CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC
1.2 Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
Theo Giáo trình Quản lý dự án đầu tư của PGS.TS. Trịnh Quốc Thắng Quản lý dự án được định nghĩa như sau: “Quản lý dự án là điều khiển một kế hoạch đã đạt được hoạch định trước và những phát sinh xảy ra, trong một hệ thống bị ràng buộc bởi các yêu cầu về pháp luật, về tổ chức, về con người, về tài nguyên nhằm đạt được các mục tiêu đã định ra về chất lượng, thời gian, giá thành, an toàn lao động và môi trường” [2].
Theo Giáo trình Quản lý dự án đầu tư của TS. Từ Quang Phương: Quản lý dự án là quá trình lập kế hoạch, điều phối thời gian, nguồn lực và giám sát quá trình triển khai của dự án nhằm đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách được duyệt và đạt được các yêu cầu đã định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ bằng phương pháp và điều kiện tốt nhất cho phép [6].
Các định nghĩa về quản lý dự án tuy có khác nhau, theo Bài giảng Quản lý dự án của PGS.TS. Nguyễn Bá Uân: Quản lý dự án có những yếu tố chung như sau “thứ nhất, muốn quản lý được dự án cần phải có một chương trình, một kế hoạch được định trước; thứ hai, phải có các công cụ, các phương tiện để kiểm soát và quản lý; thứ ba, phải có quy định các luật lệ cho quản lý; thứ tư, con người, bao gồm các tổ chức và cá nhân có đủ năng lực để vận hành bộ máy quản lý” [7].
Quản lý dự án là tác động quản lý của chủ thể quản lý thông qua quá trình lập kế hoạch, điều phối thời gian, nguồn lực và giám sát quá trình phát triển của dự án nhằm
đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách được duyệt và đạt được các yêu cầu đã định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm dịch vụ, bằng những phương pháp và điều kiện tốt nhất cho phép. Nói cách khác quản lý dự án là hoạt động quản trị quá trình hình thành, triển khai và kết thúc dự án, trong một môi trường hoạt động nhất định, với không gian và thời gian xác định.
Trên quan điểm quản trị học, Quản lý dự án đầu tư xây dựng có thể được định nghĩa như sau:
Quản lý dự án đầu tư xây dựng là sự tác động của chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan khác đến quá trình lập dự án đầu tư xây dựng và thực hiện dự án đầu tư xây dựng bằng ủy nhiệm hoặc ký kết hợp đổng với các đơn vị thực hiện thông qua sử dụng các công cụ và kỹ thuật quản lý và mô hình tổ chức mềm dẻo, linh hoạt để dự án được thực hiện trong những ràng buộc về chi phí, thời gian và các nguồn lực.
Từ những khái niệm trên, theo tác giả luận văn có thể xem quản lý dự án đầu tư xây dựng bao gồm những công việc sau:
• Định ra mục tiêu của dự án.
• Xác định các nguồn lực cần huy động (nguyên liệu, nhân lực, thông tin,...).
• Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra, đề xuất các biện pháp theo dõi và xử lý.
• Động viên nhân lực tham gia và phối kết hợp các hoạt động của họ.
• Theo dõi dự án, thông báo cho ban chỉ đạo dự án thông tin về tiến trình thực hiện dự án và tất cả những gì có thể dẫn tới sự thay đổi mục tiêu hoặc chương trình dự án.
Quản lý dự án bao gồm ba giai đoạn chủ yếu. Đó là việc lập kế hoạch, điều phối thực hiện mà nội dung chủ yếu là quản lý tiến độ thời gian, chi phí và thực hiện giám sát các công việc dự án nhằm đạt được những mục tiêu xác định trong đó:
• Lập kế hoạch là giai đoạn xây dựng mục tiêu, xác định công việc, dự tính nguồn lực cần thiết để thực hiện dự án và là quá trình phát triển một kế hoạch hành động thống nhất, theo trình tự logic, có thể biểu diễn dưới dạng các sơ đồ hệ thống hoặc theo các phương pháp lập kế hoạch truyền thống.
