Chương 3: THỰC TRẠNG VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN
4.2. Một số giải pháp tạo việc làm cho lao động thanh niên nông thôn ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
4.2.1. Tăng cường công tác tư vấn, định hướng, đào tạo nghề cho lao động
4.2.1.1. Quy hoạch phát triển ngành nghề đào tạo
Quy hoạch đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn theo hướng tập trung nguồn lực đầu tư tăng cường cho các cơ sở dạy nghề chính quy thuộc các trường đào tạo nghề, nhằm tạo ra đội ngũ người lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Trong đó cần phải tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị dạy học và thực hành tiên tiến, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ cao đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, việc đầu tư cho các Trung tâm dạy nghề hoặc các hình thức cơ sở dạy nghề khác cũng cần phải được quan tâm đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế.
Việc giải quyết bài toán nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo cho mục đích chuyển đổi sản xuất, kinh doanh cần phải được các địa phương quan tâm đúng mức và có kế hoạch cụ thể để cơ quan quản lí có kế hoạch phát triển đồng bộ và nâng cao hệu quả đầu tư.
4.2.1.2. Đào tạo có liên kết với Doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện, tỉnh Các cơ sở dạy nghề phải chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở đánh giá năng lực của cơ sở và nhu cầu của thị trường lao động; chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và sử dụng của doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp, quy trình đào tạo, lấy người học nghề làm trung tâm và nhu cầu của doanh nghiệp làm định hướng đào tạo.
Xây dựng các chính sách nhằm thu hút, tạo điều kiện để có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và phản hồi về chất lượng của các “sản phẩm” của quá trình đào tạo nghề trước đó.
Thống nhất việc cấp văn bằng, chứng chỉ nghề cho người học nghề bao gồm cả những người học nghề thông qua hệ thống đào tạo chính thống (trường, trung tâm…) hay thông qua hệ thống doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…
Để làm được việc này, hệ thống bằng cấp, chứng chỉ nghề cần được tiêu chuẩn hóa để áp dụng trên phạm vi cả nước đảm bảo chất lượng bằng cấp được cấp tương đương với chất lượng đào tạo.
Trong các cơ sở dạy nghề cần tổ chức bộ phận quan hệ đối ngoại trong đó tập trung đặc biệt vào việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khối doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo; đẩy mạnh việc ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp. Cơ sở dạy nghề phải chủ động điều tra để có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp (nghề, trình độ, mức độ kỹ năng...) để tổ chức đào tạo phù hợp.
Có chính sách để tăng cường các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở dạy nghề và tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khi vào trường; đồng thời những thông tin cần thiết về chỗ làm việc khi sắp tốt nghiệp. Chính sách tín dụng ưu đãi cho cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp có chức năng dạy nghề vay để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề cho thanh niên nông thôn.
Đa dạng hoá hình thức đào tạo nghề phi nông nghiệp, lấy các trường dạy nghề làm trọng tâm.
4.2.1.3. Đào tạo nghề theo yêu cầu phát triển của sản xuất và thị trường lao động Xây dựng các chương trình dạy nghề phù hợp với từng loại đối tượng và yếu tố mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, thiết kế chương trình đào tạo theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng từ khi gieo cấy, đến khi thu hoạch. Đây cũng là một điểm mới đáng lưu ý vì hiện nay do tính chất bắt buộc và cứng của chương trình, giáo trình dạy nghề làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác dạy nghề. Cần nghiên cứu điều chỉnh chương trình, giáo trình dạy nghề linh hoạt một cách tối đa, đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, các quy định về cập nhật giáo trình cần được chi tiết hóa để đảm bảo chất lượng của giáo trình dạy nghề tương ứng với yêu cầu của sản xuất công nghiệp, hiện đại.
4.2.1.4. Hỗ trợ các cơ sở đào tạo
Hỗ trợ phát triển các cơ sở dạy nghề thông qua chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, lệ phí… Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp muốn tham gia và thực hiện công tác dạy nghề cho lao động thanh niên nông thôn cũng nên được khuyến khích bằng những chính sách ưu đãi về thuế.
4.2.1.5. Nâng cấp chất lượng các cơ sở đào tạo
Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành lập cơ sở dạy nghề tư thục hoặc tham gia hoạt động dạy nghề để thanh niên nông thôn của huyện có nhiều cơ hội tiếp cận với hoạt động đào tạo nghề và cơ hội việc làm.
Đa dạng hoá phương thức đào tạo, dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên. Đa dạng hóa địa điểm dạy nghề, dạy nghề tại trường, trung tâm, dạy nghề tại nơi làm việc, kết hợp dạy nghề ở trường, trung tâm và thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Phát triển đào tạo nghề tại chỗ cho lao động thanh niên nông thôn trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung. Tăng cường đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho thanh niên nông thôn thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khôi phục dạy nghề cho nông dân ở các vùng chuyên canh như vùng chuyên màu, vùng lúa chất lượng cao…có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Đây là hình thức đào tạo nghề mang tính tập trung cao vào từng lĩnh vực sản xuất cụ thể có thể áp dụng cho các ngành hàng, nhất là các ngành hàng đặc sản của huyện nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị.
Đa dạng hoá phương thức và phương pháp đào tạo, chú trọng phương pháp dạy tại hiện trường sản xuất; phương pháp có sự tham gia của người học; lưu ý đến tính đặc thù của các nhóm đối tượng thanh niên khuyết tật. Thu hút các nhà khoa học, các giáo viên trong các cơ sở dạy nghề, các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, những người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tham gia dạy nghề cho thanh niên nông thôn.