Chương 3: THỰC TRẠNG DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở ĐÀ NẴNG
3.3. Đánh giá chung về thực trạng doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng
3.3.1. Những kết quả đạt được
Phân tích thực trạng của doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao ở Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 - 2022 cho thấy các doanh nghiệp công nghệ cao đã đạt được những kết quả như sau:
Một là, sự gia tăng về số lượng và quy mô của doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đã góp phần gia tăng việc làm, vốn đầu tư cho phát triển các ngành công nghệ cao của thành phố, đạt được những thành tựu bước đầu của việc thực hiện chủ
trương phát triển khu công nghệ cao, hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghệ cao.
Sau 05 năm đầu tư xây dựng và hoạt động, Đà Nẵng chỉ có 03 dự án đầu tư tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Từ năm 2015 đến hết năm 2022, Đà Nẵng đã thu hút được 27 dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao, bao gồm 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 6.648 tỷ đồng; có 13 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 607,6 triệu USD. Điều này cho thấy sức hút của khu công nghệ cao Đà Nẵng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước [5]. Hiện nay, Đà Nẵng có 11/27 các doanh nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, có 06/27 dự án đang đầu tư xây dựng, 10/27 dự án đang làm thủ tục liên quan sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho 1.646 người lao động cùng với sự đa dạng về ngành, nghề.
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghệ cao đã cho thấy sự chủ động trong quản lý và điều hành của chính quyền thành phố và Ban Quản lý khu công nghệ cao trong việc kịp thời xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trong việc thu hút, tạo môi trường hoạt động và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách dành riêng cho việc quy hoạch phát triển Đà Nẵng nói chung và phát triển khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, trong đó có Nghị định số 04/2018/NĐ-CP về Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố và Ban Quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng đã có những đề xuất, tham mưu kịp thời cho Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương, ban hành chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho Ban Quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng hoạt động với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Chính quyền thành phố cũng đã tạo môi trường thuận lợi cho việc xúc tiến hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Hai là, các doanh nghiệp công nghệ cao đang từng bước thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực KH&CN của Đà Nẵng và quốc gia, tạo lập nền tảng phát triển công nghệ cao.
Về cơ bản, các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chí về dự án công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao. Các công nghệ cao đều thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dây chuyền công nghệ của các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao hiện có đạt trình độ tiên tiến và được điều khiển theo chương trình. Các công cụ thiết bị tự động hóa trong các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao đã thay thế cho các công cụ, thiết bị cơ khí hóa, từ đó đã tác động dây chuyền đến tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất. Hệ thống quản lý chất lượng của dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao được yêu cầu phải đạt một trong số các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, HACCP, CMM, GMP hoặc chứng chỉ, chứng nhận có giá trị tương đương (tùy theo đặc thù dự án đầu tư được áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế). Bên cạnh, việc đầu tư vốn cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị, dây chuyền công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng phải chi khoảng 1% của tổng doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D. Về cơ bản, các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở Đà Nẵng đã chú trọng đến hoạt động R&D.
Mỗi doanh nghiệp công nghệ cao đều có trung tâm chuyên R&D và phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác này.
Các doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đã từng bước hình thành đội ngũ
nhân lực không chỉ đảm bảo về số lượng mà còn dần đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, có kinh nghiệm quản lý điều hành sản xuất. Tùy thuộc vào loại hình chức năng hoạt động, nguồn nhân lực của doanh nghiệp công nghệ cao bao gồm đội ngũ quản lý, nhân lực nghiên cứu công nghệ cao và nhân lực sản xuất trực tiếp các sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
Số lượng các nhà quản lý chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động. Nhân lực tham gia trực tiếp sản xuất sản phẩm công nghệ cao làm chủ được hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao, là lực lượng trực tiếp nâng cao năng suất lao động. Nhân lực R&D làm việc trong doanh nghiệp công nghệ cao, dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao phải có bằng đại học trở lên, trực tiếp tham gia thực hiện R&D chiếm tỷ lệ ít nhất 5% so với tổng số nhân lực của doanh nghiệp.
Ba là, sự liên kết, hợp tác về nguồn lực và xây dựng hạ tầng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ cao của các chủ thể liên quan đã hình thành và đa dạng hóa về hình thức tham gia, phát huy được tiềm năng và lợi thế cho phát triển các ngành công nghệ cao, khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Liên kết, hợp tác trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở Đà Nẵng bước đầu đã hình thành và đa dạng hóa về hình thức tham gia của các chủ thể liên quan đến phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Quá trình hợp tác, liên kết của doanh nghiệp công nghệ cao với các tổ chức, cơ sở nghiên cứu ở địa phương đã mang lại hiệu quả cao trong huy động các nguồn lực như vốn, KH&CN, đào tạo nhân lực chất lượng cao... Trong đó, điển hình là quá trình hợp tác, liên kết về nhân lực trong các dự án sản xuất và cung ứng dịch vụ.
Trung tâm Dịch vụ tổng hợp khu công nghệ cao Đà Nẵng đang đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tăng cường kết nối để tuyển chọn thành công các dự án có chất lượng để
ươm tạo và tăng tốc, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp, các trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ về mặt pháp lý, kiến thức chuyên môn, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm phát triển công nghệ cao, công nghệ mới, tổng hợp tối đa các nguồn lực tại chỗ.
Bốn là, các doanh nghiệp công nghệ cao bước đầu sản xuất được một số sản phẩm công nghệ cao, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ của thành phố, đóng góp vào ngân sách của Đà Nẵng.
Các sản phẩm công nghệ cao đều thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển tại khu công nghệ cao Đà Nẵng. Bước đầu sản xuất được một số sản phẩm công nghệ cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực tiễn cho thấy, một số sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo nên thế mạnh và thương hiệu của mình. Một số doanh nghiệp công nghệ cao trong nước bước đầu đã và đang nghiên cứu và sản xuất ra một số sản phẩm công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao. Một số sản phẩm công nghệ cao được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Chất lượng sản phẩm công nghệ cao đảm bảo khả năng cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường nên tổng doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đã có sự gia
tăng đáng kể trong hai năm 2021 và 2022 phục hồi sau đại dịch Covid. Điều này đã góp phần đáng kể vào ngân sách của thành phố.
3.3.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân Những tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Một là, về cơ bản, đa số các doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng đều có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ban đầu còn thấp, số lượng vẫn còn quá nhỏ so với khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù, công tác xúc tiến thu hút đầu tư của khu công nghệ cao Đà Nẵng đã có những kết quả đáng kể, song, số lượng doanh nghiệp công nghệ cao đang hoạt động ở Đà Nẵng còn quá nhỏ so với khu công nghệ cao Hòa Lạc (sau gần 25 năm thành lập, đã thu hút được 100 dự án, trong đó có 86 dự án vốn trong nước và 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) [42] và khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (sau 20 năm thành lập, đã thu hút được 160 dự án, trong đó có 51 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 109 dự án có vốn đầu tư trong nước) [32].
Bên cạnh đó, các dự án nước ngoài được cấp phép đầu tư (sau 12 năm thành lập, đã thu hút được 27 dự án, trong đó có 13 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 14 dự án có trong nước) tại Đà Nẵng có vốn đầu tư ban đầu chỉ mới đạt mức tối đa khoảng gần 200 triệu USD (có 02/27 dự án). Nguồn vốn đầu tư của các dự án trong nước vẫn còn khá hạn hẹp. Đa số doanh nghiệp chưa có nhu cầu mở rộng quy mô vốn đầu tư và gia tăng thêm nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Điều này cho thấy việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng vẫn chưa được kỳ vọng tương xứng với tiềm năng sau hơn 12 năm thành lập.
Hai là, nhìn chung, chất lượng đầu tư cho R&D và nguồn nhân lực vẫn chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của nền sản xuất hiện đại của doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng.
