Khái quát kết quả chủ yếu của các công trình đã công bố liên quan đến đề tài luận án và các khoảng trống mà luận án tiếp tục nghiên cứu 28

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Trang 34 - 40)

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 7

1.2. Khái quát kết quả chủ yếu của các công trình đã công bố liên quan đến đề tài luận án và các khoảng trống mà luận án tiếp tục nghiên cứu 28

1.2.1. Khái quát kết quả chủ yếu của các công trình đã công bố liên quan đến đề tài luận án

Qua nghiên cứu hệ thống tài liệu thu thập được luận án nhận thấy, với những cách tiếp cận khác nhau, các công trình nghiên cứu cả ở trong nước và ngoài nước đã đề cập đến nhiều vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn:

Thứ nhất, về lý luận doanh nghiệp công nghệ cao và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao:

Một số công trình nghiên cứu đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến ngành công nghệ cao, khu công nghệ cao như khái niệm công nghệ cao, khu công nghệ cao, vai trò của khoa học và công nghệ cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội, vai trò của khu công nghệ cao trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao.

Một số công trình đã đề cập khá chi tiết và đầy đủ các vấn đề lý luận về doanh nghiệp công nghệ cao và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao như: khái niệm doanh nghiệp công nghệ cao và tiêu chí trở thành doanh nghiệp công nghệ cao; sự cần thiết phải phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, các nhân tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có công trình khoa học nào đề cập một cách hệ thống, toàn diện và trực tiếp đến doanh nghiệp công nghệ cao (trên cả ba mặt:

lý luận, thực trạng, giải pháp), song, những công trình mà luận án thu thập được lại có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện đề tài về mặt lý luận. Các tài liệu có liên quan là cơ sở giúp cho luận án xác định được khái niệm doanh nghiệp công nghệ cao, các yêu cầu đặt ra của CMCN lần thứ tư đối với doanh nghiệp công nghệ cao, quan niệm và các lĩnh vực ưu tiên mũi nhọn để phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, các tiêu chí xét chọn để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, nội dung và tiêu chí đánh giá sự phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, các nhân tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam…

Thứ hai, về thực trạng doanh nghiệp công nghệ cao:

Các công trình khoa học đã đề cập đến thực trạng của doanh nghiệp công nghệ cao nói chung và doanh nghiệp công nghệ cao ở khu công nghệ cao nói riêng, có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với luận án trong việc đánh giá thực trạng, các nhân tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng.

Các công trình liên quan đã đánh giá khái quát về tình hình của doanh nghiệp công nghệ cao thông qua một số tiêu chí đánh giá. Các doanh nghiệp công nghệ cao đã có những đóng góp đáng kể trong việc tạo ra sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao, tăng cường tiềm lực KH&CN, phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và của Việt Nam. Mặt khác, các công trình cũng đã đưa ra được những hạn chế, bất cập vẫn còn tồn tại của các doanh nghiệp công nghệ cao ở các địa phương trong nước và nước ngoài. Điều đó giúp luận án có thêm tư liệu để xem xét, đánh giá một cách khách quan và toàn diện về doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng.

Thứ ba, về giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao:

Dưới các góc độ tiếp cận khác nhau, các công trình đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Trong đó, một số công trình đã đề cập đến giải pháp chung như tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ cao,… và một số công trình đề cập đến giải pháp trong từng lĩnh vực cụ thể để phát triển doanh nghiệp công nghệ cao như: đầu tư cho R&D, nâng cao

chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao, chú trọng ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực KH&CN, đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu,

… Những giải pháp này có ý nghĩa tham khảo đối với luận án trong quá trình đề xuất quan điểm và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đến năm 2030.

Tóm lại, những kết quả chủ yếu của các công trình nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước được trình bày ở trên đã cung cấp cho luận án những cứ liệu quan trọng để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh CMCN lần thứ tư, đồng thời có thêm cơ sở khoa học để

xây dựng nên hệ thống các quan điểm, giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.

Tuy nhiên, các công trình, bài viết của các tác giả trong nước và quốc tế nghiên cứu về doanh nghiệp công nghệ cao mới đề cập, phân tích những mặt, những khía cạnh, những lát cắt đơn lẻ hoặc một phần đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án.

Một số công trình nghiên cứu ở nước ngoài đã đề cập chi tiết đến phát triển doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh lịch sử rất khác biệt với bối cảnh phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, các công trình này vẫn có ý nghĩa quan trọng để luận án tham khảo, rút ra những bài học kinh nghiệm trong phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng.

Đối với công trình nghiên cứu trong nước, doanh nghiệp công nghệ cao là một tổ chức kinh doanh phù hợp với chuyển đổi số và CMCN lần thứ tư, nhưng đó là các doanh nghiệp còn mới và số lượng còn ít ở Việt Nam nên nó chưa được nghiên cứu nhiều, chủ yếu là các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học nghiên cứu ở các góc độ, khía cạnh khác nhau. Cho đến nay, Việt Nam chưa có công trình khoa học tổng thể dành riêng cho việc nghiên cứu về doanh nghiệp công nghệ cao một cách hệ thống, toàn diện nhằm đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn làm cơ sở để phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng.

