Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
2.4.1. Nhiệm vụ thực thi chính sách an toàn vĩ mô được quy định rõ trong luật NHTW của các nước.
Cụ thể là nhiệm vụ đảm bảo ổn định tài chính và thực thi chính sách an toàn vĩ mô được quy định trong Luật NHTW Malaysia 2009, Luật sửa đổi của NHTW Hàn Quốc 2011, Luật Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (2003). Việc quy định cụ thể trong luật là cơ sở quan trọng để NHTW các nước này có đủ quyền lực trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô.
2.4.2. Việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô thường bao gồm hai giai đoạn chính là giám sát an toàn vĩ mô và sử dụng công cụ an toàn vĩ mô.
Malaysia xây dựng quy trình ban hành chính sách gồm 3 bước: (i) giám sát an toàn vĩ mô thông qua các công cụ giám sát như các chỉ số và hệ thống cảnh báo sớm cũng như đánh giá rủi ro, kiểm định sức chịu đựng vĩ mô; (ii) đánh giá mức độ, khả năng và tác động của rủi ro hệ thống, đề xuất chính sách xử lý, và (iii) đưa ra các quyết định về việc sử dụng công cụ an toàn vĩ mô. Tương tự, NHTW Hàn Quốc chú trọng quá trình giám sát an toàn vĩ mô theo các bước: (1) Xác định nguồn gốc rủi ro; (2) Nhận diện rủi ro; (3) Đánh giá rủi ro; (4) Cảnh báo rủi ro; từ đó đưa ra các khuyến nghị và đề xuất hành động chính sách thông qua việc áp dụng các công cụ an toàn vĩ mô. Đây là hai giai đoạn cơ bản và quan trọng của thực thi chính sách an toàn vĩ mô.
Với đặc thù riêng, Trung Quốc xây dựng khung theo dõi, giám sát rủi ro hệ thống bao gồm 3 cấp độ (các cuộc họp của FCRG, hoạt động giám sát của từng cơ quan, và sự phối hợp giữa các cơ quan). Việc kiểm định sức chịu đựng (stress test), xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hay phân tích rủi ro hệ thống cũng được áp dụng để đánh giá rủi ro trong các cơ quan giám sát chuyên ngành và được FSB khuyến nghị nên phân tích mối tương tác giữa các công cụ của cơ quan chuyên ngành áp dụng. Việc sử dụng công cụ an toàn vĩ mô được quyết định thực hiện/không thực hiện tại các cuộc họp của FCRG.
Tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Quy chế giám sát rủi ro hệ thống (theo Quyết định số 2563/QĐ-NHNN ngày 31/12/2016) nhằm quy định nội dung, trình tự, thủ tực, trách nhiệm của các đơn vị trong thực hiện giám sát rủi ro hệ thống. Theo Quy chế này, quy trình giám sát rủi ro hệ thống được thực hiện qua 4 bước: Theo dõi hệ thóng tài chính, Nhận diện rủi ro, Đánh giá rủi ro và Báo cáo rủi ro. Đây có thể xem là giai đoạn giám sát an toàn vĩ mô như kinh nghiệm quốc tế. Để thực hiện đầy đủ chính sách an toàn vĩ mô, NHNN cần thực hiện giai đoạn 2 là đề xuất lựa chọn, áp dụng công cụ an toàn vĩ mô để xử lý các nguy cơ rủi ro trên hệ thống tài chính.
2.4.3. Thực hiện nhiệm vụ ổn định tài chính cần có sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ một cách đầy đủ, toàn diện, cụ thể là về quá trình giám sát an toàn vĩ mô, đánh giá rủi ro hệ thống, quyết định chính sách và đánh giá hiệu lực của chính sách.
Tại Malaysia, có sự phối hợp, thống nhất trong quy trình giám sát, đánh giá, quyết định chính sách, công tác giám sát an toàn vi mô cũng được tăng cường để nâng cao
hiệu quả giám sát an toàn vĩ mô. Công tác phối hợp được thực thi thông qua Ủy ban điều hành ổn định tài chính - là ủy ban cấp cao được thành lập theo Luật, có thẩm quyền xem xét và quyết định chính sách liên quan đến ổn định tài chính, thành phần bao gồm đại diện NHTW, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán, Bảo hiểm tiền gửi... Thông qua điều hành của Ủy ban, các quyết định về ổn định tài chính, chính sách an toàn vĩ mô được thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Tại Hàn Quốc, mô hình SAMP được xây dựng nhằm đánh giá toàn diện các nhân tố rủi ro hệ thống tài chính hỗ trợ cho công tác điều hành chính sách an toàn vĩ mô. Mô hình SAMP không chỉ thực hiện giám sát rủi ro hệ thống mà còn thực hiện kiểm định sức chịu đựng (stress test), đánh giá hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô áp dụng.
