CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
2.4 Các mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý dự án sau [4]:
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án áp dụng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước.
Thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác và dự án có tính chất đặc thù, đơn lẻ.
Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để quản lý thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ, dự án có sự tham gia của cộng đồng.
2.4.1 Mô hình quản lý theo chức năng
2.4.1.1 Mô hình Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực
Căn cứ theo pháp luật hiện hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực để quản lý một số dự án thuộc cùng chuyên ngành, tuyến công trình hoặc trên cùng một địa bàn. Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực được giao làm chủ đầu tư một số dự án và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tham gia tư vấn quản lý dự án khi cần thiết.
Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật, trực tiếp quản lý đối với những dự án do người quyết định đầu tư giao. Có trách nhiệm bàn giao công trình cho cơ quan, đơn vị quản lý vận hành, khai thác sử dung; trường hợp cần thiết được người quyết định đầu tư giao thì trực tiếp quản lý vận hành, khai thác sử dụng.
Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực được thực hiện tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao, có đủ điều kiện về năng lực thực hiện và được người quyết định thành lập chấp thuận.
2.4.1.2 Mô hình Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng kiểu dự án
Khi dự án vô cùng phức tạp, có thời gian dài và có sự tham dự của một số các tổ chức khác nhau, người ta khuyến cáo nên chỉ định một cá nhân có toàn quyền kiểm soát đối với tất cả các thành phần cần thiết để đạt được các mục tiêu đã được công bố. Ví dụ như khi hãng Rockwell International giành được hợp đồng nhiều triệu đô la để chế tạo các mô đun chỉ huy và mô đun dịch vụ của tàu Appolo và giai đoạn hai của thiết bị khám phá sao thổ, hãng này đã thiết lập hai chương trình riêng biệt tại hai khu vực khác nhau của tổ chức. Mỗi chương trình được một phó chủ tịch vùng lãnh đạo và nó có nhà máy sản xuất và nhân viên thuộc các chuyên ngành của riêng mình. Cách bố trí như vậy đã thực hiện theo ý tưởng của nhóm quản lý tự đảm bảo ở mức độ cao nhất và được xem là tổ chức kiểu dự án
Theo pháp luật hiện hành, Chủ đầu tư quyết định thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng một dự án để trực tiếp quản lý thực hiện dự án quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; dự án có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước.
Ban QLDA đầu tư xây dựng một dự án là tổ chức sự nghiệp kinh tế trực thuộc chủ đầu tư, có tư cách pháp nhân độc lập, thực hiện một số nhiệm vụ quản lý dự án được chủ đầu tư giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về hoạt động quản lý dự án của mình.
2.4.2 Mô hình quản lý dự án theo ma trận
Trong một tổ chức dạng ma trận, giám đốc dự án chịu trách nghiệm đối với việc hoàn thành dự án và thông thường được giao trách nhiệm quản lý ngân sách. Giám đốc dự án về cơ bản lập giao kèo với các cán bộ quản lý chức năng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác cụ thể và điều phối các nỗ lực thực hiện dự án giữa các bộ phận chức năng. Các cán bộ quản lý chức năng giao nhiệm vụ cho các nhân viên và điều phối công tác trong phạm vi các lĩnh vực hoạt động của bộ phận mình. Cách bố trí này được thể hiện dưới dạng giản đồ trong Hình 2.2.
Mô hình này kết hợp giữa mô hình QLDA theo chức năng và mô hình quản lý chuyên trách dự án.
Ưu điểm của mô hình quản lý:
• Mô hình này giao quyền cho Chủ nhiệm dự án quản lý, thực hiện dự án đúng tiến độ, trong phạm vi kinh phí được duyệt.
• Các tài năng chuyên môn được phân phối hợp lý cho các dự án khác nhau.
• Có sự phân công lao động cũng như trách nhiệm của các thành viên trong dự án rõ ràng cụ thể, nên khả năng các mục tiêu của dự án thực hiện rất cao.
• Tạo điều kiện phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn trước yêu cầu của khách hàng và những thay đổi của thị trường.
Nhược điểm của mô hình quản lý:
• Quyền lực và lực lượng giữa trưởng dự án và lãnh đạo bộ phận chức năng không cân đối sẽ gây ra vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dự án.
Khi gặp vấn đề nào đó phải triệu tập nhiều lãnh đạo, nhân viên từ các bộ phận, gây lãng phí thời gian và sức lực.
Hình 2.2 Một phần của mô hình quản lý dự án theo ma trận 2.4.2.1 Mô hình Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án
Căn cứ theo pháp luật hiện hành, là hình thức chủ đầu tư ký kết hợp đồng tư vấn quản lý dự án đối với tổ chức, các nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của luật này để thực hiện một, một số hoặc toàn bộ công việc quản lý dự án.
Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát công việc tư vấn quản lý dự án và được ủy quyền cho tư vấn thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án theo hợp đồng quản lý dự án.
Chủ đầu tư cử cán bộ phụ trách, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc bộ máy của mình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư và quản lý việc thực hiện hợp đồng ký với tư vấn quản lý dự án. Tư vấn quản lý dự án phải có đủ năng lực phù hợp với công việc đảm nhận và là một pháp nhân kinh tế có đủ năng lực ký kết hợp đồng. Tư vấn quản lý dự án thực hiện các nội dung quản lý thực hiện dự án theo hợp đồng ký với chủ đầu tư. Tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm tổ chức bộ máy và cử người phụ trách để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Tư vấn quản lý dự án được thuê thêm tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện một số phần việc quản lý thực hiện dự án khi được chủ đầu tư chấp thuận.
Hình thức này áp dụng khi chủ đầu tư không có năng lực quản lý dự án theo pháp luật mà phải ký hợp đổng thuê tổ chức tư vấn chuyên nghiệp làm công tác quản lý dự án.
Hình thức chủ đầu tư thuê tư vấn quản lý dự án có ưu điểm:
• Tính chuyên nghiệp trong quản lý dự án cao, kinh nghiêm quản lý được đúc kết qua nhiều dự án, trang thiết bị dùng trong quản lý đầy đủ và được khai thác, sử dụng ở mức tối đa.
• Chủ đầu tư và tổ chức tư vấn chỉ ràng buộc qua hợp đồng kinh tế nên tính độc lập cao.
• Góp phần mở rộng khả năng giám sát xã hội trong thực hiện dự án.
Hạn chế:
• Kinh phí cho hoạt động quản lý dự án phải chi trả nhiều.
• Ít có khả năng giải quyết nhanh những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
2.4.2.2 Mô hình Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để thực hiện quản lý dự án
Chủ đầu tư không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy hiện có của mình để trực tiếp tổ chức quản lý dự án. Mô hình này được áp dụng đối với dự án quy mô nhỏ (theo quy định hiện hành là loại dự án có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng), khi bộ máy của chủ đầu tư kiêm nhiệm được việc quản lý dự án. Chủ đầu tư sử dụng pháp nhân của mình để trực tiếp quản lý thực hiện dự án. Chủ đầu tư phải có quyết định cử người tham gia quản lý dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó phải có người trực tiếp phụ trách công việc quản lý dự án. Những người được cử tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.
Hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án có ưu điểm:
• Chủ đầu tư trực tiếp quản lý công việc của dự án, do đó có thể cho phép giải quyết nhanh những vướng mắc trong quá trình thực hiện mà không cần phải thông qua tổ chức khác.
• Chi phí chi trả cho hoạt động quản lý dự án không lớn.
Nhược điểm của hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án:
• Tính chuyên nghiệp trong quản lý dự án không cao.
• Trang thiết bị cho hoạt động quản lý dự án bị hạn chế.
• Vai trò giám sát trong quản lý dự án không được mở rộng bằng các hình thức khác.