Đặc biệt, sau khi Luật công nghệ cao ra đời năm 2008 quy định các lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên phát triển ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg về “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển” và Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg về “Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút phát triển doanh nghiệp công nghệ cao”. Thực tiễn đến nay, Việt Nam chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư dưới góc độ chuyên ngành kinh tế chính trị. Như vậy, đề tài của luận án là mới và không trùng lặp với các công trình đã công bố.

1.2.2. Khoảng trống nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo

Từ việc khái quát kết quả chủ yếu của các công trình khoa học đã công bố, luận án đã xác định những khoảng trống đặt ra cần tập trung giải quyết là:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hệ thống hóa để làm rõ cơ sở lý luận về doanh nghiệp công nghệ cao và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.

Cần xác định khái niệm, vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao và yêu cầu đặt ra của CMCN lần thứ tư đối với doanh nghiệp công nghệ cao để thấy sự khác biệt của doanh nghiệp công nghệ cao so với các doanh nghiệp thông thường dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị.

Đưa ra được quan niệm về phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, từ đó chỉ ra chủ thể, nội dung và phương thức phát triển.

Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.

Khảo cứu kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở trong và ngoài nước và rút ra bài học kinh nghiệm đối với Đà Nẵng.

Thứ hai, tiến hành thu thập và xử lý số liệu thứ cấp để phân tích và đánh giá khách quan thực trạng của doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư (giai đoạn 2010 - 2022).

Căn cứ vào nội dung đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào 3 nội dung: số lượng, chất lượng và cơ cấu; dưới góc

độ khoa học kinh tế chính trị, không nghiên cứu góc độ công nghệ, kỹ thuật, luận án sẽ tiến hành thu thập và xử lý số liệu thứ cấp để phân tích và đánh giá khách quan thực trạng của doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư (giai đoạn 2010 - 2022). Trên cơ sở đó, luận án sẽ làm rõ nguyên nhân của thực trạng đó, đồng thời đưa ra những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết từ thực trạng của doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 – 2022.

Thứ ba, đề xuất quan điểm và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đến năm 2030.

Việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư (cụ thể là mục tiêu đến năm 2030) không thể chỉ dựa vào một hoặc một vài giải pháp có tính chất riêng lẻ mà cần phải có hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ và toàn diện. Vì vậy, vấn đề mà luận án tập trung giải quyết ở phần này là tiến hành khái quát hóa các giải pháp từ các công trình khoa học đã công bố thành một hệ thống tương đối chặt chẽ, hoàn chỉnh và đề xuất một số giải pháp mới; phân tích làm rõ cơ sở, nội dung, yêu cầu và biện pháp thực hiện của từng giải pháp sát với đặc điểm và điều kiện của khu công nghệ cao Đà Nẵng nhằm tạo ra đột phá trong phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đến năm 2030.

Tóm lại, với hướng nghiên cứu và cách tiếp cận như trên, đề tài “Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một công trình khoa học nghiên cứu độc lập, không trùng lặp với các công trình khoa học đã công bố.

Tiểu kết chương 1

Với mục đích hệ thống, sắp xếp các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài, phần tổng quan đã khái quát nội dung của các công trình nghiên cứu theo các vấn đề: công nghệ cao, khu công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; sự cần thiết phải phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, các nhân tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp công nghệ cao; kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có các địa phương ở Trung Quốc, Malaysia và kinh nghiệm của khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghệ cao Hồ Chí Minh trong thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao… Những công trình nghiên cứu đã được tổng quan góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về doanh nghiệp công nghệ cao ở khu công nghệ cao trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.

Trên cơ sở nghiên cứu các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, tổng quan của luận án đã khái quát được kết quả chủ yếu của các công trình đã công bố và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết liên quan đến doanh nghiệp công nghệ cao ở khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nội dung tổng quan trong đề tài đã tạo điều kiện cho luận án kế thừa những giá trị khoa học mà các công trình nghiên cứu đó đã đạt được nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu luận án.

Đồng thời, tổng quan cũng đã cung cấp thông tin giúp nghiên cứu sinh nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề, khía cạnh mà các công trình trước đó chưa nghiên cứu, đề cập hoặc đã nghiên cứu, đề cập nhưng chưa đầy đủ, hoặc mới chỉ làm rõ ở các khía cạnh, góc độ khoa học khác.

Với những kết quả nghiên cứu cho thấy, đề tài “Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là đề tài không trùng lặp, các công trình nghiên cứu trong nước còn ít, có ý nghĩa thiết thực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn hiện nay, những vấn đề đặt ra mà luận án tiếp tục nghiên cứu, giải quyết sẽ được tiếp cận theo góc độ khoa học kinh tế chính trị.

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(198 trang)
w