Trung Quốc xây dựng mô hình thể chế cho việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô với sự tham gia của Quốc vụ viện đứng đầu và sự tham gia của các cơ quan chức năng cùng với việc phân định trách nhiệm cho từng đơn vị trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô. Đối với những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi giữa các đơn vị mà chưa được quy định rõ ràng thì sẽ được thực hiện theo Biên bản ghi nhớ đã được thống nhất giữa các đơn vị.
Hiện tại ở Việt Nam, chưa có một đơn vị chịu trách nhiệm điều phối các nhiệm vụ liên quan đến ổn định tài chính, chính sách an toàn vĩ mô. Do đó, thiếu sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong giám sát an toàn vĩ mô và áp dụng các biện pháp, chính sách.
Từ đó, có thể thấy thật sự cần thiết thành lập một đơn vị như Hội đồng ổn định tài chính ở cấp quốc gia để điều phối, chỉ đạo các hoạt động liên quan đến ổn định tài chính do các Bộ, ngành khác nhau thực hiện.
2.4.4. Nguy cơ rủi ro hệ thống thường bắt nguồn từ khu vực bất động sản và công cụ LTV là lựa chọn phổ biến để xử lý rủi ro này.
Ở các quốc gia nghiên cứu, quá trình giám sát an toàn vĩ mô đều cho thấy nguy cơ rủi ro do giá nhà ở, bất động sản tăng quá mức và các quốc gia đã áp dụng công cụ LTV để xử lý rủi ro hệ thống. Thị trường bất động sản ở Hàn Quốc trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng 2000-2002, giá nhà tăng cao, ở mức bình quân 8,9%/năm, cùng với đó tín dụng của hộ gia đình để mua nhà tăng cao, ở mức bình quân 13,9%/năm. NHTW Hàn Quốc đã áp dụng công cụ LTV để hạn chế rủi ro hệ thống do sự tăng nóng của giá nhà và tín dụng vào bất động sản. Trung Quốc cũng trải qua bối cảnh tượng tự và đã áp dụng công cụ LTV.
Tại Việt Nam, tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đạt 11,06 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nền kinh tế đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản khoảng 5,7 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 80% dư nợ cho vay), tổng vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng đạt trên 806 nghìn tỷ đồng (Vietnambiz.vn).
Như vậy, giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản tính đến cuối năm 2018 là khoảng 240 tỷ USD (tương đương với GDP 2018), trong khi vốn tự có của toàn hệ thống là khoảng 35 triệu USD. Trong điều kiện như vậy, nếu như giá bất động sản giảm 15% thì sẽ khiến toàn bộ hệ thống ngân hàng mất tất cả vốn tự có. Vì vậy, NHNN Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản. Các chỉ số LTV và DTI là những gợi ý tốt cho việc áp dụng tại Việt Nam.
2.4.5. Để phòng ngừa, hạn chế rủi ro hệ thống và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế cần có sự phối hợp nhiều công cụ chính sách, bao gồm chính sách an toàn vĩ mô, chính sách an toàn vi mô, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Như đã phân tích tại Chương 1, chính sách an toàn vĩ mô chỉ là một trong số rất nhiều chính sách có tác động đến ổn định tài chính và để đảm bảo thực hiện mục tiêu ổn định tài chính thì cần phải có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách an toàn vĩ mô với nhiều chính sách khác nhằm hạn chế sự lệch pha cũng như tác động ngoại ứng của các chính sách.
Tại Malaysia, để xử lý rủi ro hệ thống từ thị trường bất động sản, có sự phối hợp áp dụng nhiều công cụ chính sách, bao gồm công cụ LTV (chính sách an toàn vĩ mô), điều chỉnh trọng số rủi ro (chính sách an toàn vi mô), áp dụng thuế lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản (chính sách tài khóa). Ngoài ra, tác động của việc áp dụng công cụ chính sách an toàn vĩ mô cần đánh giá toàn diện vì có thể làm giảm rủi ro ở lĩnh vực này nhưng có thể gia tăng rủi ro ở lĩnh vực khác.
Tương tự, kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy việc thắt chặt công cụ LTV và DTI có tác dụng làm giảm rủi ro hệ thống ở khu vực ngân hàng nhưng đồng thời làm chuyển hướng tín dụng sang tổ chức tín dụng phi ngân hàng và gia tăng rủi ro ở khu vực này.
2.4.6. Để đánh giá hiệu lực của chính sách cần xây dựng mô hình kinh tế lượng và thu thập dữ liệu có thời gian đủ dài, cả trước thời gian áp dụng công cụ và sau khi áp dụng công cụ.
