CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ THU THUẾ TÀI NGUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
4.1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
4.1.1. Quan điểm về quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
a. Quản lý thu thuế tài nguyên phải dựa trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.
Tại một Quốc gia mà tài nguyên thiên nhiên được coi là thế mạnh trong quá trình phát triển như Việt Nam thì việc quản lý, khai thác sao cho có hiệu quả là vấn đề rất quan trọng bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, nhiều tài nguyên không có khả năng tái tạo và không phải ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều dồi dào và sẵn có. Với ý nghĩa đó, Đảng và nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên được cụ thể hóa trong các văn bản quy định về luật thuế tài nguyên.
Cục thuế tỉnh Thái Nguyên là cơ quan quản lý nhà nước về thuế tài nguyên trên địa bàn, chính vì vậy, phải tuân thủ nghiêm túc luật và các quy định về quản lý tài nguyên cũng như thuế tài nguyên. Bên cạnh đó, Cục thuế cần tuyên truyền phố biến chính sách thuế tài nguyên đến người nộp thuế nhằm nâng cao ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế.
b. Quản lý thu thuế tài nguyên phải đảm bảo tăng cường quản lý Nhà nước đối với các nguồn tài nguyên nhằm thúc đẩy khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng tăng trưởng bền vững.
Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia ngày càng cạn kiệt do khai thác không đúng quy hoạch, khai thác không phép. Việc này, gây nên những tác
hại xấu đến môi trường đặc biệt là nguồn tài nguyên không tái tạo. Đảng và nhà nước đã có nhiều công cụ tài chính để quản lý nguồn tài nguyên. Trong đó, pháp luật về thuế tài nguyên là công cụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên. Mức thuế suất thuế tài nguyên được sử dụng nhằm khai thác sử dụng hợp lý tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cục thuế tỉnh dựa trên biểu tính thuế của Bộ tài chính, Tổng cục thuế và đặc điểm của địa phương, tham mưu với ủy ban nhân dân Tỉnh đưa ra mức thuế suất thuế tài nguyên thiên nhiên phù hợp. Kết hợp cùng các sở ban ngành khác quản lý tài nguyên tránh việc doanh nghiệp khai thác tài nguyên một cách quá mức.
c. Quản lý thu thuế tài nguyên phải đảm bảo nguyên tắc thu đúng, thu đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước
Thuế tài nguyên là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách địa phương vì đây là khoản thu điều tiết 100% cho ngân sách địa phương (trừ dầu khí) theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước. Trong những năm gần đây, số thu từ thuế tài nguyên tuy còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP nhưng cũng đã tăng. Điều này cho thấy công tác quản lý thuế tài nguyên ngày càng chặt chẽ, đúng với nguyên tắc thu đúng thu đủ, thu kịp thời.
4.1.2. Định hướng thực hiện công tác quản lý thu thuế tài nguyên
a. Cụ thế hóa và phổ biến sâu rộng cho người nộp thuế các văn bản, quy định về luật thuế tài nguyên.
Thuế tài nguyên là một sắc thuế phức tạp vì mỗi loại tài nguyên có giá tính thuế và thuế suất khác nhau. Thường xuyên tổ chức tập huấn đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp mỗi khi chính sách thuế sửa đổi bổ sung để người nộp thuế thực thi chính sách kịp thời theo đúng quy định của nhà nước. Ngoài ra, còn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi sắc thuế.
b. Thực hiện quản lý thu thuế theo hướng hiện đại
Thành lập bộ phận một cửa, quản lý theo chuyên mốn hóa và chuyên
sâu. Có nhiều hình thức hỗ trợ, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế; kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, qua đó đánh giá chính xác các nội dung thông tin kê khai trong hồ sơ thuế như sản lượng khai thác, sản lượng tiêu thụ, giá thành, giá bán... giúp cơ quan thuế nắm được khối lượng, chủng loại tài nguyên có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
c. Nâng cao nhận thức và trình độ nghiệp về về quản lý thuế tài nguyên cho cán bộ nhân viên cục thuế
Phát động phong trào thi đua trong cán bộ ngành thuế: luôn khuyến khích tính tự chủ, chủ động, sáng tạo của cá nhân trong quản lý khai thác nguồn thu trong đó có nguồn thu thuế tài nguyên
Tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về quản lý thuế tài nguyên cho cán bộ thuế ở cơ sở, đối thoại trực hoặc gián tiếp cùng người nộp thuế nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực thi sắc thuế, từ đó giúp cán bộ thuế nắm vững những quy định về thuế tài nguyên và cách xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến lĩnh vực thuế tài nguyên.
4.1.3. Mục tiêu của công tác quản lý thu thuế tài nguyên đến năm 2025 - Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm, trong đó có nhiệm vụ thu thuế tài nguyên.
- Thực hiện các chính sách của Chính phủ về những giải pháp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tận dụng những thuận lợi, hạn chế những khó khăn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
- Đẩy mạnh tiến trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức cục thuế nhằm tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ ngân sách
- Thực hiện tốt chương trình phòng chống tham nhũng, tránh lãng phí trong cơ quan thuế.