Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP XÃ
1.3. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã
1.4.2. Yếu tố khách quan
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập, toàn cầu hoá và những mặt trái của nó đang tác động trực tiếp tới đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của nhân dân. Đứng trước tình hình đó, UBND cấp xã cũng không tránh khỏi những khó khăn và lúng túng trong khâu tổ chức, lãnh đạo và điều hành.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của chính quyền địa phương còn chung chung, thiếu cụ thể, nội dung vừa thiếu lại vừa thừa là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên những vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã.
Cơ cấu tổ chức bộ máy vừa thiếu, vừa cồng kềnh, chưa phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ của cán bộ, công chức và nhiệm vụ cụ thể. Đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách khá nhiều (Mỗi xã có trên 50 cán bộ hoạt động không chuyên trách) không có biên chế mà chỉ được hưởng phụ cấp nên chưa thể đảm bảo đời sống; một số vị trí không phù hợp và không cần thiết, trong khi số công chức chuyên môn thiếu so với nhiệm vụ công tác và hoạt động của chính quyền cấp xã,... dẫn đến chỗ phình ra không cần thiết, chỗ cần thiết lại thiếu người làm... gây trở ngại rất lớn trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Chúng ta vẫn chưa đưa ra được các giải pháp phát triển kinh tế ở nông thôn cũng như đô thị thật phù hợp và nhất quán. Trong bối cảnh như vậy UBND cấp xã rất khó thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Do tính chất, đặc điểm truyền thống của làng xã Việt Nam với các phong tục, tập quán “đất lề, quê thói”, các quan hệ họ mạc phức tạp nên đã nảy sinh tâm lý ngại va chạm, né tránh,… đã phần nhiều tác động đến hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã. Những dấu ấn của công xã nông thôn - quần cư có sự liên kết rất chặt chẽ chủ yếu dựa trên cơ sở của quan hệ huyết thống, họ hàng vốn là những đặc điểm đã giúp cho sự tồn tại của các làng xã một cách bền vững ít nhiều có sự ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của chính quyền. Yếu tố này nếu được định hướng tốt sẽ tác động tích cực đến sự đoàn kết trong dân cư, mang lại sự thống nhất trong các nội bộ làng xã trên cơ sở của sự gần gũi, thông cảm, sẻ chia trong cộng đồng. Cũng nhờ đó, việc hình thành các cơ quan quản lí có sự ràng buộc và cơ chế kiểm soát tự nhiên trước khi chịu sự chi phối của pháp luật. Điều đó làm cho pháp luật có điều
kiện đi vào cuộc sống một cách thuận lợi hơn. Nếu có cơ chế thích hợp cho sự kết hợp pháp luật với đạo đức và phong tục tập quán trong điều chỉnh các quan hệ xã hội của làng xã thì các yếu tố nêu trên sẽ phát huy được các ảnh hưởng tích cực của nó. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến tác động tiêu cực của nó. Đó là sự tác động một cách vô hình lên tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã mà trước hết là ảnh hưởng đến sự hình thành các cơ quan chính quyền, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã. Sự ảnh hưởng này có thể thấy ngay trong quá trình bầu cử, từ giai đoạn giới thiệu đại biểu, hiệp thương cho đến khi bỏ phiếu, ứng cử viên thuộc dòng họ lớn thường có ưu thế, do đó họ thường là người thắng cử. Điều đó có tác động mạnh mẽ tới sự tồn tại và hoạt động của các cấp chính quyền cấp xã. Trong bối cảnh đó, ở mức độ này hay mức độ khác, tính chất cục bộ và địa phương chủ nghĩa, “gia đình trị” là điều khó tránh khỏi. Ở nhiều nơi sự ảnh hưởng của mặt trái của thiết chế làng xã vẫn còn khá phổ biến như tư tưởng khép kín, cục bộ, những phong tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu vẫn còn tồn tại làm cho các hoạt động chính quyền cấp xã nhất là ở các xã miền núi như Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ (huyện Tư Nghĩa) gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có cả những vấn đề hoàn toàn có tính chất riêng tư của người khác, thuộc nội bộ gia đình khác cũng có thể được bàn luận và tạo ra dư luận bất lợi, làm ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân hay cộng đồng trong làng xã, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo. Nó tạo ra gánh nặng tâm lí cho người cán bộ khi buộc phải can thiệp vào những công việc phức tạp ấy. Chính họ cũng ngại đụng phải những chuyện này vì điều đó thường có liên quan đến người nhà mình, dòng họ mình... Khi đó, những cán bộ với tư cách của người lãnh đạo, ngoài sự công tâm thì cần phải có sự sáng suốt, tỉnh táo để có thể định hướng các quan hệ xã hội theo ảnh hưởng tích cực của các yếu tố này.
Tiểu kết chương 1
Trên đây là những vấn đề về cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã thông qua tóm lược quá trình phát triển của chính quyền cấp xã từ năm 1945 đến nay, trong đó có đề cập đến một số điểm mới liên quan đến chính quyền cấp xã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Từ đó chỉ ra những đặc điểm và đưa ra khái niệm về chính quyền cấp xã. Vấn đề trọng tâm này đã khẳng định được trí, vai trò của chính quyền cấp xã, gồm HĐND (là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và là cơ quan đại diện của nhân dân), UBND (là cơ quan chấp hành của HĐND và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương) và vị trí, vai trò đó được ghi nhận trong các văn bản pháp lý tạo cơ sở cho tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã ở nước ta.
Từ nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND cấp xã nêu trên, có thể thấy rằng nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND cấp xã được xác định là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, bao quát toàn diện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa bàn cơ sở. Nhưng những nhiệm vụ quyền hạn ở đây vẫn còn ở mức quy định chung chung, chưa thể hiện rõ mức độ phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp xã những gì. Về nội dung, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND nhìn chung là giống nhau, chỉ khác ở chỗ HĐND quyết định biện pháp còn UBND tổ chức thực hiện. Trong khi đó bộ máy của HĐND không đủ sức chủ động độc lập mà chủ yếu dựa vào bộ máy của UBND để soạn thảo các Nghị quyết. Đối với các chức danh của HĐND và UBND thì luật đã quy định chức năng nhiệm vụ chung cuả HĐND và UBND, mức độ phân cấp phân quyền chưa cụ thể, đặc biệt là chưa gắn trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Vì thế trong thực tiễn hoạt động của HĐND
và UBND vẫn còn tình trạng khuyết điểm thì có nhưng rất khó xác định trách nhiệm pháp lý thuộc về ai.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc hội nhập quốc tế không chỉ phù hợp với xu thế của thời đại, mà còn đáp ứng nhu cầu nội tại và lợi ích của dân tộc trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để làm tốt điều đó, đòi hỏi cấp bách là phải đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền nhà nước, nhất là đối với cấp xã. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền nhà nước cấp xã cần phải được thực hiện dựa trên điều kiện lịch sử và các yếu tố văn hoá truyền thống, đặc điểm thực tế của đất nước, đồng thời cần phải dựa trên xu hướng chung của thời đại toàn cầu hoá hội nhập quốc tế.