• Điều phối thực hiện dự án đây là quá trình phân phối nguồn lực bao gồm tiền vốn, lao động, thiết bị và đặc biệt quan trọng là điều phối và quản lý tiến độ thời gian. Giai đoạn này chi tiết hóa thời gian, lập trình cho từng công việc và toàn bộ dự án (khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc), trên cơ sở đó, bố trí tiền vốn, nhân lực và thiết bị phù hợp.
• Giám sát là quá trình theo dõi kiểm tra tiến trình dự án, phân tích tình hình thực hiện, báo cáo hiện trạng và đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với hoạt động giám sát, công tác đánh giá dự án giữa kỳ cũng được thực hiện nhằm tổng kết rút kinh nghiệm, kiến nghị các pha sau của dự án.
• Các giai đoạn của quá trình quản lý dự án hình thành một chu trình năng động từ việc lập kế hoạch đến điều phối thực hiện và giám sát, sau đó phản hồi cho việc tái lập kế hoạch dự án như trình bày trong Hình 1.2.
Hình 1.2 Chu trình quản lý dự án
1.2.2 Các nguyên tắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
Dự án đầu tư xây dựng được quản lý thực hiện theo kế hoạch, chủ trương đầu tư, đáp ứng các yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng quy định tại Luật Xây dựng và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quản quản lý nhà nước, của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án.
Quản lý thực hiện dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng:
• Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ, toàn diện theo đúng trình tự để đảm bảo mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án.
• Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách thì nhà nước quản lý về chủ trương và quy mô đầu tư còn doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện dự án và quản lý dự án.
• Đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP có cấu phần xây dựng được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của của pháp luật có liên quan.
• Đối với các dự án sử dụng vốn khác, chủ đầu tư sẽ tự quyết định hình thức và nội dung quản lý dự án.
Quản lý đối với các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án theo các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng.
1.2.3 Mục tiêu và yêu cầu quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước
1.2.3.1 Mục tiêu quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước
Mục tiêu cơ bản của dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước là hoàn thành các công việc của dự án theo đúng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng, trong phạm vi ngân sách được duyệt và theo đúng tiến độ thời gian cho phép.
Ba yếu tố thời gian, chi phí và chất lượng là những mục tiêu cơ bản, giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy mối quan hệ giữa chúng có thể khác nhau giữa các dự án, giữa các thời kỳ của một dự án, nhưng để đạt được đồng thời cả 3 mục tiêu là nhiệm vụ bất khả thi. Do đó, trong quá trình quản lý, các nhà quản lý dự án phải cân nhắc và lựa chọn phương án tối ưu nhất và chọn ra được mục tiêu ưu tiên tại từng thời điểm hoặc giai đoạn của dự án.
1.2.3.2 Yêu cầu quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước
• Yêu cầu chung
Tính khoa học và hệ thống: Để đảm bảo yêu cầu này đòi hỏi các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải được lập và quản lý trên cơ sở nghiên cứu kỹ, chính xác các nội dung của dự án (sự cần thiết, các điều kiện tự nhiên xã hội, các phương án thực hiện và giải pháp thiết kế...) dựa trên sự khảo sát tỉ mỉ với các số liệu đầy đủ và chính xác. Đồng thời dự án đầu tư phải phù hợp với các dự án khác, phù hợp với quy hoạch.
Tính pháp lý: Các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải được xây dựng và quản lý trên cơ sở pháp lý vững chắc, tức là phải tuân thủ các chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Tính đồng nhất: Phải tuân thủ các quy định và thủ tục đầu tư của các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế.
Tính hiện thực: Phải đảm bảo tính khả thi dựa trên sự phân tích đúng đắn các môi trường liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.
• Yêu cầu cụ thể
Đầu tư phải thực hiện theo chương trình, dự án, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, chống dàn trải, lãng phí.
Phương thức quản lý đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải phù hợp, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước.
Quy trình thủ tục thực hiện đầu tư phải tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư.
Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, có chế tài cụ thể trong từng khâu của quá trình đầu tư.