Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN, PHÁP LÝ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP HUYỆN TRONG HỆ THỐNG CHÍNH QUYỀN Ở NƯỚC TA
1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
1.3.1. Yếu tố văn hóa, giáo dục và con người
Có thể khẳng định đây là lĩnh vực mà chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu. Nó tạo ra sự chuyển biến rất sâu sắc trong đời sống xã hội về khả năng nhận thức, về trình độ hiểu biết cả về khoa học tự nhiên cũng như kiến thức xã hội, làm thay đổi ở mức độ nhất định những tác động của các yếu tố truyền thống. Đứng trước sự thay đổi này, xã hội đòi hỏi một chất lượng mới ở các nhà quản lí. Cũng chính sự thay đổi đó đã cung cấp nguồn cán bộ trẻ có chất lượng mà quá trình tổ chức và hoạt động của chính quyền các địa phương phải cần đến họ. Tuy nhiên, có nhiều người sau khi đã được đào tạo cơ bản đã không chịu quay về nơi mà mình đã được cử đi học và đang rất cần cán bộ.
Nhưng mặt khác có thực tế là một số cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản có tâm huyết nhưng khi về địa phương hoặc không được trọng dụng hoặc chưa đủ
bản lĩnh và kinh nghiệm xử lí các vấn đề của địa phương nên không phát huy được vai trò của mình.
Trong tổng thể các yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng thì nhân tố con người luôn được xác định là yếu tố cơ bản, quan trọng, có tính chất quyết định và giữ vai trò chi phối đối với các yếu tố khác. Điều này luôn được khẳng định và chứng minh bởi quá trình xây dựng và phát triển của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Ngày nay, sự giàu mạnh của một quốc gia không còn phụ thuộc quá nhiều ở diện tích lớn hay nhỏ, dân số đông hay ít và tài nguyên có phong phú, đa dạng hay không,… dù đây là những nguồn lực rất quan trọng mà cái được quan tâm nhiều nhất chính là yếu tố con người được chuẩn bị, đầu tư và khai thác như thế nào.
Đội ngũ công chức là một bộ phận của yếu tố cấu thành quan trọng của nguồn nhân lực xã hội mà những đóng góp của họ luôn có vai trò đặc biệt to lớn trong toàn bộ thành tựu phát triển chung về kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương. Khẳng định vai trò của đội ngũ này trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Thật vậy, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn không ngừng quan tâm đến việc xây dựng và rèn luyện nên các thế hệ cán bộ kế tiếp nhau nhằm đảm đương và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong các thời kỳ cách mạng. Đây là lực lượng ưu tú của dân tộc, của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nước ta. Vai trò to lớn đó của đội ngũ công chức đối với sự phát triển kinh tế -
xã hội đất nước và địa phương được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh và mối quan hệ khác nhau:
Thứ nhất, hoạt động của đội ngũ công chức góp phần tạo ra định hướng phát triển, dẫn dắt các quá trình xã hội và hành vi, hoạt động của công dân, tổ chức. Kết quả sự thể hiện ý chí của các nhà lãnh đạo, quản lý hay nói cách khác là những quyết định lãnh đạo, quản lý được ban hành bởi các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, các cá nhân có thẩm quyền đều có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ công chức, chí ít là với vai trò là đội ngũ tham mưu trong hoạch định các chính sách và ban hành các quyết định lãnh đạo, quản lý. Do đó, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định của chính quyền địa phương có phản ánh đúng đòi hỏi khách quan của thực tiễn quản lý và đời sống xã hội hay không là phụ thuộc rất lớn ở chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức ở từng vị trí khác nhau trong nền công vụ.
Thứ hai, hoạt động của công chức góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương.
Hoạt động của công chức diễn ra trên nhiều phạm vi, lĩnh vực khác nhau gắn liền chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công, bắt đầu từ hoạt động mang tính lãnh đạo, định hướng của Đảng, sự quản lý của các cơ quan nhà nước, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội. Tất cả đều tạo ra những khía cạnh tác động khác nhau đến đời sống xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà trực tiếp là hoạt động quản lý hành chính nhà nước, công chức chính là lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực thi nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên, cơ quan quyền lực cùng cấp và ngay chính những quyết định do cơ quan hành chính nhà nước ban hành; đây cũng
là lực lượng thường xuyên tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị, thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính và giải quyết công việc hàng ngày cho tổ chức, công dân. Nếu công chức am hiểu pháp luật, thuần thục quy trình nghiệp vụ, có trình độ năng lực và phẩm chất tốt thì những quyền, lợi ích chính đáng cũng như những nhu cầu bức thiết của người dân và xã hội sẽ nhanh chóng được giải quyết, kinh tế - xã hội địa phương, đất nước phát triển, đời sống người dân được cải thiện, nâng lên.
Thứ ba, chất lượng hoạt động của công chức quyết định đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của địa phương. Cơ quan nhà nước là tổ chức công quyền đại diện cho toàn xã hội khai thác và sử dụng các nguồn lực của quốc gia, địa phương cho các mục tiêu khác nhau của từng thời kỳ phát triển, đồng thời là chủ thể trực tiếp thực hiện sự tác động mang tính chất toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước này lại được vận hành thông qua những con người cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước. Do đó, khi công chức hoạt động có hiệu quả chính là động lực trực tiếp làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được tăng cường về tính hiệu lực, hiệu quả, đồng nghĩa với việc các nguồn lực của quốc gia, địa phương sẽ được khai thác hợp lý, tiết kiệm cho các mục tiêu phát triển.
Thứ tư, trong mối quan hệ với dân, hoạt động của công chức sẽ góp phần tạo lập và tăng cường mối quan hệ giữa dân với Đảng, Nhà nước. Cán bộ, công chức là đại diện, bộ mặt của Đảng, Nhà nước. Trong quan hệ giải quyết công việc liên quan với cơ quan, tổ chức, công dân, chất lượng hoạt động cũng như từng thái độ, hành vi của công chức đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cách nhìn và đánh giá của người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý, phục vụ của Nhà nước, nhất là giai đoạn tăng cường phát huy dân chủ như hiện nay. Chính vì vậy, niềm tin và mối quan hệ giữa
dân với Đảng, Nhà nước có được củng cố, thắt chặt hay không là phụ thuộc rất lớn ở đội ngũ công chức.[31, tr. 32]
Tóm lại, công chức có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Vì vậy, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực chuyên môn và khả năng hoạt động thực tiễn cho công chức là công việc hết sức quan trọng và cần thiết trong xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh.