cân”,
“kiến thiết”, “những guồng than”, “con tàu thơ vũ trụ”, “công trường”, “lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác”... Trong quá trình sáng tạo nhà thơ không chấp nhận sự lặp lại ngôn từ xưa cũ nhưng cũng không đoạn tuyệt với nó mà luôn đổi mới cách sử dụng, luôn tìm tòi, sáng tạo nên ngôn từ mới. Đến với thơ Chế Lan Viên người đọc rất dễ bắt gặp sự mới mẻ ở cách diễn tả, cách kết hợp từ như : “cây cay đắng”, “nhành cây nước mắt”, “mảnh tin nhà”, “cành xuân”, “sắc Đạm Tiên”, “màu xứ sở”, “màu nguyên tử”, “màu dã thú”, “màu thống đốc”, “pháo sáng ngoại tình”, “nhành lan nhan sắc”, “miếng tình”, “nhánh chiêm bao”, “viền ngọc chói bình minh”, “hương tư tưởng”, “khách thể hoa”, “bản ngã mật”..v.v...
Cũng là màu trời xanh quen thuộc trong thơ ca xưa nay nhưng qua cách thể hiện của Chế Lan Viên nó lại mang nhiều sắc thái mới : “trời xanh ra với”, “trời xanh theo ta”, “trời xanh quyến luyến”, “trời xanh nắng lộng”, “trời xanh ghé đến”, “trời xanh ta đi”, “trời xanh ta nghỉ”, “trời xanh em ơi”, “trời xanh khát vọng”... Càng đến với cuộc sống, Chế Lan Viên càng trở nên giàu có vốn sống hơn, khả năng nhặt những chữ của đời để góp nên trang của ông càng trở nên nhuần nhuyễn hơn. Mặt khác, cũng từ đó cuộc sống đi vào thơ ông thêm phần sinh động và gợi cảm hơn.
Thời kì kháng chiến chống Mĩ, ngôn ngữ của đời sống chiến tranh được Chế Lan Viên tiếp nhận và đi vào thơ ông ngày một nhiều hơn. Nhiều từ ngữ được Chế Lan Viên sử dụng nhằm thể hiện nổi bật hào khí của dân tộc vào những năm tháng đó như : “thế cuộn sông
106
Hồng”, “hoa chiến đấu”, “dập tắt muôn trùng lửa đạn”, “trong lửa đạn xông pha” “bằng mọi giá”, “vũ khí tiến công”, “súng chắc trong tay”, “thần chiến thắng”, “cả đất nước cường tráng lên”, “đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng”, “quật ngã bọn xâm lăng”, “đuổi xe tăng”, “hạ trực thăng rơi”, “hạ kẻ thù”..v.v... Nhiều từ ngữ của cuộc sống chiến tranh đi vào thơ Chế Lan Viên một cách mộc mạc không cần thêm nhiều sự điểm tô, hay trau chuốt mà vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm mà nhà thơ gửi gắm trong đó , tiêu biểu là các từ ngữ :
“tiền tuyến”, “hỏa tuyến”, “trận tuyến”, “chiến trường”, “chiến hào”, “sơ tán”, “thống nhất”,
“hòa bình”, “giải phóng miền Nam”, “Tự do”, “Độc lập”... Chế Lan Viên cũng đã học được ở nhân dân cách nói giản dị mà chất chứa lòng căm uất đối với kẻ thù xâm lược như : “cho quạ ăn ngoài đồng”, “bọn cướp nước mặt ngựa đầu trâu”, “phải bò như con rắn”, “lặng lờ như nước cống”, “bắt giặc trời” ...