Trong giai đoạn 2010 - 2022, hiệu quả hoạt động R&D của các doanh nghiệp công nghệ cao chưa cao, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước, chưa nghiên cứu, phát minh được các công nghệ cao nguồn, có giá trị kinh tế xã hội cao. Mặc dù là đã dành chi phí cho hoạt động R&D nhưng số lượng đầu tư cho
R&D chưa cao vì đa số các doanh nghiệp công nghệ cao có quy mô vừa và nhỏ, con số doanh thu hàng năm còn thấp. Các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng chỉ là những cơ sở vệ tinh cho các công ty mẹ ở nước ngoài, công việc R&D đều thực hiện ở nước ngoài và các công ty con ở Đà Nẵng hầu như không đầu tư cho hoạt động R&D (Theo Báo cáo của Phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động [5])
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao nhưng lao động được đào tạo trong nước chưa đáp ứng đủ được yêu cầu. Nguồn nhân lực KH&CN có trình độ sau đại học về kỹ thuật và KH&CN ở các doanh nghiệp công nghệ cao có rất ít, chưa có lao động có trình độ tiến sĩ kỹ thuật KH&CN. Việc các doanh nghiệp công nghệ cao tuyển dụng đối tượng công nhân có chất lượng của các kỹ thuật viên và tính chuyên nghiệp của nguồn lực trung gian đang là vấn đề gặp phải hiện nay.
Ba là, các doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng vẫn chưa thực sự có sự hài hòa, cân đối trong cơ cấu các loại hình chức năng.
Phần lớn các doanh nghiệp công nghệ cao, dự án thu hút đầu tư đều thực hiện chức năng sản xuất (16/27 dự án), đa số các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thu hút vào khu công nghệ cao (10/16 dự án) đều thực hiện chức năng sản xuất. Số lượng doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện chức năng nghiên cứu, nghiên cứu - sản xuất và tham gia cung ứng dịch vụ công nghệ cao chiếm tỷ lệ còn thấp lần lượt là 18,52% và 22,22%.
Bốn là, liên kết, hợp tác giữa các chủ thể liên quan trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cao vẫn còn một số bất cập.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng, kết nối giữa các nhà đầu tư với các trường đại học và các viện, trung tâm nghiên cứu cũng chỉ mới dừng lại ở việc tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập các quan hệ hợp tác, chưa có viện, trung nghiên cứu và trường đại học nào thiết lập các cơ sở nghiên cứu/đào tạo/ươm tạo ở khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Hoạt động liên kết, hợp tác trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao còn yếu, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực điện
tử của các doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng phần lớn là các sản phẩm lắp ráp dựa trên nhập khẩu các thiết bị, linh phụ kiện từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hoá của các sản phẩm công nghệ cao ở Đà Nẵng còn thấp, giá trị gia tăng chủ yếu từ lao động giá rẻ. Các doanh nghiệp công nghệ cao này không tham gia cung cấp được sản phẩm đòi hỏi độ chính xác cao, mà chỉ cung cấp được những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật rất đơn giản. Những sản phẩm hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao thì hoạt động cung ứng thiết bị, linh kiện cho việc sản xuất của các tập đoàn lớn chủ yếu là nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp công nghệ cao từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động ở trong nước cung cấp.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
Một là, bất cập trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và vận hành khu công nghệ cao.
Đến nay, Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản hướng dẫn, liên quan đã lỗi thời, có nhiều điểm không phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát trển của các khu công nghệ cao trong cả nước. Mô hình quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, bất cập như (1) Ban Quản lý không được quy định là cơ quan chuyên môn trong hầu hết lĩnh vực, trừ lĩnh vực xây dựng theo Luật Xây dựng, khó khăn trong việc trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và thủ tục 1 cửa tại chỗ, trong khi nhiệm vụ tăng lên cả về khối lượng công việc lẫn địa bàn quản lý; (2) Khác với khu công nghệ cao Hoà Lạc và khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, mô hình quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng chưa có đầu mối hành chính, sự nghiệp về hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo (hiện đang ghép trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp đa chức năng) dẫn đến khó khăn trong việc tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách và hoàn thiện mô hình quản lý thúc đẩy, hội tụ và lan toả các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao Đà Nẵng; (3) Khu công nghệ cao Đà Nẵng chưa có điều kiện thuận lợi như ở hai đầu đất nước về hoạt động R&D, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics,… nên mô hình quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng cần gắn liền với cơ chế hỗ trợ, phối hợp huy động nguồn lực từ các địa phương lân cận, nhất là địa bàn vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ.