CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
1.2 HOẠT ĐỘNG CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
1.2.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách
a. Nhân tố bên ngoài
- Môi trường tự nhiên: Đất đai được xem là yếu tố quan trọng của quá trình sản xuất không chỉ đối với nông nghiệp mà còn đối với công nghiệp và dịch vụ phi nông nghiệp. Cùng với quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra khá mạnh, lao động nông thôn có xu hướng tăng lên. Bình quân diện tích đất canh tác trên 1 lao động ở nông thôn Việt Nam thấp, thời gian sử dụng ngày công nông nghiệp thấp.
Theo tài liệu điều tra của Nguyễn Hữu Dũng, Trần Hữu Trung “có khoảng 18% lao động nông nghiệp làm 210 ngày/năm, còn lại là dưới 200 ngày/năm, trong đó khoảng 21% làm việc 90 ngày trong năm. Như vậy nếu căn cứ vào quỹ đất và công việc thuần nông thì lao động nông thôn sẽ dư thừa khoảng 30%, tương đương 8-9 triệu người”. Số lao động nông thôn dư thừa phần lớn sẽ dịch chuyển đến các thành phố lớn để tìm việc. Vấn đề này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cho vay GQVL đối với ngân hàng.
Khí hậu ôn hòa thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt, người lao động có trình độ dân trí cao … là điều kiện tốt cho việc sử dụng vốn và phát huy hiệu quả đồng vốn.
Ngược lại, đối với những vùng mà điều kiện giao thông không thuận lợi, trình độ dân trí chưa cao, người lao động chưa am hiểu nhiều về việc áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất ... thì đồng vốn tín dụng sẽ khó phát huy được hiệu quả.
- Môi trường kinh tế - xã hội: Kinh tế đất nước phát triển giúp đẩy mạnh quá trình sản xuất của người lao động, hàng hóa tạo ra được tiêu thụ tốt trên thị trường là động lực để người nông dân tăng gia sản xuất phát triển kinh tế.
Những dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục giúp cho người lao động được tiếp cận với văn minh, trình độ học vấn được nâng lên, sức khỏe được chăm sóc tốt cũng là điều kiện tốt tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế người lao động sử dụng vốn vay nhưng phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề phát sinh trong đời sống gia đình diễn ra hàng ngày như phải đối
diện với các vấn đề y tế, văn hóa, giáo dục ... cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.
- Chính sách nhà nước: Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành hệ thống các chính sách và cơ chế quản lý cho sự phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các ngành, các hình thức kinh tế, các vùng phát triển, tạo nhiều việc làm mới, đáp ứng một bước yêu cầu việc làm và đời sống của người lao động.
Đại hội VIII đã nêu: “Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi công dân, mọi nhà đầu tư mở mang ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Mọi công dân đều được tự do hành nghề, thuê mướn nhân công theo pháp luật, phát triển dịch vụ việc làm. Tiếp tục phân bố lại dân cư và lao động trên địa bàn cả nước. Mở rộng kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu. Giảm đáng kể tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.
Vai trò của nhà nước trong GQVL đã thay đổi cơ bản. Thay vì bao cấp trong GQVL, nhà nước tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo hành lang pháp luật, xóa bỏ hàng rào về hành chính và tạo điều kiện vật chất đảm bảo cho mọi người được tự do đầu tư phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tự do hành nghề, hợp tác và thuê mướn lao động. Cơ hội việc làm được tăng lên và ít bị ràng buộc bởi các nguyên tắc hành chính và ý chí chủ quan của nhà nước. Từng bước hình thành cơ chế phân bố lao động theo các quy luật của thị trường lao động, đổi mới cơ chế và chính sách xuất khẩu lao động.
GQVL, giảm thất nghiệp là mục tiêu xã hội hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Chương trình quốc gia về GQVL là chương trình trọng điểm của Nhà nước.
Đảng khẳng định: “GQVL là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân”.
Đối với chương trình cho vay GQVL tại Ngân hàng CSXH, đây là chương trình được chính phủ quyết định về nguồn vốn vay, lãi suất vay và phương thức cho
vay cũng như thời hạn vay. Vì vậy những thay đổi trong chính sách của chính phủ cũng sẽ tác động rất nhiều đến hoạt động cho vay của ngân hàng.
- Những yếu tố thuộc bản thân hộ vay: Đối với người lao động cơ hội lựa chọn việc làm ngày càng được mở rộng, từ chỗ thụ động trông chờ vào sự bố trí công việc của nhà nước, người lao động đã trở nên năng động hơn, chủ động tự tìm việc làm trong các thành phần kinh tế. Các quan hệ lao động – việc làm thay đổi theo hướng các cá nhân được tự do phát huy năng lực của mình và tự chủ hơn trong tìm kiếm việc làm phù hợp với cung cầu lao động trên thị trường.
