CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA KIỂM SOÁT NỘI BỘ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TRONG NGÂN HÀNG
1.1 CƠ SỞ LÝ LUẬN KIỂM SOÁT NỘI BỘ
1.1.4 Nguyên tắc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ trong ngân hàng thương mại
Theo Ủy ban Basel, việc thiết lập hệ thống KSNB cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
“Nguyên tắc 1: Ban quản lý bao gồm các thành viên thuộc Hội đồng quản trị có trách nhiệm giám sát chung tình hình hoạt động của đơn vị, đồng
thời phê duyệt đưa ra các chiến lược kinh doanh, các chính sách quan trọng.
Đồng thời nhận biết được các rủi ro và đề ra các mức chấp nhận rủi ro. Dựa vào đó Ban Giám đốc sẽ tiến hành các bước đi cần thiết để nhận biết, định lượng, theo dõi và kiểm soát các rủi ro này, đồng thời kiểm soát, đánh giá tính hiệu quả của hệ thống KSNB. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc đảm bảo một hệ thống KSNB thích hợp và có hiệu quả được áp dụng và duy trì.
Nguyên tắc 2: Ban Giám đốc cần có trách nhiệm thực hiện các chiến lược và chính sách được Hội đồng quản trị phê duyệt; xây dựng các quy trình xác định, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro phát sinh của ngân hàng.
Đồng thời duy trì một tổ chức có sự phân công rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn và thiết lập các mối quan hệ báo cáo giữa các bộ phận; đảm bảo rằng các bộ phận có trách nhiệm thực hiện một cách hiệu quả nhiệm vụ được giao; cài đặt chính sách kiểm soát nội bộ phù hợp. Cuối cùng, Ban Giám đốc cần giám sát sự đầy đủ, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.
Nguyên tắc 3: Hội đồng quản trị và quản lý cấp cao có trách nhiệm nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức và tính chính trực, thiết lập một nền văn hóa chung trong tổ chức, trong đó nhấn mạnh và thể hiện được tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ với cán bộ nhân viên. Tất cả nhân sự trong ngân hàng cần phải hiểu vai trò của họ trong quy trình kiểm soát nội bộ và tham gia đầy đủ vào quá trình.”
Nguyên tắc 4: . Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả đòi hỏi phài đánh giá một cách liên tục những rủi ro vật chất có thể xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến việc đạt được các mục tiêu của ngân hàng. Việc đánh giá này sẽ bao gồm tất cả các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt (bao gồm rủi ro tín dụng,rủi ro quốc gia và rủi ro chuyển khoản, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý và rủi ro danh tiếng). Kiểm soát
nội bộ có thể cần phải được sửa đổi cho phù hợp giải quyết bất kỳ rủi ro mới phát sinh hoặc trước đây không được kiểm soát
“Nguyên tắc 5: Các hoạt động kiểm soát là một phần không thể thiếu trong các hoạt động hàng ngày của ngân hàng. Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả đòi hỏi cần phải thiết lập một cấu trúc kiểm soát thích hợp, với các hoạt động kiểm soát được quy định ở mọi cấp độ kinh doanh. Các hoạt động này bao gồm: Sự đánh giá của cấp cao nhất; kiểm soát hoạt động thích hợp cho các bộ phận khác nhau; kiểm soát vật lý; kiểm tra về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ các mức độ giới hạn rủi ro; một hệ thống có quy định về phê duyệt và ủy quyền; và một hệ thống luôn có sự xác minh và đối chiếu.
Nguyên tắc 6: Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả đòi hỏi phải có sự phân công phân nhiệm thích hợp, một nhân viên không được giao các trách nhiệm xung đột lẫn nhau. Các bộ phận có tiềm năng xung đột lợi ích cần được xác định, giảm thiểu và giám sát cẩn thận, độc lập.
Nguyên tắc 7: Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả đòi hỏi phải có đầy đủ và toàn diện các dữ liệu tài chính, hoạt động và tuân thủ, cũng như thông tin thị trường bên ngoài về các sự kiện và điều kiện có ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Thông tin cần đáng tin cậy, kịp thời, dễ tiếp cận và được cung cấp trong một định dạng thống nhất.”
Nguyên tắc 8: Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả đòi hỏi phải có thông tin đáng tin cậy, có hệ thống thông tin lưu trữ tất cả các thông tin, hoạt động quan trọng của ngân hàng. Những thông tin trong hệ thống này, bao gồm cả những dữ liệu được lưu giữ dưới dạng vật lý và những dữ liệu được lưu trữ dưới dạng điện tử, phải được bảo mật, giám sát độc lập và được hỗ trợ bởi các phương án dự phòng đầy đủ.
Nguyên tắc 9: Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả đòi hỏi có các kênh truyền thông hiệu quả để đảm bảo rằng tất cả nhân viên hoàn toàn hiểu
và tuân thủ các chính sách và thủ tục có ảnh hưởng đến nhiệm vụ và trách nhiệm của họ. Các thông tin liên quan khác cũng được công khai phổ biến đến những bộ phận có nhu cầu tiếp cận.
“Nguyên tắc 10: Tính hiệu quả của các kiểm soát nội bộ của ngân hàng nên được theo dõi trên cơ sở liên tục.Việc giám sát các rủi ro trọng yếu luôn là một phần trong các hoạt động hàng ngày của ngân hàng cũng như đánh giá định kỳ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hay đánh giá tính hiệu quả của công tác kiểm soát nội bộ.
Nguyên tắc 11: Hệ thống kiểm soát cần phải được kiểm tra một cách toàn diện và được đánh giá về tính hiệu quả bởi bộ phận hoạt động độc lập, được đào tạo phù hợp và cán bộ có thẩm quyền. Chức năng của kiểm toán nội bộ là một phần của việc giám sát hệ thống kiểm soát nội bộ, cần báo cáo trực tiếp với Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.
Nguyên tắc 12: Những sai sót trong kiểm soát nội bộ, cho dù được xác định bởi bộ phận kinh doanh, hay bộ phận kiểm toán nội bộ, hoặc nhân viên kiểm soát khác, cần được báo cáo kịp thời cho quản lý cấp cao và ban giám đốc để đưa ra phương án giải quyết.
Nguyên tắc 13: Các cơ quan giám sát cần yêu cầu tất cả các ngân hàng, bất kể quy mô, cần có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả , phù hợp với tính chất, độ phức tạp và rủi ro vốn có trong các hoạt động trên và ngoài bảng cân đối, đáp ứng được sự thay đổi trong môi trường kinh doanh ngân hàng. Trong những trường hợp mà cơ quan giám sát xác định rằng hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng không đầy đủ hoặc không hiệu quả trong việc hạn chế, ngăn chặn các rủi ro cụ thể của ngân hàng, họ nên có hành động thích hợp.”