Chương 2: THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP XÃ Ở HUYỆN TƯ NGHĨA, TỈNH QUẢNG NGÃI
2.1.2. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tư Nghĩa hiện nay
Với một diện tích canh tác nhỏ hẹp, cư dân Tư Nghĩa đã phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Làng rau, hoa và cây cảnh ở xã Nghĩa Hiệp đã phát triển mạnh theo hướng đó. Rau quả và hoa kiểng ở xã
Nghĩa Hiệp đã bán đi trong khắp tỉnh Quảng Ngãi và vươn rộng ra các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và một số tỉnh miền Nam. Một hướng phát triển nông nghiệp quan trọng ở Tư Nghĩa là chăn nuôi. Tổng đàn gia súc của huyện khoảng 128.290 con. Trong đó, đàn lợn 96.500 con, đàn trâu 5.290 con, đàn bò 26.500 con. Số lượng trâu bò nhiều nhất là ở các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hà, Nghĩa Thuận. Các xã toàn dân tộc H’re là Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ có số trâu tương đối khá (hai xã có 710 con trâu).
Với một vị trí địa lý khá thuận lợi, việc giao thương, dịch vụ ở huyện Tư Nghĩa đã có sự phát triển từ xa xưa. Tư Nghĩa có 4.403 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ cá thể với 5.705 lao động, nhiều nhất ở xã Nghĩa Kỳ 642 cơ sở với 771 lao động, thị trấn Sông Vệ 561 cơ sở với 713 lao động, thị trấn La Hà 402 cơ sở với 564 lao động; trong số đó hơn phân nửa là hiệu bán lẻ và lao động bán hàng; đáng kể là bán cà phê, giải khát, dịch vụ ăn uống, kinh doanh tạp hóa,…
Với công trình thuỷ lợi Thạch Nham ở cực tây huyện đã cung cấp nước tưới cho toàn bộ huyện Tư Nghĩa và cho hầu hết các huyện khác trong tỉnh.
Điểm nổi bật nhất là ở Tư Nghĩa đã có nhiều làng nghề cổ truyền nổi tiếng trong tỉnh Quảng Ngãi. Ở Nghĩa Hiệp, ngoài nghề làm vườn giỏi, làng hoa kiểng truyền thống, còn là nơi nổi tiếng với làng nghề thợ mộc chuyên đóng các đồ gia dụng với tay nghề cao, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm đẹp xưa nay.
Ở Nghĩa Hòa nổi bật nghề đan chiếu cói, là nơi sản xuất chiếu nổi danh trong tỉnh Quảng Ngãi,...
Trong những năm gần đây, huyện Tư nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tổng giá trị sản xuất hàng năm của huyện Tư Nghĩa ước đạt 10.286 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất 15,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp, xây dựng chiếm 42,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 38,2%; nông, lâm nghiệp,
thủy sản chiếm 19,1%. Tổng sản lượng lương thực hàng năm ước đạt 59.485 tấn. Trong đó, diện tích gieo trồng cây lúa đạt 7.993 ha, năng suất bình quân 64,8 tạ/ha, sản lượng 51.786 tấn. Cây ngô 1.222 ha, sản lượng 7.699 tấn; cây mỳ 1.258 ha, sản lượng 44.030 tấn; cây đậu các loại 265 ha, sản lượng 477 tấn; rau các loại 1.285 ha, sản lượng 24.222 tấn.
Về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2017, toàn huyện có 8 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hòa, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền và Nghĩa Thuận. Phấn đấu trong năm 2018, 05 xã còn lại của Tư Nghĩa là Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Trung và Nghĩa Thọ sẽ về đích, đồng thời huyện Tư Nghĩa cũng về đích trong năm 2018.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển khá tốt, xã Nghĩa Lâm được chọn là xã văn hóa điểm duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Công tác điều tra, lập hồ sơ xếp hạng di tích và công tác giáo dục truyền thống được chú trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển tốt. Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa ngày nay có Trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán - Bộ Tài chính (tại thị trấn La Hà), Trường Công nhân Cơ giới Thủy lợi II - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại xã Nghĩa Kỳ),... có hệ thống trường lớp phổ thông khá hoàn chỉnh. Ở huyện có 4 trường Trung học phổ thông, trong đó có 2 trường ở thị trấn huyện lỵ (trường THPT Tư Nghĩa số 1, trường THPT Chu Văn An), 1 trường ở xã Nghĩa Thuận cho các xã phía tây, 1 trường ở xã Nghĩa Hòa (Thu Xà) cho các xã phía đông. Toàn huyện có 48/56 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 86%; trong đó mầm non 10/17 trường, tiểu học 22/22 trường, THCS 13/13 trường, THPT 3/4 trường. Chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ tại các cơ sở y tế được cải thiện đáng kể. 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn và đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế.
Huyện đã tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách xã hội. Tích cực triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà ở cho hộ nghèo, thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 4,7% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 7,42%.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến cơ quan hành chính giải quyết công việc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng địa phương và công tác gọi công dân nhập ngũ. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện được giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Những hạn chế đó có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chủ quan là do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế; công tác tổ chức và cán bộ còn những mặt tồn tại, thiếu sót. Đội ngũ cán bộ nhìn chung đã được các cấp ủy đảng quan tâm đào tạo cơ bản, có trình độ và năng lực, song chất lượng, hiệu quả, năng lực công tác còn có mặt hạn chế. Cơ cấu tổ chức bộ máy còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã. Việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Là một huyện chịu nhiều mất mát, thương đau trong kháng chiến, sau giải phóng, với truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, khắc phục vết thương chiến tranh, vận dụng điều kiện thực tế, tranh thủ thời cơ, tạm quên quá khứ, hướng tới tương lai, dũng cảm trong chiến đấu, quả cảm
trong sản xuất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tư Nghĩa đã từng bước trở thành một huyện có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, góp phần đưa kinh tế tỉnh nhà vươn lên sánh vai với tốp đầu cả nước. Là cửa ngõ đi vào Thành phố Quảng Ngãi - trung tâm văn hóa - chính trị của tỉnh nhà, có các tuyến giao thông huyết mạch của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, Tư Nghĩa là cầu nối giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi với miền ngược, là điểm giao thoa, là tiền đề giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội và hòa nhập, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật với các địa phương trong tỉnh và cả nước… góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho chính quyền các cấp.
Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động tập trung chỉ đạo quán triệt các nội dung, quan điểm của Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành tỉnh, với tinh thần đoàn kết, năng động, vượt khó khăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện, Đảng bộ huyện Tư Nghĩa luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, văn hóa xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đạt được kết quả quan trọng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…