CHƯƠNG 2: NHỮNG SÁNG TẠO ĐẶC SẮC VỀ HÌNH ẢNH TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN
2.3. Vài nhận xét chung về hình ảnh thơ của Chế Lan Viên
2.3.2. Hình ảnh thơ giàu chất trí tuệ
Thơ hiện đại không chỉ đòi hỏi sự thiết tha, đằm thắm của tình cảm, mà còn đòi hỏi có chất trí tuệ. Đến với thơ Chế Lan Viên, chúng ta dễ dàng nhận thấy: vẻ đẹp trí tuệ là một trong những yếu tố rất quan trọng làm nên sức mạnh, sức tỏa sáng cho thơ ông. Nguyễn Xuân Nam khi bàn về chất trí tuệ trong thơ Chế Lan Viên đã khẳng định : “Anh muốn thơ mình đạt đến chất thơ tổng hợp : vừa đi sát thực tế cuộc sống, vừa đi sâu vào thế giới nội tâm với tình cảm ước mơ tưởng tượng, có khi như xa xôi hư ảo, vừa có chất trí tuệ. Trong
96
thời đại ngày nay trí tuệ phải soi sáng hiện thực, soi sáng tình cảm”... “Bảo thơ Chế Lan Viên là thơ trí tuệ là mới thấy có một mặt, chưa thấy hiện thực, trữ tình, tưởng tượng, trí tuệ hài hòa làm một trong thơ anh” [134, tr.40-41]. Nguyễn Văn Long cũng nhận xét: “Nhà thơ thường hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng, và bằng tưởng tượng, liên tưởng mà liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan từ đó làm nảy lên những ý nghĩa sâu sắc”[113,tr.89]. Khi nghiên cứu thơ Chế Lan Viên, chúng tôi nhận thấy giữa trí tuệ và cảm xúc có một mối quan hệ chặt chẽ. Sự thành công của thơ ông cũng phần nào được xuất phát từ mối quan hệ đó. Chế Lan Viên đã quan niệm: “ Khi lòng yêu đến đau thì thành trí tuệ tuyệt vời”. Mặt khác, ông nhiều lần nhấn mạnh vị trí, chức năng của thơ đối với cuộc đời. Thơ không chỉ “đưa ru”, mà còn “thức tỉnh”, còn phải góp phần lí giải những vấn đề đang được đặt ra trong đời sống xã hội, “thơ phải trả lời”. Có như vậy, thơ mới thực sự đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của thời đại và có được sự lắng đọng sâu xa trong cảm nhận của người đọc. Cảm xúc mạnh mẽ và suy tưởng sâu sắc về cuộc sống là điều kiện thuận lợi để Chế Lan Viên sáng tạo nên vẻ đẹp của hình ảnh thơ. Bởi thế, hình ảnh thơ của Chế Lan Viên thường chứa đựng những ý tưởng phong phú, gợi cho người đọc nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề mà nhà thơ nhằm thể hiện. Để khẳng định ý nghĩa cao đẹp trước sự đổi thay lớn lao của cuộc đời rực rỡ phù sa, cũng như cảm hứng say nồng trước hiện thực đó, nhà thơ đã sáng tạo được những hình ảnh vừa giàu cảm xúc, vừa giàu chất trí tuệ :
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả, Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn, Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn ...
( Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng? )
Vẻ đẹp trí tuệ ở hình ảnh thơ Chế Lan Viên được toát lên từ sự tương quan đối lập của nó. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có nhiều hình ảnh thơ được thể hiện trong sự tương
97
quan đối lập ở nhiều phương diện khác nhau trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung có thể thâu tóm lại ở các dạng như : đối lập trong không gian, đối lập trong thời gian, đối lập giữa các sự vật, hiện tượng, đối lập trong đời sống của con người. Từ những hình ảnh thơ có sự tương quan đối lập, nhà thơ giúp cho người đọc nhận thức đầy đủ về mối quan hệ của những vấn đề trong đời sống xã hội. Xin đơn cử một vài hình ảnh thơ tiêu biểu cho tính chất trên :
- Mỗi đêm tàn đều muốn hóa bình minh
( Nhật kí một người chữa bệnh ) - Tôi đổi năm đau lấy những ngày lành
( Ý nghĩ mùa xuân )
- Một viên gạch hồng. Bác chống lại cả một mùa băm giá ( Người đi tìm hình của nước )
- Ở đâu đong hạnh phúc chén đầy, đây chỉ chén vơi ( Kỉ niệm có gì)
Chế Lan Viên thường triết lí, tổng hợp, khái quát mọi vấn đề trong cuộc sống bằng những hình ảnh thơ. Từ hình ảnh cụ thể về một sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, nhà thơ muốn xoáy sâu trong nhận thức của người đọc về ý tưởng mà nhà thơ nhằm thể hiện. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, thông qua hình ảnh thơ người đọc hiểu hơn về lẽ sống, tình thương, niềm tin, sự nghĩa tình và trách nhiệm của mỗi một con người Việt Nam trong cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh thơ không phải vì thế mà rơi vào sự khô khan, trái lại ánh sáng của trí tuệ được tỏa ra trong sự quyện hòa với tình cảm và điều đó tạo cho hình ảnh thơ có thêm sức sống lâu bền. Đó cũng là nguyên nhân làm nên sự thành công của Chế Lan Viên, khi ông triết lí về tình yêu và quê hương ở đoạn thơ sau :
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng Khi xuân đến chim rừng lông trở biếc
98 Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
( Tiếng hát con tàu )
Càng về sau, hình ảnh thơ của Chế Lan Viên càng giàu thêm chất trí tuệ. Điều đó không chỉ đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của thời đại, mà còn biểu hiện rõ hơn tấm lòng luôn mang nặng những nỗi niềm suy tư , trăn trở trước cuộc đời của nhà thơ.