1.3. HIỆU LỰC THỰC THI CHÍNH SÁCH AN TOÀN VĨ MÔ
1.3.4. C ÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU LỰC CỦA CHÍNH SÁCH AN TOÀN VĨ MÔ
Trên thực tế, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô. Trong phần này, tác giả sẽ phân tích một số nhân tố chính, có ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô nói chung.
- Thể chế của chính sách an toàn vĩ mô
Như đã đề cập ở mục 1.2.1, khung thể chế là nền tảng hỗ trợ quá trình vận hành chính sách an toàn vĩ mô và để thực thi chính sách an toàn vĩ mô hoạt động hiệu quả thì cần xây dựng được cơ cấu tổ chức phù hợp với đặc điểm từng quốc gia. Trong đó, nhiệm vụ thực thi chính sách an toàn vĩ mô phải được phân công rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính (policy mandate), cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô cũng như việc phân quyền hợp lý để triển khai thực hiện chính sách an toàn vĩ mô (institutional arrangement). Nếu làm được như vậy thì sẽ nâng cao hiệu quả thực thi chính sách an toàn vĩ mô trong việc xử lý rủi ro hệ thống (khi phát hiện rủi ro), và/hoặc xử lý khủng hoảng (nếu xảy ra).
- Mức độ phát triển của thị trường tài chính
Sự phát triển của thị trường tài chính thể hiện ở một số tiêu thức như độ sâu của thị trường, sự đa dạng của tổ chức tham gia thị trường, sự phức tạp về cấu trúc của thị trường tài chính, sự đa dạng và phức tạp của các công cụ/sản phẩm tài chính mà các tổ chức cung ứng...
Một thị trường tài chính có sự phát triển ở mức cao, các hoạt động tài chính đan xem giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm mới khiến việc xác định phạm vi điều chỉnh trở nên không rõ ràng... sẽ có khả năng làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, giảm sát, từ đó có thể dẫn đến giảm hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô.
- Khả năng phân tích và đo lường rủi ro hệ thống
Thông thường, các công cụ an toàn vĩ mô chỉ sử dụng khi cơ quan quản lý nhận diện được rủi ro hệ thống và thấy rằng những rủi ro đã đủ lớn, cần phải can hiệp bởi các công cụ an toàn vĩ mô. Do đó, trong thực tế khả năng phân tích và đo lường rủi ro hệ
thống của cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng, quyết định việc can thiệp/không can thiệp của cơ quan quản lý, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực tài chính. Nếu như cơ quan quản lý không nhận diện được các rủi ro hệ thống tiềm ẩn hay nhận định không chính xác về mức độ rủi ro hệ thống thì sẽ đưa ra những hành động chính sách không phù hợp, và điều này ảnh hưởng đến hiệu lực thực thi chính sách an toàn vĩ mô.
- Khả năng sử dụng công cụ chính xác, kịp thời, linh hoạt, kết hợp nhiều công cụ Sau khi nhận diện và xác định được một cách chính xác rủi ro hệ thống, khả năng lựa chọn và sử dụng công cụ an toàn vĩ mô sẽ là yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả của chính sách an toàn vĩ mô. Để phát huy hiệu lực của chính sách, cơ quan quản lý cần sử dụng/loại bỏ công cụ an toàn vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt, với liều lượng vừa đủ để đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay, các nước thường hướng đến việc sử dụng đồng thời nhiều công cụ để vừa đạt được mục tiêu đề ra, vừa hạn chế những ngoại ứng tiêu cực không mong muốn của các công cụ an toàn vĩ mô.
- Tác động của các chính sách vĩ mô khác
Các chính sách vĩ mô có tác động trực tiếp đến mục tiêu chính sách, nhưng bên cạnh đó cũng có ngoại ứng (mong muốn hoặc không mong muốn) đến mục tiêu của chính sách vĩ mô khác. Phân tích của Schoenmaker (2010) được mô tả trong Hình 1, phần 1.1.2. chỉ ra các ngoại ứng do chính sách an toàn vi mô và chính sách tiền tệ tác động đến mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô được thể hiện ở những mũi tên với nét đứt đoạn. Tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia và trong từng hoàn cảnh cụ thể, các ngoại ứng tác động đến mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô có thể có mức độ khác nhau. Ví dụ trong trường hợp chính sách tiền tệ đột ngột hạ lãi suất nhanh và mạnh sẽ có tác động đến khối lượng tín dụng mà các TCTD cho vay nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của hệ thống (vốn là một chỉ tiêu cần theo dõi của chính sách an toàn vĩ mô).
