CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ THU THUẾ TÀI NGUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
4.2. Giải pháp tăng cường quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
4.2.1. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế
* Tăng cường hoạt động tuyên truyền ý thức trách nhiệm nộp thuế tài nguyên Hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn Thái Nguyên hiện nay tập trung chủ yếu vào việc khai thác các khoáng sản như than mỡ, than đá, kim loại đen, kim loại màu, đá xây dựng, đất sét…Tham gia vào hoạt động khai thác tài nguyên không chỉ có các doanh nghiệp mà còn có cả các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ không đăng ký hoạt động khai thác tài nguyên với các cơ quan quản lý môi trường và cơ quan chức năng. Điều này gây không ít khó khăn cho việc thu thuế khai thác tài nguyên cũng như gây thất thoát, lãng phí tài nguyên do không quản lý được việc khai thác; Do đó, một trong những trọng tâm của hoạt động tuyên truyền mà cơ quan thuế nên hướng tới là cần phổ biến tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên với việc phát triển kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, từ đó mỗi cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá, tránh sử dụng lãng phí.
Tuyên truyền, giáo dục toàn dân nâng cao nhận thức trong việc thực thi chính sách thuế tài nguyên cũng như các chính sách kinh tế - xã hội khác, chính sách thuế tài nguyên muốn áp dụng thành công đạt hiệu quả cao cần phải được đông đảo các tầng lớp dân cư đồng tình ủng hộ và thừa nhận. Do đó cần tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng trên phạm vi toàn quốc về chính sách thuế tài nguyên, đặc biệt là bản chất, chức năng, vai trò, mục tiêu và các nội dung chủ yếu của chính sách thuế một cách đơn giản và dễ hiểu. Công tác tuyên truyền và giải đáp chính sách thuế cần diễn ra thường xuyên, liên tục và dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tờ rơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, học đường, phim ảnh, pa nô...để chính sách thuế thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán ngay trong toàn ngành thuế đến người nộp thuế. Giải pháp này được thực hiện tích cực,
sẽ làm giảm chi phí hành thu thuế và mức độ trốn lậu thuế sẽ được thu hẹp, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn TNTN của đất nước. Bên cạnh các mục tiêu cung cấp thông tin, tuyên truyền về chính sách thuế cần coi trọng việc tiếp thu ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời trong quá trình tổ chức thực thi chính sách.
* Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên
Mục đích chính của thanh tra, kiểm tra thuế nói chung là nhằm chống thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế. Riêng đối với hoạt động thanh kiểm tra thuế tài nguyên còn thêm một mục đích quan trọng nữa là nhằm đảm bảo sự công bằng bình đẳng giữa các người nộp thuế khác nhau và ngăn chặn, hạn chế việc khai thác tràn lan, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia. Chính vì vậy, trong năm 2020, một trong những nội dung hoạt động trọng tâm được ngành thuế chú trọng là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên của người nộp thuế. Tại Chi cục thuế Thái Nguyên, hiện tại, theo sơ đồ cơ cấu tổ chức thì đã sắp xếp bộ phận kiểm tra thuế và thanh tra thuế thành các bộ phận chức năng riêng không nằm ghép với các bộ phận khác, điều này cho thấy Chi cục có sự đánh giá cao đối với tầm quan trọng của hoạt động này, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra thuế khi được chia làm 2 phòng riêng biệt, trong đó phòng Kiểm tra số 1 thực hiện chức năng kiểm tra thuế tại trụ sở Chi cục và phòng Kiểm tra số 2 thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.
Tuy nhiên, hoạt động thanh tra kiểm tra đối với thuế tài nguyên lại chưa được Chi cục tập trung do hiện tại nguồn thu từ thuế tài nguyên là không đáng kể so với các nguồn thu từ các lĩnh vực khác; hơn nữa các cán bộ thuế phụ trách đối với mảng thuế tài nguyên còn mỏng và trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Kết quả đánh giá thực trạng đã chỉ rõ, hoạt động thanh tra kiểm tra thuế tài nguyên tại Chi cục hiện nay còn 2 vấn đề tồn tại khá lớn đó
là công tác kê khai và kế toán thuế còn nhiều thiếu sót và chưa kiểm soát việc người nộp thuế tự kê khai các thông tin cá nhân, dẫn đến còn nhiều sai sót gây ảnh hưởng tới hoạt động quản lý thu thuế của Chi cục
Do đó, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh, Chi cục cần tập trung vào một số giải pháp sau:
- Tách biệt hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế tài nguyên với các hoạt động thanh tra, kiểm tra chung của chi cục. Chi cục nên bố trí đội ngũ cán bộ thuế chuyên trách mảng thuế tài nguyên để thực hiện tách bạch hoạt động này so với hoạt động thanh tra kiểm tra nói chung. Vì hiện nay, tất cả các loại thuế đều được thanh, kiểm tra chung theo đợt và đều do một bộ phận thực hiện, điều này dẫn tới hệ quả là chưa sát sao được việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; dẫn tới giảm nguồn thu thuế.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra thuế tại trụ sở Chi cục thuế. Chi cục cần lên kế hoạch ngay từ đầu năm đối với hoạt động kiểm tra thuế sẽ diễn ra tại trụ sở Chi cục. Việc lên kế hoạch bao gồm rà soát đối tượng nộp thuế, lập danh sách đơn vị sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra; nội dung, quy trình thanh tra, kiểm tra và xác định thời điểm thông báo cho các đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, khi kiểm tra tại trụ sở của Chi cục cần yêu cầu các chủ thể nộp thuế kiểm tra kỹ các thông tin liên quan về bản thân họ do họ đã kê khai trước đó và gửi cho Chi cục, nếu cần thiết cần phải làm cam kết về tính xác thực của các thông tin đã được kê nhằm đảm bảo loại trừ được mọi sự cố tình khai sai khai không chính xác nhằm trốn trách nhiệm nộp thuế tài nguyên.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Trong năm 2018 và 2019, hoạt động này hầu như không được thực hiện đối với lĩnh vực thuế tài nguyên mà chỉ được thực hiện với các lĩnh vực trọng yếu, nguồn thu thuế lớn; Do đó, không phát hiện ra nhiều trường hợp các đơn vị, doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản trốn thuế, không thực hiện nghĩa vụ
thuế hoặc có hành vi gian lận trong kê khai thuế phải nộp; Vì vậy, trong thời gian tới chi cục cần đẩy mạnh việc thanh tra kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Việc này đòi hỏi cần phải lên kế hoạch ngay từ đầu, rà soát hồ sơ thuế của các đơn vị để phát hiện các trường hợp nghi ngờ có gian lận hoặc có khoản thu thuế lớn; từ đó thông báo cho đơn vị để tránh sự phản kháng, không hợp tác khi triển khai. Ngoài ra, cán bộ thanh, kiểm tra thuế cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác chuẩn bị kiểm tra thông qua thu thập các thông tin, phân tích, áp dụng triệt để phương pháp phân tích rủi ro để xác định các vấn đề cần kiểm tra trước khi đến trụ sở người nộp thuế.
* Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh trong việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức về thuế tài nguyên cũng như nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên của người nộp thuế
Quản lý thuế trong lĩnh vực tài nguyên liên quan đến nhiều cơ quan chức năng trong tỉnh, đặc biệt là các cơ quan cấp phép, quản lý việc khai thác tài nguyên cũng như các cơ quan thuộc ngành tài chính như Kho bạc nhà nước, Ngân hàng, Hải quan, Sở tài chính và phòng tài chính cấp huyện ..Ngoài ra việc quản lý thuế tài nguyên còn liên quan tới các cơ quan truyền thông như Báo, Đài truyền hình địa phương…trong việc phối hợp tuyên truyền để phổ biến chính sách thuế cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế
Thực tế cho thấy những năm qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan đứng đầu là Sở tài nguyên – môi trường tỉnh Thái Nguyên, sau đó là đến Phòng tài nguyên – môi trường các huyện, thị xã, thành phố; ngoài ra còn có UBND các cấp có thẩm quyền; dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, tràn lan và có hiện tượng vi phạm luật của các doanh nghiệp khai thác. Điều đó đã và đang tạo ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế Tài nguyên của Chi cục thuế Thái Nguyên. Ngoài ra, quá trình trao đổi thông tin về người nộp thuế
giữa Chi cục với các cơ quan ngành tài chính chưa thực sự hiệu quả do thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ; đồng thời, Chi cục cũng chưa tạo được mối quan hệ cần thiết với các cơ quan truyền thông như báo, đài để phối hợp các hoạt động tuyên truyền phổ biến cho người nộp thuế trong toàn tỉnh.
Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý cho mình trong lĩnh vực này, Chi cục cần chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và lên kế hoạch hành động chung một cách tỉ mỉ cụ thể.
- Cục Thuế chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban, ngành trong Tỉnh khi cùng tham gia phối hợp trong công tác quản lý thuế tài nguyên. Nhất là đối với các trường hợp nợ thuế tài nguyên thuộc diện phải cưỡng chế thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và giấy phép kinh doanh thì Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế để xử lý.
- Tăng cường rà soát việc áp dụng mức giá tính thuế của các đơn vị khai thác tài nguyên để có kiến nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh cập nhật, điều chỉnh và thay đổi bảng giá tính thuế cho phù hợp với thực tế. - Lên phương án gắn quản lý thu thuế với quản lý nhà nước trên địa bàn xã phường, thị trấn;
Gắn thu ngân sách xã, phường, thị trấn với thực hiện các nhu cầu chi trong việc thực hiện lập và chấp hành dự toán ngân sách xã, phường, thị trấn. Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo của cấp chính quyền cơ sở trong việc khai thác và quản lý tốt các nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản được uỷ nhiệm tại địa phương.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Chi cục với các cơ quan tài chính, chủ yếu là trong việc thiết lập hệ thống trao đổi thông tin hiệu quả để phục vụ cho quá trình quản lý thu thuế tài nguyên. Để làm được điều này, cần phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống máy tính hiện đại và nền tảng mạng ổn định tốc độ đường truyền cao để có thể tiến tới xây dựng hệ
thống trao đổi dữ liệu điện tử giữa các bên với nhau. Chúng ta đang ở thời đại của khoa học công nghệ, thì việc xây dựng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử là giải pháp hoàn hảo nhằm giúp quá trình trao đổi xử lý thông tin giữa các bên được an toàn và hiệu quả nhất, giảm thời gian xử lý truyền tải thông tin qua lại giữa các bên đồng thời đảm bảo tránh được các rủi ro liên quan đến tội phạm mạng tấn công và lấy cắp thông tin về người nộp thuế.
- Xây dựng kế hoạch phối kết hợp cụ thể với các cơ quan truyền thông trong tỉnh, mà quan trọng nhất là Đài phát thanh truyền hình tỉnh trong việc phát các thông tin liên quan tới cơ chế chính sách thuế tài nguyên, các quy định của nhà nước, thời điểm nộp thuế, nghĩa vụ của người nộp thuế, ý nghĩa của thuế tài nguyên với quản lý chung của nhà nước đối với quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản…