CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ THU THUẾ TÀI NGUYÊN
1.2. Kinh nghiệm quản lý thu thuế tài nguyên của một số địa phương và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên
1.2.1. Kinh nghiệm quản lý thu thuế tài nguyên của một số địa phương
Thu thuế trong lĩnh vực thuê đất, tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Vì đối tượng phải nộp thuế lĩnh vực này luôn tìm cách trốn tránh, đối phó các cơ quan chức năng. Hải Dương có các nguồn tài nguyên, khoáng sản như đất đai, đá vôi, đất sét, cát... Tuy nhiên, việc đưa vào quản lý và khai thác nguồn tài nguyên, khoáng sản này còn nhiều hạn chế.
Theo phản ánh của nhân dân, tình trạng khai thác trái phép cát, đất sét trắng, than trên địa bàn tỉnh diễn ra trong nhiều năm, nhưng việc kiểm soát, ngăn chặn còn chưa kịp thời. Hiện nhu cầu cát tại Hải Dương đáp ứng việc thi công đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, san lấp mặt bằng các dự án khác rất cao.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, tình trạng khai thác cát trái phép tập trung tại các xã Liên Hòa, Bình Dân, Việt Hưng (Kim Thành), Hồng Phong, Văn Giang (Ninh Giang), Đại Đồng (Tứ Kỳ), An Lạc, Đồng Lạc (Chí Linh), Trùng Khánh (Gia Lộc), phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)... Khối lượng cát khai thác trái phép được tập kết tại 146 bến bãi;
trong đó, chỉ có 58 bến bãi có giấy phép. Mỗi năm các điểm khai thác cát trái phép cung ứng cho thị trường gần 200.000 m3 cát.
Lợi dụng vào nguồn tài nguyên khai thác trái phép này, nhiều "doanh nghiệp ma" được thành lập. Các doanh nghiệp này sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để hợp pháp hóa "đầu vào" cho các doanh nghiệp từ địa phương khác. Các "doanh nghiệp ma" này được thành lập thông qua một đường dây từ TP Hải Phòng, với thủ đoạn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người dân thiếu hiểu biết như thuê nông dân ở một số huyện Kim Thành, Chí Linh làm "giám đốc" để đến cơ quan chức năng của tỉnh làm thủ tục đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu. Trước thực trạng này, ngày 15-9-2008, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực thuê đất, thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản". Theo đó, từ tỉnh đến các huyện, ban chỉ đạo đề án được thành lập với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành liên quan. Các cơ quan chức năng của tỉnh như Cục Thuế, Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực tuyên truyền pháp luật hiện hành về thuế; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về thu tiền thuê đất, thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường; rà soát, đưa vào quản lý các đối tượng thuê đất và thực hiện các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Hải Dương chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu; chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép tài nguyên; kiên quyết xử lý các đối tượng cố tình vi phạm... Các tổ chức, cá nhân có thể nộp thuế thuê đất, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường tại các điểm thu của Cục Thuế hoặc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Sau hơn một năm triển khai, đề án "Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực thuê đất, thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường
trong khai thác khoáng sản" tại Hải Dương bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương 62,8 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã đưa vào quản lý 1.121 đối tượng thuê gần 3.000 ha đất, tăng 264 đối tượng và hơn 1.067 ha đất so năm 2007. Năm 2009, tỉnh xác định được số tiền thuê đất phải thu hơn 90,6 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai đề án, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số dự án chuyển nhượng đất không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ nghĩa vụ tài chính; ẩn dưới hình thức chuyển nhượng vốn để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Các cơ quan chức năng đã truy thu hơn 27,85 tỷ đồng từ 59 dự án chuyển nhượng đất. Tỉnh đưa vào quản lý 143 đối tượng khai thác tài nguyên; thu nộp ngân sách hơn 21,6 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Đến nay, Cục Thuế, Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã kịp thời ngăn chặn, phát hiện 43 "doanh nghiệp ma"
được thành lập để buôn bán trái phép hóa đơn GTGT; truy thu và xử phạt gần 10 tỷ đồng. Cục Thuế đã chủ động phối hợp Công an tỉnh và UBND các huyện kiên trì vận động, thuyết phục các "giám đốc" là nông dân được thuê ra khai báo. Qua đấu tranh, các cơ quan chức năng đã lập biên bản và thông báo toàn quốc các số hóa đơn bất hợp pháp với số tiền ghi trên hóa đơn gần 70 tỷ đồng. Phần lớn các "giám đốc" là nông dân đều khai báo thành khẩn để tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khi bị phát hiện khai tăng "đầu vào" để chiếm đoạt số tiền lớn từ hoàn thuế GTGT đã phản ứng quyết liệt. Cục Thuế tỉnh kiên trì tuyên truyền, vận động, và truy thu được nguồn thuế đáng kể. Đối với một số doanh nghiệp cố tình chống đối, Cục Thuế tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý. Rõ ràng, thông qua việc thực hiện đề án này, sức răn đe đối với các doanh nghiệp có ý định làm ăn bất hợp pháp rất lớn.