- Khoảng trống pháp lý
Khoảng trống pháp lý ở đây được hiểu là những nội dung/vấn đề chưa được quy định cụ thể trong khuôn khổ pháp luật. Thông thường, những hoạt động hay sản phẩm/dịch vụ mới mẻ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi bắt đầu được cung cấp mà không trái với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ có sự giao thoa giữa nhiều lĩnh vực khác nhau (như bancasuarance, shadow bank, và gần đây là fintech) chưa được phân quyền quản lý, giám sát một cách chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến khả năng gây xáo trộn đối với khu vực tài chính. Do đó, cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng nhận diện được các khoảng trống pháp lý và lấp đầy các khoảng trống này bằng các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết.
- Tác động của các yếu tố bên ngoài
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, một nước sẽ (ít hay nhiều) chịu tác động từ những biến động của thị trường quốc tế. Đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tác động từ thị trường tài chính quốc tế sẽ tác động một cách nhanh chóng, mạnh mẽ hơn các lĩnh vực khác. Mức độ tác động của thị trường tài chính quốc tế cũng phụ thuộc vào quy mô, mức độ phát triển cũng như mức độ hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế của từng nước. Vì vậy, một số chuyên gia IMF, WB cũng đã cho rằng việc xây dựng chính sách an toàn vĩ mô của các nước lớn nên có tầm nhìn vượt khỏi phạm vi quốc gia. Do đó, hiệu lực thực thi chính sách an toàn vĩ mô của một nước đương nhiên sẽ chịu tác động của các yếu tố bên ngoài (tích cực hoặc tiêu cực).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chính sách an toàn vĩ mô là chính sách trọng tâm nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các rủi ro hệ thống có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định và lành mạnh của hệ thống tài chính. Với mục tiêu như vậy chính sách này cần được thiết kế trong mối tương tác với chính sách an toàn vi mô và các chính sách vĩ mô khác (chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách cạnh tranh,...). Theo đó, chính sách an toàn vĩ mô (tập trung vào sự an toàn của toàn bộ hệ thống tài chính) là một bổ sung quan trọng cho chính sách an toàn vi mô (tập trung đảm bảo sự an toàn của các định chế tài chính riêng lẻ), là sự kết hợp hài hòa với chính sách vĩ mô khác (chính sách an toàn vĩ mô có thể kiềm chế những ảnh hưởng không mong muốn của chính sách tiền tệ và góp phần giảm bớt đi gánh nặng đối với chính sách tiền tệ).
Bên cạnh đó, mô hình thể chế cũng là yếu tố quan trọng cần xem xét nhằm đảm bảo chính sách an toàn vĩ mô được thực hiện một cách hiệu quả. Hiện tại, qua nghiên cứu tổng kết từ kinh nghiệm các nước cho thấy hiện tồn tại 7 mô hình thể chế phổ biến, mặc dù mỗi mô hình này đều thể hiện những ưu/nhược điểm khác nhau nhưng không có mô hình nào thực sự nổi trội hơn mô hình nào. Để lựa chọn một mô hình phù trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô hợp cần xem xét bổ sung các yếu tố đặc trưng về cấu trúc hệ thống tài chính, về các đặc điểm chính trị, văn hóa cụ thể của từng nước cụ thể.
Đối với việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô, cần hết sức lưu ý đến việc xác định các tiêu chí và ngưỡng của các tiêu chí này được sử dụng trong quá trình phân tích, đánh giá (gọi chung là giám sát) và việc sử dụng các công cụ an toàn vĩ mô phải tuân thủ các bước và tiêu chí rõ ràng. Tiếp đến là quá trình đưa ra chính sách và thu hồi các chính sách trước đó. Điều này thể hiện hiệu lực của việc thực thi chính sách. Để đạt được hiệu quả trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô, các nhà hoạch địch chính phải nắm vững cơ chế chuyền dẫn chính sách an toàn vĩ mô cũng như kênh liên kết với các chính sách khác để vừa đảm bảo tính chính xác, linh hoạt lại vừa kịp thời của bộ công cụ.
CHƯƠNG 2