Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở ĐÀ NẴNG TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ 136
4.1. Dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước và thành phố ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng 136
4.1.1. Bối cảnh quốc tế
Thế kỷ XXI là thế kỷ của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ hiện đại, của xã hội thông tin gắn liền với thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN lần thứ tư, đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.
Trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư, vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia; công nghệ số góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số, từng bước chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống văn hóa - xã hội. Trước bối cảnh đó, các quốc gia có xu thế đầu tư cho R&D, xây dựng hạ tầng cơ bản R&D, đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đầu tư cho nguồn lực con người. Điều này đã tạo ra những thuận lợi và khó khăn cho phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam nói chung và khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng.
Ngày nay, toàn cầu hóa đang trở thành xu hướng tất yếu khách quan của sự phát triển kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa mở ra thời cơ lớn cho mọi dân tộc phát triển.
Nó cho phép các nước đang phát triển có cơ hội và điều kiện để tiếp nhận các dòng vốn, công nghệ; mở rộng thị trường; tiếp nhận kỹ năng và kinh nghiệm quản lý từ các nền kinh tế phát triển cao nhất. Các nền kinh tế đang phát triển và kinh tế chuyển đổi sẽ có cơ hội để thực hiện mô hình phát triển rút ngắn, nghĩa là thông qua hội nhập kinh tế quốc tế để đi tắt đón đầu, tiến tới những bước phát triển cao hơn trên cơ sở hưởng thụ và vận dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài đã được khai thông và kết nối với các nguồn lực bên trong. Nhờ đó, thị trường của mỗi quốc gia sẽ phát triển hết sức nhanh chóng cả về quy mô và trình độ. Đây là thời cơ để các quốc gia dễ dàng tiếp cận và thu
hút được nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, thị trường hóa nền kinh tế thế giới là một xu hướng lớn của thế giới bước vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Xu hướng này nhằm phản ánh một quá trình hiện thực khách quan là cùng với toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, ngày càng nhiều thị trường quốc gia và khu vực lần lượt nối liền vào quỹ đạo của thị trường thế giới và theo đó, phạm vi, dung lượng, hiệu quả của thị trường thế giới không ngừng mở rộng với một kết cấu nhiều tầng nấc để cuối cùng hình thành một thị trường thống nhất toàn cầu. Điều này làm cho các quốc gia có điều kiện kết nối với thị trường chung thế giới, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu cho các sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Tình hình thế giới giai đoạn 2021 - 2030 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới từ năm 2022 trở đi sẽ đi sâu vào vô số hậu quả kinh tế địa phương, khu vực và toàn cầu của cuộc chiến hiện tại ở Ukraine. Cuộc chiến cũng được cho là sẽ làm trầm trọng thêm các lỗ
hổng và bất bình đẳng hiện có ở các nước đang phát triển và kém phát triển nhất vốn đã bị suy yếu bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, cuộc chiến có thể đặt ra những thách thức mới đáng kể cho hành động khí hậu toàn cầu trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao và những lo ngại về an ninh năng lượng. Các quốc gia cần nhiều sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp. Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước sẽ ngày càng quyết liệt. Các nước đang phát triển đứng trước nhiều thách thức mới như:
(1) Tăng trưởng toàn cầu chậm lại vào năm 2023 có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn so với dự kiến trước đây, chủ yếu là do chi tiêu hộ gia đình ở các nền kinh tế phát triển đã ổn định và sự phục hồi ở Trung Quốc;
(2) Thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với những cơn gió ngược mạnh mẽ, với mức tăng trưởng dự kiến chỉ ở mức 2,3% vào năm 2023. Trong khi nới lỏng các hạn chế của chuỗi cung ứng, sự phục hồi của ngành du lịch và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ phần nào, thì nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế phát
triển suy yếu, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức đáng kể đối với thương mại toàn cầu;
(3) Thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế phát triển vẫn chặt chẽ, được đánh dấu bằng tỷ lệ thất nghiệp thấp và tình trạng thiếu lao động thường xuyên;
(4) Lạm phát trung bình toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 7,5% năm 2022 xuống 5,2% năm 2023 trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng thấp hơn và nhu cầu yếu đi, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển lớn. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia, đặc biệt làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế của những người sống trong nghèo đói;
(5) Trong khi chính sách tiền tệ toàn cầu tiếp tục thắt chặt, áp lực lạm phát giảm dần đã cho phép hầu hết các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất.
Chi phí đi vay tăng, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và gánh nặng nợ cao đang hạn chế không gian tài chính của nhiều nước đang phát triển;
(6) Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu đang phơi bày những lỗ hổng tiềm ẩn do lãi suất tăng gây ra. Những bất ổn của khu vực tài chính và các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn các nước này có thể sẽ làm giảm tăng trưởng tín dụng và đầu tư trong thời gian tới.
Bối cảnh quốc tế và tình hình kinh tế thế giới đã tạo ra cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam và các tỉnh, thành trong cả nước những thuận lợi và cũng không ít những khó khăn, cả những thời cơ và thách thức trong việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước chú trọng vào năng lực đổi mới sáng tạo để phát triển lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao trong CMCN lần thứ tư để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, thay đổi sâu sắc đến trật tự, cấu trúc kinh tế và phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.
4.1.2. Bối cảnh trong nước và thành phố Đà Nẵng
Trong hơn 10 năm qua (2010 - 2022), đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đất nước đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào các quan hệ kinh tế quốc tế: gia nhập WTO, TPP, các hiệp định thương mại tự
do... Điều này đã tạo ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian qua. Những thành tựu về kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng cho sự phát triển hơn nữa trong những năm tới. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay đang được đẩy nhanh và trở nên sâu rộng hơn bao giờ hết.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra những cơ hội to lớn cho phát triển. Đồng thời, tiến trình này cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cần được nhận thức rõ để đề xuất những giải pháp đúng đắn nhằm tận dụng được những cơ hội do hội nhập mang lại và giảm thiểu những khó khăn, bất lợi trên con đường phát triển của mình. Trong quá trình toàn cầu hóa, các dòng hàng hóa được lưu thông tự do hơn sẽ kéo theo nó sự vận động của các dòng vốn và công nghệ. Trong cơ chế thị trường, các nguồn lực vận động theo nguyên tắc là di chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ chỗ sinh lợi ít đến chỗ
sinh lời nhiều hơn... Do tích lũy vốn đến mức cao và không ngừng hiện đại hóa công nghệ, ở các nước phát triển xuất hiện tình trạng dư thừa vốn, có những công nghệ mới không tìm được nơi sinh lợi cao, những công nghệ cũ không có chỗ sử dụng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những nguồn vốn và công nghệ này tất yếu sẽ được chảy sang các nước đang phát triển - nơi có khả năng sinh lợi lớn hơn.
Cùng với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta là công nghệ mới.
Việc tiếp nhận công nghệ mới này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các công nghệ này có thể là cũ và không có hiệu quả ở các nước phát triển nhưng lại là mới và có hiệu quả ở Việt Nam.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Ðại hội XIII của Ðảng cũng nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa trên nền tảng phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của CMCN lần thứ tư.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo phải góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hỗ trợ việc tiếp thu, làm chủ và nâng cấp công nghệ nhập. Trong đó, nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ KH&CN và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; lấy doanh nghiệp công nghệ cao làm trung tâm R&D, ứng dụng và chuyển giao công
nghệ, công nghệ số; nhanh chóng xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;…
Những năm qua, mặc dù thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, nhưng nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những đòi hỏi mới của cuộc CMCN lần thứ tư, hệ lụy của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh được dự báo còn tiếp tục kéo dài. Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Quản lý phát triển xã hội còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển,… Hoạt động KH&CN đã có những bước chuyển biến quan trọng và đóng góp vào phát triển đất nước, song chưa thực sự trở thành động lực phát triển; mô hình tăng trưởng chưa phát triển dựa trên nền tảng đầu tư R&D, KH&CN, đổi mới sáng tạo, lấy lĩnh vực công nghệ cao làm mũi nhọn trong phát triển bền vững.
