1.3. Khái quát tình hình phát triển thủy sản trên thế giới và ở Việt Nam
1.3.2. Khái quát tình hình phát triển thuỷ sản tại Việt Nam
Kể từ khi hình thành đến nay, trải qua 58 năm phát triển, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên. Sự hiện diện dân sự của hàng chục ngàn tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 1990, tổng sản lượng thủy sản đã vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn, đứng vào hàng ngũ những nước có sản lượng khai thác hải sản trên 1 triệu tấn kể từ năm 1997. Đến năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đã tăng hơn 6,5 lần so với năm 1990, đạt hơn 6,7 triệu tấn. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực. Năm 2007, lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt sản lượng khai thác thủy sản.
Tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ hơn 23% năm 1990 lên gần 54% năm 2016.
Từ mức kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD năm 1995, đến năm 2016, giá trị kim
ngạch xuất khẩu đã vượt mức 7 tỷ USD. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng ổn định của ngành thủy sản trong thời gian qua khăng định được vị thế quan trọng trong cộng đồng nghề cá thế giới, đứng thứ 8 về sản lượng khai thác thủy sản, thứ 3 về sản lượng nuôi thủy sản và thứ 3 về giá trị xuất khẩu thủy sản.
Từ nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ, lĩnh vực khai thác hải sản đã chuyển dịch theo hướng cơ giới hóa, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, đẩy mạnh công tác thăm dò tiềm năng ngư trường, ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến nhằm vào các đối tượng khai thác có giá trị cao và các đối tượng xuất khẩu, cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác.
Cùng với việc đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ là ổn định khai thác vùng ven bờ, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, giữ gìn sự bền vững của môi trường sinh thái. Số tàu thuyền có công suất cao tăng khá nhanh, hiện nay đã có hơn 14.000 tàu công suất đủ lớn để hoạt động khai thác xa bờ. Nhờ đó, tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ đã tăng nhanh, chiếm hơn 40% tổng sản lượng thủy sản khai thác. Hệ thống các cảng cá trong ngành đưa vào sử dụng đã phát huy vai trò, trong đó nhiều cảng đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong ngành đã bước đầu hình thành được hệ thống hậu cần dịch vụ tuyến khơi xa, tuyến đảo, tuyến ven bờ gắn với các trung tâm nghề cá. Các mô hình tổ chức sản xuất trên biển đã phát huy hiệu quả sản xuất ở nhiều nơi. Sự hiện diện dân sự của lực lượng tàu thuyền và ngư dân trên biển đã góp phần vào việc giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Nuôi trồng thuỷ sản, từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính chất tự cấp, tự túc, đã nhanh chóng trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với trình độ kỹ thuật được đổi mới không ngừng, phát triển ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế gắn với phát triển, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân. Khi tỷ trọng diện tích nuôi mặn, lợ tăng lên, nhất là nuôi tôm, thì sản lượng nuôi, nhất là sản lượng nuôi đưa vào xuất khẩu, đã tăng nhanh chóng và hiệu quả kinh tế có bước nhảy vọt. NTTS đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng và đang tiến
đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung, với công nghệ, cách tổ chức và quản lý tiên tiến. Các đối tượng có giá trị cao, có sản lượng lớn và có khả năng xuất khẩu đã được tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển, hiệu quả tốt. Phát huy được tiềm năng tự nhiên, nguồn vốn và sự năng động sáng tạo trong doanh nghiệp và ngư dân, đồng thời góp phần hết sức quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp cũng như cho xoá đói giảm nghèo.
Chế biến xuất khẩu là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới trong chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới.
Khoa học công nghệ và công tác khuyến ngư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành. Năng lực nghiên cứu khoa học tiếp tục được tăng cường thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ quan quản lý ngảy càng có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành. Những chính sách quản lý, kế hoạch phát triển quan trọng đã được ban hành kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác các tiềm năng thủy sản của đất nước. Nhà nước đã tạo điều kiện, ủng hộ và khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất giống sạch bệnh.
Ngày càng chú trọng áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh, không làm hại môi trường, đồng thời triển khai các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản hướng đến hiệu quả, gắn khai thác với dịch vụ hậu cần. Các mô hình chế biến xuất khẩu thủy sản gắn kết với tổ chức vùng sản xuất và cung cấp nguyên liệu từ nuôi trồng trong điều kiện phải luôn thích ứng với những sự trồi sụt của giá cả thị trường sản phẩm, nhiên liệu,... và những khó khăn về nguồn lợi, cùng các diễn biến bất thường của thời tiết.
Trong những năm gần đây, ngành thuỷ sản đã liên tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản được nêu trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, được thể chế hóa trong các kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của nền kinh tế. Cơ cấu sản phẩm của ngành đã thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao. Phát huy thế mạnh về sản xuất những sản phẩm thủy sản có lợi thế, mang lại giá trị thu nhập cao trên thị trường thủy sản thế giới.
Ghi nhận những thành quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, dũng cảm vượt qua khó khăn thách thức của bà con ngư dân, lao động toàn ngành thủy sản cả nước qua các thời kỳ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngành thuỷ sản đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990 và Huân chương Sao vàng năm 2007.
Trong suốt quá trình 58 năm phát triển, ngành thủy sản đã và đang không chỉ khẳng định là một ngành kinh tế biển truyền thống, mà còn từng bước phát triển thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế và cũng là lĩnh vực kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo và gìn giữ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc.
Thành tựu chúng ta đạt được trong 58 năm qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, cùng với nhiều thuận lợi và cơ hội, ngành thủy sản cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả. Trong khai thác thủy sản, chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác nói chung vẫn thấp, hiệu quả khai thác của phần lớn các đội tàu không cao, thu nhập và đời sống của bà con ngư dân không ổn định, chậm được cải thiện. Sự gia tăng cường lực khai thác do số lượng tàu thuyền tăng dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị suy giảm. Tàu thuyền chưa đảm bảo an toàn và kỹ thuật khai thác còn lạc hậu. Rủi ro và an toàn khi tham gia sản xuất trên biển vẫn là mối lo thường trực của bà con ngư dân. Trong nuôi trồng thủy sản, công tác cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, quản lý con giống, vùng nuôi theo hướng tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều hạn chế. Sự liên kết và phân công sản xuất còn nhiều tồn tại, nguồn nguyên liệu chưa ổn định.
Thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác dự báo thống kê chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý của ngành. Vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn đang trong quá trình tháo gỡ, khắc phục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghề cá chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển. (Tổng cục thuỷ sản, 2017). [11].
Chương 2