Đối với hộ vay vốn GQVL của NHCS là những hộ khó khăn, thiếu vốn sản xuất, không có vốn tự có hoặc có rất ít, bản thân họ cũng hạn chế về trình độ nhận thức, kinh nghiệm sản xuất không nhiều thậm chí chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nên chi phí cho quá trình sản xuất cao, sản phẩm tạo ra khó cạnh tranh trên thị trường.
Một số hộ sử dụng vốn vay sai mục đích, vay vốn sản xuất kinh doanh nhưng sử dụng vào việc tiêu dùng trong gia đình, mất khả năng trả nợ. Hoặc có những hộ ỷ lại, xem vốn vay như là tiền trợ cấp của chính phủ, không chấp hành trả nợ gốc và lãi. Cũng có những hộ gặp khó khăn do thiên tai nhưng trông chờ vào cơ chế xóa nợ của nhà nước không chịu trả nợ mặc dầu họ có khả năng khắc phục hậu quả sau thiên tai và phát triển kinh tế.
b. Nhân tố bên trong
- Nguồn vốn cho vay của ngân hàng: Nguồn vốn là yếu tố quan trọng quyết định đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Nguồn vốn cho vay của ngân hàng là từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn tự huy động được do trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất.
Nếu ngân hàng có khả năng tự huy động được nguồn vốn, nguồn vốn này sẽ là nhân tố ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Hay nói cách khác nguồn vốn này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn mà ngân hàng có thể quyết định cho khách hàng vay. Do đó nếu có một chiến lược huy động vốn tốt, ngân hàng sẽ
bổ sung được nguồn vốn cho vay, nâng cao chất lượng cho vay, tăng mức cho vay và đáp ứng nhu cầu thiếu vốn sản xuất của người lao động.
- Mạng lưới: NHCS với mạng lưới hoạt động từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh đến huyện, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến vùng đồi núi, vùng dân tộc thiểu số ít người. Ở mỗi xã phường đều có một điểm giao dịch xã hoạt động trong khuôn viên UBND của xã phường đó để giao dịch với bà con nhân dân vào một ngày cố định trong tháng. Điểm giao dịch xã của NHCS được ví như phiên chợ tình của người Tây Bắc – “đến hẹn lại lên”.
- Nhân sự: Chương trình cho vay GQVL của NHCS là chương trình vay được sự thẩm định của đoàn thể nhận ủy thác đối với dự án vay vốn của hộ, tuy nhiên cán bộ tín dụng đóng vai trò quan trọng làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay. Như vậy quyết định có đúng đắn hay không là phụ thuộc vào năng lực, trình độ của người cán bộ tín dụng đó. Một dự án vay vốn dược đánh giá là tốt hay không thể hiện qua việc sử dụng vốn, bảo toàn và phát triển đồng vốn của dự án đó. Vì vậy, hiệu quả cho vay của dự án phụ thuộc rất lớn vào khả năng phân tích đánh giá các mặt định tính và định lượng của dự án đó.
- Công nghệ: Ngày nay công nghệ đã trở thành tất yếu trong đời sống của nhân loại. Chúng ta đã và đang chứng kiến vô số những đột phá và cả sự chuyển hướng với tốc độ phi thường từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế xã hội thông tin và tri thức.
Công nghệ trong ngân hàng cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng xử lý dữ liệu, lưu trữ dữ liệu trên máy tính và công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng tiếp cận với khách hàng. Công nghệ trong NHCS đã giúp cho điểm giao dịch xã trở thành ngân hàng thu nhỏ tại xã, gần gũi với dân chúng. Những tiện ích trong công nghệ giúp cho quá trình xử lý công việc diễn ra nhanh chóng, rút ngắn thời gian và tiết kiệm nhân công.
Đối với người lao động sự phát triển của khoa học công nghệ là một cơ hội để người lao động phát huy hết khả năng của mình, người lao động thông qua công nghệ có thể học hỏi được những knh nghiệm ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1 tác giả đã tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận về GQVL và các hoạt động cho vay GQVL của NHCS. Qua nghiên cứu tác giả đã rút ra được một số vấn đề sau:
Thất nghiệp dẫn đến sự cần thiết của GQVL và vai trò của chính sách tín dụng đến GQVL trong nền kinh tế.
Kết quả hoạt động cho vay GQVL của NHCS được đánh giá thông qua các chỉ tiêu từ chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng, chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ đến những hiệu quả xã hội đạt được từ hoạt động cho vay của ngân hàng.
Hoạt động cho vay GQVL của NHCS cũng chịu tác động rất lớn bởi những nhân tố bên ngoài như môi trường tự nhiên, những chính sách của nhà nước, những yếu tố thuộc về bản thân hộ vay đến những nhân tố bên trong ngân hàng như công nghệ, mạng lưới hoạt động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phong thái nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ ngân hàng. Việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng này để thấy được những mặt tích cực và những hạn chế của nó đến hoạt động cho vay GQVL của NHCS. Những vấn đề được đề cập trong chương 1 sẽ là tiền đề cơ bản cho việc nghiên cứu các chương tiếp theo.