Thành phố Đà Nẵng ở trung độ của đất nước, cách Hà Nội 765km về phía bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía nam, là một trong những thành phố cảng biển lớn nhất miền Trung và thứ tư của cả nước. Thành phố có đường biên giới tiếp giáp với Lào ở phía tây, phía đông giáp với biển Đông, phía bắc giáp Thừa Thiên - Huế, phía nam và phía tây giáp tỉnh Quảng Nam. Thành phố có quốc lộ 14B nối cảng Tiên Sa, Liên Chiểu đến Tây Nguyên. Đà Nẵng nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là tuyến giao thông dài 1450km đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine đến cửa khẩu Myawaddy (Myanma), đi qua 7 tỉnh của Thái Lan tới Lào và cuối cùng đến Việt Nam (chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tới cảng Đà Nẵng. Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước trên đến các nước đông bắc Á.
Đà Nẵng cách các trung tâm kinh tế phát triển của các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong phạm vi bán kính khoảng 2.000 km, thuận tiện trong giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh CMCN lần thứ tư, tình hình thế giới và trong nước, Đà Nẵng xác định đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là định hướng chiến lược trong mục tiêu phát triển thành phố theo hướng xanh, bền vững. Khu công nghệ cao Đà Nẵng được Chính phủ định hướng phát triển để thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống đổi mới Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chính quyền thành phố và Ban Quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng tập trung ưu tiên phát triển 5 ngành, lĩnh vực: CNTT, truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano [3].
Thành phố đã ban hành những cơ chế, chính sách phát triển khu công nghệ cao Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài đang hoạt động tại khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng vẫn lựa chọn đầu tư tại Đà Nẵng vì nhiều lý do như (1) Đà Nẵng là thành phố cảng biển có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Môi trường Đà Nẵng cũng rất trong lành; (2) các doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế phí phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; (3) Ban Quản lý khu công nghệ cao và chính quyền thành phố xử lý các thủ tục hành chính cho hoạt động đầu tư rất nhanh chóng...
Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng chỉ ra một số điểm yếu còn tồn tại khi đầu tư lĩnh vực công nghệ cao tại Đà Nẵng như hiện chưa có nhiều doanh nghiệp cung ứng nên phải vận chuyển một số nguyên liệu còn thiếu từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; thành phố cần đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhiều hơn nữa các nhân sự chất lượng cao, chuyên gia; sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể đến năm 2045, hoàn
thiện việc nâng cấp hệ thống cảng biển, hàng không, đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong khu công nghệ cao.
Nhận định tầm quan trọng của phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nền kinh tế hậu Covid-19, trong Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 23, các đại biểu đã thống nhất cần sớm ban hành và triển khai Nghị quyết của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, thành phố đẩy nhanh thủ tục xúc tiến đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực công nghệ cao, CNTT; đôn đốc triển khai dự án Khu công viên phần mềm số 2; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phần mềm.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp công nghệ cao, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có kế hoạch trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có sự điều chỉnh, bổ sung và xây mới hệ thống cảng biển, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những thuận lợi rất lớn để tăng sức thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Đà Nẵng nói chung và đầu tư vào khu công nghệ cao nói riêng.
Trong tương lai, khi cảng biển Liên Chiểu được xây dựng và đưa vào sử dụng, hệ thống logistics phía Tây thành phố và hệ thống các công trình phụ trợ hoàn thiện sẽ rút ngắn được thời gian và khoảng cách vận chuyển hàng hóa, thiết bị tạo nên bước đột phá trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao.
Hưởng lợi nhất sẽ là các dự án chuyên xuất khẩu, các dự án logistics phục vụ khu công nghệ cao và các khu công nghiệp phía tây thành phố. Từ đó, các dự án này tạo thành chuỗi cung ứng và kết nối với các vùng kinh tế lân cận, góp phần tăng hiệu quả và năng suất đối với các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Mặt khác, hiện tại, thành phố Đà Nẵng cũng đang xây dựng mô hình "Thành phố thông minh", trong đó CNTT là thành phần cốt lõi. Điều này cũng giúp thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và CNTT, kéo theo nhu cầu rất lớn về nhân lực chất lượng cao trong cả tương lai ngắn và dài hạn.