Những năm cuối đời, khi hoàn cảnh sống gặp không ít khó khăn, nhưng nhà thơ vẫn không ngừng góp nhặt một cách cần mẫn từ ngữ trong đời sống thường ngày để lựa chọn và sáng tạo. Một nhà phê bình đã viết về Chế Lan Viên : “Trong sổ tay mà anh ghi chép những điều anh thích và hay đọc lại, tôi thấy có khi anh lẩm nhẩm học thuộc lòng những câu thơ vô danh như một học sinh học bài thi... Chế Lan Viên là thế đấy, một cây đại thụ lắng nghe cả tiếng bước chân của một con ốc nhỏ trên lá của mình. Anh là thế đấy, một khu vườn khoáng đạt và lộng gió ...”[28,tr.350]. Khi ý thức được dòng chảy thời gian trong đời sống của mình đã cạn dần, cũng chính là khi Chế Lan Viên trăn trở và suy ngẫm nhiều về bản thân để khẳng định chiều sâu thẳm trong tâm hồn mình, “tự tìm mình”. Nhiều bài thơ trong Di cảo là sự giãi bày, tự vấn chân tình của Chế Lan Viên. Tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn cuối đời nhưng đó là sự tiếp tục của một nhà thơ luôn biết vượt mình, luôn ý thức được vai trò quan trọng của nghệ thuật đối với cuộc sống và đó là quy luật muôn đời mà cuộc đời của Chế Lan Viên cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính vì lẽ đó, đã bao nhiêu năm anh hát “giọng cao”, giờ đây “anh hát giọng trầm”. Đây không phải là sự đổi giọng đến bất ngờ như cảm nghĩ của một số người khi đến với Di cảo thơ. Sự tự nhận thức, nghiền ngẫm về bản thân đã giúp cho nhà thơ không rơi vào sự “ảo tưởng”, ông quan niệm mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình và ông sống với sức mạnh của tấm lòng nhân hậu, sự yêu đời, vì thế, tâm hồn nhà thơ càng trở nên thanh cao hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo cho ngôn ngữ thơ trong Di cảo của Chế Lan Viên có hai hướng rõ rệt : một là, đằm thắm, thiết tha khi thể hiện tình cảm đối với những người thân yêu và khát vọng sống hết mình cho
107
cuộc sống ; hai là, trần trụi, xót xa khi thể hiện những nghịch lí trong cuộc sống hiện tại. Bởi thế, bên cạnh các từ ngữ quen thuộc trong thơ Chế Lan Viên như : “hóa suối”, “vang rân”,
“rì rầm”, “chao ôi nhớ”, “một trời không mẹ”, “một đời cách xa”, “trời đẹp quá”, “hãy để dòng Thương thương hộ”, “nhớ một tiếng ve”, “cháy đỏ hoa yêu”, “cuộc đời rất tuyệt”,
“mùa hoa xoan xứ Huế”, “mùa hoa trong vườn mẹ”..., là sự xuất hiện của một lớp từ ngữ có sắc thái mới mà trước đó chưa hề xuất hiện như : “bỏ mẹ”, “cóc cần”, “cóc khô”, “toi công”,
“mẹ kiếp”, “thổ tả”, “dôi bọ”, “ai thèm ngó”, “khói thịt người”, “người điếc lác”,... Mặt khác, ở những bài thơ viết vào khoảng thời gian 1987, 1988 trong Di cảo thơ có sự xuất hiện của một hệ thống từ ngữ góp phần biểu hiện tâm thế của Chế Lan Viên trước cái chết như : “cõi không màu”, “xứ không màu”, “mé hư không”, “vùng quên”, “người mai sau”,
“nấm mồ”, “lò thiêu”, “miền quá vãng”, “sông Mê”, “bến Lú”, “thu dọn đời mình”,... Nhà thơ nghĩ nhiều về cái chết không phải là sự trốn chạy mà để “đừng tuyệt vọng”, và sống những ngày còn lại có ích cho mai sau. Đó cũng chính là một biểu hiện cho lẽ sống cao quý của nhà thơ khi sắp phải từ giã cõi đời:
Sau anh còn mênh mông nhân loại Đừng nghĩ mình là người đi cuối
Phải để lại dấu chân, nhành cây, viên sỏi ...
Cho người theo sau không cô đơn ( Sau anh )
Có thể nói, trên từng chặng đường sáng tác, Chế Lan Viên đã sống hết mình cho đời và cho thơ. Ông luôn tìm kiếm, gom góp những chữ của đời để mong đem lại cho người đọc nhiều vần thơ mới mẻ, đặc sắc.