Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP XÃ
1.2. Hoạt động của Chính quyền địa phương cấp xã
1.2.1. Khái niệm hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã
Cho đến nay, nhiều vấn đề quan trọng đang đặt ra trong phương thức quản lý của chính quyền xã, như: thể chế quản lý một cách dân chủ và hiệu lực, hiệu quả phù hợp với đặc điểm vùng miền, tộc người và phát huy đúng mức truyền thống tự quản của thôn, bản, làng; nội dung, cấu trúc, chức năng quản lý của chính quyền xã đối với phát triển xã hội; năng lực, kỹ năng thực hành, các phương thức, điều kiện, thủ tục, quy trình quản lý một cách dân chủ và hiệu quả; mối quan hệ giữa cơ chế quản lý với ý thức dân chủ, văn hóa pháp luật, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình,... của chính quyền
xã. Một số nội dung về công tác quản lý trong hoạt động của chính quyền xã, tuy đã được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế, nhưng do việc nhận thức chưa thống nhất, các thiết kế cụ thể của mô hình chính quyền xã chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, nên sau khi thể chế hóa đã không vận hành được.
Trong phạm vi xã có các đơn vị dân cư nhỏ hơn là thôn, bản, khu dân cư… Hầu hết đơn vị thôn, bản, khu dân cư là những cộng đồng dân cư tồn tại lâu đời, gắn bó chặt chẽ với nhau về nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, xã hội, huyết thống, phong tục, tập quán, cách thức sản xuất - kinh doanh,...
do vậy có tính tự quản trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Trong phạm vi mỗi xã, các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư thường được điều chỉnh bằng nhiều quy định (pháp luật, hương ước, phong tục, tập quán,...) và thiết chế (tổ chức chính trị - xã hội, quỹ, hội, thôn, bản,...) khác nhau, có tính chính thức hoặc phi chính thức; trong đó có cả những quy định và thiết chế do chính những thành viên trong cộng đồng lập ra như quỹ, hội, ...
Chính quyền xã thể hiện tính chất đặc thù của hệ thống chính quyền ở cơ sở; đồng thời phản ánh tính chất tự quản cao của nó, nhất là trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Hoạt động của chính quyền cấp xã là cầu nối giữa Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong xã, đại diện cho Nhà nước và nhân danh Nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước, trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ở xã và điều tiết sự tự quản của các thôn, bản, làng trên địa bàn xã về phát triển nông thôn.
Hoạt động của chính quyền cấp xã mang tính đa ngành, liên ngành. Khi giải quyết công việc, UBND xã bắt buộc vừa phải tuân theo các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên, vừa phải tuân theo quyết nghị của HĐND xã. Như vậy, nếu các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước ở cấp cao hơn do nhiều loại cơ quan khác nhau cùng thực hiện thì ở cấp xã chỉ do một cơ quan là UBND cấp xã, thực hiện theo cách tổng hợp đa ngành và liên ngành.
1.2.2. Mô hình hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp và kế thừa các nội dung hợp lý của Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động của UBND, trong đó có bổ sung một số điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND;
phạm vi, trách nhiệm công việc của các thành viên UBND; mối quan hệ phối hợp công tác của UBND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015: UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. UBND gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các Ủy viên. Thành viên UBND cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Ngày 25/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2016/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND được xác định theo phân loại đơn vị hành chính. Đối với cấp xã: Loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; Loại II và loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
UBND là cơ quan hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch UBND. Với tư cách là người đứng đầu UBND, Chủ tịch UBND có nhiệm vụ lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND và UBND, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính ở địa phương.