Trong trường hợp của Malaysia, thời gian bắt đầu áp dụng công cụ là năm 2010, dữ liệu được sử dụng từ năm 2004 đến hết năm 2013, sau đó việc đánh giá được tiếp tục thực hiện vào hàng quý. NHTW Indonesia đánh giá việc áp dụng công cụ chính sách an toàn vĩ mô trong giai đoạn 01/2011-08/2014, dựa trên xây dựng mô hình kinh tế lượng gồm nhiều biến số như nợ xấu, chỉ số giá bất động sản, tăng trưởng GDP, lãi suất liên ngân hàng…
Tại Hàn Quốc, NHTW xây dựng mô hình SAMP nhằm đánh giá các nhân tố rủi ro của hệ thống tài chính một cách tòa diện và có hệ thống. Mô hình SAMP cũng được sử dụng để phân tích ảnh hưởng của chính sách an toàn vĩ mô qua quá trình áp dụng công cụ chính sách. Ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng
mô hình đánh giá rủi ro hệ thống rieenng biệt để hỗ trợ thiết lập chính sách an toàn vĩ mô như mô hình RAMSI (Anh), SRM (Áo), MFRAF (Canada).
Với Trung Quốc, việc theo dõi rủi ro hệ thống bao gồm 3 cấp độ, trong đó việc đánh giá, phân tích rủi ro cùng với việc đưa ra các công cụ thực hiện do các cơ quan giám sát chuyên ngành đảm nhận và mỗi cơ quan tự xây dựng khuôn khổ phân tích riêng của mình, bao gồm kiểm định sức chịu đựng, mô hình cảnh báo sớm rủi ro và phân tích rủi ro hệ thống.
2.4.7. Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong thực thi chính sách an toàn vĩ mô
Công tác truyền thông đối với chính sách an toàn vĩ mô thể hiện sự minh bạch trong quá trình thực thi chính sách đối với các cơ quan chính phủ và công chúng, có tính chất định hướng dư luận và từ đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối khi cơ quan quản lý áp dụng/thay đổi/loại bỏ một hoặc nhiều công cụ an toàn vĩ mô. Đây là một phần công việc đóng góp vào sự thành công trong điều hành chính sách an toàn vĩ mô của các nước.
Việc thực hiện công tác truyền thông nên được thực hiện bởi cơ quan được giao nhiệm vụ chính trong việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô nhưng cần phải được phối hợp bởi các cơ quan nhà nước có liên quan.
NHTW Hàn Quốc sử dụng Báo cáo ổn định tài chính (FSR), xuất bản định kỳ 6 tháng, cung cấp toàn diện, minh bạch thông tin về hệ thống tài chính, đưa ra cảnh báo sớm các nguy cơ rủi ro hệ thống và hành động chính sách. Hàn Quốc rất coi trọng FSR, khi việc xây dựng FSR được quy định tại Luật NHTW và yêu cầu FSR phải được nộp lên Quốc hội.
NHTW Malaysia xây dựng quy trình truyền thông chính sách an toàn vĩ mô gắn kết với các đơn vị bên ngoài, thực hiện quy trình toàn diện và rõ ràng, cho phép truyền thông hiệu quả các chính sách và vấn đề liên quan. Quá trình truyền thông được thực hiện rõ ràng, minh bạch, gắn kết công chúng từ quá trình xây dựng chính sách, ban hành chính sách.
Tại Trung Quốc, PBOC thực hiện thông cáo rộng rãi trên trang web, mạng xã hội và các báo cáo quý, báo cáo thường niên.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Kinh nghiệm các quốc gia được nghiên cứu cho thấy, việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô thường bao gồm hai giai đoạn chính: (i) giám sát an toàn vĩ mô và (ii) sử dụng các công cụ an toàn vĩ mô. Để thực hiện được hiệu quả cả hai giai đoạn trên cần có sự phối hợp thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện của các cơ quan quản lý có liên quan trọng việc giám sát an toàn vĩ mô, đánh giá rủi ro hệ thống, đưa ra quyết định chính sách và đánh giá hiệu lực chính sách để hiệu chỉnh. Ngoài ra, nhằm phòng ngừa và hạn chế các sự hình thành rủi ro hệ thống và các tác động tiêu cực có thể của các rủi ro này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách an toàn vĩ mô với các chính sách khác như chính sách an toàn vi mô, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa... Do đó, nhiệm vụ thực thi chính sách an toàn vĩ mô được quy định rõ ràng và đầy đủ trong Luật NHTW của các nước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự hiệu quả cho quá trình giám sát và thực thi chính sách an toàn vĩ mô, cần thiết phải xây dựng được mô hình phân tích đánh giá có chất lượng và hệ thống cơ sở dữ liệu đảm bảo cả về chất và lượng trong giai đoạn đủ dài (cả trước và sau khi áp dụng công cụ).
Một điều đáng chú ý là để đảm bảo thực thi chính sách an toàn vĩ mô hiệu quả ở các quốc gia nghiên cứu thì công tác truyền thông về ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc sự minh bạch trong quá trình thực thi chính sách, định hướng dư luận từ đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Và một trong những công cụ truyền thông hiệu quả là việc công khai Báo cáo ổn định tài chính ở các nước.
CHƯƠNG 3