Chương 3 QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẤP HUYỆN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI
3.2. Giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
3.2.1. Nhóm giải pháp chung
3.2.1.1. Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền huyện
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ sau nhiều lần cải cách và sửa đổi, gần đây nhất là ban hành mới một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, bao gồm: Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh; Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND … Việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở nước ta trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Vì văn bản hiện nay tuy nhiều nhưng lại chưa đầy đủ, chưa có tầm bao quát, nhiều quy định còn chung chung, dàn trải, khó áp dụng thực tế, nhiều quy định chống chéo giữa
các văn bản và các cơ quan ban hành. Hiện nay các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp, trong đó có UBND huyện đã tương đối đầy đủ tuy nhiên văn bản quy định về hoạt động, quy trình thủ tục phê chuẩn, miễn nhiệm, quy chế hoạt động đối với HĐND còn chưa đầy đủ. Vì vậy cần bổ sung các văn bản quy định và hướng dẫn chi tiết về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp, Đại biểu HĐND các cấp.
Các văn bản pháp luật hiện nay đã có sự phân định giữa chính quyền địa phương ở đô thị và chính quyền địa phương ở nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Sự phân biệt này là tất yếu và cần thiết vì mỗi khu vực khác nhau với những đặc thù khác nhau nên cần có những quy định linh hoạt phù hợp với từng khu vực cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật mới chỉ tập trung ở phần đô thị, các văn bản về chính quyền đô thị, phát triển chính quyền đô thị tương đối đầy đủ và rõ ràng nhưng những quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền nông thôn chung chung.
Khu vực nông thôn cần được làm rõ hơn nó bao gồm đồng bằng, trung du, miền núi, biên giới, hải đảo…những khu vực này bên cạnh nét tương đồng là ở khu vực nông thôn vẫn có những nét đặc trưng riêng.
3.2.1.2. Hoàn thiện pháp luật về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương
Tinh thần phân cấp, phần quyền tại Hiến pháp năm 2013 cần phải được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương củng như các luật khác. Luật Tổ chức chính quyền địa phương tuy đã có những quy định về nguyên tắc phân quyền, nhưng chưa hoàn toàn tách bạch được các nhiệm vụ theo nguyên tắc nêu trên để phù hợp với từng cấp chính quyền, nhất là trong từng lĩnh vực cụ thể, vẫn còn khá chung chung, chưa phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch giữa cấp tỉnh với cấp huyện và giữa cấp huyện với cấp xã, chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần phân cấp, phân
quyền theo Hiến pháp 2013 và theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện. Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 – 2026". Việc xác định các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cấp chính quyền địa phương phải thể hiện được nhất quán nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương. Do đó, nhiệm vụ của các luật chuyên ngành cần phải làm rõ vai trò của từng cấp chính quyền địa phương đối với từng công việc cụ thể.
Việc hoàn thiện pháp luật về nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng cần phải bảo đảm một số nguyên tắc sau:
Một là, cần phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương trên nguyên tắc việc nào do cấp nào giải quyết sát với thực tế hơn, có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó.
Một công việc nên giao dứt điểm cho một cấp chính quyền, những việc cần thiết nên giao cho nhiều cấp chính quyền thực hiện thì cần phân định rõ trách nhiệm của từng cấp. Đồng thời, cần xác định rõ nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước cấp trên nhưng chuyển giao (ủy nhiệm) cho chính quyền cấp dưới thực hiện.
Như vậy, kể cả Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng như các luật chuyên ngành khác đều cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và phải cụ
thể hóa hơn nữa nguyên tắc phân quyền, phân cấp trong từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện quản lý thực tế của từng lĩnh vực và với điều kiện, năng lực quản lý của từng cấp chính quyền (trung ương, tỉnh, huyện, xã).
