Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã, Từ thực tiễn huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi (Trang 80 - 84)

Chương 2: THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP XÃ Ở HUYỆN TƯ NGHĨA, TỈNH QUẢNG NGÃI

2.3. Đánh giá chung về thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi

2.3.1. Những kết quả đạt được

Nhận thức được vị trí vai trò của Chính quyền địa phương cấp xã là một tế bào quan trọng cấu thành đất nước, là nơi tổ chức thực hiện thắng lợi mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các cấp ủy Đảng ủy đều quan tâm lãnh đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Chính quyền ở xã vững mạnh, các đoàn thể tham gia tích cực, cán bộ xã đã có nhiều cố gắng rèn luyện, nâng cao trình độ, củng cố đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động của chính quyền xã đi vào nề nếp hơn.

Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở, các đảng bộ ở xã, thị trấn của huyện Tư Nghĩa đã nhận thức và xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị; đồng thời đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực ở cơ sở. Nhiều cấp ủy đã thực sự đổi mới nội dung, quy trình và xác định được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong việc ban hành các nghị quyết. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đã khắc phục một bước tình trạng bao biện làm thay công việc của chính quyền, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo. Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; quan tâm củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém; điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tăng cường 05 cán bộ huyện về làm Bí thư đảng ủy các xã, thị trấn có nhiều bất cập trong nội bộ, đã từng bước củng cố và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, yếu kém ở các địa phương đó; kịp thời

biểu dương, khen thưởng những đơn vị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đảng viên xuất sắc. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm đã đi vào nề nếp.

Trong tổ chức và hoạt động của HĐND, hầu hết các xã, thị trấn đều đảm bảo họp đúng định kỳ theo luật định; chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. Các xã đã tổ chức giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm; công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND tại các kỳ họp của HĐND đảm bảo tính khách quan, trung thực. Hầu hết các xã, thị trấn đều đảm bảo hoạt động đúng luật, chất lượng hoạt động được nâng lên so với các nhiệm kỳ trước. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; chất lượng các kỳ họp, chất lượng các nghị quyết của HĐND được nâng lên và có tính khả thi hơn. Công tác giám sát hoạt động của UBND được tăng cường, coi trọng việc chất vấn, trả lời chất vấn trong các kỳ họp. Quan tâm đến việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, coi trọng việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.

UBND đã phát huy được vai trò là công cụ quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động của UBND đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo pháp luật. UBND các xã, thị trấn đã ban hành quy chế làm việc, việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, lề lối làm việc của UBND xã và tác phong làm việc của cán bộ chính quyền đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng dân chủ hoá, sát dân, sát thực tế, khắc phục hiệu quả tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu sách nhiễu dân của cán bộ cấp xã; trình độ mọi mặt của cán bộ được nâng lên rõ rệt.

UBND cấp xã ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; có nhiều đổi mới trong tổ chức, góp phần phát huy được quyền chủ động sáng tạo của chính quyền địa

phương trong việc xử lý các vấn đề của địa phương theo quy định của pháp luật; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các phương thức mới trong việc theo dõi, phát hiện và chỉ đạo khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình cũng được các địa phương triển khai, nhân rộng hiệu quả. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vốn và huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, các địa phương đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp và của HĐND, kịp thời đề ra những giải pháp tích cực nhằm tập trung nguồn lực, nhất là các nguồn huy động xã hội hóa, huy động sức dân là chính để xây dựng đề án, hoàn thiện và nâng chuẩn các tiêu chí mềm, các tiêu chí chưa cần đến kinh phí nhằm từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, thực hiện xây dựng thành công nông thôn mới ở 8/13 xã và tiếp tục phấn đấu để cuối năm 2018 sẽ về đích 5/8 xã còn lại. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân,… kinh tế - xã hội của các xã đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất của những năm đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015 và hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã trong huyện đạt trên 35 triệu đồng/người/năm…

Việc tổ chức đối thoại của Chủ tịch UBND xã với nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được thực hiện và duy trì đúng quy định, hiệu quả của hoạt động này được phát huy. Bên cạnh đó đối thoại của Bí thư cấp ủy xã với nhân dân địa phương cũng đã tạo được sự đồng thuận của người dân và cơ bản kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Với nhận thức về tầm quan trọng của cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, từ nhiều năm qua cấp ủy đảng và chính quyền ở các địa phương đã quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhất là đào tạo chuẩn hoá về trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm đảm

bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng theo đúng quy định. Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ, công chức cấp xã theo quyết định 1000/QĐ- UBND ngày 22 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi được huyện tích cực quan tâm, thực hiện đúng quy định góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính quyền địa phương nói chung và của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã nói riêng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã xây dựng được quy chế hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Ở các xã, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp tốt với UBND xã, đoàn thể thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới” và các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, ngày vì người nghèo; phát huy vai trò tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của chính quyền. Mặt trận Tổ quốc đã thể hiện tốt vai trò hiệp thương, giới thiệu đại biểu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào bộ máy của chính quyền, đảm bảo cho chính quyền hoạt động có hiệu quả. Hoạt động hoà giải của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở cũng góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, giảm đáng kể các “điểm nóng” và tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc ở các xã, thị trấn đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

Phong cách, ý thức trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt có sự chuyển biến tích cực theo hướng sát dân, phục vụ nhân dân, khắc phục cơ bản tình trạng sách nhiễu, phiền hà nhân dân.

Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt tỷ lệ cao. Việc thực hiện pháp lệnh, quy chế dân chủ ở cơ sở đã đem lại kết quả tốt. Công tác thanh tra nhân dân ở các địa phương thực hiện có hiệu quả, đã kiến nghị với chính quyền giải quyết tốt các đơn khiếu nại, tố cáo, hạn chế các đơn thư tồn đọng kéo dài. Tất cả các thôn, bản đã xây dựng được quy ước, hương ước và thực hiện có nề nếp; nhiều xã đã bầu ban giám sát đầu tư cộng đồng. Công tác cải cách thủ tục hành chính và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của các xã đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời các nhu cầu về thủ tục hành chính cho nhân dân.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã, Từ thực tiễn huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)