CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
3.2 Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom
3.2.1 Một số nguyên tắc nâng cao năng lực quản lý dự án
3.2.1.1 Định hướng hoạt động đầu tư của công ty
Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình xã hội hóa nước sạch nông thôn sẽ được đẩy nhanh hơn với sự hình thành, phát triển và đầu tư xây dựng các công trình cấp nước phục vụ người dân nông thôn dự kiến tiếp tục tăng. Trong giai đoạn tiếp theo, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom sẽ tập trung thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom kết hợp với những định hướng phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian tới, định hướng phát triển như sau:
Tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực quản lý dự án.
Tiếp tục tăng cường hoạt động đầu tư dự án xây dựng mới các công trình cấp nước sạch theo hình thức đối tác công tư.
Tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ.
Củng cố bộ máy quản lý xây dựng ngày một vững mạnh, tổ chức thực hiện thi công đạt chất lượng và tiến độ các dự án nhằm nâng cao hơn nữa uy tín cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom.
Chú trọng lựa chọn các nhà thầu tư vấn có đủ năng lực, uy tín, kể cả tư vấn nước ngoài để có thể nâng cao được giá trị và hiệu quả của dự án.
3.2.1.2 Nguyên tắc nâng cao năng lực quản lý dự án
Để nâng cao chất lượng quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom, cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc. Các nguyên tắc này là cơ sở quan trọng trong định hướng cho quá trình thực hiện những đổi mới và hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước.
Một số nguyên tắc đó là:
• Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải tuân thủ những quy định của Pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp:
Dự án đầu tư được hình thành và thực hiện phải tuân thủ những quy định của Pháp luật. Hồ sơ dự án phải đảm bảo tính hợp pháp; Hệ thống các tiêu chuẩn, quy phạm, định mức trong lĩnh vực xây dựng là những căn cứ cần thiết để lập và thẩm định dự án.
Cán bộ quản lý dự án tiến hành kiểm tra, xem xét dự án đảm bảo những nội dung thực hiện đúng các quy định của pháp luật như phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, chất lượng, hiệu quả, …
• Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải đảm bảo xem xét, đánh giá toàn diện các nội dung trong từng giai đoạn của dự án:
Dự án đầu tư tiến hành qua 3 giai đoạn: Chuẩn bị dự án – Thực hiện dự án – Kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng. Ba giai đoạn này không tác rời riêng biệt nhau mà có mối liên hệ mật thiết với nhau. Kết quả giai đoạn trước ảnh hưởng đến kết quả giai đoạn sau. Do đó yêu cầu công tác quản lý dự án cần phải được tiến hành phân tích, đánh giá các nội dung của dự án một cách toàn diện cho các giai đoạn.
• Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa:
Mỗi nội dung trong công tác quản lý dự án phải được phân cụ thể cho cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phát huy tính chuyên nghiệp. Luôn chú trọng đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong đó khuyến khích việc tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý dự án.
• Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong tổ chức thực hiện dự án:
Muốn dự án thành công thì Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các bên tham gia dự án như Bộ, Sở chuyên ngành, nhà thầu, Tư vấn, cơ quan cung cấp tài chính, địa phương và các mối quan hệ khác,...
• Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải đảm bảo tính kịp thời, nắm bắt cơ hội đầu tư xây dựng có hiệu quả:
Quan điểm này yêu cầu đối với các vấn đề thời gian đòi hỏi công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng phải kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém trong từng giai đoạn để tiếp tục thực hiện đồng thời phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong điều kiện kinh tế thị trường sự ra đời chậm của dự án sẽ mất đi cơ hội tốt và có thể phát sinh nhiều chi phí không cần thiết như tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, thiết bị, lãi vay,... Ngược lại nếu thời gian quản lý dự án quá ngắn khi đó không đảm bảo chất lượng công trình. Do đó phải có kế hoạch bố trí cho phù hợp.