Hai là, không nên quy định chung nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà cần chỉ rõ của chính quyền cấp nào, cấp tỉnh, huyện hay xã vì với nguyên tắc phân quyền thì không nên "trộn lẫn" nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền mà luật tổ chức chính quyền địa phương quy định, pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng phân định rõ thẩm quyền về nhiệm vụ cho các cấp chính quyền địa phương. Để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là điều kiện thực tế về dân số, về dân trí, về trình độ cán bộ của các địa bàn khác nhau, pháp luật cần phân định nhiệm vụ phù hợp cho các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như: lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, quản lý nghĩa trang, xử lý rác thải… thì là những vấn đề hằng ngày của người dân, việc quản lý các dịch vụ này nên giao cho cấp xã.
Theo tôi cho rằng không nên chuyển giao tập trung thẩm quyền cho cấp tỉnh mà cần chuyển giao cho cả cấp huyện, cấp xã. Cấp tỉnh tập trung vào công việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch, nhất là những vấn đề vượt quá khả năng của cấp xã như liên quan đến địa bàn nhiều xã, nhiều huyện.
Thứ ba, phân cấp, phân quyền phải nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho nhân dân tốt hơn vì bản chất của nhà nước ta là của do dân, do dân và vì dân. Vì vậy, nghĩa vụ quan trọng nhất là phục vụ trực tiếp nhân dân thay vì quản lý nhân dân, quản lý xã hội. Việc phân cấp là để đảm bảo cho nhân dân được thụ hưởng các quyền lợi một cách đơn giản hơn ngay tại cấp chính quyền gần mình nhất, tránh tình trạng phân cấp chỉ làm lợi cho một số cán bộ, công chức, người làm việc trong cơ quan nhà nước.
Những vấn đề phục vụ trực tiếp nhân dân thì giao chủ yếu cho chính quyền huyện, cơ quan nhà nước cấp trên không tham gia trực tiếp mà chủ yếu làm chức năng kiểm tra, hướng dẫn như: vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, đời sống, văn hóa, y tế, giáo dục … Cần giao rõ ràng, không can thiệp, không làm thay, không thay đổi cho chính quyền huyện.
3.2.1.3. Hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, ngân sách.
Chính quyền địa phương không chỉ tự quản lý công việc của địa phương mà còn có ngân sách riêng để thực hiện các nhiệm vụ đó, chính quyền địa phương được cung cấp những phương tiện pháp lý, phương tiện tài chính và nhân lực cần thiết. Về ngân sách của chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng tạo ra nguồn lực tài chính để mỗi cấp chính quyền địa phương chủ động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, là động lực khuyến khích mỗi cấp chính quyền và dân cư ở địa phương tích cực khai thác các tiềm năng của mình để phát triển kinh tế địa phương. Phân quyền về quản lý ngân sách sẽ làm đòn bẫy cho những đơn vị hành chính trở nên độc lập, tự chủ hơn, đóng góp vào quá trình phát triển của cộng đồng dân cư địa phương.
Chừng nào chúng ta không đảm bảo rằng các khoản chi cho mục đích của chính quyền địa phương phù hợp với nhu cầu và mong muốn của nhân dân địa phương. Trao cho họ quyền hạn thỏa đáng và phân bổ cho họ nguồn tài chính thích hợp thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể khơi dậy sự quan tâm và phát huy được sáng kiến của người dân địa phương.
Để bảo đảm chính quyền địa phương có quyền tự chủ trong việc thu và chi ngân sách, độc lập với chính quyền trung ương, cần cho phép chính quyền địa phương thu thuế địa phương để ngân sách địa phương có thể độc lập với ngân sách trung ương, có thể trao cho địa phương quyền tự chủ cao hơn trong quyết định và quản lý nguồn thu, bao gồm quyền thay đổi thuế suất một số
sắc thuế. Và cần tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các khoản thu phí, lệ phí gắn với chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó cần tăng tỷ lệ để lại cho địa phương một số sắc thuế được huy động từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khuyến khích tăng cường công tác quản lý cũng như khai thác ngày càng cao hơn về nguồn thu đảm bảo tính ổn định và bền vững về nguồn thu cho địa phương.