Thông qua triển khai đề án, tỉnh Hải Dương đã lập lại kỷ cương trong quản lý hoạt động cho thuê đất, khai thác tài nguyên và khoáng sản. Đề án đã nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức chỉ
đạo, điều hành triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước về thuế; tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đã thuê đất nhưng không có khả năng để triển khai dự án được phép chuyển nhượng. Các dự án được tỉnh cho phép chuyển nhượng chỉ khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thuê đất và khai thác tài nguyên, khoáng sản; kiên quyết xử lý, thu hồi đất đối với các dự án "treo" và các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản.
b. Kinh nghiệm quản lý thu thuế tài nguyên ở Hòa Bình
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, các doanh nghiệp khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh được cấp phép thăm dò bao gồm các lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng và xi măng, quặng sắt, vàng, đa kim, than đá, quặng antimon, đồng, kaolin, nước khoáng.
Hoạt động của các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách. Thực tiễn công tác quản lý thuế về khai thác khoáng sản còn khó khăn do phần lớn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có điểm mỏ khai thác tại vùng sâu vùng xa, kết quả khai thác, kinh doanh khó kiểm tra giám sát; một bộ phận nhỏ doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc kê khai đầy đủ số thuế thực tế phát sinh, không tính đúng, tính đủ cũng như nộp đúng, nộp đủ số thuế đã kê khai; còn một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trốn thuế, tránh thuế với những hành vi gian lận thuế ngày càng đa dạng, tinh vi. Trong đó doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chịu sự điều chỉnh của nhiều sắc thuế liên quan như thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế môn bài, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản nên việc quản lý và thu thuế đòi hỏi phải có nhiều biện pháp.
Nhằm chống thất thu thuế đối với khai thác khoáng sản, ngành thuế tỉnh Hòa Bình đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thuế; có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế, kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, qua đó đánh giá chính xác nội dung thông tin kê khai trong hồ sơ thuế như sản lượng khai thác, sản lượng tiêu thụ, giá thành, giá bán, … giúp cơ quan thuế nắm được khối lượng, chủng loại khoáng sản có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý thuế. Đồng thời ngành thuế đề nghị cơ quan chức năng các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn hoạt động kinh doanh, khai thác không kê khai, nộp các loại thuế phí theo quy định, trường hợp không chấp hành đúng giấy phép khai thác kiên quyết đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép.
c. Kinh nghiệm quản lý thu thuế tài nguyên ở thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế
Năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã là 119,55 triệu đồng đạt 112,3% dự toán pháp lệnh, 107,2% dự toán huyện giao, trong đó thu thuế tài nguyên từ doanh nghiệp khai thác khoáng sản đạt 6.459 triệu đồng, thực hiện vượt dự toán. Để đạt được kết quả đó, chi cục thuế thị xã Hương Trà đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thuế tài nguyên mới, sửa đổi bổ sung như các quy định mới về cách tính thuế tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên, … chú trọng đến nghĩa vụ và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trên nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức đa dạng, tuyên truyền từ cơ sở thông qua các đoàn thể, các tổ chức quần chúng.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân khai thác cát sỏi trái phép theo luật định.
Ủy ban nhân dân xã, phường có nguồn tài nguyên cát sỏi được phép khai thác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã thành lập Ban quản lý, tổ kiểm tra giám sát để kiểm tra tàu, thuyền vào khai thác theo khối lượng đăng ký hàng ngày.
Chi cục thuế thị xã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân xã, phường để thu đầy đủ số thuế tài nguyên, phí bảo bệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác. Chi cục thuế cùng với phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Tài nguyên và môi trường, phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã quyết định về việc ban hành quy định quản lý khai thác cát, sỏi và quyết định về việc phê duyệt phương án quản lý khai thác cát sỏi tại địa phương theo luật định.
d. Kinh nghiệm quản lý thuế tài nguyên ở Bắc Giang
Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, trốn thuế, phá huỷ môi trường nhưng việc quản lý thu thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản hiện nay chỉ thực hiện được đối với các cơ sở có địa điểm cố định.
Cơ quan Thuế các cấp đã kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện Pháp lệnh Thuế Tài nguyên đối với khai thác khoáng sản đến toàn thể cán bộ công chức ngành Thuế và các tổ chức, cá nhân khai thác, thu mua khoáng sản, kịp thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường công tác chỉ đạo thu, đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng đến tổ chức, cá nhân nộp thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Cơ quan Thuế đã phối hợp với các cấp, các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Công an, các huyện, thành phố, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, quản lý chặt chẽ nguồn thu đối với khai thác khoáng sản, kịp thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc kê khai thu nộp tiền thuế, phí, lệ phí.
- Năm 2012 số thu thuế tài nguyên là 556 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là 897 triệu đồng;
- Năm 2013 số thu thuế tài nguyên là 1.209 triệu đồng, tăng so năm trước 653 triệu đồng, tỷ lệ tăng 117,37%; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản 1.438 triệu đồng, tăng so năm trước 541 triệu đồng, tỷ lệ tăng 60,24%;
- Năm 2014 thu thuế tài nguyên là 8.441 triệu đồng, tăng so năm trước 7.232 triệu đồng, tỷ lệ tăng 598,04%; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản 2.154 triệu đồng, tăng so năm trước 716 triệu đồng, tỷ lệ tăng 49,75%;